Phản biện xã hội của báo chí và phản biện xã hội qua báo chí

PLQL - Phân biệt giữa phản biện xã hội của báo chí và phản biện xã hội qua báo chí chính là làm rõ và sâu hơn về chủ thể và nội dung phản biện.

PLQL - Phân biệt giữa phản biện xã hội của báo chí và phản biện xã hội qua báo chí chính là làm rõ và sâu hơn về chủ thể và nội dung phản biện. Để làm cho chức năng phản biện xã hội của báo chí ngày càng rõ nét hơn, phát huy hết vai trò, trách nhiệm của báo chí đối với xã hội, thì vai trò và cách thể hiện nội dung phản biện của hai chủ thể trên đây là rất quan trọng. Nếu thực hiện tốt vấn đề này sẽ vừa phát huy tốt vai trò của cơ quan báo chí, các nhà báo lẫn vai trò, đặc biệt là trí tuệ của các chuyên gia, nhà khoa học, sự hiểu biết sâu rộng của nhân dân trong thực hiện các quyền tự do, dân chủ về báo chí mà Nhà nước ta đã xác lập.

Ảnh minh họa

1. Phản biện xã hội của báo chí

Khi nói phản biện xã hội của báo chí Việt Nam, có nghĩa là nói đến quan điểm, chính kiến của các tòa soạn báo và phóng viên báo chí thông qua tác phẩm báo chí của mình mà thực hiện phản biện xã hội trước một vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội, luật pháp nào đó đang diễn ra trong đời sống xã hội ở nước ta. Như vậy, chủ thể của sự phản biện ở đây thuộc về các cơ quan báo chí và nhà báo, với tính cách là một bộ phận của hệ thống các cơ quan ngôn luận, tuyên truyền của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam. Lúc này, báo chí không lấy việc phản ánh là chủ yếu mà với tư cách một chủ thể, tổ chức chính trị - xã hội lên tiếng phản biện và chịu trách nhiệm về quan điểm, chính kiến của mình. Trong trường hợp này, chính kiến của cơ quan báo chí và nhà báo đóng vai trò chủ yếu.

Phản biện xã hội của báo chí là một phương thức mới trong xã hội ta, thể hiện một tư duy mới của báo chí. Quan điểm trên có thể hiểu rằng, phản biện xã hội của báo chí là một tất yếu khách quan vốn có và vì sự tồn tại của bản thân báo chí. Xét ở khía cạnh khác, báo chí là công cụ tuyên truyền của Nhà nước, phản ánh tư tưởng, quan điểm chính thống của Nhà nước, giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam. Tuy nhiên, báo chí có tính độc lập của nó. Thông qua thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình, mà báo chí thể hiện các lập trường, quan điểm riêng của mình về các mặt của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội và pháp luật của Nhà nước. Từ thực tiễn sinh động hoạt động của báo chí những năm qua, có thể thấyphản biện xã hội của báo chí thể hiệntrên các vấn đề cơ bản như sau:

Mục đích thực hiện phản biện xã hội của báo chí là xây dựng chính sách đúng đắn, có sức sống trong thực tiễn, góp phần vào giữ vững ổn định chính trị và phát triển đất nước, mở rộng dân chủ, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với xã hội. Các tác phẩm báo chí đã phản ánh và cung cấp những luận cứ khoa học, kịp thời, chính xác, khách quan cho quá trình dự thảo, ban hành và thực thi các chủ trương, đề án, quyết sách của Đảng và Nhà nước v.v.. Thực tế cho thấy những nhà lãnh đạo, quản lý là những người soạn thảo các chính sách, quyết sách, bên cạnh những vấn đề đúng đắn, tích cực, phù hợp với đời sống thực tiễn của đất nước, sẽ không tránh khỏi những thiếu sót, sai lầm, đôi khi là cả sự áp đặt chủ quan, duy ý chí hay cả những vấn đề vụ lợi cá nhân cho các nhóm lợi ích, như các ngành, lĩnh vực. Cho nên muốn cho chính sách, luật pháp có được tính khách quan khoa học, đúng đắn vì lợi ích chung của nhân dân, đất nước cần phải có sự phản biện của báo chí, với tính cách là cơ quan có sự độc lập tương đối với các quyết sách và thực thi các quyết sách của Nhà nước.

Tham gia phản biện về mọi mặt của đời sống xã hội một cách cập nhật; đưa ra những nhận xét, đánh giá của dư luận xã hội bằng các tác phẩm báo chí của chính các phóng viên và tòa soạn báo. Đây chính là hình thức thể hiện sự phản biện của báo chí; là công việc chính trị quan trọng, hết sức nhạy cảm, rất cần đến trình độ, năng lực và bản lĩnh của nhà báo và các cơ quan báo chí. Khi xử lý những nguồn tin quan trọng, đòi hỏi rất cao ở nhà báo, cơ quan báo chí những quyết định sáng suốt, đúng như một nhà nghiên cứu về báo chí đã nhận định: “khi động chạm đến những vấn đề nhạy cảm mà không gây ra xung đột, không làm khó chịu đối tượng được phản biện”(1).

Như vậy, phản biện xã hội của báo chí là thông qua các tin bài, ảnh (tác phẩm báo chí), xem xét, đánh giá, bình luận, có thể đồng tình hay không đồng tình ở mức độ khác nhau của phóng viên, tòa soạn về các giai đoạn của chính sách, từ dự thảo đến khi ban hành và quá trình tổ chức thực hiện. Thông qua chức năng của báo chí để thể hiện nội dung, hình thức phản biện và trình độ phản biện của báo chí. Thực hiện chức năng phản biện xã hội của báo chí chính là sự kiểm chứng tính đúng đắn, tính tối ưu của sự phù hợp giữa chính sách với thực tiễn cuộc sống.

2. Phản biện xã hội qua báo chí

Cùng với phản biện của báo chí, đời sống báo chí Việt Nam còn có sự phản biện xã hội qua báo chí. Đây là hai vấn đề có những đặc điểm khác nhau. Điểm khác biệt lớn nhất là, khi nói phản biện xã hội qua báo chí thường là nói đến hay nghiêng về chức năng phản ánh của các chuyên gia, nhà khoa học, độc giả, nhân dân... dùng báo chí làm công cụ, phương tiện để thể hiện quan điểm, chính kiến và ý kiến của mình đối với các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội và luật pháp của xã hội, đặc biệt là trước những chính sách và sự thực thi chính sách của Nhà nước. Đúng như nhận định: “Sức mạnh của phản biện được nhân lên khi có sự tham gia của tuyến bài của độc giả và các chuyên gia kinh tế, xã hội”(2). Như vậy, chủ thể của sự phản biện ở đây không phải là các nhà báo hay cơ quan báo chí, mà là các chuyên gia, nhà khoa học, độc giả, nhân dân... thực hiện các quyền dân chủ, quyền tự do ngôn luận, mà luật pháp của Nhà nước ta đã cho phép, để phản biện những vấn đề đang nảy sinh trong chính sách và việc thực thi chính sách của Nhà nước. Lúc này, báo chí  thực hiện chức năng chuyển tải, phản ánh những tiếng nói đồng tình, không đồng tình, tâm tư, nguyện vọng, ý kiến góp ý của người dân trước những vấn đề nảy sinh trong xã hội. Trong trường hợp này, ý kiến chủ quan của tòa soạn đóng vai trò thứ yếu; chính kiến, ý kiến góp ý của người dân đóng vai trò chủ yếu.

Phản biện xã hội qua báo chí là những tác phẩm được các nhà khoa học, chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhân dân... (gọi là cộng tác viên của báo chí) có những tin, bài viết góp ý, bình luận, tranh luận về các chính sách được báo chí đăng tải. Thông qua nhà khoa học, chuyên gia, nhà nghiên cứu và bạn đọc đã tạo ra diễn đàn quan trọng; đội ngũ này đã làm cho chức năng phản biện xã hội của báo chí ngày càng được xác lập rõ hơn trong đời sống xã hội; các tác phẩm báo chí ngày càng sâu sắc, đa dạng, nội dung phản biện xã hội nhiều màu sắc; những phản biện nhanh nhạy, sắc sảo và đầy dũng khí về những mặt tích cực cũng như những hạn chế (nếu có) trong chủ trương, chính sách và việc thực thi các chủ trương, chính sách của Nhà nước.

Thực tế cho thấy, có khá nhiều chính sách, nhất là những chủ trương, chính sách phức tạp, nhạy cảm, mới mẻ, các cơ quan chức năng và nhà quản lý không tiên lượng, dự báo hay bao quát đầy đủ, kịp thời. Nhưng nhờ có ý kiến phân tích, bình luận của các cộng tác viên, của nhân dân, phản ánh đúng lúc, kịp thời, thấu lý, đạt tình mà đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan chuyên môn điều chỉnh, bổ sung, không ngừng hoàn thiện cơ chế, chính sách, đáp ứng nhu cầu, lợi ích của công dân, nhân dân lao động và các cơ quan, doanh nghiệp, đoàn thể chính trị - xã hội của đất nước. Mặt khác, do biết cách khơi gợi vấn đề, khuyến khích động viên đông đảo công chúng tham gia ý kiến, nhiều cơ quan báo chí đã mở diễn đàn, chuyên trang, chuyên mục... tập hợp được nhiều ý kiến, góp ý của các nhà khoa học, các chuyên gia và các tầng lớp nhân dân đóng góp vào các dự án, đề án, văn bản pháp luật. Việc làm này đã giúp cho các cơ quan lập pháp, cơ quan quản lý nhà nước bổ sung, sửa đổi các nội dung, quy định của đề án, dự án và các văn bản đó phù hợp với thực tiễn cuộc sống, làm cho các chủ trương, chính sách ngày càng đúng đắn, có sức sống trong đời sống xã hội. Vai trò, vị trí của các cộng tác viên đã làm cho chức năng phản biện của báo chí ngày càng được khẳng định, niềm tin của công chúng đối với báo chí Việt Nam ngày càng được nâng lên.

Coi trọng phản biện xã hội qua báo chí, thực chất là một hình thức phát huy quyền dân chủ, tự do ngôn luận báo chí của nhân dân, tạo diễn đàn sâu rộng của nhân dân một cách công khai, minh bạch và có định hướng đúng đắn. Để nhận thức đúng đắn, đầy đủ vai trò của phản biện xã hội qua báo chí, những người tham gia ý kiến phản biện cần có trí tuệ, bản lĩnh khoa học, tinh thần thiện chí, thái độ xây dựng, nhận định và đánh giá sự kiện, vì lợi ích chung của toàn xã hội, vì quyền và lợi ích chính đáng của công dân đã được Hiến pháp và pháp luật nước ta ghi nhận và bảo hộ.Phản biện xã hội qua báo chí không phải là “nói lấy được”, “gặp đâu nói đấy”, “muốn nói gì thì nói”; trái lại là sự tham gia vào đời sống chính trị và luật pháp của nhân dân một cách đúng đắn, tuân theo pháp luật, theo lẽ phải, nói có cơ sở khoa học lý luận và thực tiễn, lý do xác đáng và nghĩ kỹ trước khi nói, khi viết. Phản biện không nhất thiết phải là bác bỏ, lại càng không phải cố tình ngụy biện để bác bỏ bằng được. Việc làm này góp phần thực hiện tốt quy định về phản biện xã hội của Nhà nước ta, vừa góp phần giúp báo chí Việt Nam thể hiện tốt vai trò, chức năng phản biện xã hội của mình.

Trong thế giới phẳng, thời đại thông tin phát triển mạnh như vũ bão, với một đất nước có 54 dân tộc, hơn 90 triệu dân và khoảng 4 triệu kiều bào ở nước ngoài... cần phải khuyến khích phát huy mọi thành phần giai cấp, tầng lớp trong xã hội có ý kiến, thể hiện chính kiến trên báo chí, tham gia phản biện xã hội; đồng thời các cơ quan nhà nước cũng luôn phải lắng nghe, sàng lọc và tiếp thu những ý kiến đóng góp chân thành, những tiếng nói tâm huyết, những đề xuất, kiến nghị, hiến kế nhằm xây dựng chính sách ngày càng tốt hơn.

Phản biện xã hội qua báo chí đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tự do, dân chủ trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay. Mọi sự phản biện xã hội trên báo chí phải trở thành kênh thông tin hữu ích giúp tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng, điều hành và quản lý của Nhà nước trên mọi mặt đời sống xã hội ngày càng tốt hơn.

Như vậy, phản biện xã hội qua báo chí là việc nêu ý kiến, bình luận hay tranh luận bằng báo chí của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, nhân dân, các tổ chức xã hội... nhằm thể hiện sự đồng tình, không đồng tình hoặc bác bỏ của xã hội hay một bộ phận xã hội về một vấn đề, một quan điểm còn chưa rõ ràng, chưa đúng, chưa tạo được sự đồng thuận xã hội trong chính sách của Đảng, Nhà nước ta.

Việc phân định phản biện xã hội của báo chí và phản biện xã hội qua báo chí Việt Nam đôi khi mang tính tương đối, có tính chất phân định vai trò chủ thể của sự phản biện. Vì trên thực tế, khi đăng một tác phẩm thực hiện phản biện đều qua các khâu, các quá trình biên tập, kiểm duyệt của tòa soạn báo và tòa soạn báo chịu trách nhiệm những tin, bài mình đã đăng hay xuất bản.

Phân biệt giữa phản biện xã hội của báo chí và phản biện xã hội qua báo chí chính là làm rõ và sâu hơn về chủ thể và nội dung phản biện. Để làm cho chức năng phản biện xã hội của báo chí ngày càng rõ nét hơn, phát huy hết vai trò, trách nhiệm của báo chí đối với xã hội, thì vai trò và cách thể hiện nội dung phản biện của hai chủ thể trên đây là rất quan trọng. Nếu thực hiện tốt vấn đề này sẽ vừa phát huy tốt vai trò của cơ quan báo chí, các nhà báo lẫn vai trò, đặc biệt là trí tuệ của các chuyên gia, nhà khoa học, sự hiểu biết sâu rộng của nhân dân trong thực hiện các quyền tự do, dân chủ về báo chí mà Nhà nước ta đã xác lập.

_________________

(1), (2) Phan Văn Kiền: Phản biện xã hội của tác phẩm báo chí Việt Nam qua một số sự kiện nổi bật, Nxb Thông tin và Truyền thông, Hà Nội, 2012, tr.86, 87.

ThS Nguyễn Văn Minh

Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

  • Tags: