Nâng cao trách nhiệm xã hội của nhà báo

Năm nay, những người làm báo cả nước kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam trong một hoàn cảnh thật đặc biệt và không thể nào quên được.

Năm nay, những người làm báo cả nước kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam trong một hoàn cảnh thật đặc biệt và không thể nào quên được.

Ðó là thời điểm mà cả nước đang căng mình, quyết liệt phòng, chống đợt dịch Covid-19 lần thứ tư diễn biến phức tạp ở nhiều nơi, gây ra biết bao khó khăn, vất vả đối với nền kinh tế đất nước và cuộc sống, lao động của nhân dân. Trong bối cảnh chung đó, những người làm báo dường như không có thời gian để nghĩ về những niềm vui trong ngày của mình mà luôn hướng tâm trí, tình cảm về mặt trận nóng bỏng của cả nước. Rất nhiều phóng viên, biên tập viên đã túc trực hằng ngày, hằng giờ để tiếp nhận những thông tin từ các địa phương, từ từng điểm nóng của dịch bệnh để từ đó có những thông tin phản ánh kịp thời và chính xác. Vai trò quan trọng của người làm báo đã và đang được khẳng định không ngừng trong thời điểm quan trọng của đất nước.

Phóng viên tác nghiệp tại khu vực cách ly Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Ảnh: Đăng Anh

Trong khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hằng ngày, nhu cầu thông tin của người dân cũng tăng lên, thậm chí người dân có nhu cầu được cập nhật thông tin từng giờ, từng phút. Chính vì vậy, hoạt động nghiệp vụ của các phóng viên, của các cơ quan báo chí lại càng có ý nghĩa quan trọng. Việc thông tin kịp thời, chính xác, đầy đủ của người làm báo sẽ góp phần quan trọng để người dân biết rõ tình hình thực tế phòng, chống dịch, nhất là thấu hiểu, chia sẻ với Ðảng, Nhà nước, các cấp chính quyền về những khó khăn đang đặt ra, phải vượt qua và phải chiến thắng trong cuộc chiến chống Covid-19.

Bạn đọc cả nước đã rất đỗi thân quen hình ảnh những người làm báo tác nghiệp tại khu cách ly, tại khu điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19, những nơi có nguy cơ lây nhiễm rất cao, nhưng mỗi người luôn thể hiện lòng yêu nghề, tinh thần dấn thân, vì mục tiêu đưa đến với người đọc cả nước những thông tin xác thực nhất và tin cậy nhất.

Ðể làm được điều đó, mỗi nhà báo cần tiếp tục xây dựng cho bản thân mình và phát huy hơn nữa tinh thần trách nhiệm cao với xã hội, với cộng đồng. Ðây chính là một trong những nhân tố quan trọng nhất để làm nên một cây bút thành công. Trong bốn đợt dịch Covid-19 vừa qua, tinh thần trách nhiệm xã hội của đội ngũ những người làm báo đã được chứng tỏ sâu sắc hơn bao giờ hết. Dù đợt dịch sau nặng nề và gây ra nhiều khó khăn hơn đợt dịch trước nhưng lòng yêu nghề, tinh thần trách nhiệm, sự nhiệt huyết của các phóng viên không hề giảm đi. Ngược lại, mỗi người lại bước vào cuộc chiến chống dịch bệnh với khí thế mới, quyết tâm mới với nền tảng là trách nhiệm xã hội cao cả.

Các cơ quan báo chí tiếp tục thường xuyên thông tin về diễn biến của dịch bệnh, nhất là về các "điểm nóng", "ổ dịch" và những nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng, làm cơ sở quan trọng để bạn đọc biết và có những phương án đề phòng hiệu quả. Quan trọng hơn nữa, các phóng viên báo chí đã thông tin sâu đậm những chủ trương, quyết sách, hành động quyết liệt của Ðảng, Chính phủ và cả hệ thống chính trị trong cuộc chiến chống dịch bệnh. Nhờ vậy, người dân luôn nắm hiểu kịp thời thông tin và luôn luôn tin tưởng vào đường lối, chủ trương của Ðảng, Nhà nước trong thời điểm khó khăn, nóng bỏng của đất nước. Các cơ quan báo chí cả nước cùng đông đảo những người làm báo đã bình tĩnh, đối mặt với "làn sóng" dịch lần thứ tư, làm tốt công tác thông tin về phòng, chống dịch và nhấn mạnh, làm nổi bật nhiệm vụ quan trọng khác, đó là khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội.

Trong khó khăn, căng thẳng do đại dịch, trách nhiệm xã hội của nhà báo ngày càng được nâng lên và khẳng định sâu sắc. Trách nhiệm đó được thể hiện ở tính trung thực, tính nhân văn, vì lợi ích chung của cộng đồng, dân tộc, đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu... Ðây là một nhân tố rất cần được trân trọng và phát huy ở từng người làm báo, nhất là trong bối cảnh công nghệ thông tin và mạng xã hội đang phát triển mạnh mẽ và có những tác động nhiều mặt đến hoạt động báo chí.

Để luôn có ý thức giữ gìn và nâng cao trách nhiệm xã hội, mỗi nhà báo phải không ngừng làm tốt và phát huy tốt nhất vai trò công dân, tiếp nhận, xử lý, thẩm định thông tin một cách chắc chắn, chính xác, không nóng vội, không cẩu thả. Ðây là cơ sở quan trọng để truyền tải tới công chúng những thông tin có trách nhiệm với xã hội, với đất nước và bạn đọc. Bên cạnh đó, mỗi nhà báo, mỗi cơ quan báo chí cần quyết liệt phản bác, đấu tranh đối với các thông tin sai trái, xuyên tạc. Ðồng thời, tiếp tục chú trọng về tính nhân văn, quan tâm điều tích cực trong quá trình phản ánh thực tế cuộc sống, qua đó cùng định hướng mọi người hướng về những điều tốt đẹp. Những nỗ lực bền bỉ trong quá trình thông tin, phản ánh trên các phương tiện truyền thông của các cơ quan báo chí chính là quá trình tác nghiệp quan trọng, định hướng dư luận hướng tới những giá trị chân - thiện - mỹ. Và đó cũng là nhiệm vụ thiêng liêng, cao cả của các nhà báo trong hành trình xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam ngày càng hiện đại, nhân văn vì những mục tiêu tiến bộ, cao cả.

Nguồn: Báo Nhân dân Điện tử

  • Tags: