Một số thay đổi trong công tác quản lý nhà nước về TTATGT đường bộ dưới tác động của cuộc CMCN 4.0

Bài viết đi sâu phân tích một số lĩnh vực công nghệ phát triển của CMCN 4.0 liên quan đến hoạt động giao thông vận tải đường bộ, bao gồm những công nghệ cốt lõi sau: Trí tuệ nhân tạo (AI), Vạn vật kết nối - Internet of Things (IoT); dữ liệu lớn (Big Data)

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) là sự kết hợp của công nghệ trong các lĩnh vực vật lý, công nghệ số và sinh học, tạo ra sự hội tụ kỹ thuật số đã, đang và tiếp tục có tác động sâu sắc đến đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của thế giới.

Bài viết đi sâu phân tích một số lĩnh vực công nghệ phát triển của CMCN 4.0 liên quan đến hoạt động giao thông vận tải đường bộ, bao gồm những công nghệ cốt lõi sau: Trí tuệ nhân tạo (AI), Vạn vật kết nối - Internet of Things (IoT); dữ liệu lớn (Big Data); robot thế hệ mới; xe tự lái.

Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo tại Trung tâm chỉ huy Cục CSGT

Một trong những đặc điểm nổi bật của CMCN 4.0 đó là ở tốc độ đột phá của nó. Khi so sánh với các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, các nhà nghiên cứu cho rằng, CMCN 4.0 đang tiến triển theo một hàm số mũ chứ không phải là tốc độ tuyến tính. Theo như định luật “Tăng tốc theo cấp số nhân” (Law of Accelerating Return) của Kurzweil thì “sự thay đổi trong các hệ thống phát triển có xu hướng gia tăng theo cấp số nhân”. Cũng theo Kurzweil, “một phân tích về lịch sử phát triển công nghệ cho thấy, tốc độ thay đổi của công nghệ là theo cấp số nhân, trái ngược với quan điểm thông thường về “trực quan tuyến tính”. Vì thế, quãng thời gian phát triển công nghệ của thế kỉ XXI trong 100 năm sẽ bằng với 20.000 năm phát triển (với tốc độ như hiện nay)”.

Hiện Cách mạng Công nghiệp 4.0 đã và đang diễn ra mạnh mẽ tại các cường quốc, điển hình như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc,…. Xu hướng phát triển cho thấy, sự phát triển của cuộc cách mạng 4.0 là tất yếu. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng “cơ hội để tận dụng được lợi thế của cuộc cách mạng số đang đóng lại một cách nhanh chóng”, điều này ám chỉ tính quan trọng, bắt buộc cần nắm bắt cơ hội trong sự phát triển của CMCN 4.0.

Trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ là hệ thống các mối quan hệ xã hội được hình thành và điều chỉnh bởi các quy phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông vận tải công cộng mà mọi người tham gia giao thông phải tuân theo để đảm bảo hoạt động giao thông thông suốt, trật tự, an toàn, hạn chế thấp nhất tai nạn giao thông, gây thiệt hại về người và tài sản.

Quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ là toàn bộ hoạt động có tổ chức, có định hướng, mang tính quyền lực của nhà nước trong quá trình quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện các quy định về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, thiết lập, duy trì trật tự, an toàn giao thông đường bộ, xây dựng văn hóa giao thông, bảo đảm giao thông đường bộ thông suốt, an toàn nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế. Trong tầm nhìn và định hướng phát triển, về quan điểm chỉ đạo, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng xác định “thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển nhanh và bền vững.” Chính vì thế, việc nghiên cứu, nhận diện những thay đổi trong công tác quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ dưới tác động của CMCN 4.0 là hết sức quan trọng, cần thiết.

Trong bài viết này, chúng ta cùng phân tích, khảo sát một số sự tác động chính, quan trọng của cuộc CMCN 4.0 đối với công tác quản lý nhà nước về TTATGT đường bộ, với các nội dung chính như sau:

1. Xây dựng quy hoạch, kế hoạch về TTATGT đường bộ sẽ phát triển theo hướng “giao thông thông minh”, “đô thị thông minh”

CMCN 4.0 dẫn đến sự xuất hiện của công nghệ số hóa, “đô thị thông minh” (là đô thị mà yếu tố kĩ thuật số được ứng dụng ở mọi nơi, mọi lĩnh vực), hoặc hẹp hơn là “giao thông thông minh” (là những hoạt động giao thông mà ở đó các phương tiện tham gia giao thông, người tham gia giao thông và cả hệ thống đường sá (tín hiệu giao thông đường bộ) có sự kết nối thông qua công nghệ và ứng dụng giúp vận hành một cách nhịp nhàng, tối ưu, thông suốt, an toàn).

Mô hình “đô thị thông minh” (ĐTTM) hiện nay đang dịch chuyển sang bước tiến mới từ ứng dụng công nghệ thông tin sang ứng dụng công nghệ dữ liệu (Data Technology), trong đó hướng đến 6 trụ cột chính: (i) người dân thông minh; (ii) quản trị thông minh; (iii) nền kinh tế thông minh; (iv) giao thông thông minh; (v) môi trường thông minh; và (vi) cuộc sống thông minh.

Chính vì thế, việc quy hoạch, thiết kế, xây dựng chiến lược an toàn giao thông cần tính toán đến yếu tố này. Nhiều nước trên thế giới đã triển khai xây dựng thành phố thông minh, thậm chí hướng đến quốc gia thông minh. Ở Việt Nam, ngày 01/8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 950/QĐ-TTgphê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh (ĐTTM) bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 950), nhiều địa phương đã khẩn trương nắm bắt thời cơ, ban hành các đề án, kế hoạch và triển khai chương trình phát triển ĐTTM. Một trong những nội dung của ĐTTM được quy định trong Đề án 950 đó là “phát triển giao thông thông minh, hệ thống điều khiển hướng dẫn cho người tham gia giao thông, chỉ huy kiểm soát và xử lý ứng cứu tình huống khẩn cấp”.

2. Thống kê, tổng hợp, xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về TTATGT đường bộ tăng trưởng mạnh mẽ, ngày càng tự động hóa, chính xác, khách quan, toàn diện hơn và theo hướng tích hợp, đồng bộ với các cơ sở dữ liệu chung khác.

Thống kê, tổng hợp, xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về TTATGT đường bộ là một nội dung quan trọng, là một trong cơ sở, căn cứ quan trọng để phân tích, đánh giá tình hình TTATGT từ đó xây dựng các chiến lược, chính sách phù hợp. Đây là lĩnh vực quan trọng và có sự thay đổi mạnh mẽ trong CMCN 4.0. Chúng ta sẽ thấy hoạt động thống kê, phân tích, tổng hợp, xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về TTATGT dần dần được tự động hóa với sự phát triển của cả công nghệ Big Data, AI và IoT. Khi có luồng dữ liệu được kích hoạt bởi IoT và cổng gateway kết hợp với việc tích hợp các ứng dụng công nghệ, sau đó, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) cho phép phân tích dữ liệu và đưa ra quyết định trên cơ sở dữ liệu đó. Trong các hệ thống cơ sở dữ liệu về TTATGT thì hệ thống cơ sở dữ liệu thuộc Trung tâm thông tin chỉ huy (Cục Cảnh sát giao thông) là rất quan trọng. Bắt nhịp cùng sự phát triển, ứng dụng công nghệ, từ năm 2012, Cục Cảnh sát giao thông đã xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) xử lý vi phạm của, cho đến nay đã đạt được những kết quả nhất định. Các hệ thống CSDL về đăng ký xe; tai nạn giao thông được triển khai đến nhiều điểm đến Phòng CSGT Công an 63 địa phương, Công an các quận huyện... Trong khi đó, hệ thống CSDL dùng chung đã được Cục CSGT triển khai lắp đặt một số thiết bị từ năm 2019 tại trung tâm của Cục và tích hợp các thông tin của các hệ CSDL đăng ký xe, tai nạn giao thông, xử lý vi phạm thành một bộ thông tin đầy đủ dùng để kết nối, chia sẻ với các đơn vị trong và ngoài ngành. Mới đây, Bộ Công an đã kết nối thử nghiệm thành công hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cục CSGT qua trục liên thông do Văn phòng Chính phủ quản lý để giải quyết các thủ tục đăng ký xe, xử lý vi phạm và điều tra, giải quyết tai nạn giao thông một cách thuận lợi, nhanh chóng hơn.

Trong CMCN 4.0, dữ liệu lớn (Big Data) và IoT sẽ tăng trưởng ở mức đáng kinh ngạc. Hiện nay, “cứ mỗi hai ngày chúng ta lại tạo ra được lượng dữ liệu tương đương với lượng dữ liệu được tạo ra từ những ngày đầu cho đến năm 2003”. “Những tiến bộ trong việc lưu trữ và phân tích đã cho thấy chúng ta có thể thu thập, lưu trữ và làm việc với nhiều, rất nhiều loại dữ liệu khác nhau. Kết quả là, dữ liệu ngày nay có thể bao gồm mọi thứ từ bảng tính đến những hình ảnh, video, bản ghi âm, văn bản và dữ liệu cảm biến”. Và điều này cho ta thấy một xu hướng thay đổi trong thu thập dữ liệu TTATGT, chẳng hạn như các dữ liệu về một vụ tai nạn giao thông (TNGT) sẽ không còn giới hạn, hoặc ít nhất là sẽ mở rộng hơn (nếu cần) so với các trường dữ liệu như hiện nay; hoặc việc thu thập dữ liệu an toàn giao thông nói chung hoặc TNGT nói riêng có thể được thực hiện tự động thông qua hệ thống giám sát hành trình lắp trên các phương tiện,… “Một chú ý khác là dữ liệu chính là nguyên liệu thô cho AI. Dữ liệu có chấtlượng tốt hơn đồng nghĩa với việc sở hữu một thuật toán AIhoàn thiện hơn”. Vì thế, việc phát triển, xây dựng hệ cơ sở dữ liệu là rất quan trọng và việc lưu trữ, bảo mật dữ liệu thu thập được cũng quan trọng không kém.

3. Xây dựng và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về TTATGT đường bộ đòi hỏi phù hợp với sự phát triển công nghệ cũng như sự xuất hiện loại hình giao thông mới.

Cùng với sự thay đổi CMCN 4.0, thì việc rà soát, bổ sung, sửa đối các quy định của pháp luật cho phù hợp định hướng là điều tất yếu. Gần đây, ngày 15/6/2021, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành số 942/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Một trong những chỉ tiêu cơ bản của chiến lược này là: 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; tối thiểu 80% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý hoàn toàn trực tuyến, người dân chỉ phải nhập dữ liệu một lần;… điều này cho thấy việc thay đổi mạnh mẽ trong thời gian tới, trong đó cần sự đồng bộ của hành lang pháp lý là cần thiết, tất yếu.

Bên cạnh đó, hoạt động thực thi pháp luật cũng trở nên thuận lợi hơn, chẳng hạn như khi ứng dụng công nghệ định vị, giám sát hành trình (hoặc có thể là dữ liệu thu thập được từ hệ thống camera, từ điện thoại,…) giúp cho việcxác định nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông, điểm va chạm đầu tiên, lỗi của người khiển phương tiện trong vụ một vụ tai nạn giao thôngdễ dàng hơn. Điều này cũng cho thấy các quy định pháp lý về chứng cứ điện tử (dữ liệu điện tử) cần được nghiên cứu, ban hành cho phù hợp.

Ngoài ra, việc xây dựng các văn bản pháp quy cần tính toán đến sự xuất hiện những loại hình giao thông mới như xe điều khiển tự động (xe không người lái); xe ô tô bay; các loại hình “giao thông chia sẻ”, “giao thông theo yêu cầu” hoặc như loại hình xe sử dụng công nghệ (kiểu như Uber, Grab,…) đảm bảo hài hòa, cạnh tranh công bằng, bởi lẽ thực tế cũng đã xảy ra những tranh chấp pháp lý đối với các loại hình này. Ngoài ra, ở tầm vĩ mô, cần tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật bảo đảm chặt chẽ hơn về quyền “sở hữu trí tuệ”, bảo mật thông tin, an ninh thông tin mạng,… trong bối cảnh CMCN 4.0.

4. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT đường bộ sẽ hướng đúng đối tượng, phổ quát và hiệu quả hơn.

Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT đường bộ là một trong những hoạt động quan trọng nhằm nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Gần đây, với sự phát triển của internet, các mạng xã hội (Facebook, Zalo, Youtube, Tik Tok, Twitter,..), thông tin nói chung và thông tin tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT đường bộ được lan tỏa một cách mạnh mẽ, thường xuyên và phổ quát hơn. Trong thời gian tới, các báo chí, các hãng thông tấn cũng tiếp tục số hóa, đa dạng hóa các kênh (theo kiểu truyền thông đa phương tiện) để tiếp cận đang dạng hơn. Hơn nữa, việc sử dụng AI sẽ giúp định hướng đối tượng sát hợp hơn. Chẳng hạn như, nếu một người hay tra cứu (search) google thông tin về an toàn giao thông, thì sau đó, google có xu hướng cung cấp thông tin, hiển thị bài viết, phim ảnh về an toàn giao thông nhiều hơn. Trong công nghệ Big Data, công tác tuyên truyền, thông tin về TTATGT còn hiệu quả và đúng đối tượng hơn. Chẳng hạn như hiện nay, điện thoại của bạn cho biết tốc độ bạn di chuyển, từ đó dữ liệu Big Data được tổng hợp, phân tích và cho biết thói quen di chuyển của bạn. Vì thế, các thông tin này có thể được sử dụng để định hướng tuyên truyền khi qua xử lý dữ liệu cho thấy bạn là người lái xe an toàn hay có tiềm năng rủi ro hơn so với bình thường.

5. Tổ chức quản lý, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ phát triển theo hướng xây dựng, vận hành hệ thống giao thông thông minh.

Một hệ thống giao thông thông minh bao gồm một tập hợp các công nghệ và ứng dụng nhằm cải thiện sự an toàn và di chuyển trong giao thông, cũng như tăng năng suất lao động và giảm các tác động xấu của giao thông. Các hệ thống này sẽ thu thập dữ liệu từ những cảm biến và thiết bị được gắn trên các phương tiện giao thông và cơ sở hạ tầng để hợp nhất dữ liệu sao cho có thể bối cảnh hóa thông tin. Vì thế, với các thiết bị cảm biến và các ứng dụng công nghệ điện toán sẽ giúp việc theo dõi, quản lý, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được dễ dàng, không chỉ kịp thời xử lý các sự cố mà tạo ra sự đồng bộ, kết nối giữa đường sá, cơ sở hạ tầng với phương tiện và người tham gia giao thông, với sự xuất hiện của “đám mây xe cộ”, “mạng xe cộ” trên đường giao thông. Ngoài ra, các phương tiện còn có thể giao tiếp với nhau, gọi là “truyền thông giữa xe cộ -V2V”, việc này cho phép hợp tác và phối hợp giữa các phương tiện, đồng thời tích hợp và “giao tiếp phương tiện với cơ sở hạ tầng” giúp tăng cường khả năng khai thác của cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ.

6. Đăng ký, cấp, thu hồi biển số phương tiện giao thông đường bộ; cấp, thu hồi giấy chứng nhận chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện giao thông đường bộ sẽ phát triển theo hướng đơn giản hóa, an toàn, “thông minh” và tích hợp đa chức năng.

Sự phát triển công nghệ, cùng với chủ trương xây dựng chính phủ điện tử, trong tương lai không xa, các dịch vụ công nói chung trong đó có các hoạt động đăng ký, quản lý phương tiện giao thông sẽ được thực hiện theo hướng cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính và có thể thực hiện trực tuyến, qua mạng Internet. Một trong những xuất hiện trong CMCN 4.0 là công nghệ blockchain - đó là một cơ sở dữ liệu sử dụng mạng lưới ngang hàng và một hệ thống dữ liệu phân cấp để lưu trữ thông tin trong các khối thông tin được liên kết với nhau bằng mã hóa và mở rộng theo thời gian, nó được thiết kế để chống lại việc thay đổi của dữ liệu, và khi một khi dữ liệu đã được mạng lưới chấp nhận thì sẽ không có cách nào thay đổi được nó. Vì thế, nhiều dữ liệu khác trong đó có các dữ liệu đăng ký xe có thể sẽ được triển khai, đăng ký trên nền tảng công nghệ blockchain để đảm bảo khách quan, an toàn.

Bên cạnh đó, với sự thay đổi của công nghệ, ngoài biển số truyền thống, công nghệ chíp thông minh để nhận diện (dữ liệu điện tử về xe) được lắp đặt có thể kết nối giữa xe với các dịch vụ khác như bãi đỗ xe thông minh, trả tiền phí cầu, đường không dừng;…

7. Quản lý đào tạo, sát hạch lái xe; cấp, đổi, thu hồi giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ theo xu hướng mở, sử dụng công nghệ thực tại ảo.

Ngoài xu hướng đào tạo kỹ năng lái xe và kiến thức pháp luật, việc đào tạo, sát hạch lái xe sẽ bao hàm cả kỹ năng “kết nối” giữa lái xe và phương tiện và đường sá thông qua ứng dụng công nghệ. Bên cạnh đó, việc đào tạo sẽ được thực hiện theo xu hướng mở, đa dạng hóa, “xã hội hóa” đào tạo, kể cả các hình thức đào tạo trực tuyến trong môi trường học tập ảo (Virtual Learning Environment – VLE), chú trọng vào nâng cao chất lượng đào tạo. Bên cạnh đó, công nghệ thực tại ảo sẽ giúp việc đào tạo lái xe có thể mô tả tối đa các tình huống thực tế cần thiết giúp lái xe nâng cao kỹ năng xử lý tình huống trong nhiều trường hợp môi trường, đường sá, điều kiện thời tiết,… khác nhau mà việc đào tạo trên thực tế không thể có cơ sở hạ tầng đáp ứng.

8. Quản lý hoạt động vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải; tổ chức cứu nạn giao thông đường bộ được thuận lợi, dễ dàng nhờ kết nối IoT.

Lĩnh vực này sẽ có tác động mạnh mẽ bởi công nghệ 4.0, nhất là về các công nghệ kết nối vạn vật (IoT), trong đó đáng chú ý là kết nối không dây. Nếu xét theo phạm vi không gian thì các giao thức công nghệ kết nối không dây được phân thành 05 lớp: (1) Mạng không tiếp xúc có khoảng cách từ 0-10cm, gồm một số công nghệ chính: Near Field Communication (NFC), Radio Frequency Indentification (RFID); (2) Mạng cá nhân không dây – phủ sóng khoảng 10m – 100m (Wireless Personal Area Network- WPAN), gồm một số công nghệ chính Bluetooth Low Energy (BLE); Thread; ZigBee; EnOcena; Z-Wave; WirelessHART; MiWi; ISA100.11a,… (3) Mạng cục bộ không dây- phủ sóng khoảng 100m – 1km (Wireless Personal Area Network - WLAN), gồm một số công nghệ chính: Wifi 2.4Ghz& 5Ghz; Wifi Sub 1Ghz; RFID (Dash7),… (4) Mạng khu vực lân cận không dây- phủ sóng khoảng 1km – 10km (Wireless Neighborhood Area Network-WNAN), gồm một số công nghệ chính: Wi-SUN; JupiterMesh,… (5) Mạng diện rộng không dây- phủ sóng trên 10km -100km (thậm chí là toàn bộ thế giới khi cần), gồm một số công nghệ chính: Cellular (2G, 3G, 4G, 5G; LTE-Cat M, LTE NB-IoT); Low Power Wide Area (SigFox, LoRa, DASH7),…

Hiện tại phần lớn các công nghệ trên đây đều đang triển khai phổ quát trên thế giới. Chẳng hạn như với công nghệ 5G, chúng ta cũng đang từng bước thử nghiệm và dự kiến 2023 - 2025 mạng 5G sẽ phổ cập tại Việt Nam. Mạng 5G có tốc độ nhanh gấp khoảng 100 lần mạng 4G và hứa hẹn đưa các công nghệ tiên tiến (thực tại ảo, lái xe tự động,…) vào thực tiễn trên diện rộng, làm biến chuyển mạnh mẽ nhiều lĩnh vực trong đó có lĩnh vực giao thông vận tải, logistic. Trong khi 5G vẫn chưa được phổ cập thì trên thế giới, các nước đãbắt đầu nghiên cứu, đầu tư mạnh mẽ để phát triển công nghệ 6G (theo tính toán, mạng 6G sẽ nhanh gấp 100 lần mạng 5G), như Mỹ, Hàn Quốc (nước này dự kiến thương mại hóa 6G vào 2028), Trung Quốc (dự kiến triển khai 6G vào 2029), Nga, Nhật Bản,…

Với những công nghệ không dây, kết nối vạn vật như trên, hoạt động vận tải được hỗ trợ rất nhiều với sự xuất hiện của hệ thống định vị toàn cầu (GPS), thiết bị giám sát hành trình, và cả điều kiện công nghệ cho phép triển khai xe tự lái,… Việc phát triển và ứng dụng công nghệ mạng như hiện nay (chẳng hạn như mạng 6G) sẽ giúp hướng đến một xã hội siêu thông minh, nơi trí thông minh nhân tạo và robot là một phần thiết yếu của cuộc sống. Điều này cũng cho phép các hoạt động vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải, việc tổ chức cứu nạn giao thông đường bộ sẽ được thực thi một cách tối ưu, tự động.

Ở Việt Nam, hiện tại chúng ta đã triển khai bắt buộc gắn thiết bị giám sát hành trình trên xe khách, xe tải. Nhiều xe ô tô cá nhân cũng lắp thiết bị giám sát hành trình để vừa dễ quản lý, theo dõi, vừa thuận lợi trong quá trình thực hiện di chuyển nhờ công nghệ định vị, sử dụng các phần mềm để tối ưu hóa hành trình di chuyển một cách tự động. Tuy thế, trong quá trình phát triển cũng xuất hiện những loại hình vận tải mới, được gọi là vận tải công nghệ số như Uber, Grab,… Điều này cho thấy, nếu hoạt động quản lý vận tải của nhà nước nói chung và của các hãng xe tư nhân nói riêng nếu không thay đổi, thích ứng sẽ khó bắt nhịp kịp với ưu thế công nghệ trong tương lai.

9. Kiểm tra, thanh tra, tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ theo xu hướng ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo.

Sundar Pichai, CEO Google cho rằng: “Trí tuệ nhân tạo (AI) là khám phá tuyệt vời nhất của nhân loại”, nó không kém việc khám phá ra lửa, điện hay Internet, và trong 25 năm tới, AI và điện toán lượng tử sẽ hoàn toàn cách mạng hóa cuộc sống của con người. Nhiều học giả khác cũng cho rằng “AI đã, đang vàsẽ thay đổi thế giới của chúng ta mãi mãi”. Một số người xem AI như mối đe dọalớn nhất của nền văn minh nhân loại, trong khi những người khác lại tin rằng AI là vị cứu tinh sẽ giúp giải quyết những tháchthức lớn nhất của loài người. Dù sao thì ngày nay, AI đang là công nghệ quyền lực nhất của nhân loại. Nó đã và đang được áp dụng trong các lĩnh vực từ kinh doanh, nghiên cứu, thiên văn học, y học cho đến quản lý. Trong những cấp độ ban đầu, AI có thể tự động nhận diện biển số phương tiện, nhận biết các lỗi vi phạm của một phương tiện thông qua dữ liệu hình ảnh. Với những cấp độ cao hơn thì các thuật toán tự động trên máy tính còn có thể làm được nhiều việc hơn nữa, như việc thực hiện xử phạt tự động, gửi thông tin vi phạm tự động đến chủ phương tiện và tự động kết nối với đăng kiểm, ngân hàng,…

Như vậy, tùy từng cấp độ, nhưng việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo sẽ giúp cho công tác kiểm tra, thanh tra, tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ sẽ ngày càng tự động hóa, đơn giản hóa và tối ưu hơn. Hiện đã có những hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông được triển khai, lắp đặt trên một số tuyến như: quốc lộ 1 (đoạn Nghệ An - Hà Tĩnh - Quảng Bình) và tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi,… cho thấy hiệu quả và xu hướng tất yếu của ứng dụng công nghệ trong công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ. Thực tế cho thấy, kể từ khi triển khai hệ thống giám sát giao thông, đã giảm thiểu sự có mặt của lực lượng Cảnh sát giao thông trên đường, nhưng vẫn đảm giám sát 24/24, hơn nữa, người vi phạm còn có thể nộp phạt "online" (trực tuyến), tiết kiệm thời gian xử lý vi phạm và giảm phiền hà cho người dân. Xét trên góc độ công nghệ, với hệ thống giám sát hành trình (“hộp đen”) hoặc các ứng dụng công nghệ tương tự có thể tự động ghi lại các hành vi vi phạm như dừng, đỗ, sai làn đường, tốc độ, vượt đèn tín hiệu trái phép, quá thời gian đi liên tục phải dừng, nghỉ …. , sau đó các thiết bị này nếu được kết nối có thể chiết xuất dữ liệu phục vụ xử lý vi phạm.Trong tương lai không xa, sau khi các yếu tố pháp lý hoàn thiện (chẳng hạn như về việc sử dụng chữ ký điện tử) thì cơ quan chức năng có thể ra quyết định bị xử phạt ngay sau khi lập biên bản ở hiện trường, người vi phạm có thể nộp phạt luôn qua ứng dụng trên smart phone;các giấy tờcó thể được theo dõi, quản lý trên hệ thống mà không nhất thiết tước giấy tờ vật chất để giữ tại cơ quan Công an như hiện nay. Như vậy, sự phát triển công nghệ sẽ giúp công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm dần được tự động hóa tối đa nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về TTATGT, điều này vừa đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, vừa hạn chế, phòng ngừa các vi phạm về TTATGT.

10. Hợp tác quốc tế về TTATGT đường bộ sâu rộng và thuận lợi hơn.

Nghị quyết Đại hội XIII xác định cần “thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội”. Với chủ trương “tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực”, trong thời gian tới, chúng ta tiếp tục tăng cường hợp tác với các nước trong công tác quản lý nhà nước về TTATGT đường bộ. Với sự hỗ trợ thuận lợi của IoT, có thể nói rằng, việc trao đổi, hợp tác giữa các nước trở nên thuận lợi, dễ dàng hơn bao giờ hết. Các hội thảo, hội nghị, trao đổi kinh nghiệm có thể được thực hiện một cách thuận lợi thông qua mạng internet, không bị hạn chế về không gian, thời gian, kể cả trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid19 như trong thời gian qua. Tuy nhiên, chúng ta cần thúc đẩy, nâng cao năng lực (cả về trình độ, tư duy và cơ sở hạ tầng thông tin) để kịp thời bắt nhịp với sự thay đổi công nghệ và tiếp thu kinh nghiệm, thành tựu tiên tiến của các nước.

11. Nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ về giao thông đường bộ và đào tạo nhân lực làm công tác bảo đảm TTATGT đường bộ cần được đầu tư, chú trọng và đổi mới.

CMCN 4.0 “sẽ thay đổi các quy tắc của trò chơi và sẽ thay đổi cơ sở cạnh tranh trong lĩnh vực sản xuất”. Chỉ nói riêng về kết nối vạn vật (IoT), các nghiên cứu cho thấy, nó có 06 lớp bao gồm: (1) Theo chiều dọc có 4 lớp: Thiết bị và sản phẩm IoT; Cổng gateway IoT; Nền tảng IoT; Truy cập và ứng dụng mức người dùng IoT; (2) Theo chiều ngang có 2 lớp: Mạng IoT có dây và không dây; Bảo mật IoT. Với các lớp thay đổi mạnh mẽ, thì “bộ mặt” công nghệ và cuộc sống sẽ thay đổi theo, đòi hỏi việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ về giao thông đường bộ cần được đầu tư, định hướng phù hợp với xu thế công nghệ 4.0. Chúng tôi cho rằng, một trong những thách thức của CMCN 4.0 là nó có thể phá vỡ thị trường lao động. Khi tự động hóa thay thế lao động chân tay trong nền kinh tế, khi robot thay thế con người trong nhiều lĩnh vực, một trong số đó bị ảnh hưởng nặng nề nhất là những người làm trong lĩnh vực vận tải. Vì thế, không riêng gì nguồn nhân lực trực tiếp, mà cả trong việc đào tạo nhân lực quản lý, cán bộ làm chính sách,… cần chú trọng đến sự phát triển của công nghệ, mà trước tiên là thay đổi tư duy, thay đổi cách nhìn nhận. Josef Brunner (CEO của Relayr) cho rằng: “chuyển đổi IoT là về con người chứ không phải công nghệ”. Vì thế, đào tạo nhân lực làm công tác bảo đảm TTATGT đường bộ là cực kỳ quan trọng, chứ không chỉ là về công nghệ. Cái cần đó là tư duy và kỹ năng công nghệ thực sự. Chẳng hạn như trong cuộc chạy đua ứng dụng AI, có nhiều cách để ứng dụng, nhưng phần lớn chọn thuê ngoài các dự án AI của thôngqua các công ty tư vấn. Tuy nhiên, đó không phải cách tối ưu, theo một số chiến lược gia thì có một mô hình khácđó là tập trung vào việc phát triển các kỹ năng AI trong nội bộ cốt lõi vàsau đó tiến hành thuê các chuyên gia bên ngoài để tăng cườngnăng lực và đảm bảo có thể mang các kỹ năng và chuyênmôn về AI trở lại ứng dụng trong lĩnh vực chuyên môn cụ thể thì sẽ tốt hơn.

Việc thay đổi CMCN 4.0 cũng giúp việc đào tạo, nâng cao trình độ cho cán bộ, công chức nói riêng và người dân nói chung dễ dàng hơn. Bởi lẽ, trong tương lai không xa, Chính phủ đang có chiến lược xây dựng cơ sở để: “Mỗi người dân đều có khả năng tiếp cận các khóa học kỹ năng trực tuyến MOOC (Massive Open Online Course) được cá nhân hóa cho đối tượng người học và mở rộng ra toàn xã hội, bao gồm cả những khóa học cơ bản, góp phần nâng cao kỹ năng số của xã hội, xóa mù công nghệ số cho vùng sâu, vùng xa”.

Như vậy, qua phân tích những ảnh hưởng, tác động của CMCN 4.0 đến công tác quản lý nhà nước về TTATGT đường bộ có thể rút ra một số nội dung sau: (1) CMCN 4.0 là cuộc cách mạng công nghệ mạnh mẽ, đang diễn ra, hiện hữu và tác động sâu sắc đến mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội; (2) Sự thay đổi của công tác quản lý nhà nước nói chung và công tác quản lý nhà nước về TTATGT đường bộ là tất yếu trong bối cảnh CMCN 4.0; (3) Sự thay đổi của công tác quản lý nhà nước về TTATGT đường bộ trong bối cảnh CMCN 4.0 là toàn diện trên các nội dung, trong đó có những sự thay đổi cơ bản, chính yếu nêu trên; (4) Các tác động, thay đổi đối với công tác quản lý nhà nước về TTATGT đường bộ chủ yếu theo chiều hướng tích cực hơn, đem lại nhiều thời cơ, cơ hội hơn, giúp công tác này ngày càng hiệu quả hơn; (5) Bên cạnh đó, cũng có những thách thức mà xã hội nói chung và công tác quản lý nhà nước về TTATGT đường bộ cần chú ý đó là tính bảo mật của thông tin cá nhân; sự lạm dụng hoặc phụ thuộc vào thông tin; sự tụt hậu nếu không kịp thích ứng, thay đổi; sự quá tải thông tin dữ liệu để xử lý;… Những yếu tố, ảnh hưởng này cần tiếp tục được nghiên cứu, nhận diện một cách nghiêm túc, đầy đủ, toàn diện hơn nhằm xây dựng những chiến lược, chính sách phù hợp hơn trong một tương lai đầy cạnh tranh, với nhiều cơ hội, thách thức của cuộc CMCN 4.0.

Trung tá - Ths. Hoàng Xuân Quý

  • Tags: