Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tư pháp

Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp là một bộ phận quan trọng trong chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta thời kỳ đổi mới. 

Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp là một bộ phận quan trọng trong chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta thời kỳ đổi mới. 

Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 02-6-2005 của Bộ Chính trị “về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” xác định tăng cường hợp tác quốc tế về tư pháp là một trong tám nhiệm vụ cải cách tư pháp. Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 09-12-2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng xác định các nguyên tắc, định hướng, nhiệm vụ và giải pháp trong hợp tác với nước ngoài về pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp. Với tinh thần đổi mới, chủ trương tăng cường hợp tác quốc tế về tư pháp đã được các ngành, các cấp triển khai kịp thời, đúng định hướng của Đảng và thu được những kết quả khả quan. Cơ sở pháp lý để thực hiện có hiệu quả các điều ước quốc tế được hoàn thiện với việc Nhà nước ban hành Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005, Pháp lệnh ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế năm 2007, Luật Tương trợ tư pháp năm 2007, Luật Điều ước quốc tế năm 2016 và nhiều văn bản pháp luật liên quan khác. Nhà nước ta cũng đã ký hơn 40 Hiệp định tương trợ tư pháp song phương, tham gia hàng chục Điều ước quốc tế đa phương về tương trợ tư pháp. Nội dung, hình thức hợp tác ngày càng đa dạng, đối tác ngày càng mở rộng. Các hình thức hợp tác quốc tế đặc trưng thường được sử dụng là ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế, các chương trình, dự án hợp tác với nước ngoài về tư pháp; tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm khoa học, tập huấn chuyên sâu về tư pháp và pháp luật có sự tham gia của cơ quan, tổ chức nước ngoài; trao đổi các đoàn khảo sát, trao đổi tài liệu để nghiên cứu kinh nghiệm của nhau; cung cấp chuyên gia tư vấn và phối hợp nghiên cứu khoa học về tư pháp; tăng cường phối hợp chung trong hoạt động phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm có yếu tố quốc tế và khủng bố quốc tế... Ngoài ra, các cơ quan tư pháp cũng đã gửi nhiều yêu cầu ủy thác, tương trợ tư pháp của Việt Nam cho nước ngoài và tiếp nhận xử lý nhiều hồ sơ yêu cầu tương trợ tư pháp của một số nước (về hình sự, dân sự, dẫn độ và chuyển giao người bị kết án phạt tù); công nhận cho thi hành tại Việt Nam nhiều bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài và quyết định của trọng tài nước ngoài.

Ngay từ những năm 1960 - 1961, Việt Nam đã có sự hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp về hình sự với các nước xã hội chủ nghĩa - đặc biệt là Liên Xô. Trong ảnh: Đồng chí Hoàng Quốc Việt, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tổng Kiểm sát trưởng Viện kiểm sát tối cao Liên Xô Ru-đen-cô trong chuyến thăm và làm việc của Đoàn cán bộ Tư pháp Việt Nam

Trong khuôn khổ hợp tác với các nước láng giềng, các nước ASEAN, Việt Nam luôn chủ động, tích cực đề xuất sáng kiến về tư pháp như chủ trì triển khai “Sáng kiến về tăng cường tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại giữa các quốc gia thành viên ASEAN”, tổ chức “Hội nghị Tòa án có chung đường biên giới”; tổ chức Hội nghị với các nước ASEAN, Trung Quốc, Lào về tăng cường hợp tác quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh chống tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia…

Đến nay Việt Nam đã có quan hệ về tư pháp và pháp luật với hơn 80 quốc gia và tổ chức quốc tế, là thành viên của nhiều định chế quốc tế như: thành viên Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia; thành viên chính thức của Hiệp hội Công tố viên quốc tế; thành viên của Hội nghị Lahay về tư pháp quốc tế; thành viên của Liên minh công chứng quốc tế, thành viên Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc; thành viên của Hiệp hội Luật sư Châu Á, Thái Bình Dương… Thông qua hợp tác quốc tế, chúng ta đã thu nhận được những thông tin pháp lý và kinh nghiệm cần thiết tham khảo trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp, đào tạo được nhiều cán bộ tư pháp có trình độ nghiệp vụ và ngoại ngữ chuyên sâu về lĩnh vực pháp luật và tư pháp quốc tế. Đồng thời cũng giới thiệu cho cộng đồng quốc tế hiểu rõ hơn về mục đích, phương hướng, nhiệm vụ cải cách tư pháp ở Việt Nam theo đường lối đổi mới của Đảng. Có thể nói, việc mở rộng quan hệ về tư pháp và pháp luật với nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế đã đánh dấu sự hội nhập ngày càng sâu rộng của Việt Nam vào đời sống pháp lý quốc tế, minh chứng cho tinh thần sẵn sàng hợp tác của Việt Nam với các nước, góp phần khẳng định vai trò, vị thế của các cơ quan tư pháp Việt Nam trên trường quốc tế.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là “mở rộng và đưa vào chiều sâu các quan hệ đối ngoại; tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện hiệu quả hội nhập quốc tế trong điều kiện mới, tiếp tục nâng cao vị thế và uy tín của đất nước trên trường quốc tế” (1). Trên cơ sở định hướng đó, cần tiếp tục củng cố và mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế về pháp luật và tư pháp với các tổ chức quốc tế và các quốc gia; tổ chức thực hiện tốt các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia; rà soát, nội luật hoá các nội dung cơ bản của điều ước quốc tế phù hợp với yêu cầu thực tiễn và cam kết của nước ta. Tham gia tích cực các định chế, các hội nghị, diễn đàn tư pháp quốc tế và khu vực; đẩy mạnh việc đàm phán, ký kết hiệp định tương trợ tư pháp với các nước láng giềng, các nước trong khu vực, các nước có quan hệ truyền thống, các nước có đông người Việt Nam sinh sống. Tăng cường hơn nữa sự phối hợp chung trong hoạt động phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm có yếu tố quốc tế và khủng bố quốc tế. Đẩy mạnh việc đào tạo trình độ ngoại ngữ, nghiệp vụ chuyên sâu về tư pháp quốc tế cho đội ngũ cán bộ tư pháp. Thực hiện tốt các nhiệm vụ nêu trên sẽ góp phần thúc đẩy tiến trình cải cách tư pháp ở nước ta trong những năm tới.

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 218-219

PGS.TS. NGUYỄN TẤT VIỄN
Chủ tịch HĐQL Viện Chính sách, Pháp luật và Quản lý
Nguyên Ủy viên Thường trực - Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương

  • Tags: