Phát huy vai trò của báo chí trong phát hiện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Tham nhũng, tiêu cực là những biểu hiện của cái xấu, cái ác trong xã hội có giai cấp. Do vậy, việc chủ động, tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vừa là quyền hạn, nhiệm vụ của báo chí, vừa là trách nhiệm chính trị, bổn phận của n

Tham nhũng, tiêu cực là những biểu hiện của cái xấu, cái ác trong xã hội có giai cấp. Do vậy, việc chủ động, tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vừa là quyền hạn, nhiệm vụ của báo chí, vừa là trách nhiệm chính trị, bổn phận của những người làm báo chân chính. 

Ảnh minh họa

1. Đảng, Nhà nước luôn mở rộng cửa cho báo chí tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Từ khi khởi xướng công cuộc đổi mới đất nước năm 1986, Đảng ta đã xác định báo chí có vai trò rất quan trọng trong việc góp phần làm mạnh hóa đời sống xã hội. Ngay từ những năm đầu đổi mới, với phương châm “Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, Đảng ta đã chuyển tải một thông điệp mạnh mẽ về việc kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Trên cương vị lãnh đạo cao nhất của Đảng ta, bằng những bài viết kịp thời, sắc sảo trong chuyên mục “Những việc cần làm ngay” trên Báo Nhân Dân, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã trực tiếp sử dụng báo chí như một vũ khí đắc lực để góp phần chỉ đạo công cuộc đấu tranh phòng chống tham ô, tiêu cực và ủng hộ những nhân tố mới, việc làm mới mang lại lợi ích thiết thực cho đất nước và nhân dân.

Tại Hội nghị Đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII, Đảng ta đã nêu ra một trong bốn nguy cơ liên quan đến sự tồn vong của Đảng và chế độ, đó là nạn tham nhũng. Từ đó đến nay, qua các nhiệm kỳ Đại hội, Đảng ta đều xác định nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tham nhũng vừa là công việc cấp bách trước mắt phải giải quyết khẩn trương, quyết liệt, vừa là “cuộc chiến” lâu dài cần phải tiến hành kiên trì, bền bỉ. Để góp phần thực hiện hiệu quả nhiệm vụ cam go, phức tạp này, từ Hội nghị Trung ương 6 (lần 2, khóa VIII) năm 1999, Đảng ta chính thức xác định, báo chí là một trong 4 hệ thống giám sát xã hội: Sử dụng đồng bộ hệ thống giám sát cán bộ, đảng viên, nhất là sự giám sát của tổ chức đảng, trước hết là từ chi bộ, sự giám sát của nhân dân và các cơ quan đại diện nhân dân, sự giám sát của công luận”. “Sự giám sát của công luận” chính là mở rộng thêm cánh cửa cho báo chí vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt hơn để cùng toàn Đảng, toàn dân từng bước đẩy lùi “quốc nạn” tham nhũng ra khỏi bộ máy công quyền và đời sống xã hội. 

Vai trò, tầm quan trọng của báo chí trong tình hình mới hiện nay tiếp tục được Đảng, Nhà nước ta khẳng định rõ ràng, nhất quán trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Nghị quyết số 04-NQ/TW (khóa X về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí” đã đề ra 10 nhiệm vụ trong tâm, trong đó có nhiệm vụ: “Thực hiện tốt công tác truyền thông về phòng, chống tham nhũng. Đề cao vai trò, trách nhiệm của báo chí trong phòng, chống tham nhũng; khen thưởng, động viên những người làm báo tích cực, dũng cảm đấu tranh chống tham nhũng; xử lý nghiêm việc đưa tin sai sự thật, vu cáo, bịa đặt gây hậu quả xấu”. 

Một trong những nhiệm vụ, quyền hạn của báo chí đã được quy định tại Luật Báo chí 2016 là: “Đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội”. Điều 75, Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 đã quy định: “1. Cơ quan báo chí, nhà báo có trách nhiệm đấu tranh chống tham nhũng, đưa tin về hoạt động phòng, chống tham nhũng và vụ việc tham nhũng; 2. Cơ quan báo chí, nhà báo có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền cung cấp thông tin liên quan đến hành vi tham nhũng. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân được yêu cầu có trách nhiệm cung cấp thông tin theo quy định của pháp luật về báo chí và quy định khác của pháp luật có liên quan; 3. Cơ quan báo chí, nhà báo có trách nhiệm phản ánh khách quan, trung thực và chấp hành các quy định khác của pháp luật về báo chí, quy tắc đạo đức nghề nghiệp khi đưa tin về hoạt động phòng, chống tham nhũng và vụ việc tham nhũng”.

2. Báo chí - một trong những công cụ đắc lực trong “cuộc chiến” phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Từ những thông tin công khai, minh bạch trên báo chí đã góp phần giúp cho các cơ quan chức năng có thêm căn cứ, bằng chứng để điều tra, xác minh các vụ việc tham nhũng. Mặt khác, những thông tin về tham nhũng, tiêu cực trên báo chí là tiếng nói của công luận, của nhân dân để tạo ra áp lực dư luận xã hội nhằm thúc đẩy các cơ quan chức năng sớm vào cuộc làm rõ những vấn đề báo chí đã nêu ra. 

Những năm qua, đặc biệt là từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta đã được triển khai quyết liệt, bài bản và bước đầu mang lại hiệu quả rõ rệt, được dư luận xã hội đồng tình, nhân dân ghi nhận. Nhiều vụ việc về tham nhũng tưởng như bị chìm vào quên lãng, nhưng đã được đưa ra ánh sáng và xử lý đúng người, đúng tội. Một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến thành công bước đầu trong công cuộc đấu tranh này là Đảng, Nhà nước ta đã khơi nguồn và phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ những người làm báo và các cơ quan báo chí. 

Điển hình như vụ vụ án Trịnh Xuân Thanh bị phanh phui, “mắt xích” đầu tiên là do báo chí phát hiện đối tượng đi xe ô tô cá nhân gắn biển số xanh trái quy định. Từ đó, hàng loạt sai phạm của đối tượng trong quá khứ đã được báo chí đưa ra trước ánh sáng công luận, giúp cho các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, xác minh và xử lý vụ việc, đối tượng theo đúng quy định pháp luật. Báo chí còn có công phát hiện, điều tra, phanh phui nhiều dự án đầu tư cả nghìn tỷ đồng chưa đưa vào hoạt động đã thất thoát, gây lãng phí rất lớn tài sản công như: Dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên; Nhà máy đạm Ninh Bình; 3 dự án nhà máy sản xuất ethanol Tam Nông, Bình Phước, Dung Quất; Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ (Hải Phòng)… Báo chí cũng đi đầu trong việc lên tiếng nhiều vụ “bổ nhiệm thần tốc” gây bức xúc dư luận ở một số ngành, địa phương… Nhiều “ung nhọt” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và trong một số cơ quan công quyền cũng được các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý kịp thời nhờ những thông tin được phát hiện, đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Nhiều tác phẩm báo chí về đề tài phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã đoạt giải thưởng uy tín như Giải Báo chí Quốc gia, Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng), Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức.

Từ nhiều năm nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương luôn coi báo chí là người bạn đồng hành trong “cuộc chiến” phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Lãnh đạo Chính phủ thường xuyên chỉ đạo các cơ quan chức năng, địa phương có liên quan phải xác minh, điều tra, làm rõ những thông tin về tham nhũng, tiêu cực do báo chí nêu ra để có biện pháp xử lý kịp thời, nghiêm túc. 

Báo chí cũng luôn chủ động, tích cực tuyên truyền, phổ biến các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng; kịp thời động viên, cổ vũ những tấm gương, những nhân tố mới tham gia hiệu quả vào cuộc đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ngoài ra, báo chí cũng làm tốt chức năng góp ý, phản biện trong việc xây dựng, bổ sung, hoàn thiện về cơ chế, chính sách, luật pháp về phòng, chống tham nhũng. Nhờ đó mà Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng có thêm một kênh thông tin quan trọng, hữu ích để triển khai, thực hiện hiệu quả hơn nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. 

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, báo chí còn bộc lộ một số nhược điểm, hạn chế, bất cập trong công tác truyền thông về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đó là một số thông tin về tham nhũng, tiêu cực còn nóng vội, chủ quan, võ đoán; chưa điều tra kỹ lưỡng đã đưa tin làm rối nhiễu dư luận xã hội, gây khó cho công tác xác minh, điều tra của các cơ quan chức năng. Một số nhà báo chưa đủ kiến thức, trình độ, bản lĩnh nên khi thông tin về các vụ việc tham nhũng, tiêu cực còn bộc lộ sự non kém, hời hợt, thiếu tính thuyết phục. Số ít nhà báo lợi dụng danh nghĩa, vị trí công tác, vị thế cơ quan báo chí để có động cơ, hành vi vụ lợi trong thông tin, tuyên truyền về cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

3. Đề cao trách nhiệm chính trị của báo chí trong phát hiện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Với vị thế là cơ quan ngôn luận của Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, là tiếng nói và diễn đàn của các tầng lớp nhân dân, báo chí luôn giữ vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp thông tin chính thống, tin cậy cho công chúng, xã hội. Đó cũng là lý do bảo đảm cho báo chí khẳng định được vị thế, tầm ảnh hưởng quan trọng của mình đối với xã hội nói chung, đối với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói riêng. 

Muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ trong việc tham gia phòng, chống, đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực, thiết nghĩ báo chí cần quan tâm hơn nữa một số vấn đề sau. 

Một là, cơ quan báo chí, người làm báo cần quán triệt, thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Cần thấu suốt quan điểm đấu tranh phòng, chống tham nhũng là việc làm cấp bách, thường xuyên, liên tục, lâu dài, do đó cần có cách làm bài bản, thận trọng; có phương pháp đấu tranh phù hợp với từng đối tượng, từng vụ việc cụ thể; không nóng vội, chủ quan, nhưng cũng không dây dưa kéo dài, trì trệ; không bỏ sót, bỏ lọt đối tượng, vụ việc tham nhũng, nhưng cũng không được làm oan sai người vô tội, làm trái quan điểm của Đảng về phòng, chống tham nhũng.

Hai là, khi thông tin về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, những người làm báo cần nắm vững phương châm “Xây là cơ bản, xây để chống hiệu quả, chống kịp thời để xây tốt hơn”. Mỗi thông tin về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải bảo đảm chính xác, có căn cứ, bằng chứng rõ ràng, tuyệt đối không thêm bớt, không cắt xét, không quy chụp, không võ đoán. Bởi sức mạnh, sức thuyết phục, sức chiến đấu của báo chí trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là sức mạnh từ những nguồn tin, con số, số liệu chính xác, tin cậy. Muốn làm được điều này đòi hỏi người làm báo ngoài bản lĩnh vững vàng, cần phải có hiểu biết về nghiệp vụ điều tra; phương pháp tác nghiệp thận trọng, chặt chẽ, thấu đáo; nghiêm túc tuân thủ luật pháp, đạo đức nghề nghiệp; thông tin đưa ra phải khách quan, trung thực, góp phần bảo vệ lợi ích của Đảng, Nhà nước và nhân dân. 

Ba là, các cơ quan báo chí, các cấp Hội Nhà báo phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà báo, hội viên chân chính trong tác nghiệp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Có cơ chế khen thưởng, khích lệ, động viên kịp thời, xứng đáng với những người làm báo có tinh thần dấn thân, đóng góp tích cực, hiệu quả trong công tác tuyên truyền, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. 

Lợi dụng tính chất phức tạp, nhạy cảm của cuộc đấu tranh này nên các thế lực thù địch, phản động coi đây là một trong những cơ hội để chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN. Do đó, báo chí cần tỉnh táo nhận diện, kịp thời phản bác những luận điệu sai trái, thù địch, phản động, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ tính chính nghĩa, công lý, lẽ phải của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực. 

Bốn là, báo chí cần chú trọng đề cao tính khách quan, tính trung thực, tính nhân văn, tính chuyên nghiệp trong công tác truyền thông về phòng, chống tham nhũng; phòng ngừa tình trạng lợi dụng thông tin, tuyên truyền về cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để có những hành vi vụ lợi trong chính cơ quan báo chí và những người làm báo, từ đó làm giảm uy tín, sức mạnh của báo chí trên mặt trận đấu tranh này. Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh những nhà báo có biểu hiện lợi dụng cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực để bôi nhọ, xuyên tạc, vu khống tổ chức và cá nhân. 

Năm là, cơ quan báo chí, người làm báo chủ động tăng cường phối hợp, hợp tác với các cơ quan chức năng như thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, công an, tòa án, viện kiểm sát, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội… để tạo thành và phát huy sức mạnh của “binh chủng tổng hợp” trong việc phát hiện, nhận diện, điều tra, xử lý các hành vi, vụ việc tham nhũng. Sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng sẽ tạo cơ hội thuận lợi cho báo chí thực hiện tốt hơn vai trò, trách nhiệm của mình trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Sáu là, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thường liên quan đến cán bộ có chức quyền và bộ máy công quyền nên không thể thực hiện trong một sớm một chiều, mà đòi hỏi phải có thời gian. Tính chất này đặt ra đối với báo chí cần phải rất kiên trì, bền bỉ sát cánh cùng Đảng, Nhà nước, các cơ quan chức năng và nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực./.

Đại tá Nguyễn Văn Hải 

  • Tags: