Hội thảo khoa học "Phát triển nhân lực hành chính nhà nước"

PLQL - Sáng ngày 05/8/2020, tại Trụ sở Bộ, Bộ Nội vụ tổ chức Hội thảo khoa học "Phát triển nhân lực hành chính nhà nước". TS. Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ chủ trì Hội thảo.

PLQL - Sáng ngày 05/8/2020, tại Trụ sở Bộ, Bộ Nội vụ tổ chức Hội thảo khoa học "Phát triển nhân lực hành chính nhà nước". TS. Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ chủ trì Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có các nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ: TS Thang Văn Phúc, TS Nguyễn Ngọc Hiến, PGS.TS Văn Tất Thu; các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đến từ các bộ, ban, ngành Trung ương, các cơ quan nghiên cứu khoa học; đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Nội vụ; tập thể công chức, viên chức, người lao động Tạp chí Tổ chức nhà nước (Bộ Nội vụ).

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn phát biểu khai mạc Hội thảo 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ nhận định, trước sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam đã và đang đón nhận nhiều thời cơ; đồng thời cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình đó tác động mạnh mẽ, toàn diện, sâu sắc đến mọi lĩnh vực, ngành nghề, trong đó có đội ngũ nhân lực hành chính nhà nước. Để có đội ngũ nhân lực hành chính nhà nước có phẩm chất, năng lực, số lượng, chất lượng và cơ cấu phù hợp, đáp ứng nhiệm vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc, đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trở thành nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, ngày càng phồn vinh và hạnh phúc thì cần phải có những giải pháp mang tính đồng bộ, tổng thể để nâng cao hơn nữa chất lượng nhân lực hành chính nhà nước.

Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cho biết, là cơ quan tham mưu của Đảng và Nhà nước, chủ trì giúp Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về cán bộ, công chức, viên chức nhà nước nói chung và nhân lực hành chính nhà nước nói riêng, Bộ Nội vụ cần nghiên cứu, đề xuất những giải pháp mang tính chiến lược và đột phá để thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng thành hệ thống thể chế hành chính tốt và đội ngũ nhân lực hành chính nhà nước đủ phẩm chất, năng lực, số lượng, chất lượng và cơ cấu phù hợp, đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trở thành nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, ngày càng phồn vinh và hạnh phúc. Đó là một trong những lý do Bộ Nội vụ tổ chức Hội thảo khoa học này. Các tham luận và ý kiến phát biểu tại Hội thảo cũng sẽ góp phần cung cấp thêm luận cứ khoa học để tiếp tục hoàn thiện dự thảo các văn kiện trình Đại hội Đảng bộ Bộ Nội vụ nhiệm kỳ 2020 - 2025, cũng như việc tham gia ý kiến các nội dung liên quan trong dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Thứ trưởng Trần Anh Tuấn đề nghị các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý tập trung thảo luận, trao đổi, chia sẻ ý kiến về các chủ đề chính như: 1) những quan điểm, định hướng và giải pháp đổi mới và nâng cao nhận thức về vai trò của nhân lực hành chính nhà nước đối với sự phát triển bền vững đất nước; 2) những giải pháp tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về phát triển nhân lực hành chính nhà nước; 3) cần phải làm gì để tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức nhà nước để đáp ứng yêu cầu phát triển nhân lực hành chính nhà nước; 4) cần có các yêu cầu và điều kiện gì để đảm bảo phát triển nhân lực hành chính nhà nước có hiệu quả; 5) các bài học kinh nghiệm của quốc tế về phát triển nhân lực công và giải pháp đẩy mạnh hợp tác quốc tế thời gian tới nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển nhân lực hành chính nhà nước.

Theo PGS.TS Văn Tất Thu, để phát triển nhân lực hành chính nhà nước, đầu tiên phải xây dựng chiến lược, quy hoạch. Đây là giải pháp quan trọng hàng đầu trong chính sách phát triển nhân lực hành chính nhằm chủ động tạo nguồn, có tầm nhìn xa, đáp ứng cả nhiệm vụ trước mắt và lâu dài. Đồng thời, là căn cứ để tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng. Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển nhân lực hành chính phải xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ cải cách hành chính, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và mở cửa hội nhập quốc tế.Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Văn Tất Thu, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, nhân lực hành chính là lực lượng nòng cốt của nền hành chính nhà nước, là bộ phận cấu thành nguồn nhân lực quốc gia. Họ là những người lao động có nghề nghiệp đặc biệt, lao động thực thi quyền lực nhà nước, làm công ăn lương trong bộ máy hành chính nhà nước, là lực lượng quan trọng đảm bảo chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của nền công vụ. Vì vậy, để có nguồn nhân lực hành chính đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra hiện nay cần phải có chính sách đủ mạnh để phát triển nguồn nhân lực hành chính; chính sách phát triển nhân lực hành chính là quan điểm, quyết sách, quyết định chính trị của Nhà nước về phát triển nhân lực hành chính với mục tiêu, giải pháp cụ thể nhằm xây dựng và phát triển nhân lực hành chính có cơ cấu, số lượng, chất lượng hợp lý, có đủ trình độ, năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Theo TS Nguyễn Đình Quyền, để đảm bảo phát triển nhân lực hành chính nhà nước cần tập trung một số nội dung sau: thứ nhất, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động thực thi công vụ, tập trung chủ yếu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, quản lý nhà nước. Để bảo đảm kỷ luật, kỷ cương công vụ cần phải được thực hiện ở tất cả các khâu của nền hành chính quốc gia, hoạt động hành pháp, bắt đầu từ việc thi cử, tuyển chọn, tổ chức tuyển chọn, đào tạo, phân công cho đến thực hiện nhiệm vụ, công vụ, đánh giá cán bộ, lấy phiếu tín nhiệm, điều động, bổ nhiệm, khen thường, kỷ luật... việc duy trì kỷ luật, kỷ cương phải được thực hiện ngay từ đầu của quá trình thực thi công vụ thì mới chọn được đúng người, đúng việc, đúng vị trí, đúng trình độ, năng lực; thứ hai, cần tăng cường kiểm soát quyền lực trong quản lý nhà nước, hoạt động hành pháp; thứ ba, xác định rõ trách nhiệm công vụ của từng vị trí công tác, lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành; thứ tư, xác định rõ tránh nhiệm người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu; thứ năm, làm tốt hoạt động thanh tra thực thi công vụ.

Tại Hội thảo, GS.TS Lê Sỹ Thiệp, Học viện Hành chính Quốc gia đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công chức hành chính nhà nước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong bối cảnh mới: một là, thiết kế định chuẩn chất lượng cho từng công việc được giao; hai là, định tội danh, khung hình phạt tương xứng với sai lầm trong thực thi công vụ; ba là, xã  hội hóa công tác đào tạo, bồi dưỡng về hành chính nhà nước.

Có cùng quan điểm với TS Nguyễn Đình Quyền, PGS.TS Nguyễn Văn Thạo, nguyên Trợ lý Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng cần tăng cường kiểm soát quyền lực trong quản lý nhà nước. Theo đó, cần phải xác định rõ trách nhiệm công vụ của từng vị trí công tác; trách nhiệm người đứng đầu; thực thi thiết chế công khai, minh bạch...

TS Nguyễn Ngọc Hiến, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng cần chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng bởi đây là giải pháp quan trọng, góp phần nâng cao trình động, năng lực hành chính, tạo cho nguồn nhân lực có khả năng chấp nhận và thích ứng những thay đổi thường xuyên của môi trường, trang bị, bổ sung thêm phương pháp làm việc khoa học, các hình thức tư duy mới, khác biệt và sáng tạo. Cần đào tạo, bồi dưỡng trang bị cho nhân lực hành chính các kiến thức, kỹ năng mới và hiện đại của các lĩnh vực khoa học như: quản lý, hành chính, tổ chức và chính sách công.

TS Phạm Lan Dung, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao cho biết, hiện nay Học viện Ngoại giao đào tạo nhân lực hành chính bằng hình thức chia mảng: về kiến thức chuyên môn, về kỹ năng mềm (kỹ năng giao tiếp đa văn hóa, ứng xử công vụ, ứng xử truyền thông trong thời đại số, thuyết trình, đàm phán...). Với cách tiếp cận này sẽ giúp người học nâng cao chất lượng nghiệp vụ theo đúng xu thế hiện nay. TS Phạm Lan Dung cho biết thêm, Học viện Ngoại giao sẵn sàng tham gia cùng Bộ Nội vụ xây dựng chương trình đào tạo năng lực cho cán bộ, công chức lĩnh vực hành chính nhà nước.

Bên cạnh đó, Hội thảo cũng nhận được nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và các đại biểu tham dự. Các ý kiến tham luận đã cung cấp nhiều luận điểm để làm rõ, sâu sắc thêm một số vấn đề lý luận và thực tiễn về giải pháp để phát triển nhân lực hành chính nhà nước trong bối cảnh hiện nay.

Phát biểu kết luận Hội thảo, TS Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ trân trọng cảm ơn và ghi nhận những ý kiến quý báu của các đại biểu đã làm rõ thêm những vấn đề liên quan đến chủ đề Hội thảo. Ý kiến đóng góp của các đại biểu sẽ giúp Bộ Nội vụ củng cố thêm các luận cứ khoa học cho việc tham mưu giúp Đảng và Nhà nước về công tác phát triển nhân lực hành chính nhà nước, qua đó giúp Bộ Nội vụ hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao./.

Mạnh Quân

  • Tags: