Phối hợp chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ: Linh hoạt thực hiện tốt “mục tiêu kép”

Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp thực hiện nhiệm vụ quản lý, điều hành các chính sách kinh tế vĩ mô, ứng phó kịp thời với diễn biến bất lợi và các cú sốc thị trường, nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và đảm bảo mục tiêu tăng trư

Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp thực hiện nhiệm vụ quản lý, điều hành các chính sách kinh tế vĩ mô, ứng phó kịp thời với diễn biến bất lợi và các cú sốc thị trường, nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

Năm 2021, Chính phủ tiếp tục việc thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa đảm bảo phát triển kinh tế. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, để đảm bảo giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp thực hiện nhiệm vụ quản lý, điều hành các chính sách kinh tế vĩ mô, ứng phó kịp thời với diễn biến bất lợi và các cú sốc thị trường, nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

Các ngân hàng tích cực triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra

Phối hợp chủ động, chặt chẽ

Trong vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã thực hiện nhiều biện pháp điều hành giá, đảm bảo ổn định chi phí sản xuất, kinh doanh cũng như ổn định tâm lý người tiêu dùng. Một số biện pháp quản lý, điều hành giá đã được triển khai quyết liệt, phối hợp linh hoạt với các chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ đã giúp cho cung cầu nói chung cơ bản ổn định, ít xảy ra tình trạng khan hiếm và tạo sự ổn định cho nền tảng kinh tế vĩ mô của Việt Nam, qua đó thực hiện các biện pháp nhằm thúc đẩy hồi phục tăng trưởng.

Sự phối hợp giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước được triển khai chặt chẽ nhằm thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, nghị định của Chính phủ trong thực hiện mục tiêu kép vừa bảo đảm tăng trưởng kinh tế vừa phòng chống dịch Covid-19. Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước có cơ chế trao đổi thông tin nhằm dự báo các biến động của thị trường chứng khoán, tiền tệ, ngoại hối để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác điều hành, tạo niềm tin cho nhà đầu tư trong và ngoài nước, duy trì ổn định thị trường…

Nhờ vào việc ổn định giá nhiều loại thực phẩm, rau xanh; cũng như tác động từ chính sách hỗ trợ người dân, từ việc giữ ổn định giá nhiều mặt hàng trong diện nhà nước quản lý giá và các chính sách tiền tệ, tín dụng được triển khai linh hoạt nên lạm phát cơ bản trong tầm kiểm soát. Theo thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 6 tháng đầu năm 2021 ghi nhận ở mức 1,47%, đây là mức tăng thấp nhất được ghi nhận kể từ năm 2016.

Bên cạnh đó, chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ đã phối hợp chặt chẽ trong quản lý ngân quỹ nhà nước. Hoạt động điều chuyển tiền gửi của Kho bạc Nhà nước, trực thuộc Bộ Tài chính, tại các tổ chức tín dụng về Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giúp hỗ trợ Kho bạc Nhà nước nâng cao hiệu quả quản lý ngân quỹ, đồng thời nâng cao năng lực quản trị dòng tiền. Căn cứ vào đây, NHNN dự báo tốt hơn tình trạng thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng để có cơ sở điều tiết tiền tệ chủ động thông qua điều hành linh hoạt nghiệp vụ thị trường mở, từ đó góp phần ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, kiểm soát lạm phát.

Trong tập trung nguồn lực cho ngân sách nhà nước, NHNN thực hiện đồng thời nhiều biện pháp nhằm giảm lãi suất thị trường. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho hệ thống tổ chức tín dụng tiếp tục mua trái phiếu chính phủ; hỗ trợ giảm lãi suất cho các đợt phát hành trái phiếu chính phủ, đảm bảo khối lượng huy động vốn, tập trung nguồn lực cho ngân sách nhà nước nhằm thực hiện các nhiệm vụ trọng yếu.

Bình ổn lãi suất, kiểm soát lạm phát sẽ kích thích phục hồi kinh tế

Kết quả kiểm soát đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 tại Việt Nam, hiệu quả triển khai vắc-xin và hiệu quả chính sách tài khóa nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ gia đình bị ảnh hưởng, chính sách tiền tệ giúp bình ổn lãi suất, kiểm soát lạm phát sẽ là những điều kiện tiên quyết để kích thích phục hồi kinh tế. Theo đó, từ nay đến cuối năm, NHNN cần chú trọng kiểm soát các rủi ro gia tăng đối với hệ thống tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại, đặc biệt là rủi ro nợ xấu.

Tính đến 30/6/2021, nợ xấu nhóm 4, 5 của một vài đơn vị tăng mạnh so với cuối năm 2020. Một số ngân hàng thương mại dù đạt mức tăng trưởng tín dụng khá cao như Bản Việt 11,6%, VPBank 6,8%, ABBank 5,6%, PGBank 2,4%, nhưng mặt khác, cũng lại thuộc nhón có tỷ lệ nợ xấu cao nửa đầu năm 2021 là ABBank (2,3%), PGBank (2,7%), Bản Việt (2,8%) hay VPBank (3,4%).

NHNN phải tính toán khó khăn khi khoảng chênh lệch giữa lãi suất và tỷ lệ lạm phát không còn nhiều. Bởi vì, lạm phát theo quy luật sẽ thấp hơn lãi suất tiền gửi, lãi suất tiền gửi phải thấp hơn lãi suất cho vay. Nếu tỷ lệ lạm phát cao hơn so với mức lãi suất tiền gửi thì việc gửi tiền vào các ngân hàng sẽ vô ích khi đồng tiền mất giá nhanh hơn lãi suất được hưởng. Người dân dùng tiền để chi tiêu cho hàng hóa dịch vụ, cất trữ vàng hoặc đầu cơ bất động sản để đảm bảo sức mua của đồng tiền. Điều này càng làm tăng lượng tiền trong lưu thông, dẫn đến gia tăng lạm phát và tác động xấu tới nền kinh tế. Nếu mức lãi suất và tỷ lệ lạm phát tương đương nhau, tình hình cũng sẽ có diễn biến tương tự nhưng ở tốc độ chậm hơn.

Chính sách tài khóa cũng cần được quan tâm hơn nữa vì các nhà hoạch định chính sách cần tìm cách cân đối cho phù hợp giữa nhu cầu hỗ trợ phục hồi kinh tế và nhu cầu duy trì nợ công ở mức bền vững. Tại các nước Đông Nam Á, quy mô gói hỗ trợ tài khóa tương đương khoảng 2-7% GDP khi đại dịch tái bùng phát. Tỷ lệ này ở Việt Nam năm 2020 là 3% GDP, nhưng với quy mô nợ gia tăng và tình hình thâm hụt ngân sách hiện nay, Việt Nam có ít dư địa tài khóa hơn so với các nước trong khu vực. Điều này khiến việc thiết kế chính sách hỗ trợ kế tiếp trở nên khó khăn.

Về công cụ quan trọng trong điều tiết vĩ mô nền kinh tế, chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ là 2 chính sách vĩ mô lớn của Nhà nước, là công cụ quan trọng trong điều tiết vĩ mô nền kinh tế. Chính phủ sử dụng chính sách tài khóa thông qua việc sử dụng công cụ thuế, chi tiêu chính phủ, vay nợ Chính phủ để huy động, phân phối và sử dụng các nguồn lực tài chính nhằm thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của quốc gia. Trong khi đó, chính sách tiền tệ lại được ngân hàng trung ương sử dụng công cụ lãi suất, cung tiền ...

Để thực hiện kiểm soát và điều tiết lượng tiền cung ứng nhằm điều chỉnh lạm phát, ổn định giá cả, ổn định sức mua của nội tệ, ổn định sức mua đối ngoại của đồng nội tệ và góp phần điều tiết tăng trưởng kinh tế, sự phối hợp chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ đều phải được xem xét kỹ lưỡng các kịch bản nhằm đạt được các mục tiêu vĩ mô và hạn chế tối đa các rủi ro tài khóa đối với nền kinh tế.

Bộ Tài chính, một mặt tiếp tục thực hiện các giải pháp toàn diện hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, trình Chính phủ ban hành các nghị định miễn, giảm, giãn thuế, tiền thuê đất, các loại phí, lệ phí. Mặt khác, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước, tiết kiệm chi thường xuyên, cắt giảm các khoản chi không cần thiết, các nhiệm vụ chi chậm triển khai, nhất là việc rà soát, cắt giảm phù hợp các khoản chi sự nghiệp có tính chất đầu tư cũng được quán triệt và thực hiện nghiêm túc.

Về phía Ngân hàng Nhà nước, vẫn điều hành chính sách tiền tệ ổn định theo định hướng chủ đạo hỗ trợ đà phục hồi kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ chủ động duy trì ổn định mặt bằng lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, tạo điều kiện giảm chi phí vay vốn cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế.

PGS.TS Phạm Ngọc Dũng - TS. Bùi Thị Mến

  • Tags: