Hội nhập EVFTA: 4 vấn đề pháp lý lớn doanh nghiệp cần lưu ý để hạn chế thiệt hại khi xảy ra tranh chấp thương mại

Hiệp định EVFTA đã chính thức có hiệu lực vào ngày 01/8/2020. Tham gia vào sân chơi lớn sẽ mở ra nhiều cơ hội cho Doanh nghiệp Việt, song DN cũng sẽ đối mặt với những vấn đề tranh chấp thương mại (TCTM) có thể xảy ra. Làm gì và làm như thế nào để giúp các

Hiệp định EVFTA đã chính thức có hiệu lực vào ngày 01/8/2020. Tham gia vào sân chơi lớn sẽ mở ra nhiều cơ hội cho Doanh nghiệp Việt, song DN cũng sẽ đối mặt với những vấn đề tranh chấp thương mại (TCTM) có thể xảy ra. Làm gì và làm như thế nào để giúp các DN Việt hạn chế và giảm thiệt hại khi xảy ra TCTM là việc cần quan tâm ngay từ bây giờ.

Bài viết dưới đây, Phóng viên cùng Chuyên gia phân tích làm rõ 4 vấn đề pháp lý lớn doanh nghiệp cần lưu ý để hạn chế thiệt hại khi xảy ra tranh chấp thương mại.

Đảm bảo quy tắc xuất xứ của EVFTA

Để được hưởng mức ưu đãi xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới 99,2% số dòng thuế mà Hiệp định EVFTA hướng tới, hàng xuất khẩu sang EU cần thoả mãn quy tắc xuất xứ. Đây là một trở ngại không nhỏ đối với hàng xuất khẩu Việt Nam, do nguồn nguyên liệu cho các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam hiện nay chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc và ASEAN.

Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung tác động, làm cho giá nguyên liệu rẻ hơn và đây là lợi thế để Việt Nam có thể giảm giá thành sản phẩm và nâng cao khả năng cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam thời gian qua là khá lớn, song DN Việt Nam lại phải nhập khẩu rất nhiều nguyên liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất và gia công hàng xuất khẩu.

Trong khi đó, sự chệch hướng thương mại của Mỹ với Trung Quốc có thể làm thay đổi cán cân thương mại của nước thứ ba nếu các bên muốn tìm một đường vòng để đi vào sân nhà của đối thủ. Việt Nam có thể sẽ bị xếp chung vào một nhóm với Trung Quốc và gặp phải nhiều khó khăn hơn trong việc cải thiện quy mô và chất lượng xuất khẩu của mình.

DOC hoài nghi, các nhà sản xuất của Việt Nam nhập khẩu nguyên liệu thép cán phẳng không gỉ từ Trung Quốc, gia công hoàn thiện tại Việt Nam, sau đó xuất khẩu sang Mỹ

Một khi bị Mỹ áp thuế, không loại trừ khả năng Trung Quốc sẽ có những chính sách phá giá, đẩy hàng hóa sang các nước xung quanh, trong đó có Việt Nam, để giảm phụ thuộc vào Mỹ và duy trì năng suất. Điều này có thể sẽ khiến cho cán cân thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc quay lại xu hướng gia tăng, sau khi chúng ta đã đạt được mục tiêu dần tiến tới cân bằng cán cân thương mại với nước này. Vấn đề truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hóa là nguyên nhân dẫn tới xung đột thương mại có thể dấy lên giữa Việt Nam, Mỹ và Trung Quốc. Trên thực tế, các mặt hàng xuất khẩu lớn của Việt Nam sang Mỹ như các sản phẩm may mặc, da và giày dép, thiết bị điện tử và điện quang, sản phẩm hóa chất và khoáng sản phi kim loại, máy móc và thiết bị; gỗ, giấy, sản phẩm từ giấy, in ấn và xuất bản… có thành phần xuất xứ từ Trung Quốc và các nước ASEAN. Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu nho, đậu nành, yến mạch Mỹ rồi xuất khẩu sang Trung Quốc. Tuy nhiên do “chiến tranh thương mại” giữa 2 cường quốc xảy ra, thì những hoạt động trên sẽ bị cả Trung Quốc và Mỹ giám sát chặt chẽ và sử dụng hàng rào thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu “quá cảnh” Việt Nam.

Theo Cục Phòng vệ thương mại, tính đến nay, Bộ Công thương đã tiếp nhận và xử lý 176 vụ việc nước ngoài khởi xướng điều tra, áp dụng biện pháp PVTM đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, bao gồm 100 vụ việc chống bán phá giá, 18 vụ việc chống trợ cấp, 23 vụ việc chống lẩn tránh thuế, 35 vụ việc tự vệ. Chỉ riêng sáu tháng đầu năm 2020, Bộ đang xử lý 13 vụ việc, đồng thời tiếp nhận xử lý sáu vụ việc tiền khởi xướng. Ngoài ra, Bộ tiếp tục xử lý nhiều vụ việc rà soát biện pháp PVTM đang có hiệu lực thi hành với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Sự kiện ngành gỗ dán Việt Nam và sản phẩm tấm thép không gỉ nhập khẩu từ Việt Nam đang bị DOC điều tra là minh chứng rõ nét về sự mất cân bằng giữa năng lực sản xuất với kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. DOC hoài nghi, các nhà sản xuất của Việt Nam nhập khẩu nguyên liệu gỗ dán và thép cán phẳng không gỉ từ Trung Quốc, gia công hoàn thiện tại Việt Nam, sau đó xuất khẩu sang Mỹ. Theo đó, ngành gỗ dán Việt Nam và ngành thép Việt Nam sẽ vượt qua “cửa ải”, không bị chế tài bởi điều luật về chống lẩn tránh thuế của Hoa Kỳ, nếu chứng minh được các sản phẩm gỗ dán và tấm thép không gỉ không thay đổi nguồn gốc xuất xứ đối với sản phẩm cuối cùng.

2. Chủ động bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ

Ở các nước phát triển, sở hữu trí tuệ (SHTT) được đánh giá là một loại tài sản quan trọng, có giá trị nhất đối với mỗi doanh nghiệp. Trên thực tế nhiều công ty, doanh nghiệp trên thế giới đã rất thành công và trở nên nổi tiếng nhờ khai thác hiệu quả quyền SHTT, như: Coca Cola, Microsoft, IBM…với giá trị thương hiệu – tài sản SHTT lên tới hàng chục tỷ đô la Mỹ. Vì vậy, bảo hộ quyền SHTT ngày càng trở nên quan trọng, trở thành mối quan tâm của nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Mỗi hành động xâm phạm quyền SHTT đều phải được xử lý một cách khắt khe, triệt để, đảm bảo quyền SHTT một cách tối ưu nhất.

Trong khi đó, từ một Báo cáo đặc biệt 301 công bố hồi tháng 5/2019 (một đánh giá thường niên về tình trạng thực thi và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của các quốc gia là đối tác thương mại của Hoa Kỳ) của Văn phòng Bộ thương mại Hoa Kỳ (USTR), Việt Nam là quốc gia năm thứ 4 liên tiếp nằm trong danh sách các quốc gia cần theo dõi (Watch List) về sở hữu trí tuệ. Dựa trên kết quả điều tra và đánh giá, USTR sẽ xếp các quốc gia cần quan tâm về sở hữu trí tuệ theo 2 danh sách: danh sách theo dõi (Watch List) và danh sách ưu tiên theo dõi (Priority Watch List). Vấn đề hạn chế việc thực thi quyền SHTT ở Việt Nam, theo USTR, một phần là do thiếu tài nguyên và chuyên môn về SHTT.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam vừa hoàn tất quy trình cuối cùng trong “sân chơi lớn” EVFTA. Một trong những FTA mà theo Bộ Công thương, có cam kết về sở hữu trí tuệ (SHTT) rất cao và có nhiều quy định khác biệt, thậm chí còn cao hơn trong tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Trong đó, SHTT, chỉ dẫn địa lý là một trong những vấn đề khó đàm phán nhất trong EVFTA và chương SHTT cũng là một trong những chương có dung lượng lớn nhất trong Hiệp định. EVFTA đưa ra các yêu cầu về thực thi SHTT theo hướng nghiêm khắc hơn, trao quyền cao hơn cho chủ thể thực thi và chủ sở hữu quyền. Hiệp định này cũng nâng mức trách nhiệm, biện pháp trừng phạt đối với chủ thể có hành vi vi phạm các quyền SHTT.

“Nước đã đến chân”, thế nhưng từ thực tế cho thấy vấn đề Sở hữu trí tuệ chưa được các DN Việt Nam quan tâm đúng mức, còn rất mơ hồ

“Nước đã đến chân”, thế nhưng từ thực tế cho thấy vấn đề SHTT chưa được các DN Việt Nam quan tâm đúng mức, còn rất mơ hồ về SHTT. Nguyên nhân chính là do các DN trong nước chưa nhận thức được tầm quan trọng của giá trị SHTT. Từ đó đã dẫn tới tự mình tước bỏ quyền định đoạt của mình, thậm chí có nhiều trường hợp bị coi là xâm phạm quyền SHTT khi nhãn hiệu đó đã được bảo hộ cho người khác…

Vì vậy có thể nói SHTT là một trong những vấn đề đặc biệt quan trọng ảnh hưởng tới sự tồn tại và phát triển của DN, nhất là trong thời đại khoa học và công nghệ phát triển như vũ bão. Hơn lúc nào hết, các DN Việt Nam cần đề cao năng lực tự bảo vệ mình, bằng cách kiểm soát, liệu có đối thủ cạnh tranh đăng ký quyền tương tự ngay từ đầu để phản đối, khiếu nại, đặc biệt là cần chủ động đăng ký quyền SHTT với cơ quan có chức năng.

Các DN cần phải thấy rằng, cam kết về mức độ bảo hộ và thực thi quyền SHTT trong EVFTA là góp phần bảo đảm cho DN của hai bên được hưởng sự bảo hộ cao nhất nhưng vẫn đảm bảo độ linh hoạt nhất định để một quốc gia đang phát triển như Việt Nam có thể hưởng lợi từ bảo hộ SHTT. Điều này tạo ra môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của DN hai bên.

3. Cẩn trọng khi ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế

Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (MBHHQT) là kết quả của một quá trình đàm phán, thương lượng giữa các bên để đạt được sự nhất trí trong giao thương quốc tế. Tuy nhiên, việc ký kết hợp đồng đôi khi cũng gặp nhiều rắc rối do hệ thống pháp luật khác nhau và bất đồng trong ngôn ngữ, văn hóa kinh doanh.

Các chuyên gia khuyến cáo, các bên cần lưu ý trước tiên là lựa chọn luật điều chỉnh hợp đồng (hay còn gọi là luật áp dụng cho hợp đồng). Vì hợp đồng MBHHQT, dù được giao kết hoàn chỉnh, chi tiết đến đâu, bản thân nó cũng không thể dự kiến, chứa đựng tất cả những vấn đề, những tình huống có thể phát sinh trong thực tế. Do đó, cần phải bổ sung cho hợp đồng MBHHQT một cơ sở pháp lý cụ thể bằng cách lựa chọn luật áp dụng cho hợp đồng đó.

Để chọn được luật áp dụng phù hợp, cần phải nắm được một số nguyên tắc. Nếu lựa chọn luật quốc gia, có hai cách quy định. Cách thứ nhất là các bên quy định về luật áp dụng ngay từ giai đoạn đàm phán, ký kết hợp đồng, bằng cách chỉ rõ trong hợp đồng rằng luật của một nước nào đó sẽ được áp dụng cho hợp đồng. Trường hợp này gọi là các bên đã quy định trong hợp đồng điều khoản luật áp dụng cho hợp đồng. Khi tranh chấp phát sinh, các bên và tòa án có thể dựa vào luật Việt Nam hoặc luật nước người bán để giải quyết.

Cách thứ hai là các bên thoả thuận lựa chọn luật quốc gia là luật áp dụng cho hợp đồng sau khi ký kết hợp đồng, thậm chí khi tranh chấp phát sinh. Cách này được các bên áp dụng khi trong hợp đồng MBHHQT mà các bên đã ký trước đó không có điều khoản về luật áp dụng. Trong thực tế, cách này là rất khó áp dụng vì các bên khó có thể đạt được một sự nhất trí về việc chọn luật áp dụng khi mà tranh chấp đã phát sinh: Người bán thì chỉ muốn áp dụng luật của nước nào bảo vệ được quyền lợi cho mình trong khi đó người mua cũng chỉ muốn áp dụng luật của nước bảo vệ được quyền lợi cho mình. Trong trường hợp này, hai bên chỉ đạt được sự thống nhất khi luật được lựa chọn là luật không nghiêng quá về bảo vệ quyền lợi cho bên nào. Công ước Viên năm 1980 là giải pháp tối ưu cho các bên trong trường hợp này.

Lời khuyên cho các DN Việt Nam là mọi hợp đồng mua bán ký với các đối tác nước ngoài phải được lập bằng văn bản. Ký bằng văn bản sẽ giúp các bên có được bằng chứng đầy đủ khi phải ra tranh tụng trong trường hợp có tranh chấp phát sinh. Ký bằng văn bản sẽ tạo điều kiện cho sự kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng có hiệu quả hơn…

4. Lựa chọn phương thức giải quyết TCTM?

Tranh chấp thương mại (TCTM) là tranh chấp phát sinh xuất phát từ việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng hợp đồng hay nghĩa vụ của các bên trong hoạt động thương mại. Trước xu thế toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, các TCTM quốc tế nảy sinh là vấn đề tất yếu và chủ yếu xoay quanh ba nội dung chính hiện nay là các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ.

Ngày 17/6/2020, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức hội thảo “Hành trình 10 năm Luật Trọng tài thương mại: Cơ hội và thách thức”

Theo quy định tại Điều 317 Luật Thương mại 2005, có 04 phương thức giải quyết tranh chấp phổ biến, bao gồm: thương lượng; hòa giải thương mại; giải quyết tại tòa án hoặc trọng tài. Thương lượng là phương pháp đầu tiên và hữu hiệu khi phát sinh tranh chấp. Trên thực tiễn, phần lớn các tranh chấp đều được các thương nhân ưu tiên áp dụng bởi có thể tiết kiệm được thời gian, công sức và kinh phí, đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong quan hệ thương mại. Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp biện pháp thương lượng đều được áp dụng triệt để, vì vậy ba phương pháp còn lại luôn được hướng đến để giải quyết tranh chấp.

Báo cáo khảo sát của trường luật Queen Mary, Đại học London kết hợp với các hãng luật uy tín thực hiện trong những năm gần đây đều cho thấy xu hướng mạnh mẽ với hơn 90% DN lựa chọn trọng tài thương mại như là phương thức giải quyết tranh chấp tối ưu. Hai ưu điểm quan trọng nhất của phương thức trọng tài là tính trung lập và khả năng thi hành của phán quyết trọng tài. Các bên trong hợp đồng có yếu tố quốc tế thường đến từ các quốc gia khác nhau và do đó, tòa án quốc gia của một bên thường sẽ được coi là “tòa án nước ngoài” đối với bên còn lại. Việc phải lựa chọn tòa án quốc gia của một bên thường sẽ khiến bên còn lại có “cảm giác bất lợi”, quá trình tố tụng tốn kém thời gian và tiền bạc…

Phán quyết trọng tài có giá trị ràng buộc về mặt pháp lý và là phán quyết cuối cùng – tương đương với bản án có hiệu lực của tòa. Theo đó, phán quyết trọng tài được công nhận hiệu lực và có giá trị thi hành ngay lập tức trong phạm vi quốc gia và thế giới. Trong khi đó, một bản án của Tòa án quốc gia nếu muốn được công nhận và thi hành ở nước ngoài cần phụ thuộc vào các điều ước quốc tế cụ thể ký kết giữa quốc gia đó và quốc gia nơi bản án muốn thi hành. Vì vậy có thể nói, hoạt động trọng tài thương mại vừa giảm áp lực cho tòa án, tiết kiệm thời gian và chi phí giải quyết tranh chấp.

Tại Việt Nam, chính sách nhất quán của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh và trọng tài thương mại liên tục được đề cập trong chuỗi các Nghị quyết số 01 và 02 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh. Theo đó, từ chỗ chỉ có 7 trung tâm trọng tài thương mại trên cả nước, đến nay đã có 30 trung tâm trọng tài và 1 văn phòng đại diện của trung tâm trọng tài nước ngoài. Từ chỗ quá lạ lẫm đến nay giải quyết tranh chấp bằng trọng tài đã trở thành phương thức được phần lớn doanh nghiệp chọn lựa. Số vụ tranh chấp tại trọng tài cũng có sự gia tăng đáng kể. Chỉ tính riêng số vụ tranh chấp đưa ra giải quyết tại VIAC là 274 vụ trong năm 2019, tăng gấp 4-5 lần so với năm 2010.

Lời kết

Như vậy để chủ động ứng phó và giảm thiểu rủi ro sau khi EVFTA có hiệu lực, trong bối cảnh xung đột thương mại quốc tế gia tăng, tiềm ẩn nhiều thách thức, các DN trong nước cần chủ động tìm hiểu, trang bị kiến thức, hiểu biết các quy định pháp luật về PVTM của các thị trường xuất khẩu cũng như các biện pháp, công cụ để kiện và chống kiện phòng vệ khi có tranh chấp xảy ra. Tìm hiểu, nắm vững các cam kết trong Hiệp định EVFTA, kể cả các quy định về PVTM để có thể chuẩn bị, khai thác các lợi ích mà Hiệp định đem lại, đồng thời bảo vệ lợi ích chính đáng của mình. Kiên quyết nói không với tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ.

Vũ Lê Minh 

  • Tags: