Nâng cao chức năng phản biện xã hội trên tạp chí khoa học

Tạp chí Việt Nam hội nhập là cơ quan báo chí khoa học và thông tin đối ngoại của Viện Chính sách, Pháp luật và Quản lý. Trong những năm qua, bên cạnh việc phản ánh toàn diện những thành tựu về kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước trong thời kỳ

Tạp chí Việt Nam hội nhập là cơ quan báo chí khoa học và thông tin đối ngoại của Viện Chính sách, Pháp luật và Quản lý. Trong những năm qua, bên cạnh việc phản ánh toàn diện những thành tựu về kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước trong thời kỳ hội nhập, tạp chí còn tham gia đăng tải hàng trăm bài báo nghiên cứu khoa học, các điều tra khoa học mang tính phản biện xã hội gắn với chính sách, pháp luật và quản lý. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với nhà báo Đoàn Mạnh Phương - Tổng Biên tập Tạp chí Việt Nam Hội nhập; Phó Viện trưởng Viện Chính sách, Pháp luật và Quản lý.

Tạp chí Việt Nam Hội nhập số chuyên đề nghiên cứu khoa học về chính sách, pháp luật, quản lý ra hàng tháng đã đăng hàng trăm các bài viết nghiên cứu khoa học của các nhà nghiên cứu, các học giả, các nhà hoạch định chính sách trong những năm qua. Các bài viết nghiên cứu khoa học hoặc trích đăng các công trình nghiên cứu khoa học trên số chuyên đề khoa học này đã được bạn đọc và cộng tác viên đánh giá cao.

PV: Bên cạnh nhiệm vụ quan trọng là tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong hội nhập và phát triển; góp phần chuyển tải, phổ biến kiến thức về chính sách, pháp luật tới cộng đồng xã hội, Tạp chí Việt Nam Hội nhập còn đảm nhiệm chức năng, vai trò quan trọng là tham gia phản biện xã hội với tư cách là một cơ quan báo chí nghiên cứu khoa học. Tạp chí Việt Nam Hội nhập đã cộng hưởng những yếu tố nào để làm tốt nội dung phản biện xã hội trên tạp chí?

Nhà báo Đoàn Mạnh Phương: Chưa bao giờ báo chí được phát huy quyền dân chủ cởi mở, thông thoáng, rộng rãi như những năm qua để chủ động tham gia phản biện xã hội, đóng góp tích cực vào việc hoạch định đường lối, chính sách của Đảng, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ và đấu tranh, phản bác các luận điệu thù địch, sai trái, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và các tệ nạn xã hội đã và đang cản trở sự phát triển và đi lên của đất nước trong thời kỳ hội nhập ngày càng sâu rộng.

Thực tế cho thấy, có khá nhiều vấn đề, nhất là những vấn đề phức tạp, nhạy cảm, mới mẻ nảy sinh, các cơ quan chức năng và nhà quản lý chưa tiên lượng hết, dự báo, bao quát đầy đủ, song qua lăng kính của các nhà nghiên cứu khoa học về chính sách, pháp luật và quản lý trên tạp chí khoa học  đã phản ánh đúng lúc, kịp thời, thấu lý, đạt tình - góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan chuyên môn điều chỉnh, bổ sung nhằm không ngừng hoàn thiện cơ chế, chính sách trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và thu hút nhân lực nhân tài cống hiến cho đất nước.

Do biết cách khơi gợi vấn đề, khuyến khích động viên đông đảo các nhà khoa học, các học giả tham gia ý kiến, hơn 4 năm qua Tạp chí Việt Nam Hội nhập đã mở diễn đàn, mở chuyên mục nhằm kết nối trí tuệ và tâm huyết của các nhà khoa học, các chuyên gia hàng đầu của đất nước và trí thức Việt kiều sống xa Tổ quốc... đóng góp vào các văn bản pháp luật, các chiến lược phát triển, dự án, đề án... nhằm giúp các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp sửa đổi các nội dung, quy định sao cho phù hợp với thực tiễn cuộc sống, xã hội, từng bước hoàn thiện để nâng cao hiệu quả thực thi trong thực tiễn phát triển. Tạp chí Việt Nam Hội nhập đã bám sát sự kiện, thông tin nhanh nhạy, nắm đúng bản chất sự kiện, phân tích trúng vấn đề và định hướng tư tưởng, hướng dẫn dư luận rõ ràng, qua đó đã thực hiện tốt chức năng phản biện, mang lại hiệu quả xã hội rõ rệt. Bởi thế, vai trò, chức năng phản biện của Tạp chí Việt Nam Hội nhập ngày càng được khẳng định và sức mạnh của một cơ quan báo chí khoa học gắn với thực tiễn phát triển, cũng từ đó được nâng lên, đem lại sự tín nhiệm và tin cậy của bạn đọc đối với một cơ quan báo chí khoa học gắn với pháp luật, chính sách và quản lý.

Bằng hoạt động nghiệp vụ của mình, Tạp chí Việt Nam Hội nhập đã giúp cho cộng đồng xã hội hiểu đúng, đánh giá đúng và ngày càng trân trọng tính tích cực và chữ Tâm, chữ Tầm của các nhà khoa học, chuyên gia, trí thức trong các bài viết phản biện xã hội trên từng số Tạp chí. Với hơn 200 số Tạp chí in đã xuất bản và tạp chí điện tử, chuyên trang điện tử Pháp luật quản lý, công tác phản biện xã hội trên Tạp chí ngày càng nâng cao vị thế và uy tín cơ quan báo chí nghiên cứu khoa học. 

PV: Bên cạnh tư duy của người lãnh đạo cơ quan báo chí thì vai trò của phóng viên, biên tập viên trong cơ quan báo chí khoa học được thể hiện như thế nào để làm tốt và hiệu quả hơn trong từng đề tài phản biện xã hội một cách có trách nhiệm với cộng đồng, với đất nước?

Nhà báo Đoàn Mạnh Phương: Ngòi bút của những người phản biện được ví như con dao hai lưỡi. Nếu người phản biện có động cơ lành mạnh, mục đích cao đẹp, lương tâm trong sáng và luôn có ý thức trân trọng những điều hay lẽ phải thì sẽ góp phần thúc đẩy đất nước phát triển văn minh, tiến bộ. Ngược lại, nếu người phản biện có cái nhìn thiển cận, tư duy hẹp hòi, thái độ cực đoan thì chỉ càng làm xã hội phân tán, lòng người phân tâm.   

Coi trọng phản biện xã hội trên tạp chí khoa học thực chất chính là một hình thức phát huy quyền dân chủ một cách công khai, minh bạch. Để nhận thức đúng đắn, đầy đủ vai trò của phản biện xã hội trên tạp chí khoa học, lãnh đạo tòa soạn đã định hướng cộng tác viên là các trí thức, các nhà khoa học tham gia ý kiến phản biện cần có trí tuệ khoa học, tinh thần thiện chí, thái độ xây dựng, nhận định và đánh giá sự kiện, vấn đề vì lợi ích chung của toàn xã hội. Phản biện xã hội trên báo chí không phải là “nói lấy được”, “gặp đâu nói đấy”, mà là nói có cơ sở tin cậy, lý do xác đáng. Phản biện không phải là bác bỏ, lại càng không phải là cố tình ngụy biện để bác bỏ bằng được. Suy nghĩ và thực hiện phản biện như thế, không những thể hiện tốt vai trò, chức năng cao quý của người cầm bút, mà còn góp phần giúp công chúng hướng tới những giá trị “chân, thiện, mỹ”, làm cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp và nhân văn hơn.

Để tránh tình trạng phản biện không có mục tiêu và định hướng rõ ràng, Tạp chí Việt Nam Hội nhập đã không để lọt những bài viết thiếu cơ sở khoa học, thiếu ý thức chính trị, văn hoá và đạo đức xuất hiện trên trang tạp chí cả ấn phẩm in và điện tử. Tòa soạn luôn khuyến khích mọi ý kiến tham gia phản biện, đăng đàn trên báo chí, nhưng các ý kiến đó phải gắn chặt với kỷ luật phát ngôn, tôn trọng truyền thống quý báu, sứ mệnh cao cả và kỷ cương chân chính của nền báo chí cách mạng.

PV: Tạp chí Việt Nam hội nhập cũng như nhiều cơ quan báo chí khoa học khác đã và đang thực hiện sứ mệnh quan trọng là góp phần thúc đẩy và đồng hành vào hành trình phát triển và hội nhập của đất nước. Ông có suy nghĩ gì về sứ mệnh và nhiệm vụ quan trọng này?

Nhà báo Đoàn Mạnh Phương: Đất nước ta đang trong quá trình hội nhập sâu rộng với thế giới. Mỗi thông tin xuất hiện trên báo chí đều có thể ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp đến vị thế, diện mạo của quốc gia dân tộc. Do đó, mọi sự phản biện xã hội trên báo chí nhất là trên một cơ quan ngôn luận của giới trí thức - tinh hoa của dân tộc phải trở thành kênh thông tin hữu ích giúp Đảng, Nhà nước, Chính phủ lãnh đạo, điều hành và quản lý tốt hơn công cuộc đổi mới của đất nước; lấy mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội và “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh” làm phương châm hành động và thể hiện ở mỗi nội dung đăng tải trên mỗi trang tạp chí đến với bạn đọc với thông điệp: Đem đến thông tin để xây dựng niềm tin. 

PV: Xin cảm ơn ông. Chúc cho Tạp chí Việt Nam Hội nhập ngày càng phát triển và thực hiện tốt hơn nữa vai trò của một cơ quan báo chí khoa học về chính sách, pháp luật và quản lý gắn với hội nhập và phát triển.

XUÂN THẮNG
(thực hiện)

  • Tags: