Huyện Quảng Xương (Thanh Hóa): Bao giờ mới thực hiện Nghị định 35/2015/NĐ-CP của Chính phủ ?

Trong các năm 2018, 2019 UBND huyện Quảng Xương chưa phối hợp với các Chủ đầu tư thực hiện kê khai, nộp số tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa 3.029.815.000đ. Khi thực hiện MBQH khu dân cư, UBND huyện Quảng Xương cũng chưa trích từ tiền sử dụng đất để n

VNHN - Trong các năm 2018, 2019 UBND huyện Quảng Xương chưa phối hợp với các Chủ đầu tư thực hiện kê khai, nộp số tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa 3.029.815.000đ. Khi thực hiện MBQH khu dân cư, UBND huyện Quảng Xương cũng chưa trích từ tiền sử dụng đất để nộp tiền bảo vệ, phát triển đất lúa 6.278.661.000đ.

Đó là một trong những nội dung được nêu rõ tại Kết luận thanh tra số 1513/KL-TTTH của Thanh tra tỉnh Thanh Hoá ngày 10/8/2021 về việc Thanh tra quản lý, sử dụng nguồn kinh phí thực hiện Nghị định số 35/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa trên địa bàn huyện Quảng Xương.

Một trong những nội dung tại kết luận thanh tra như đã được đề cập

Thực hiện Quyết định số 5029/QĐ-UBND ngày 27/11/2019 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc phê duyệt Kế hoạch thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng năm 2020, ngày 3/6/2020, Chánh thanh tra tỉnh Thanh Hoá ban hành Quyết định số 563/QĐ-TTTH về thanh tra quản lý, sử dụng nguồn kinh phí thực hiện Nghị định số 35/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá, trong đó có huyện Quảng Xương.

Qua thanh tra cho thấy: Năm 2018 UBND huyện Quảng Xương đã thực hiện chuyển mục đích sử dụng 627.065,54m2 đất chuyên trồng lúa nước sang đất phi nông nghiệp để thực hiện các MBQH khu dân cư, nhưng chưa nộp số tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa 5.264.076.000đ; năm 2019 UBND huyện Quảng Xương đã chuyển mục đích sử dụng 251.707,76m2 đất chuyên trồng lúa nước sang đất phi nông nghiệp để thực hiện các MBQH khu dân cư nhưng cũng chưa  nộp số tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa 1.412.367.500đ. Tổng số tiền chưa nộp là 9.308.476.000đ (trong đó, các MBQH khu dân cư là 6.278.661.000đ, các dự án khác là 3.029.815.000đ).

Kết luận thanh tra nêu rõ: Trách nhiệm trong việc chậm kê khai, nộp tiền bảo vệ, phát triển đất lúa thuộc về UBND huyện Quảng Xương, UBND các xã, được giao là chủ đầu tư, giao đất để thực hiện dự án; trách nhiệm tham mưu thuộc về phòng TN&MT, phòng TC&KH..

Thanh tra tỉnh Thanh Hoá cũng kiến nghị UBND huyện Quảng Xương tiến hành kiểm điểm trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân có vi phạm trong việc chưa thực hiện đầy đủ việc kê khai, nộp tiền bảo vệ, phát triển đất lúa; phối hợp với Chủ đầu tư tiến hành việc kê khai, nộp số tiền bảo vệ, phát triển đất lúa đã thu hồi để nộp số tiền theo quy định; thực hiện nộp 6.278.661.000đ tiền bảo vệ, phát triển đất lúa chưa kê khai tại các MBQH khu dân cư. Đồng thời cũng kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá chỉ đạo Sở TN&MT, UBND huyện Quảng Xương kiểm điểm trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân có vi phạm trong việc chưa thực hiện đầy đủ kê khai, nộp tiền bảo vệ, phát triển đất lúa; chỉ đạo UBND huyện Quảng Xương thực hiện việc kê khai, nộp số tiền 6.278.661.000đ.

Cần sớm thực hiện việc nộp số tiền trên theo quy định

Sau hơn 3 tháng kể từ ngày có kết luận thanh tra của thanh tra tỉnh Thanh Hoá, huyện Quảng Xương  vẫn chưa thực hiện xong thủ tục đấu mối với Sở TN&MT cùng các đơn vị liên quan để tiến hành nộp số tiền nói trên theo quy định. Ông Chu Đức Khương – Trưởng phòng TN&MT huyện Quảng Xương cho biết: Hiện hồ sơ về việc nộp tiền bảo vệ, phát triển đất lúa, phòng TN&MT đã xin ý kiến Sở TN&MT để điều chỉnh lại theo kết luận thanh tra đã chỉ ra và rằng đây là sự việc tồn đọng từ trước để lại. Trong khi đó, bà Trịnh Thị Nguyên – Trưởng phòng Tài chính Kế hoạch huyện cho biết: Đối với khoản tiền phối hợp với Chủ đầu tư thì việc nộp được hay không là do các Chủ đầu tư của các dự án cấp tỉnh, còn về phần mặt bằng của huyện lý do chưa nộp tiền là do chưa có thông báo của Sở Tài chính, vì theo quy định phòng TN&MT phải làm báo báo lên Sở TN&MT, sau đó Sở TN&MT chuyển số liệu sang Sở Tài chính để Sở Tài chính thống báo ngược về thì mình mới nộp (?). Và mấy tháng nay phòng đang phối hợp với phòng TN&MT để hoàn tất các thủ tục, nếu rơi vào xã nào thì phải bốc nguồn ở xã đó, chỉ trừ những trường hợp xã chưa có số thu thì phải chịu. Bà Nguyên cũng cho biết là vài tháng cuối năm năm 2021 dự tính sẽ bố trí được một phần để trả.

 Trụ sở UBND huyện Quảng Xương

Không biết đến bao giờ huyện Quảng Xương mới thực hiện xong việc nộp khoản tiền nói trên theo quy định? Nhưng, dư luận đang đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của huyện Quảng Xương đến đâu trong việc thực hiện Nghị định số 35/2015/NĐ-CP về quản lý, sử dụng đất trồng lúa của Chính phủ?

Thiết nghĩ, việc sớm nộp số tiền nói trên là việc cần phải tập trung chỉ đạo giải quyết, bởi đó không chỉ là thực hiện kiến nghị trong kết luận thanh tra mà còn là trách nhiệm của địa phương đối với nhà nước.

Điều 5 Chương II Nghị định số 35/2015/NĐ-CP về quản lý và sử dụng đất trồng lúa của Chính phủ quy định: Người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp từ đất chuyên trồng lúa nước phải thực hiện các quy định của pháp luật về đất đai và phải nộp một khoản tiền để bảo vệ, phát triển đất trồng lúa; tuỳ theo điều kiện cụ thể tại địa phương, UBND cấp tỉnh quyết định mức nộp cụ thể nhưng không thấp hơn 50% số tiền được xác định theo diện tích đất chuyên trồng lúa nước phải chuyển sang đất phi nông nghiệp nhân với giá của loại đất trồng lúa tính theo Bảng giá đất tại thời điểm chuyển mục đích sử dụng đất; người được nhà nước giao đất, cho thuê đất lập bản kê khai số tiền phải nộp, tương ứng với diện tích trồng lúa nước được Nhà nước giao, cho thuê và nộp vào ngân sách cấp tỉnh theo quy định.

  • Tags: