Những thách thức về năng lượng trên thế giới và ở Việt Nam

Năng lượng là một khái niệm có nội hàm rất rộng theo nghĩa truyền thống và theo nghĩa hiện đại đồng thời là một khái niệm mở, luôn luôn được bổ sung, hoàn thiện cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội và sự phát triển của tri thức nhân loại. Khái niệm

Năng lượng là một khái niệm có nội hàm rất rộng theo nghĩa truyền thống và theo nghĩa hiện đại đồng thời là một khái niệm mở, luôn luôn được bổ sung, hoàn thiện cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội và sự phát triển của tri thức nhân loại. Khái niệm năng lượng được sử dụng trong bài viết này chỉ giới hạn trong lĩnh vực kinh tế. Trong khuôn khổ này, năng lượng là một thành tố trong quá trình sản xuất, là một thành phần trong giá thành mỗi sản phẩm, là một ngành sản xuất và thương mại quan trọng trong nền kinh tế quốc dân.

Trên phạm vi thế giới, năng lượng không chỉ trở thành một trong những vấn đề toàn cầu có liên quan đến mọi quốc gia mà còn là một chính sách, một công cụ của mỗi quốc gia trong quan hệ với quốc gia khác, nhất là về chính trị và kinh tế.

Khi so sánh trữ lượng của nguồn năng lượng và việc sử dụng năng lượng trong thời gian qua cho thấy, thế giới đang đứng trước nhiều thách thức về năng lượng.

Ảnh minh họa (Internet)

1. Nhu cầu vô hạn về năng lượng và khả năng đáp ứng có hạn về năng lượng.

Lượng than đá tiêu thụ những năm gần đây trên thế giới mỗi năm bình quân là 7.320 triệu tấn trong khi dự trữ than đá ước tính là 891.500 triệu tấn. Dầu mỏ sử dụng trong những năm gần đây bình quân mỗi năm 35 tỷ thùng trong khi dự trữ dầu mỏ trên thế giới là 1.480 tỉ thùng. Tiêu thụ khí đốt trên thế giới những năm gần đây mỗi năm là 4.000 tỉ m3 trong khi dự trữ khí đốt toàn cầu là 187.100 tỉ m3. Như vậy chỉ tính 3 loại năng lượng hoá thạch truyền thống thì thế giới chỉ có thể sử dụng các loại năng lượng này trong 70-100 năm nữa.

2. Tác động từ mặt tiêu cực của năng lượng.

Tác động tiêu cực của năng lượng thể hiện trên hai mặt. Một là, gây ô nhiễm môi trường, tác động tới biến đổi khí hậu và phá vỡ sự cân bằng sinh thái. Chất thải trong quá trình khai thác và sử dụng năng lượng đã ảnh hưởng đến đất đai, sông biển, không khí, là một trong những nguyên nhân suy giảm sức khỏe và gây bệnh tật cho con người. Khí thải CO2 cũng là tác nhân của tình trạng Trái Đất nóng hơn gây ra biến đổi khí hậu toàn cầu. Cũng do khai thác năng lượng đã khiến cho sự cân bằng sinh thái bị phá vỡ, nhiều loại động, thực vật bị tuyệt chủng. Hai là, phát sinh sự cố mất an toàn. Hàng năm có hàng trăm thợ mỏ thiệt mạng do sập lò, nổ lò. Nhiều giếng dầu, đường ống dẫn dầu, khí đốt, tàu chở dầu bị hư hỏng, rò rỉ, cháy nổ... gây thiệt hại về người và tài sản. Việc xây dựng nhiều nhà máy thuỷ điện không chỉ thay đổi cấu trúc địa chất, nguồn nước ở hạ lưu mà còn xảy ra sự cố vỡ đập, xả lũ... làm thiệt hại tính mạng và tài sản cư dân... Về năng lượng hạt nhân, một số nước đã xảy ra sự cố với tổn thất to lớn trước mắt và lâu dài. Có sự cố do nguyên nhân chủ quan như sự cố nhà máy điện hạt nhân Trecnôbưn (Liên Xô) năm 1986 và có sự cố do nguyên nhân khách quan như sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima (Nhật Bản) do tác động của động đất và sóng thần năm 2011.  Có thể nói, tác động tiêu cực của năng lượng tỷ lệ thuận với việc sử dụng năng lượng. Nói một cách khác, nhân loại nói chung, mỗi quốc gia nói riêng nhận được bao nhiêu từ năng lượng thì cũng phải trả giá bấy nhiêu do hậu quả của việc sử dụng năng lượng.

3. Nguồn năng lượng phân bố không đồng đều.

Những nước đứng đầu về trữ lượng năng lượng lại không phải là những nước đứng đầu về tiêu thụ năng lượng. Đây là một trong những nguyên nhân của các cuộc cạnh tranh thương mại trên quy mô toàn cầu, thậm chí đã trở thành những cuộc chiến tranh năng lượng song phương hoặc đa phương.

4. Các nước đang phát triển thường sử dụng năng lượng lãng phí nhiều hơn các nước phát triển.

Đây là một trong những nguyên nhân tăng khoảng cách giữa các nước đang phát triển và các nước phát triển.

5. Loại hình năng lượng sạch.

Loại hình năng lượng sạch (điện mặt trời, điện gió, địa nhiệt, sóng biển, sinh khối...) ảnh hưởng không nhiều đến ô nhiễm môi trường, giá thành rẻ nhưng hiện chỉ chiếm tỷ trọng thấp (khoảng 10%) trong cơ cấu năng lượng của nhiều nước và chưa được phát triển mạnh mẽ. Với tốc độ phát triển như hiện nay thì phải cần tới hàng chục năm nữa mới có thể đạt được 100% năng lượng sạch. Nếu không có sự liên kết trên phạm vi toàn cầu để giải quyết vấn đề năng lượng thì thế giới có thể rơi vào “khoảng trống năng lượng” khi nguồn năng lượng truyền thống bị khai thác cạn kiệt trong khi năng lượng sạch chưa có đủ.

Việt Nam đã có những bước tiến lớn trong khai thác và sử dụng năng lượng. Chúng ta đã xác định trữ lượng và tiềm năng các loại hình năng lượng ở Việt Nam cả năng lượng hoá thạch và năng lượng tái tạo. Năng lực khai thác nguồn năng lượng ngày càng tăng và hình thành một số ngành công nghiệp về năng lượng đóng góp ngày càng nhiều vào sự phát triển kinh tế - xã hội và cho ngân sách nhà nước. Gần đây nhất, ngày 11/2/2020, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã  ban hành Nghị quyết số 51/NQ-TW về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm  2045 làm cơ sở cho sự phát triển của ngành năng lượng Việt Nam trong thời gian tới. Bên cạnh đó, ngành năng lượng Việt Nam cũng đứng trước nhiều thách thức. Ngoài những thách thức chung đối với mọi quốc gia trong vấn đề năng lượng, Việt Nam còn có thêm những thách thức khác. Một là, chưa luật hoá Nghị quyết số 51/NQ-TW để bảo đảm sự đông bộ giữa đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Hai là, với tăng trưởng GDP như hiện nay thì năng lượng sản xuất trong nước chỉ bảo đảm 40% nhu cầu năng lượng nên việc nhập khẩu năng lượng sẽ là nhu cầu thường xuyên và lâu dài. Ba là, năng lượng truyền thống vẫn chiếm tỷ trọng cao trong sản xuất. Bốn là, phần lớn thiết bị khai thác và sử dụng năng lượng còn lạc hậu, tiêu hao, thất thoát nhiều năng lượng. Năm  là, đội ngũ nhân lực trong khai thác và sử dụng năng lượng không đồng bộ, trình độ chuyên môn còn có hạn (mới có 25 % được đào tạo cơ bản về chuyên môn).

Sự phát triển của mỗi quốc gia cũng như của toàn nhân loại trong thời gian qua cũng như trong thời gian tới vẫn cần sử dụng một khối lượng rất lớn năng lượng từ thiên nhiên. Kèm theo đó, thiên nhiên đã và sẽ bị phá vỡ cân bằng vốn có, thiên nhiên đã và sẽ bị huỷ hoại không thương tiếc, do đó  phát sinh nhiều hậu quả tiêu cực, trước hết cho chính con người và con người đã phải trả giá cho những hành động của mình. Con người đã và sẽ bị thiên nhiên “trừng phạt” tương ứng với những gì mà con người đã tàn phá thiên nhiên. Có thể nói, việc khai thác và sử dụng năng lượng từ thiên nhiên tăng lên bao nhiêu thì nguy cơ đe dọa cuộc sống của nhân loại cũng tăng lên bấy nhiêu. Đặc biệt, trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 với sự hình thành của trí tuệ nhân tạo thì năng lực khai thác thiên nhiên sẽ tăng theo cấp số nhân. Vì vậy, đã đến lúc con người phải coi thiên nhiên không chỉ là đối tượng khai thác mà còn là ngôi nhà che chở cho con người, là người mẹ nuôi dưỡng con người bằng những sản vật vô giá, coi việc khai thác tài nguyên thiên nhiên phải song hành với việc phục hồi diện mạo thiên nhiên theo thông điệp “Trả lại Caesar những gì của Caesar”. 

PGS.TS. PHẠM HỮU TIẾN
Viện trưởng Viện Chính sách, Pháp luật và Quản lý

  • Tags: