Krông Bông (Đắk Lắk): Rừng Pơ Mu tiếp tục bị tàn phá

Hàng chục cây Pơ Mu có tuổi đời hàng trăm năm tuổi tại cánh rừng thuộc khoảnh 3, tiểu khu 1219 do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông ( Công ty Lâm nghiệp Krông Bông) quản lý đã bị cưa hạ, đa số phần thân gỗ đã bị “xẻ thịt” vận chuyển đi, để lại những

Hàng chục cây Pơ Mu có tuổi đời hàng trăm năm tuổi tại cánh rừng thuộc khoảnh 3, tiểu khu 1219 do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông ( Công ty Lâm nghiệp Krông Bông) quản lý, đã bị cưa hạ, đa số phần thân gỗ đã bị “xẻ thịt” vận chuyển đi, để lại những tấm bìa lớn và phần ngọn cây nằm trơ trụi.

Phần ngon cây nằm lại cũng có đường kính trên 50cm.

Sáng ngày 19/2, Phóng viên tìm về buôn Tơng Rang B, xã Cư D’răm huyện Krông Bông, men theo con đường mòn lên rừng hơn 15km, vượt nhiều con dốc cao, địa hình hiểm trở của rừng già, đến nhem tối cùng ngày thì mới tới được điểm phá rừng.

Vì sự an toàn, phòng ngừa khi gặp phải lâm tặc, phóng viên phải đóng vai là người đi tìm lan thực thụ. Để đến được khu vực trên, chúng tôi đã phải trải qua một quãng đường dài, vượt nhiều con dốc, con suối hiểm trở, sự mệt mỏi vì kiệt sức đổ dồn khi buổi xế chiều. Thế nhưng, khi đến nơi, mọi  sự mệt mỏi ấy nhanh chóng quên đi, thay vào đó là sự xót xa, chúng tôi xót xa khi phải chứng kiến hàng chục cây Pơ Mu quý hiếm đã bị cưa hạ, đường kính từ 47-90cm, hầu như phần thân cây đã bị “xẻ thịt” và lấy đi, chỉ còn lại những tấm bìa lớn, phần ngọn cây, cành lá, gốc cây chảy nhựa như đang khóc cho chính số phận hẩm hiu của mình.

Những tấm bìa lớn nằm lại...

Theo quan sát, ngoài những cây mới, nhiều cây đã bị cưa hạ từ lâu, dấu tích đã cũ, khi chưa lấy được thân thì bây giờ lâm tặc vẫn “mót” lại, những tấm bìa lớn nằm rải rác khiến ai cũng đau lòng. Điều đáng nói, việc khai thác trái phép cách trạm QLBV rừng ở tiểu khu 1219 khoảng 2km, việc kéo gỗ để lại dấu vết in hằn trên lối mòn cách chốt bảo vệ rừng khoảng 1km. Hơn nữa, một số cây Pơ Mu lớn bị lâm tặc dùng dao "vạc" những mảnh lớn trên thân nhằm để đánh dấu, cưa hạ trong thời gian tới.

Lâm tặc đánh dấu trên những thân cây lớn chưa bị cưa hạ.

Con đường mòn in hằn vết tích kéo gỗ.

Cây Pơ Mu là loại gỗ thuộc nhóm IIA, chất gỗ tốt, vân đẹp vì thế Pơ Mu là loài cây mà nhiều đối tượng lâm tặc săn lùng. Được biết, tại khu vực này cũng đã từng xảy ra những vụ khai thác Pơ Mu trái phép, nổi trội như vụ Công an huyện Krông Bông bắt quả tang 6 đối tượng vận chuyển 9 hộp gỗ Pơ Mu trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Phải chăng hình phạt cho các đối tượng phá rừng, khai thác gỗ trái phép chưa đủ sức răn đe? Hay chính quyền địa phương, cơ quan thực hiện công tác QLBV rừng nên chăng cần phải xem xét lại cách quản lý, chỉ đạo và xử lý?

Chốt QLBV rừng cách điểm khai thác khoảng 2km.

Những gốc cây Pơ Mu có đường kính từ 47 - 90cm.

Có cây vừa bị cưa hạ, lá vẫn còn xanh.

Cơ quan chức năng nói gì?

Để hiểu rõ hơn, sáng ngày 22/2, phóng viên có buổi liên hệ làm việc với Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk. Qua trao đổi, xem những hình ảnh mà PV cung cấp, ông Nguyễn Quốc Hưng – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk đã tức tốc chỉ đạo cho Hạt Kiểm lâm huyện Krông Bông và chủ rừng là Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông phối hợp cùng phóng viên để ghi nhận hiện trường.

Ông Nguyễn Quốc Hưng – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk

“Thông qua việc ghi nhận tại hiện trường, chúng tôi sẽ tiến hành điều tra, xác minh làm rõ các đối tượng khai thác trái phép, làm rõ trách nhiệm của chủ rừng.  Trước tết, chúng tôi cũng đã có triển khai cho các công ty, các Hạt Kiểm lâm để tuyên truyền và tăng cường công tác bảo vệ. Tuy nhiên việc này xảy ra thì có thể là do ở xa khu vực quản lý nên anh em chưa kiểm tra được toàn bộ. Chúng tôi rất cảm ơn phóng viên đã phát hiện và sẽ kiên quyết xử lý những vấn đề như thế này” - ông Hưng cho biết.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm cung với lực lượng QLBV rừng của công ty tiến hành kiểm đếm...

Qua công tác kiểm tra, có 11 cây Pơ Mu bị cưa hạ, trong đó có 7 cây mới, đường kính từ 47 đến 90cm, cao hàng chục mét, tất cả đều tại khoảnh 3, tiểu khu 1219 thuộc lâm phần của Công ty Lâm nghiệp Krông Bông quản lý.

Đường kính gốc từ 47-90cm.

Một hộp gỗ mà lâm tặc chưa kịp vận chuyển đi.

Trong buổi làm việc với PV, ông Bùi Quốc Tuấn – Giám đốc Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Krông Bông cho biết: “Với vụ việc này thì về phía công ty cũng sẽ sớm có báo cáo để cùng với các cơ quan chức năng điều tra làm rõ. Còn về trách nhiệm của chủ rừng thì chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm chính về nhiệm vụ mà nhà nước đã giao cho chúng tôi, không trốn tránh trách nhiệm. Tuy nhiên, công tác quản lý bảo vệ rừng thực sự gặp rất nhiều khó khăn, rất áp lực với diện tích được giao khá lớn và một số diện tích rừng phân bố những loài cây gỗ quý như Pơ Mu, Bách xanh… Đứng về góc độ quản lý thì chúng tôi cũng xác định đó là những nguồn rừng xung yếu và chúng tôi cũng đã thành lập các chốt ngay trong rừng. Tuy nhiên, cũng không tránh khỏi những trường hợp mà các đối tượng đã lén lút vào rừng khai thác trái phép…”

Ông Bùi Quốc Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông làm việc với PV.

Gian nan giữ rừng

Loài cây Pơ Mu thuộc nhóm gỗ IIA, là một loại gỗ quý thích hợp sinh trưởng những nơi có độ cao trên 900m, trong những khu rừng rậm nhiệt đới có độ ẩm cao, mưa nhiều. Tại huyện Krông Bông, Pơ Mu chủ yếu có nhiều tại tiểu khu 1213, 1219, nơi có độ cao trên 900m, vì thế việc quản lý bảo vệ loài gỗ này cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Tại huyện Krông Bông, Pơ Mu có chủ yếu tại tiểu khu 1213 và 1219.

Để lên được tiểu khu 1219 xác minh vụ việc như trên, phóng viên cùng với cán bộ của Hạt Kiểm lâm, của Công ty đã phải trải qua hàng chục Km đường rừng, nhiều đồi dốc cao, trơn trượt, núi đá hiểm trở và vô vàn rủi ro nơi “rừng thiêng, nước độc”. Vì đường xa, không thể về trong ngày nên cần phải gùi theo đồ ăn, nước uống, võng… ba lô mang trên mình phải hơn 10kg. Từng bước chân nặng trĩu cũng dần lên “đỉnh Pơ Mu”. Ghé thăm chốt QLBV rừng 1219, cũng đã chiều tối thế nhưng nhìn mãi mới thấy một người mặc quần áo kín mít vì lạnh, đang loay hoay với bếp lửa để chuẩn bị bữa tối. Hỏi chuyện mới biết, chốt có 4 người trực, nhưng khoảng 4h30’ chiều nghe tiếng máy cưa bên kia sườn đồi nên anh em đã đi tuần, chỉ 1 người ở nhà để nấu ăn vì trời đã sắp tối mà đường đi lại xa.

Quãng đường lên rừng Pơ Mu rất xa, đồi núi hiểm trở.

Một cán bộ QLBV rừng đang loay hoay nấu bữa tối trong cái không khí lạnh buốt của rừng già.

Vì là nghề khó khăn, vất vả, thế nên để tìm nhân lực cũng rất khó, để leo rừng được cần phải tuyển được những người có sức khoẻ, thường là người trẻ tuổi nên lại càng khó hơn.

“Công ty Lâm nghiệp Krông Bông  được nhà nước giao quản lý trên 24 nghìn héc ta, công tác tổ chức thì cũng đã hình thành 5 phân trường và 6 chốt bảo vệ trong rừng. Tuy nhiên, nhiệm vụ QLBV rừng vẫn còn gặp nhiều khó khăn do diện tích lớn, địa hình đồi núi cao, về vật chất đời sống của anh em bảo vệ rừng thì còn thấp, liên tục phải xa nhà nên một số anh em cũng đã xin nghỉ việc. Trong năm 2021, có trên 10 người đã xin nghỉ việc, tháng đầu năm 2022 thì cũng đã có 3 trường hợp nghỉ việc…” ông Bùi Quốc Tuấn – Giám đốc công ty Lâm nghiệp Krông Bông chia sẻ.

Bên cạnh đó, nghề giữ rừng cũng là nghề cực kỳ nguy hiểm, nhiều trường hợp cán bộ QLBV rừng bị lâm tặc chống trả, ném đá, phá xe, thậm chí còn bị bắn bởi súng kíp, súng tự chế…

Ông Trần Văn Tùng – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Krông Bông trao đổi với PV.

Trao đổi với PV, ông Trần Văn Tùng – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Krông Bông cho biết: “Là địa phương có nhiều người đồng bào dân tộc tại chỗ, cũng như đồng bào di cư ngoài quy hoạch vào địa phương sinh sống, ảnh hưởng của dịch bệnh khiến cho họ khó kiếm việc làm, cùng với đó là phong tục tập quán gắn bó với rừng nên dễ dẫn đến phá rừng làm nương rẫy, cũng như vận chuyển khai thác gỗ trái phép. Trong năm 2021, có đến hơn 400 vụ phá rừng làm nương rẫy, khởi tố 1 đối tượng và số tiền phạt lên đến 175 triệu đồng…”

Với những khó khăn như vậy, người làm công tác QLBV rừng xứng đáng được quan tâm hơn nữa, khích lệ tinh thần lẫn vật chất, ổn định cuộc sống để yên tâm công tác, giữ vững những “lá phổi xanh” còn lại của Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng./.

  • Tags: