Không để chồng chéo, trùng lắp, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật

PLQL - Sáng nay (12/8), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 7/2020, tập trung thảo luận về 4 dự án luật.

PLQL - Sáng nay (12/8), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 7/2020, tập trung thảo luận về 4 dự án luật.

Tại cuộc họp, Chính phủ đã thảo luận về các dự án luật gồm: Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi); Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).

Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) đã bám sát mục đích, phạm vi điều chỉnh và đã lấy ý kiến rộng rãi. Thủ tướng đánh giá cao, biểu dương các lực lượng công an, quân đội, nhân dân các địa phương lập nhiều thành tích trong đấu tranh phòng, chống ma túy trong thời gian qua.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp. Ảnh: Quang Hiếu 

Thủ tướng nhấn mạnh, quy trình cai nghiện ma túy bắt buộc cần minh bạch, rõ ràng, với trình tự thủ tục bảo đảm thận trọng, khách quan, chặt chẽ, đặc biệt khi áp dụng biện pháp này đối với người dưới 18 tuổi. Thủ tướng nêu rõ tinh thần xây dựng khung pháp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác phòng, chống ma túy. Thủ tướng giao Bộ Công an chủ trì phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, báo cáo Thủ tướng trước khi trình Quốc hội.

Thủ tướng lưu ý, lực lượng này cần thể hiện tính tự quản, tự nguyện, không hành chính hóa về tổ chức và hoạt động, với sự tham gia thực chất và giám sát chặt chẽ của nhân dân, các tổ chức chính trị xã hội cơ sở. Tổ chức và hoạt động bảo đảm tính linh hoạt, phù hợp với đặc điểm dân cư, với yêu cầu bảo vệ an ninh trật tự từng vùng, miền, khu vực, tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước và đóng góp của nhân dân. Về tuyển chọn, sẽ tiếp tục hoàn thiện theo hướng quy định đầy đủ hơn về tiêu chuẩn, nguyên tắc, quy trình tuyển chọn.Đối với dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Thủ tướng cho rằng, lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, công an xã được quy định riêng rẽ tại nhiều luật, nghị định. Do đó, việc xây dựng Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là cần thiết nhằm phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm của lực lượng tự quản tại cộng đồng dân cư, tham gia hỗ trợ cùng công an chính quy bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn, góp phần củng cố phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của chính quyền.

Về vai trò, mối quan hệ với các lực lượng khác tham gia bảo vệ an ninh trật tự cơ sở, ngoài lực lượng này còn lực lượng dân quân tự vệ được tổ chức, thực hiện theo Luật Dân quân tự vệ và một số lực lượng khác như bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp… Theo Thủ tướng, vấn đề đặt ra là cần quy định đầy đủ về cơ chế phối hợp giữa các lực lượng, vai trò điều phối thống nhất của công an xã, phường, thị trấn chính quy, bảo đảm phát huy sức mạnh tổng hợp nhưng không chồng chéo, trùng lắp chức năng, nhiệm vụ. Việc sắp xếp lại lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, công an xã bán chuyên trách như dự thảo luật cần được đánh giá rõ hơn tác động kỹ lưỡng về tổ chức, thành phần, số lượng, cơ cấu và kinh phí hoạt động để bảo đảm tính thuyết phục, khả thi.

Liên quan đến dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ và dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, an toàn giao thông là vấn đề lớn, rất quan trọng vì “tính mạng con người là trên hết”. Việc xây dựng Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ là cần thiết, trên cơ sở tách ra từ Luật Giao thông đường bộ.

Về phạm vi điều chỉnh, Thủ tướng nêu rõ, không để chồng chéo, luật cần nêu ra các nguyên tắc, vấn đề gì liên quan đến giao thông tĩnh, xây dựng công trình thì thuộc Bộ Giao thông vận tải, vấn đề liên quan đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội thì giao cho Bộ Công an.

Đối với nội dung quản lý hệ thống báo hiệu giao thông đường bộ, để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong đầu tư, xây dựng, quản lý, khai thác, tổ chức thực thi, nên thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) là hợp lý, trừ hiệu lệnh của người điều khiển giao thông.

Về quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, Thủ tướng đề nghị Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải tiếp tục rà soát, tập trung hoàn thiện hơn, bảo đảm tính bao quát, toàn diện, thống nhất, không chồng chéo, trùng lắp với lĩnh vực giao thông đường bộ đã được quy định trong Luật Giao thông đường bộ. Cần quy định cụ thể, rõ ràng hơn về phân quyền cho chính quyền địa phương các cấp trong quản lý Nhà nước về trật tự an toàn giao thông đường bộ. Để phù hợp với tổ chức bộ máy, cơ chế quản lý, cần phải có lộ trình, bước đi trên cơ sở tổng kết thực tiễn, đánh giá tác động cụ thể, nếu quy định cụ thể ngay trong luật sẽ gây khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành.

Thủ tướng cũng đề nghị, cần tiếp tục làm rõ, xử lý hợp lý mối quan hệ giữa Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Giao thông đường bộ; tiếp tục làm rõ các quy định về trật tự an toàn giao thông trong các luật khác như Bộ luật Hàng hải, Luật Đường sắt, Luật Giao thông đường thủy nội địa, Luật Hàng không dân dụng để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật.

Thủ tướng giao Bộ Công an chủ trì chủ trì phối hợp với Bộ Tư pháp, VPCP, Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành liên quan tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, báo cáo Thủ tướng trước khi trình Quốc hội.

  • Tags: