Mô hình chính sách để phục hồi kinh tế khi xác định sống chung với đại dịch Covid-19

Bất chấp đại dịch Covid-19 và hiện nay là biến thể Omicron làm tổn thương nghiêm trọng, nền kinh tế một số nước năm 2021 vẫn phục hồi ngoạn mục và dự báo đầy lạc quan năm 2022. Họ đã “sống chung với dịch” và lựa chọn giải pháp nào để vượt qua, liệu có thể

Bất chấp đại dịch Covid-19 và hiện nay là biến thể Omicron làm tổn thương nghiêm trọng, nền kinh tế một số nước năm 2021 vẫn phục hồi ngoạn mục và dự báo đầy lạc quan năm 2022. Họ đã “sống chung với dịch” và lựa chọn giải pháp nào để vượt qua, liệu có thể áp dụng gì cho nền kinh tế Việt Nam ? Xuất phát từ những nghiên cứu  thực tiễn, bài viết sau đây, LG. Nhà báo Minh Trung sẽ phân tích sâu vấn đề này.

Ảnh minh họa

Nhìn từ các quốc gia phục hồi nền kinh tế trong đại dịch

Những ngày cuối cùng của năm 2021 khép lại, cùng với dự báo kinh tế của các quốc gia Đông Á sẽ hồi phục với mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân khoảng 7,1% và khoảng 5,2% vào năm 2022. Trong đó, điểm sáng là nền kinh tế Trung Quốc phục hồi mạnh mẽ, với tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 8,2% năm 2021 và 5,8% năm 2022. Hiệu suất mạnh mẽ đưa Trung Quốc gần như trở lại với tốc độ tăng trưởng khoảng 6% từng đạt được trước đại dịch. Đầu tư của doanh nghiệp, chi tiêu của Chính phủ cho phát triển kết cấu hạ tầng và xuất khẩu ròng là động lực của sự phục hồi vững chắc của quốc gia này.

Cùng nhìn lại “cuộc chiến vượt cạn” của Trung Quốc: Tháng 1/2020, dịch Covid-19 bùng nổ, lập tức chính phủ Trung Quốc đã có hàng loạt giải pháp tiền tệ và tài chính công để hỗ trợ việc phòng chống dịch, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã cắt giảm lãi suất cho vay 1 năm và 5 năm, ba tháng sau đó lại cắt lãi suất lần thứ 2. Đồng thời ban hành liên tiếp các gói hỗ trợ chỉ trong vòng 6 tháng qua giải pháp tiền tệ và tài chính công, có tổng giá trị lên tới 2.255 tỷ USD (tương đương hơn 15% GDP của Trung Quốc năm 2020)…

Những gói tài trợ “chủ lực” đã giúp nền kinh tế Trung Quốc phục hồi tăng trưởng trong năm 2021. Tuy nhiên sự phục hồi của Trung Quốc cũng đi kèm với một số điểm yếu, đặc biệt là tổng nợ đã tăng vọt trong năm 2021 lên 1/3 GDP. Từ mức 57,1% GDP năm 2019 lên 66,3% năm 2020 tăng lên 70,3% năm 2021. Tức là nợ công đã tăng 13,2% GDP trong 2 năm 2020 và 2021. Chính phủ Trung Quốc nhận thức được nguy cơ khi để nợ chồng chất nhanh chóng, nhưng việc kiềm chế tín dụng mới sẽ làm tổn hại đến hoạt động bất động sản, lĩnh vực đại diện cho 1/4 nền kinh tế.

Các đối tác thương mại chính của Việt Nam, gồm Mỹ, Nhật Bản, Liên minh Châu Âu (EU), trong đó nền kinh tế Mỹ có sự phục hồi kinh tế khả quan nhất. Kỳ vọng tăng trưởng kinh tế cao khi chính quyền J. Biden hồi cuối năm 2021 tăng cường đầu tư công và Cục Dự trữ liên bang (FED) thể hiện lập trường duy trì chính sách tiền tệ thích ứng cho đến năm 2023. Trước đó, ngày 11/3/2021, với gói kích thích tài chính có quy mô 1.900 tỷ USD của chính quyền Tổng thống Joe Biden thông qua, góp phần tăng thu nhập khả dụng và thúc đẩy tiêu dùng của khu vực hộ gia đình. Như vậy trong một năm, chính quyền Mỹ đã thông qua ba đạo luật để tăng cường năng lực phòng chống Covid-19, bảo vệ đời sống của người dân, hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ y tế, giáo dục, giao thông vận tải với tổng giá trị 4.810 tỷ USD, tương đương 23% GDP năm 2020.

Tuy 2 nền kinh tế của Trung Quốc và Mỹ tính chất khác nhau, đặc điểm hệ thống xã hội khác nhau, song cách chính phủ ứng xử với đại dịch Covid-19 rất giống nhau về mặt sử dụng sức mạnh tài chính của Nhà nước để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, củng cố hệ thống y tế, bảo vệ năng lực của nền kinh tế. Chính phủ của 2 nước đều ứng xử theo nguyên tắc: Khi dự báo kinh tế sẽ suy giảm mạnh bởi đại dịch với các hậu quả về kinh tế và xã hội, Chính phủ lập tức triển khai các giải pháp tiền tệ và tài chính công, với quy mô rất lớn, để bảo đảm đời sống cho người dân, giúp doanh nghiệp tránh phá sản, duy trì hệ thống y tế, giáo dục phù hợp với tình hình dịch. 

Trong khi đó, do vẫn nằm trong vòng ảnh hưởng của đại dịch COVID-19), chính phủ các nước EU, buộc phải duy trì các biện pháp ngăn chặn trên diện rộng. Hệ quả tất yếu là tình trạng khó khăn của các doanh nghiệp trong ngành dịch vụ bán lẻ, dịch vụ tiếp xúc và khách sạn. Động lực cho sự phục hồi kinh tế của các nước EU là đầu tư của doanh nghiệp (trong lĩnh vực sản xuất), xuất khẩu ròng. Chính sách tiền tệ thích ứng mạnh mẽ và các điều kiện tài chính thuận lợi được kỳ vọng sẽ thúc đẩy các hoạt động đầu tư công trong lĩnh vực hạ tầng.

Tổ chức IMF dự báo nền kinh tế toàn cầu năm 2021 tăng trưởng 5,9% và 4,9% vào năm 2022. Trong đó, các trung tâm kinh tế lớn có mức tăng trưởng khá cao như Mỹ là 6,0%, khu vực đồng Euro là 5%, các nền kinh tế mới nổi tăng 6,4%. Các nước Châu Á lớn như Ấn Độ dự báo tăng đến hơn 9%, Trung Quốc tăng 8%, Nhật Bản tăng 2,4%. Trong khi đó, sau nhiều năm dẫn đầu về tăng trưởng, khu vực ASEAN đang có mức tăng trưởng thấp, nhóm ASEAN-5 dự báo tăng trưởng chỉ còn khoảng 2,9% năm 2021

Hoặc là kiểm soát hoàn toàn, hoặc là sống chung đại dịch 

Như vậy, các quốc gia trên thế giới nỗ lực phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sau đại dịch, có hai cách tiếp cận:  Nhóm 1, theo đuổi mục tiêu kiểm soát hoàn toàn dịch bệnh trước khi mở cửa lại các hoạt động kinh tế - xã hội nhằm phục hồi tăng trưởng kinh tế (trong đó có Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Úc, NewZealand). Nhóm 2, tiếp cận theo hướng vừa khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội vừa kiểm soát dịch bệnh (trong đó có Mỹ, Nhật Bản)

Theo đuổi cách tiếp cận thứ nhất, các quốc gia này ưu tiên chính sách hỗ trợ người dân. Đầu năm 2020, Chính phủ Trung Quốc đã triển khai gói cứu trợ 4,9 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương 4,7% GDP) với các biện pháp tài khóa cụ thể nhằm tăng cường chi tiêu chống dịch và kiểm soát sự lây lan của virus; sản xuất các thiết bị y tế; đẩy nhanh giải ngân bảo hiểm thất nghiệp và trợ cấp mở rộng cho lao động nhập cư; miễn, giảm thuế và nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội; tăng cường chi tiêu công. 

Bên cạnh đó, Trung Quốc đã bơm tiền vào hệ thống ngân hàng để gia tăng thanh khoản thông qua cơ chế thị trường mở; mở rộng các cơ chế cho vay lại hoặc tái chiết khấu khoản vay, cắt giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất thiết bị y tế và đồ dùng thiết yếu, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ và doanh nghiệp trong khu vực nông nghiệp; mở rộng nguồn cung tín dụng của ngân hàng để hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa; ban hành các công cụ mới để hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn, bao gồm cả chương trình lãi suất 0 đồng (chính phủ cấp tiền cho ngân hàng để ngân hàng cho doanh nghiệp vay lại). 

Trong lĩnh vực dịch vụ du lịch, Chính phủ Trung Quốc áp dụng các biện pháp cắt giảm thuế và hỗ trợ tài chính nhằm giúp các doanh nghiệp du lịch trên khắp đất nước vượt qua đại dịch; thực hiện ưu đãi về thuế cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 (hoạt động trong các lĩnh vực vận tải, ăn uống, lưu trú, du lịch). Theo đó, những doanh nghiệp này được phép chuyển khoản lỗ thuế thu nhập doanh nghiệp phát sinh trong năm 2020 sang 8 năm tiếp theo, thay vì mức chuẩn trước đó là 5 năm. Ngoài ra, Chính phủ Trung Quốc cũng theo đuổi chiến lược thúc đẩy du lịch nội địa…

Ở nhóm các quốc gia có cách tiếp cận thứ 2 (đa số), trước hết vẫn ưu tiên chính sách hỗ trợ người dân, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và chính sách hỗ trợ ngành dịch vụ du lịch. Bản thân trong nhóm 2 cũng có nhiều thái cực (như Brazin có cách tiếp cận mở cửa tự do, Thụy Điển chấp nhận mở cửa sớm để phục hồi kinh tế và để có miễn dịch cộng đồng). Tuy nhiên dù là nhóm nào, các nước vẫn đều phải có can thiệp mạnh vào nền kinh tế bằng các gói hỗ trợ. Chỉ có khác là lộ trình và các mục tiêu trung gian là khác nhau thôi.

Chính phủ Nhật Bản đưa ra các cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các hoạt động số hóa và ứng dụng công nghệ xanh, thân thiện với môi trường, đồng thời tiếp tục cho phép doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch tiếp cận các gói vay ưu đãi… Về chính sách tiền tệ, Nhật Bản áp dụng các giải pháp nhằm đảm bảo sự vận hành thông suốt của thị trường tài chính và tạo thêm cơ chế khuyến khích để các tổ chức tài chính mở rộng hoạt động cung ứng tín dụng. 

Ngoài ra, Chính phủ Nhật Bản cũng trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ với các khoản vay không lãi suất và không cần tài sản bảo đảm, giảm bớt các yêu cầu về ràng buộc và yêu cầu ngân hàng cho phép doanh nghiệp giãn nợ trong một số trường hợp. Để kích thích du lịch trong nước sau khi dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp, Chính phủ Nhật Bản và các địa phương đã thực hiện một số trợ cấp du lịch. Tháng 7/2020, Chính phủ Nhật Bản đã phát động chiến dịch “Go To Travel” với ngân sách lên tới 1,7 nghìn tỷ yên (tương đương 15,5 tỷ USD)

Chính phủ Mỹ áp dụng gói hỗ trợ khẩn cấp để phát triển du lịch nội địa, dựa trên thực tế một số bang, như New York, Washington có một lượng du khách “nội địa” hùng hậu. Do tự chủ về nguồn vắc-xin, Mỹ có ưu thế so với các nước khác trong việc hồi phục nền kinh tế nhờ tiêm chủng đại trà. Hộ chiếu vắc-xin hiện vẫn là biện pháp “khả thi” nhất đối với các cơ quan chức năng ở New York khi đón hàng triệu lượt du khách đến từ phía bên kia hai bờ Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Nhờ vào chiến dịch tiêm chủng đại trà, thành phố New York đã nhanh chóng phục hồi được lòng tin của khách du lịch, doanh nhân.

Mô hình nào cho Việt Nam trước mắt và lâu dài ?

Từ thực tế các quốc gia đã phục hồi kinh tế ngoạn mục trong và sau đại dịch, cho thấy trước hết cần phải tập trung vào xây dựng và nâng cao năng lực chống chịu của nền kinh tế. Có nghĩa là mọi giải pháp đều hướng đến xây dựng các cơ chế giảm sốc tốt, chống chịu va đập tốt. Khi nền kinh tế có năng lực chống chịu cao thì các cú sốc bên ngoài sẽ được đối phó hiệu quả và tác động sẽ không lớn. Phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2021 và xuyên suốt các quan điểm chỉ đạo sau này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu tiếp tục thực hiện các mục tiêu: Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 theo tinh thần quản lý rủi ro và đẩy mạnh phục hồi kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội; bảo đảm an ninh trật tự xã hội; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, khai thác hiệu quả các FTA đã ký kết. 

Theo Thủ tướng, chúng ta đã thay đổi tư duy và cách chống dịch theo hướng quản lý rủi ro chứ không theo đuổi chính sách “zero covid”, đồng thời thực hiện từng bước thận trọng, chắc chắn, rút kinh nghiệm và mở rộng dần. Điều đó chứng tỏ, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đang theo đuổi cách tiếp cận thứ hai: Vừa kiểm soát dịch vừa phát triển kinh tế. Sự lựa chọn này theo chúng tôi là đúng đắn phù hợp với điều kiện nước ta. Gần đây các quốc gia như Úc, NewZealand cũng đã chuyển sang tiếp cận cách thứ hai. Thực tế cũng cho thấy, các quy định của Nghị quyết 128 kể từ khi ban hành cho đến nay cơ bản phù hợp với tình hình, mặc dù “không có lựa chọn hoàn hảo mà chỉ có lựa chọn tối ưu” và sự tối ưu được chứng minh qua thực tiễn. 

1. Lựa chọn cách tiếp cận thứ hai là đồng nghĩa với tiêm chủng vắc-xin là biện pháp quan trọng là lựa chọn hàng đầu, là điều kiện cần của quá trình phục hồi nền kinh tế. Kể từ khi dịch bùng phát, mọi biện pháp sức khỏe đều trở thành một biện pháp kinh tế quan trọng. Thực tế cũng cho thấy nền kinh tế toàn cầu đang phục hồi theo hai hướng. Các nước phát triển với tỉ lệ dân số được tiêm chủng cao có khả năng phục hồi nhanh hơn các nước có tỉ lệ dân được tiêm chủng thấp. Lựa chọn giải pháp này, ngoài thực hiện chính sách ngoại giao vaccine, Việt Nam cần thúc đẩy phát triển hoạt động nghiên cứu và phát triển sản xuất vaccine và thuốc điều trị bệnh trong nước là điều kiện (đủ) để bảo đảm cho việc kiểm soát hay thích ứng trước sự phát triển của dịch bệnh. Ngưỡng 75% đến 85% dân số được tiêm phòng vaccine mũi 2 là điều kiện để kiểm soát được dịch và chuyển đổi sang giai đoạn phát triển kinh tế trong bối cảnh thích ứng với dịch bệnh.                   

2. Tiếp tục triển khai các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp. Trong đó các doanh nghiệp nhỏ và vừa là nhóm dễ tổn thương trước các cú sốc từ bên ngoài, như cú sốc dịch bệnh nhưng lại là nhóm tạo nhiều việc làm cho nền kinh tế. Khoảng 50% lực lượng lao động của Việt Nam là ở các DN vừa và nhỏ, và những DN này có ít nguồn lực và khả năng phục hồi. Việc triển khai các gói hỗ trợ cần phải linh hoạt hơn để đảm bảo tiền hỗ trợ được chuyển nhanh chóng và kịp thời đến các nhóm đối tượng được thụ hưởng. Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp chính là nuôi dưỡng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Kinh nghiệm nhìn từ các quốc gia như Nhật Bản, Mỹ, thường thiết kế chính sách riêng cho nhóm doanh nghiệp này, tập trung vào: Kết hợp giữa giảm bớt tình trạng doanh nghiệp gặp khó khăn trên diện rộng và thúc đẩy cấu trúc lại các doanh nghiệp, với các biện pháp cụ thể, gồm: Hỗ trợ nguồn lực nhằm khôi phục vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp gặp khó khăn,  khuyến khích các giải pháp cấu trúc lại nợ, nâng cao hiệu quả của các thủ tục thanh lý, phá sản (nhằm phân bổ lại nguồn lực hiệu quả từ các doanh nghiệp kém hiệu quả sang các doanh nghiệp hiệu quả hơn). Đối tượng thụ hưởng chính sách phải được xác định cụ thể, thường là những doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch. Thông tin chính sách cần minh bạch và kịp thời để doanh nghiệp sớm tiếp cận.

3. Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, khai thác hiệu quả các FTA đã ký kết. Đó cũng là quan điểm ưu tiên của người đứng đầu Chính phủ. Đặc biệt là Hiệp định RCFP có hiệu lực vào đầu năm 2022. Đây là FTA được kỳ vọng mở thêm nhiều cơ hội kết nối thương mại và đầu tư của Việt Nam với các nền kinh tế thành viên, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của Việt Nam tham gia sâu hơn, rộng hơn vào các chuỗi giá trị trong khu vực này. 

 

 

Kinh nghiệm từ các quốc gia cho thấy, muốn tận dụng cơ hội vàng, Việt Nam không chỉ thúc đẩy những nỗ lực tái cấu trúc nền kinh tế, tái cấu trúc không gian thị trường của nền kinh tế Việt Nam theo hướng tăng cường tính tự chủ, giảm lệ thuộc vào các thị trường bên cạnh và nâng cấp Việt Nam trong các chuỗi giá trị toàn cầu mà còn phải tái cấu trúc về thể chế, tạo môi trường, cơ chế thông thoáng để tận dụng các luồng đầu tư mới, nâng cao năng lực sản xuất trong nước, gia tăng xuất khẩu.  

Đặc biệt là có cơ chế để giúp các DN trong nước phải chủ động tìm, phải hiểu về các cam kết, thách thức, cơ hội liên quan đến ngành và lĩnh vực của mình để định vị lại mình và phải hành động ngay, phải tái cấu trúc các thị trường, bạn hàng, nguồn cung ứng... để tận dụng các cơ hội mà các cam kết FTA mở ra. Hai là, phải gia tốc những nỗ lực, nâng cấp nền tảng năng lực cạnh tranh của chính mình về mô hình kinh doanh, về chiến lược, quản trị, nhân lực, chất lượng hàng hóa và dịch vụ theo tiêu chuẩn châu Âu… Không có nền tảng là năng lực cạnh tranh bền vững thì không thể hội nhập thành công. Muốn ra được thị trường thế giới thì phải đứng vững trên mảnh đất của mình.

4. Thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế số, nền kinh tế không chạm. Khủng hoảng Covid-19 là cơ hội để thay đổi cơ bản về nhận thức, tư duy về thế giới ở bối cảnh mới và có bứt phá về chuyển đổi số và phát triển kinh tế số. Để phát triển kinh tế số, cần kết hợp thực thi các giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng của nền kinh tế số và triển khai các chính sách thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt. Bên cạnh đó, cần phải thay đổi hành vi, thói quen của nền kinh tế truyền thống trong đó có sử dụng tiền mặt. Cần có những giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cá nhân tham gia mạnh mẽ vào quá trình chuyển đổi số để nhanh chóng thiết lập được các mục tiêu xây dựng chính phủ điện tử, kinh tế số, xã hội số.

5. Chấp nhận nợ công tăng nợ công đủ lớn (thêm 6,5% GDP), sử dụng nợ công như nguồn lực tài chính công chủ yếu để khắc phục nhanh hậu quả của dịch Covid-19 và phục hồi tăng trưởng kinh tế. Đây cũng là cách làm thành công của Trung Quốc: Năm 2019 nợ công của Trung Quốc là 57,1% GDP, của Việt Nam là 55,4% GDP, nhưng năm 2021 nợ công của Trung Quốc là 70,3% GDP, còn của Việt Nam là 55,6% GDP. Giáo sư Nguyễn Thiện Nhân – nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM đã khảo sát cách 20 nước ứng phó với hậu quả của đại dịch Covid-19 cho thấy, về cơ bản là giống nhau…

Khác nhau ở chỗ quy mô các gói hỗ trợ của các quốc gia rất lớn, qua việc sử dụng nợ công, còn của Việt Nam nhỏ hơn đáng kể, đặc biệt không dùng nợ công để có nguồn hỗ trợ (Trung Quốc bằng 15% GDP năm 2020; Mỹ bằng 23% GDP 2020; ở Nhật bằng 59% GDP...). Theo ông Nhân, việc chi lớn từ ngân sách lúc này không phải là mất mà là được: được ổn định cuộc sống của người dân và gia đình, ổn định xã hội, bảo vệ được năng lực kinh tế của đất nước ở mỗi doanh nghiệp, do đó khi hết dịch tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh có thể nhanh chóng hoạt động trở lại, đem lại tăng trưởng cho đất nước và nguồn thu cho ngân sách.

6. Cần tăng chi tiêu của Chính phủ cho an sinh xã hội, đặc biệt là tăng cường hỗ trợ trực tiếp cho các nhóm dễ bị tổn thương như lao động phi chính thức và đối tượng thất nghiệp. Chi tiêu cho an sinh xã hội trong đại dịch của Việt Nam là khiêm tốn so với các nước trong khu vực. Việc triển khai các hỗ trợ cần phải linh hoạt hơn để đảm bảo tiền hỗ trợ được chuyển nhanh chóng và kịp thời đến các nhóm đối tượng được thụ hưởng. Sẽ có thể xảy ra những sai sót, nhưng không vì thế mà chậm trễ trong việc thực hiện.

Tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và phát triển bền vững do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ban Kinh tế trung ương, Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức ngày 5/12/2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng trong bối cảnh đặc biệt thì cần có giải pháp đột phá. Cần giữ ổn định kinh tế vĩ mô vì mất ổn định vĩ mô là mất hết. Từ nhận định đó, Chủ tịch kết luận:“Cần đưa ra gói kích thích kinh tế đủ lớn với các ngành, lĩnh vực có khả năng tăng trưởng cao… Việt Nam chấp nhận nâng tỉ lệ bội chi, nợ công trong giai đoạn này để có nguồn lực hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, phục hồi và phát triển kinh tế”.

  • Tags: