Quản lý hoạt động kinh doanh xăng, dầu vẫn còn nhiều kẽ hở

Hàng loạt vụ buôn lậu, gian lận thương mại quy mô lớn trong kinh doanh xăng, dầu vừa qua bị phát hiện gây hoang mang cho xã hội. Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) phối hợp với Công an tỉnh Đồng Nai đã triệt phá đường dây sản xuất và buôn lậu xăng giả lớn

Gần đây, hàng loạt vụ buôn lậu, gian lận thương mại quy mô lớn trong kinh doanh xăng, dầu vừa qua bị phát hiện gây hoang mang toàn xã hội.

 

 
Triệt phá đường dây sản xuất và buôn lậu xăng dầu giả lớn tại Đồng Nai (Ảnh: Công an)

Điển hình, trong tháng 02/2021, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) phối hợp với Công an tỉnh Đồng Nai đã triệt phá đường dây sản xuất và buôn lậu xăng giả lớn chưa từng có với tang vật thu được là gần 2,7 triệu lít xăng, 4 thùng hóa chất tạo màu cùng hơn 100 tỷ đồng tiền mặt. Hơn bao giờ hết, các cơ quan quản lý Nhà nước cần giải pháp mạnh mẽ, khả thi ngăn chặn những hành vi trên. Đồng thời, sớm lấp lại kẽ hở trong khâu kiểm tra, giám sát cũng như chấn chỉnh lại hệ thống kinh doanh xăng, dầu.

Quản lý kinh doanh xăng dầu còn chồng chéo

Trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương, đề cập đến trách nhiệm quản lý liên quan đến hàng loạt vụ buôn lậu, gian lận thương mại trong kinh doanh xăng, dầu bị phát hiện gần đây, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết: Hoạt động kinh doanh xăng, dầu hiện nay chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản quy phạm phạm pháp luật cũng như nhiều cơ quan quản lý. Cụ thể, riêng mặt hàng xăng, dầu có nhiều cơ quan cùng trách nhiệm quản lý như Công an, Hải quan, Biên phòng, Bộ Tài chính, Bộ KH&CN, Bộ Công Thương.

“Nghị định 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng, dầu quy định: Bộ Công Thương chỉ có chức năng chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá xăng, dầu, đảm bảo nguồn cung cho sản xuất, tiêu dùng và phát triển hệ thống phân phối” – ông Trần Duy Đông khẳng định.

Thời gian qua, Bộ Công Thương thường xuyên lập đoàn kiểm tra, giám sát, hậu kiểm việc kinh doanh của các thương nhân kinh doanh xăng, dầu. Theo số liệu của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) - Bộ Công Thương, trong năm 2020, cơ quan này đã kiểm tra, xử lý hơn 4.500 vụ việc liên quan đến xăng, dầu. Các hành vi vi phạm chủ yếu như: Thay đổi đo lường làm sai lệch kết quả, không niêm phong kẹp chì nắp bồn xe, bán xăng, dầu ngoài hệ thống, kinh doanh khi giấy chứng nhận đủ điều kiện đã hết hiệu lực, bán xăng, dầu không phù hợp với quy chuẩn, xăng, dầu lậu, không rõ nguồn gốc.

Tuy nhiên, điều đáng nói là hiện nay có rất nhiều cơ quan kiểm tra có thẩm quyền lấy mẫu giám định và xử lý trong lĩnh vực kinh doanh xăng, dầu. Theo ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT, khi kiểm tra lấy mẫu có xác định số tồn nhưng khi có kết quả kiểm nghiệm mẫu là vi phạm thì không thể thu hồi số xăng, dầu vi phạm vì lý do khi chưa có kết luận giám định thì không có căn cứ tạm giữ ban đầu. Trong khi đó quá trình bán hàng của doanh nghiệp là liên tục nên khi có kết quả, tiếp tục làm việc với doanh nghiệp thì lượng xăng vi phạm đã bán hết, rất khó khăn trong quá trình xử lý tang vật.

Sửa đổi quy định xử lý triệt để vi phạm

Để giải quyết triệt để vi phạm kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương đang soạn thảo, đề xuất sửa đổi Nghị định 83/2014/NĐ-CP nhằm khắc phục những bất cập, đảm bảo tính minh bạch và xử lý được các vấn đề còn vướng mắc như: Hạn ngạch nhập khẩu tối thiểu, vấn đề an toàn, chất lượng xăng, dầu. Đáng chú ý, cơ quan soạn thảo bổ sung lĩnh vực xăng, dầu hàng không vào Nghị định sửa đổi nhằm quản lý thị trường xăng, dầu chặt chẽ hơn.

Tổng cục QLTT đề xuất, các đơn vị liên quan cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xăng, dầu. Mặt khác, cùng với sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm cần có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương và sự tham gia của người dân nhằm phát hiện, tố giác, xử lý kịp thời, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng và doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Nhiều chuyên gia khuyến nghị, để chặn đứng vấn nạn xăng, dầu lậu, giả phải chấn chỉnh những chệch choạc của cơ quan phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại từ cơ sở, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân có liên quan. Đặc biệt, cần xác định rõ cơ chế giám sát, cơ quan nào chịu trách nhiệm chính trong việc kiểm tra kinh doanh xăng, dầu. Cùng với đó, phải công khai minh bạch thông tin kết quả kiểm tra xử lý vi phạm cho mọi người dân đều biết, giám sát và thực hiện.

  • Tags: