Nhận diện những nguy cơ đe dọa sự sống còn của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta

Xây dựng chủ nghĩa xã hội đòi hỏi phải xác định rõ những động lực thúc đẩy cũng như những nhân tố cản trở đến việc thực hiện mục tiêu xây dựng nước ta thành một nước xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, bài viết sẽ phân tích làm rõ những nguy cơ đang đe dọa đến sự t

Xây dựng chủ nghĩa xã hội đòi hỏi phải xác định rõ những động lực thúc đẩy cũng như những nhân tố cản trở đến việc thực hiện mục tiêu xây dựng nước ta thành một nước xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, bài viết sẽ phân tích làm rõ những nguy cơ đang đe dọa đến sự tồn vong của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay, mối quan hệ giữa các nguy cơ này. 

Ảnh minh họa - Internet

Từ khóa: nguy cơ, chế độ xã hội chủ nghĩa, Việt Nam.

Ngay từ Hội nghị giữa nhiệm kỳ khóa VII, Đảng ta đã xác định 4 nguy cơ cản trở thực hiện mục tiêu chủ nghĩa xã hội ở nước ta, đó là: “nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới; nguy cơ chệnh hướng xã hội chủ nghĩa; nguy cơ về nạn tham nhũng và tệ quan liêu; nguy cơ diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch. Các nguy cơ đó có liên quan mật thiết với nhau, tác động lẫn nhau”(1).

Đến Đại hội VIII, Đảng ta khẳng định: “Bốn nguy cơ mà Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ nêu lên cho đến nay vẫn là những thách thức lớn. Các nguy cơ ấy có mối liên hệ tác động lẫn nhau và đều nguy hiểm, không thể xem nhẹ nguy cơ nào”(2). Gần đây nhất, tại Đại hội lần thứ XII, Đảng ta tiếp tục nhận định: “Bốn nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra vẫn tồn tại, nhất là nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước trong khu vực và trên thế giới, nguy cơ diễn biến hòa bình của thế lực thù địch nhằm chống phá nước ta; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; sự tồn tại và những diễn biến phức tạp của tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí”(3). Biểu hiện của những nguy cơ này ở nước ta cụ thể như sau:

Thứ nhất, nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước trong khu vực và trên thế giới vẫn là một thực tế

Tụt hậu về kinh tế được biểu hiện trên rất nhiều mặt như thu nhập bình quân theo đầu người; năng suất lao động; năng lực cạnh tranh... Tất cả các mặt này chúng ta vẫn còn có nhiều hạn chế. Năng suất lao động vẫn còn thấp so với nhiều nước trên thế giới, do nền kinh tế vẫn đang trong mô hình tăng trưởng theo chiều rộng, dựa trên khai thác tài nguyên và lao động giá rẻ. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra mạnh mẽ, nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với sức ép cạnh tranh rất gay gắt mà nếu không đáp ứng được có thể bị thua ngay trên sân nhà. Thu nhập bình quân đầu người của nước ta tăng lên, chúng ta đã bước vào các quốc gia có thu nhập trung bình nhưng vẫn còn khoảng cách lớn về thu nhập so với thế giới. Năm 1990, GDP bình quân đầu người theo giá thực tế của thế giới là 4.168 USD và Việt Nam là 98 USD, chênh tới 4.070 USD(4). Đến 2017, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam khoảng 2.385 USD, thế giới khoảng 10.700 USD, chênh nhau là 8.315 USD; năm 2018, Việt Nam khoảng 2.590 USD, thế giới khoảng 11.000 USD, chênh tới 8.410 USD(5). Như vậy, xét về tỷ lệ, GDP trên đầu người của Việt Nam đã rút ngắn so với thế giới, từ thua kém 42,5 lần năm 1990, còn 4,4 lần năm 2017 và 4,2 lần năm 2018, song về con số tuyệt đối thì vẫn tăng lên. Nếu năm 1990 là 4.000 USD, thì năm 2018 là 8.000 USD. Sự tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước trong khu vực Đông Nam Á cũng thấy rõ. Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam năm 2017 chỉ tương đương mức GDP bình quân đầu người của Malaysia năm 1990 (2.441 USD); của Thái Lan năm 1993 (2.208 USD); của Indonesia năm 2008 (2.300 USD). Như vậy, Việt Nam đi sau Malaysia 27 năm; Thái Lan 23 năm; sau Indonesia và Philippines 9-10 năm... theo các tính toán như trên(6). Mặc dù chúng ta tự hào tốc độ tăng GDP cao hơn nhiều nước trên thế giới nhưng vì quy mô GDP của Việt Nam nhỏ hơn nhiều nước nên dù tốc độ tăng cao thì về mặt giá trị tuyệt đối GDP lại tăng không bằng các nước khác. Giá trị tăng 7% trên 1 quy mô GDP nhỏ như Việt Nam thua xa so với giá trị tăng dù chỉ 1-2% trên 1 quy mô GDP gấp chúng ta nhiều lần. Sau 15 năm, tổng GDP của Việt Nam mới chỉ tăng 160 tỷ USD, trong khi với Thái Lan, con số này là 270 tỷ USD, Malaysia là 200 tỷ USD, đặc biệt là Indonesia có mức tăng trưởng kỷ lục với 700 tỷ USD và Hàn Quốc là 850 tỷ USD(7). Việt Nam dù có nhiều cố gắng nhưng vẫn chưa lọt vào danh sách ASEAN 6 mà vẫn nằm ở top cuối của ASEAN.

Thứ hai, nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa vẫn tiềm ẩn

Nguy cơ chệch hướng về chính trị là sai lầm về đường lối, xa rời chủ nghĩa Mác - Lênin và những nguyên lý của chủ nghĩa xã hội khoa học. Về văn hóa thể hiện ở xu hướng coi nhẹ văn hóa, không giữ gìn và phát huy được bản sắc, truyền thống văn hóa của dân tộc, chạy theo giá trị bên ngoài. Về mặt kinh tế, nguy cơ chệnh hướng thể hiện ở chỗ nhiều doanh nghiệp, kể cả tư nhân và nhà nước thoát ly khỏi sự quản lý của nhà nước, chỉ biết làm giàu, thu lợi nhuận bằng mọi cách, không gắn vì lợi ích của đất nước, dân tộc và nhân dân. Doanh nghiệp vì lợi nhuận của mình mà xả thải gây ô nhiễm môi trường, gian lận thương mại, trốn thuế, không đảm bảo lợi ích của người lao động và người tiêu dùng, doanh nghiệp móc nối với một bộ phận công chức thoái hóa biến chất trong cơ quan quản lý nhà nước để có đặc quyền, đặc lợi, hình thành lợi ích nhóm không trong sáng. Kinh tế nhà nước chưa thể hiện được vai trò chủ đạo, đầu tàu và dẫn dắt nền kinh tế.

Thứ ba, nguy cơ từ những âm mưu, hành động “diễn biến hòa bình” của thế lực thù địch vẫn thường trực và có những biểu hiện mới

Thuật ngữ “diễn biến hòa bình” xuất hiện lần đầu trong đời sống chính trị thế giới vào năm 1949 để chỉ sự chuyển hóa các nước XHCN thành tư bản chủ nghĩa. “Diễn biến hòa bình” sau đó tiếp tục được bổ sung và hoàn chỉnh thành chiến lược vào cuối thập niên 80 của thế kỷ XX. Ban đầu chiến lược này được coi như biện pháp hỗ trợ, bổ sung cho các hành động tiến công quân sự sau đó trở thành chiến lược toàn cầu và là biện pháp chính trong cuộc tấn công của các nước tư bản chủ nghĩa vào các nước xã hội chủ nghĩa. Bản chất của “diễn biến hòa bình” là hoạt động của các thế lực đế quốc tư bản lớn và cường quyền nhằm vào các nước có chế độ chính trị mà họ coi là không phù hợp với lợi ích của họ, bằng tổng hợp các biện pháp chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội, ngoại giao, an ninh... để chuyển hóa chế độ chính trị của các nước này theo quỹ đạo có lợi cho họ(8). Chiến lược “diễn biến hòa bình” được tiến hành bằng tăng cường tiếp xúc, giao lưu, hợp tác kinh tế, văn hóa, thông tin, khoa học, giáo dục; đổ tiền của vào các nước XHCN để làm cho các giá trị Mỹ xâm nhập vào các nước này, đồng thời dùng mọi biện pháp để làm cho nhân dân, đảng viên ở các nước này chán ghét, căm phẫn Đảng Cộng sản và nhà nước XHCN, làm xuất hiện những nhân tố mới xa lạ dần với giá trị chuẩn mực của chủ nghĩa Cộng sản để thay đổi chế độ. Chiến lược “diễn biến hòa bình” thực chất là từng bước chuyển hóa tư duy, nếp nghĩ, tư tưởng, tâm lý của cán bộ, đảng viên, quần chúng, nhất là thế hệ trẻ, từ chỗ tin theo chủ nghĩa Mác - Lênin, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, vào con đường đi lên CNXH đến chỗ phủ nhận, cổ xúy cho chủ nghĩa tư bản, tham gia vào các hoạt động chính trị để lật đổ chế độ XHCN.

Thứ tư, tình trạng tham nhũng, lãng phí chưa được ngăn chặn, đẩy lùi

Tham nhũng là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi, mưu lợi cá nhân. Ngay từ Hội nghị giữa nhiệm kỳ khóa VII khi xác định tham nhũng là 1 trong 4 nguy cơ đe dọa đến sự tồn vong của chế độ XHCN. Đại hội VIII tiếp tục khẳng định 4 nguy cơ này vẫn còn tồn tại. Đến Đại hội IX, Đảng nhấn mạnh: “Nạn tham nhũng diễn ra nghiêm trọng, kéo dài gây bất bình trong nhân dân và là một nguy cơ đe dọa sự sống còn của chế độ ta”(9). Đại hội X nhấn mạnh hơn nữa khi nói tham nhũng là nguy cơ lớn đe dọa sự sống còn của chế độ ta: “Tích cực phòng ngừa và kiên quyết chống tham nhũng, lãng phí là đòi hỏi bức xúc của xã hội, là quyết tâm chính trị của Đảng ta, nhằm xây dựng một bộ máy lãnh đạo và quản lý trong sạch, vững mạnh, khắc phục một trong những nguy cơ lớn đe dọa sự sống còn của chế độ ta”(10). Đảng ta dùng các từ phổ biến, nghiêm trọng, kéo dài để nói về tình trạng tham nhũng ở nước ta. Tham nhũng ngày càng diễn biến phức tạp, tinh vi, liên kết thành các lợi ích nhóm. Do đó, phòng, chống chống tham nhũng là một cuộc chiến cam go, quyết liệt, kéo dài nhằm chống lại kẻ thù “nội xâm” từ chính trong nội bộ của chúng ta, thậm chí là những cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Nếu không chiến thắng trong cuộc chiến này thì chúng ta không thể hiện thực hóa các mục tiêu của CNXH.

Thứ năm, nguy cơ từ tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, kể cả ở cấp cao chưa được ngăn chặn, đẩy lùi

Vấn đề suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống lần đầu tiên được Đảng ta chỉ rõ tại Hội nghị Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII: “trước yêu cầu mới ngày càng cao của sự nghiệp cách mạng, trong Đảng đang bộc lộ một số yếu kém: sự suy thoái về tư tưởng, chính trị; tình trạng tham nhũng, quan liêu, lãng phí của một bộ phận cán bộ, đảng viên có chiều hướng phát triển nghiêm trọng hơn”(11). Tại Đại hội IX, Đảng ta tiếp tục nhấn mạnh: “Trong công tác xây dựng Đảng, chưa ngăn chặn và đẩy lùi được sự suy thoái về tư tưởng, chính trị và đạo đức lối sống”(12). Đến Đại hội X, tình trạng này đã diễn ra phổ biến hơn, từ chỗ trong một bộ phận đảng viên mở rộng hơn thành trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên “Thoái hóa, biến chất về chính trị, tư tưởng, về đạo đức, lối sống; tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, sách nhiễu dân trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên diễn ra nghiêm trọng, kéo dài chưa được ngăn chặn, đầy lùi... Đó là một nguy cơ lớn liên quan đến sự sống còn của Đảng, của chế độ”(13). Mức độ nghiêm trọng của tình trạng này tiếp tục được nhấn mạnh ở Đại hội XI của Đảng: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn tiếp tục diễn biến phức tạp... làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, đe doạ sự ổn định, phát triển của đất nước”(14) và đến Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, Đảng ta đã có nghị quyết riêng về vấn đề này.

Cụm từ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” xuất hiện lần đầu trong Văn kiện Đại hội XI của Đảng (năm 2011): “Trong nội bộ, những biểu hiện xa rời mục tiêu của chủ nghĩa xã hội; “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có những diễn biến phức tạp”. “Tự diễn biến” đối với cá nhân là sự thay đổi về nhận thức chính trị - xã hội, thay đổi về quan điểm, tư tưởng theo chiều hướng tiêu cực, xấu đi, nhận thức và hành động đi ngược lại với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. “Tự diễn biến” đối với tổ chức là có những thay đổi ở tầm vĩ mô về đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật, làm thay đổi bản chất chính trị, thậm chí làm suy yếu và tan rã tổ chức đó. “Tự diễn biến” từ từ, thầm lặng, làm mục ruỗng chế độ XHCN từ bên trong, dẫn tới “tự chuyển hóa”, làm sụp đổ chế độ XHCN. “Tự diễn biến” diễn ra trước hết trong cá nhân cán bộ, đảng viên và nếu không được ngăn chặn kịp thời, có thể dẫn đến sự suy thoái của tổ chức, và về lâu dài, sẽ dẫn đến chuyển hóa chế độ chính trị.

Như Đảng ta khẳng định, các nguy cơ này có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Tham nhũng có mối quan hệ tác động đến nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế ở nước ta hiện nay. Hậu quả của tham nhũng đối với sự phát triển kinh tế là rất lớn. Những nước có mức độ tham nhũng cao thì đồng nghĩa với tỷ lệ nghèo đói cao. Trước hết, tham nhũng làm thất thoát nguồn thu ngân sách nhà nước. Bởi lẽ, các cán bộ, công chức có chức vụ, quyền hạn nhận hối lộ của các doanh nghiệp để tạo điều kiện cho doanh nghiệp trốn thuế. Ngân sách là nguồn tài chính quan trọng để Nhà nước tái đầu tư phát triển kinh tế - xã hội nhưng thất thu ngân sách do tham nhũng trong ngành thuế làm giảm nguồn đầu tư phát triển. Bản thân ngân sách nhà nước đã ít ỏi do tham nhũng thì cũng chính tham nhũng lại tiếp tục làm lãng phí các nguồn chi ngân sách nhà nước. Tham nhũng làm giảm hiệu quả của đầu tư công. Tham nhũng dẫn tới nhiều chương trình, dự án được xây dựng không chú ý đến mục tiêu, hiệu quả đầu tư mà do cán bộ các tỉnh “chạy” công trình về tỉnh mình để kiếm chác chứ không phải vì hiệu quả mang lại cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cộng đồng. Tham nhũng trong xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội sử dụng vốn ngân sách, dẫn tới xây dựng công trình dự án kém chất lượng, ảnh hưởng đến hiệu quả của công trình đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Có thể nói, tham nhũng làm giảm những lợi ích mà đầu tư công có thể đem đến cho xã hội, do đó nhiều nguồn lực của quốc gia cứ mãi ở dạng tiềm năng.

 Tham nhũng cũng làm giảm hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế đất nước vì tham nhũng làm cho hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng tồn tại và hoành hành phá hoại nền kinh tế trong nước. Những hàng lậu từ bên ngoài được một số kẻ hối lộ cho một số cán bộ hải quan biến chất, tuồn vào nước ta không phải đóng thuế, cạnh tranh thiếu lành mạnh với các mặt hàng trong nước dẫn tới ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của các doanh nghiệp trong nước.

Tham nhũng làm giảm năng suất lao động do lãng phí sức lực, trí tuệ, tiền của của nhân dân, nếu không tham nhũng thì họ chăm lo sản xuất, lao động chân chính để tăng năng suất lao động, không phải đầu tư suy nghĩ cho việc hối lộ vòng vèo, vì vậy sẽ làm tăng năng suất lao động và tốc độ tăng trưởng. Cán bộ, công chức để có thể nhũng nhiễu, vòi vĩnh tiền của người dân và doanh nghiệp đặt ra những quy trình, thủ tục hành chính rườm rà, khiến cho người dân phải đi lại nhiều lần, mất thời gian nhiều khi làm mất cơ hội kinh doanh, đồng thời phải thêm các chi phí bôi trơn, các khoản phi chính thức làm cho tổng chi phí hoạt động tăng giá thành sản phẩm xã hội tăng cao và lợi nhuận giảm, sức cạnh tranh quốc tế của nền kinh tế bị giảm sút nghiêm trọng.

Tham nhũng làm hỏng môi trường kinh doanh và các quan hệ kinh doanh đúng đắn, quan hệ cạnh tranh lành mạnh, bằng việc đưa và nhận hối lộ, một số doanh nghiệp năng lực yếu kém nhưng lại giành lợi thế kinh doanh, lợi thế cạnh tranh bất chính làm bóp méo hoạt động kinh doanh đúng đắn và các quan hệ cạnh tranh lành mạnh, xâm phạm đến lợi ích chính đáng của các chủ thể kinh doanh hợp pháp, kìm hãm, hạn chế sự phát triển của các doanh nghiệp làm ăn chân chính, từ đó suy giảm động lực phát triển của toàn bộ nền kinh tế. Công ước Luật dân sự về chống tham nhũng của Hội đồng châu Âu cũng nhấn mạnh rằng “tham nhũng... đe dọa đến sự vận hành đúng đắn và công bằng của các nền kinh tế thị trường”(15).

Tham nhũng phát triển càng thúc đẩy nguy cơ chệnh hướng XHCN ở nước ta bộc lộ rõ, đặc biệt là chệnh hướng trong phát triển kinh tế. Tham nhũng làm cho bộ phận kinh tế nhà nước ngày càng yếu đi, không thể hiện tốt vai trò chủ đạo của mình. Những hành vi tham nhũng trong các doanh nghiệp nhà nước đã bòn rút, chuyển nguồn tài sản công thành tài sản tư, làm giảm hiệu quả và năng lực của kinh tế nhà nước - một trụ cột quan trọng đảm bảo tính định hướng XHCN trong nền kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay. Tất cả những hành vi tham nhũng này đang làm suy giảm giá trị đóng góp của vốn nhà nước, chuyển vào túi một số cá nhân khiến tỷ lệ vốn nhà nước đã ít lại ngày càng ít đi về mặt tuyệt đối cũng như tỷ lệ tương đối so với vốn của các thành phần kinh tế. Tham nhũng được coi là tệ nạn của mọi tệ nạn, tham nhũng đã dung túng cho những doanh nghiệp tư nhân móc nối với một số cán bộ chính quyền hoạt động ngoài sự kiểm soát của pháp luật nhà nước như trốn thuế, gian lận thương mại, buôn bán hàng cấm, hàng lậu... dẫn đến các nguy cơ chệnh hướng XHCN trong phát triển kinh tế.

Tham nhũng phát triển tạo cơ hội, mảnh đất màu mỡ cho các thế lực thù địch thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”. Đại hội VIII nhận định: “Tệ quan liêu, tham nhũng và suy thoái về phẩm chất, đạo đức của một bộ phận cán bộ, đảng viên làm cho bộ máy Đảng và Nhà nước suy yếu, lòng tin của nhân dân đối với Đảng, đối với chế độ bị xói mòn, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước bị thi hành sai lệch, dẫn tới chệch hướng... đó là mảnh đất thuận lợi cho diễn biến hòa bình”(16). Sở dĩ như vậy vì các thế lực thù địch luôn lợi dụng những sơ hở, thiếu sót trong quản lý kinh tế, văn hóa, xã hội; khai thác thông tin từ những vụ việc tiêu cực xảy ra trong đời sống để xuyên tạc, thổi phồng; lấy hiện tượng quy kết thành bản chất, xuyên tạc vai trò lãnh đạo, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Những hiện tượng tham nhũng trong một bộ phận cán bộ, đảng viên là cơ hội để chúng xuyên tạc bản chất của chế độ, Đảng và Nhà nước ta, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, làm cho nhân dân chán ghét và có thái độ thù địch với Đảng và Nhà nước. Các hiện tượng tham nhũng là cơ hội cho các thế lực thù địch tuyên truyền, tung hô các quan điểm, giá trị phương Tây, giá trị của chủ nghĩa tư bản. Các thế lực thù địch quy chụp tham nhũng chỉ tồn tại và nở rộ ở chế độ một đảng như Việt Nam, thuộc về bản chất thể chế, vì vậy để chống tham nhũng phải đa nguyên đa đảng...

Suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống là nguyên nhân dẫn đến tham nhũng. Khi cán bộ, đảng viên bị chủ nghĩa cá nhân chi phối, chỉ lo vun vén lợi ích cá nhân, gia đình, lối sống thực dụng ít quan tâm đến lợi ích chung của cộng đồng đã dẫn tới việc lạm dụng chức vụ quyền hạn để mưu lợi cá nhân. Nếu cán bộ, đảng viên, công chức chỉ một lòng phấn đấu cho lý tưởng của Đảng là mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân thì sẽ không có hành vi tham nhũng. Hơn nữa, lối sống xa hoa, lãng phí, tiêu xài quá mức, tiền lương không thể đáp ứng được dẫn tới tham ô, bòn rút công quỹ hoặc tiền của nhân dân để phục vụ cho lối sống hưởng thụ đó. Tham nhũng thực chất là hành vi thiếu văn hóa mà nguyên nhân là sự phai nhạt lý tưởng. Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cũng có quan hệ với nguy cơ chệnh hướng XHCN ở nước ta. Cán bộ, đảng viên nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược mà suy thoái về tư tưởng chính trị, không kiên định con đường đi lên CNXH, mơ hồ, dao động, thiếu niềm tin vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, xa rời tôn chỉ mục đích của Đảng thì sẽ làm cho đường lối, chính sách của Đảng không còn giữ được định hướng XHCN nữa. Sự suy thoái về đạo đức, lối sống và tư tưởng chính trị có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Khi đã mắc căn bệnh này thì sẽ bị lây nhiễm bệnh khác và đều do sự suy thoái về tư tưởng chính trị gây nên. Khi cán bộ, đảng viên suy thoái về đạo đức, lối sống, chỉ chạy theo chủ nghĩa cá nhân dẫn tới quay lưng với những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc (các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc hướng tới cộng đồng, đất nước), tôn vinh các giá trị phương Tây, chạy theo chủ nghĩa thực dụng, hưởng thụ... chính là đang chệnh hướng XHCN trong lĩnh vực văn hóa.

Đặc biệt, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống có mối quan hệ chặt chẽ với nguy cơ “diễn biến hòa bình”. Điều này đã được Đảng ta nhiều lần khẳng định. Tại Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, Đảng ta lại tiếp tục nhấn mạnh: “Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc”(17). Mục tiêu của chiến lược “diễn biến hòa bình” là bằng những biện pháp tác động bên ngoài để làm thay đổi tư tưởng, tình cảm, đạo đức của cán bộ, đảng viên và nhân dân ở trong nước, tạo ra sự tự diễn biến bên trong, hoài nghi vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, con đường đi lên CNXH ở nước ta, chạy theo chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng, quay lưng với nhân dân, đất nước, thúc đẩy các hoạt động chống đối ngay bên trong nội bộ. Từ chỗ hoài nghi đến chỗ chống Đảng, chống chế độ, truyền bá những tư tưởng, quan điểm sai trái, thù địch là rất gần. Các thế lực thù địch sẽ lợi dụng những cán bộ, đảng viên bị suy thoái này để thực hiện “tự chuyển hóa”, tiến tới bạo loạn chính trị, lật đổ sự lãnh đạo của Đảng. Vì vậy, nếu tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa trong đội ngũ cán bộ, đảng viên không được khắc phục kịp thời sẽ là nguy cơ lớn đe dọa sự tồn vong của chế độ XHCN.

Có thể nói, các nguy cơ đối với sự tồn vong của chế độ XHCN ở Việt Nam mà Đảng ta khẳng định có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Nếu một nguy cơ nào đó tăng hoặc giảm sẽ làm cho các nguy cơ khác tăng và giảm theo. Điều này đòi hỏi chúng ta cần phải quan tâm xóa bỏ tất cả các nguy cơ, không được xem nhẹ nguy cơ nào.

__________________

(1) ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII, lưu hành nội bộ, Hà Nội, 1994, tr.25.

(2) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.465.

(3) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr. 10.

(4) https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/tieudiem/

viet-nam-dang-o-dau-tren-ban-do-kinh-te-492936.html.

(5) http://qbtv.vn/tin-tuc/kinh-te-viet-nam-di-nhanh-nhung-chi-la-nhung-buoc-nho-10510.html.

(6) https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/tieudiem/viet-nam-dang-o-dau-tren-ban-do-kinh-te-492936.html.

(7) https://infonet.vn/viet-nam-dang-tut-hau-xa-ve-kinh-te-post182936.info.

(8) GS, TS Phùng Hữu Phú; GS, TS Lê Hữu Nghĩa; GS, TS Vũ Văn Hiền; PGS, TS Nguyễn Viết Thông (đồng chủ biên): Một số vấn đề lý luận - thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam qua 30 năm đổi mới, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.372.

(9), (12) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.50, 52.

(10), (13) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.46, 263-264.

(11) ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1999, tr.24.

(14) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.173.

(15) Dẫn theo Trịnh Thị Xuyến (chủ biên): Cơ chế tham gia của người dân trong phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2014, tr.31.

(16) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lấn thứ VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.79.

(17) Tài liệu học tập các văn kiện hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.16.

TS Hà Thị Thùy Dương - Học viện Chính trị khu vực IV

TS Mai Thúc Hiệp - Học viện Chính trị khu vực I

  • Tags: