Phát huy vai trò Công an cơ sở trong phổ biến đường lối chính sách, pháp luật trên mạng xã hội, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân vào Đảng – Nhìn từ thực tiễn Nghệ An

Khi các thế lực thù địch lợi dụng quyền tự do ngôn luận để phát tán tin tức chống phá Đảng, Nhà nước trên mạng xã hội, niềm tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng ít nhiều bị ảnh hưởng. Thực tế đó đặt ra yêu cầu cần tăng cường và đổi mới công tác t

Khi các thế lực thù địch lợi dụng quyền tự do ngôn luận để phát tán tin tức chống phá Đảng, Nhà nước trên mạng xã hội; khi những quan điểm trái chiều nảy sinh và tin tức thật giả lẫn lộn trên Facebook, Zalo, niềm tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng ít nhiều bị ảnh hưởng. Thêm vào đó, một số người dân thiếu kiến thức pháp luật, nhận thức về chính trị còn hạn chế nên vô tình bình luận, chia sẻ thông tin sai luật, sai sự thật. Lúc này, họ rất cần một giải pháp thiết thực. Thực tế đó đặt ra yêu cầu cần tăng cường và đổi mới công tác tuyên truyền thông qua mạng xã hội…

Vận dụng sáng tạo và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 52-NQ/TW của Bộ Chính trị và kế thừa tư tưởng Hồ Chí Minh, cán bộ đảng viên Công an các xã, phường, thị trấn, công an các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh Nghệ An đã chủ động xây dựng các Fanpage làm công cụ đưa tin kịp thời, chính xác, khách quan và dễ tiếp thu. Nhờ đó, người dân từng địa phương nhanh chóng tháo gỡ vấn đề, niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng luôn được củng cố và tăng cường.

 

Tìm hiểu và xuất phát từ cái khó của người dân trong sử dụng mạng xã hội

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Giữ chặt mối liên hệ với dân chúng và luôn luôn lắng nghe ý kiến của dân chúng, đó là nền tảng lực lượng của Đảng và nhờ đó mà Đảng thắng lợi”(1). Thấm nhuần tư tưởng ấy, lực lượng Công an Nghệ An đã chủ động đi sâu tìm hiểu, nghiên cứu, phát hiện và lắng nghe những cái khó của người dân khi dùng mạng xã hội.

 

Đầu tiên là việc người dân thiếu kiến thức về luật, thiếu hiểu biết về chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước dẫn đến vi phạm pháp luật. Trong đó, đăng tin đồn vô căn cứ và chia sẻ thông tin sai sự thật mà không kiểm chứng nguồn tin là những biểu hiện thường gặp nhất.

Đơn cử, ngày 17/6/2021, tại buổi làm việc với Công an huyện Nghi Lộc, chị C.T.L (trú tại xã Nghi Thái, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) đã thừa nhận nguyên nhân đăng tin sai sự thật liên quan đến dịch Covid-19 vì nghe lời đồn(2). Ngày 09/9/2021, anh P.V.P. cũng bị Công an huyện Anh Sơn triệu tập vì hành vi vi phạm tương tự(3).

 

 

Chị C.T.L tại cơ quan Công an (Ảnh: Công an Nghi Lộc)

Thêm một ví dụ khác về sự thiếu kiểm chứng thông tin dẫn đến hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người Đảng viên Công an nhân dân. Đó là trường hợp vi phạm của chủ trang novelnavi.net - ông V.M.Q. (sinh năm 1987, trú tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An)(4).

Ngày 07/7/2021, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao Công an tỉnh Nghệ An đã phát hiện trang tin điện tử novelnavi.net cắt hình ảnh của Trung tá Phan Viết P. từ bài viết "Chuyện kể của người canh giữ tử tù" để ghép vào bài viết “Thượng úy lạm dụng chức quyền ép nữ tù nhân quan hệ tình dục ngày 5 lần rồi mới cho gặp người nhà”. Khi làm việc với cơ quan chức năng, ông V.M.Q. cho biết không có ý xúc phạm Trung tá Phan Viết P. cũng như lực lượng Công an nói chung. Thông tin trên được ông dẫn lại từ một trang web khác và không có sự kiểm chứng. 

 

Hình ảnh đồng chí Phan Viết P., cán bộ Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An đăng trên báo điện tử Dân Trí bị trang tin điện tử novelnavi.net ghép, đăng nội dung sai sự thật (Ảnh: Chụp màn hình)

Cùng với đó, giữa muôn vàn thông tin “thượng vàng hạ cám” trên mạng xã hội, một số người dân không biết tìm nguồn tin chính thống ở đâu để xác minh. “Thông tin trên mạng thì đầy ra, có biết chỗ nào là đúng đâu” - ông Võ Quốc Nam (57 tuổi, trú tại xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc, Nghệ An) bày tỏ. Thêm nữa, thông qua mạng xã hội, người dân muốn được tư vấn luật, được hỗ trợ pháp lý nhưng vì bản thân viết bình luận, tin nhắn trên Zalo, Facebook có chứa khẩu ngữ và các từ địa phương nên người trợ giúp dễ hiểu sai hoặc chậm trễ trong việc trả lời tin nhắn. Từ đó, Nhân dân muốn hỏi nhưng ngại nhắn.

Ngoài ra, những người đã tìm được nguồn tin chính thống cũng gặp vài khó khăn khác như: Cách phản ánh thông tin trên các kênh chính thống hơi khô khan nên khó tiếp thu, tin tức đôi khi không liên quan đến đời sống trong khu vực nên đọc mất thời gian… Đây cũng là nguyên nhân khiến người dân dễ bỏ qua tin tức đúng đắn và vô tình vi phạm luật mà không biết mình sai.

Đứng trước những trường hợp người dân “sai mà không biết mình sai”, các chiến sĩ Công an nhân dân trăn trở rằng: xét về lý, họ có thể thẳng tay xử phạt theo pháp luật. Tuy nhiên, xét dưới góc độ tình cảm, việc phạt những người dân sai một cách vô tình lại chưa thỏa đáng và thiếu tính nhân văn. Liệu có cách nào khác để xử lý vấn đề một cách vừa đúng lý lại hợp tình hơn không?

 

“Loa phường” thời 4.0

Trong nghị quyết số 52-NQ/TW, Bộ Chính trị đã nêu rõ: Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư yêu cầu phải đổi mới tư duy về quản lý kinh tế, quản lý xã hội, xây dựng, hoàn thiện thể chế cho phù hợp. Cần có cách tiếp cận mở, sáng tạo, cho thí điểm đối với những vấn đề thực tiễn mới đặt ra…”.

Vận dụng sáng tạo những nội dung nêu trên để giải quyết cái khó của người dân khi dùng mạng xã hội một cách thấu tình đạt lý, Công an Nghệ An đã nhanh chóng áp dụng ý tưởng mới. Đó là lực lượng Công an cơ sở xây dựng các Fanpage để phổ biến đường lối chính sách, pháp luật của Đảng một cách khách quan và tuyên truyền pháp luật chính xác; dùng Zalo và Facebook để trợ giúp pháp lý cho người dân địa phương. Trong đó, người cán bộ Công an xã, huyện chính quy là lực lượng chủ chốt. Bởi họ là những người gần dân nhất, hiểu dân nhất, dễ dàng chọn cách đưa tin tuyên truyền ‘đi vào lòng dân’ nhất.

Từ đây, các Fanpage, Facebook, Zalo của Công an cơ sở trở thành chiếc “loa phường” thời 4.0. Ngoài việc kết bạn với người dân địa phương và mời họ tham gia Fanpage, các cán bộ Công an xã, huyện còn nỗ lực sử dụng ngôn ngữ phù hợp với đặc điểm vùng miền để đưa tin, giúp người dân tiếp thu nhanh.

Đặc biệt, khi cần trợ giúp pháp lý, Nhân dân chỉ cần nhắn tin qua hộp thư trên Fanpage sẽ được chính cán bộ Công an xã, huyện giải đáp nhanh chóng, kịp thời, không để ngôn ngữ địa phương cản trở quá trình tiếp nhận và xử lý thông tin.

 

            Trang Zalo và Facebook của Công an huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An

 

Đánh giá về tình hình triển khai thực tế, Thượng úy Nguyễn Trung Dũng - Cán bộ phụ trách trang Fanpage Công an xã Nghi Thịnh, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) chia sẻ: “Qua gần một năm hoạt động, trang Fanpage của Công an xã đã giúp ích cho chúng tôi rất nhiều trong việc nắm các nguồn thông tin quý báu của Nhân dân, từ các câu hỏi mong muốn được tư vấn, trợ giúp pháp lý đến các thông tin tố giác tội phạm. Thông qua mạng xã hội, chúng tôi còn nắm được thái độ, nhận thức, quan điểm của người dân đối với các vấn đề chính trị, xã hội trong và ngoài địa bàn. Từ đó định hướng cho người dân một cách đúng đắn.

Đặc biệt, trong điều kiện giãn cách xã hội vì dịch Covid-19, nhờ kênh thông tin này, chúng tôi vẫn luôn luôn gần Nhân dân, lắng nghe Nhân dân, giúp dân giải đáp thông tin liên quan đến các chỉ trị 15, 16, 19…”.

Nhìn từ góc độ của người dân, ông Võ Quốc Nam (57 tuổi) trú tại xóm 8, Xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) bày tỏ rằng khi thông tin xấu, độc tràn lan, việc các đồng chí Công an xã đưa tin và trợ giúp pháp lý trên Fanpage, Facebook và  Zalo là hành động rất thiết thực.

 Cùng chung quan điểm, ông Đặng Văn Lam (45 tuổi) trú tại xóm Tân An, xã Tây Hiếu, thị xã Thái Hòa (Nghệ An) cho rằng: “Tôi thấy đây là một ý tưởng rất hay, rất nên làm, vì xã hội càng ngày càng phát triển mà con người ai cũng có thiết bị để tiếp cận thông tin qua điện thoại cả, giờ thông tin xấu, độc tràn lan, không biết tin ai, theo tôi việc có một kênh fanpage cung cấp đầy đủ các thông tin chính thống về luật pháp, đồng thời các đồng chí Công an xã sẽ hỗ trợ giải pháp lý trực tiếp nhanh chóng và kịp thời cho Nhân dân thông qua zalo, Facebook… là việc nên làm ngay”.

 

              Một người dân đang tra cứu thông tin trên Facebook của Công an xã (Ảnh: Văn Hậu)

Chủ động đối mặt với trở ngại

Thực tế cho thấy, trong thời gian đầu triển khai xây dựng Fanpage trên các nền tảng Facebook, Zalo, cán bộ Công an tại các xã, huyện trong tỉnh Nghệ An cũng phải đối mặt với nhiều trở ngại như: Chưa có văn bản hướng dẫn; chưa được tập huấn quy trình sử dụng mạng xã hội chuyên nghiệp; thiếu trang thiết bị hỗ trợ; việc chắt lọc thông tin và định hướng tư tưởng cần nhiều thời gian trong khi lực lượng mỏng... Tuy nhiên, không vì những khó khăn bước đầu mà các Đảng viên - Chiến sĩ Công an cơ sở thụ động, nản chí. Thay vào đó, họ đã chủ động đối mặt với vấn đề, chủ động tìm giải pháp và sẵn sàng đúc rút kinh nghiệm để hoàn thiện Fanpage mỗi ngày.

 

Dựa trên các kinh nghiệm đúc rút từ thực tế, Công an xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An soạn thảo một số lưu ý đăng Fanpage của Công an xã (Ảnh: Văn Hậu)

Để cán bộ chiến sĩ Công an xã, huyện chủ động giải quyết vấn đề khi dùng mạng xã hội trợ giúp pháp lý và củng cố niềm tin của Nhân dân vào Đảng, từ thực tiễn và cách làm tại địa phương, trao đổi với phóng viên Trung tá Lê Tiến Dũng, Phó Trưởng Công an huyện Nghi Lộc (Nghệ An) chia sẻ: “Muốn phát hiện đề tài đưa tin sát với tình hình thực tế, giúp thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân thì cán bộ chiến sĩ Công an xã, huyện cần nắm chắc địa bàn dân cư. Bên cạnh đó, cần kết nối với người dân địa phương thông qua mạng xã hội để nắm bắt quan điểm của người dân và lên phương án hỗ trợ thông tin sát sao, không để nội dung đăng tải xa rời cuộc sống”.

Ngoài ra, để xây dựng và củng cố niềm tin của người dân, theo Trung tá Lê Tiến Dũng việc chọn lựa các cán bộ, chiến sĩ am hiểu pháp luật; nắm vững lý luận chính trị, chủ nghĩa Mác - Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minhthành thạo công cụ mạng xã hội để phụ trách kênh Fanpage là rất cần thiết. Các cán bộ, chiến sỹ căn cứ vào các vấn đề thực tế cuộc sống từ đó đưa tin trung thực, khách quan; tuyên truyền chủ trương của Đảng một cách đúng đắn; trích dẫn luật chính xác, giúp người dân tháo gỡ vấn đề và bù đắp các “lỗ hổng” về pháp luật một cách nhanh chóng, kịp thời.

Tuy nhiên đồng chí Phó Trưởng Công an huyện Nghi Lộc cũng thừa nhận việc xây dựng thành công các Fanpage để phổ biến đường lối chính sách của Đảng một cách khách quan chính xác là việc làm không dễ, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, chiến sĩ Công an cơ sở phụ trách Fanpage phải không ngừng học tập, thường xuyên tự nâng cao kiến thức về pháp luật và năng lực công tác về mọi mặt. Cuối mỗi giai đoạn thực hiện, các cán bộ Công an địa phương cần có sự đánh giá, nhìn nhận về những điều làm được và chưa làm được. Từ đó đúc rút bài học kinh nghiệm, từng bước cải thiện và xây dựng kênh thông tin Fanpage của địa phương gần dân hơn, mang lại lợi ích tối ưu hơn cho người dân. Đây là yếu tố quan trọng để các cán bộ Công an địa phương phụ trách các Fanpage từng bước cải thiện hiệu quả tuyên truyền luật pháp, hỗ trợ pháp lý cho người dân qua mạng xã hội và tạo dựng niềm tin cho Nhân dân.

Hiệu quả được ghi nhận và xu thế tất yếu

Đánh giá về sự nỗ lực và hiệu quả thực tế của lực lượng Công an cơ sở trong việc sử dụng mạng xã hội phổ biến đường lối chính sách, pháp luật và củng cố niềm tin Nhân dân vào Đảng, ông Nguyễn Bá Hảo - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nghệ An nhận định: “Việc Công an cơ sở tại Nghệ An chủ động xây dựng fanpage tuyên truyền thông tin chính thống về Đảng và Nhà nước, phổ biến pháp luật và hỗ trợ pháp lý tới người dân địa phương thông qua Zalo, Facebook… là giải pháp thiết thực, phù hợp với xu thế tất yếu của thời đại 4.0, chúng tôi đánh giá rất cao cách làm này”.

Tính tới tháng 01/2021, Việt Nam có 72 triệu người dùng mạng xã hội (tăng hơn 07 triệu người chỉ sau 01 năm)(5). Bên cạnh đó, theo số liệu thống kê của Facebook trong năm nay, thế giới có khoảng 2,8 tỷ người dùng hoạt động trên nền tảng này hàng tháng. Trước số lượng người dùng mạng xã hội “khổng lồ”, trước tình trạng các thế lực trong và ngoài nước lợi dụng sức mạnh của mạng xã hội và “lỗ hổng kiến thức” của người dân để lan truyền thông tin sai sự thật nhằm chống phá Đảng, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, làm lung lay niềm tin của Nhân dân thì hành động nhanh chóng, kịp thời của Công an cơ sở mang lại tác động to lớn trên nhiều phương diện. “Hành động ấy vừa nâng cao nhận thức đúng đắn cho người dân ở từng thôn, xóm trước khi nhấn nút đăng tin, vừa kịp thời ngăn chặn người dân tung tin xấu, độc làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng. Sâu xa hơn, sự hỗ trợ đắc lực của lực lượng Công an cơ sở còn góp phần nâng củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng và Nhà nước, đồng thời rút ngắn khoảng cách giữa Nhân dân Việt Nam với các quốc gia phát triển trên toàn thế giới.” ông Nguyễn Bá Hảo - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nghệ An nhấn mạnh.

Việc Công an cơ sở tại Nghệ An dùng mạng xã hội trợ giúp pháp lý và củng cố niềm tin của Nhân dân vào Đảng trong thời đại 4.0 hiện nay không chỉ là một cách làm hay đã được thực tiễn chứng minh mà còn là giải pháp mang hiệu quả bền vững nên tham khảo và nhân rộng đối với các tỉnh thành khác. Đây là cuộc chiến không tiếng súng đòi hỏi các chiến sỹ, cán bộ Công an nhân dân luôn luôn chủ động, sáng tạo, tự tin, bản lĩnh vượt lên mọi khó khăn hoàn thành sứ mệnh là “thanh bảo kiếm” của Đảng, là “lá chắn thép” xung kích bảo vệ Đảng, Nhà nước và Nhân dân, đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng, phát triển đất nước.

 Văn Hậu

 

----------------------------- 

Nguồn tin tham khảo:

(1) Trích từ Trang 326 trong tác phẩm Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, HN, 2011

(2)Bảo Linh, Đăng thông tin sai sự thật, cô gái bị triệu tập nhắc nhở, báo Công an Nhân dân online, ngày 17/06/2021

(3) Bảo Linh, Nam thanh niên bị triệu tập vì đăng thông tin sai sự thật về ca nhiễm Covid-19, Đài PT-TH Nghệ An, ngày 10/9/2021

(4) Tiến Hùng, Đăng tin sai về 'thượng úy ép tù nhân quan hệ', một chủ trang web ở Nghệ An bị phạt hơn 16 triệu, Báo Nghệ An, ngày 30/7/2021.

 (5) Thống kê từ Digital (Link: https://vnetwork.vn/vi/news/thong-ke-tinh-hinh-internet-viet-nam-nam-2021)

  • Tags: