Quy định về tổ chức, hoạt động của đoàn thanh tra

Thanh tra Chính phủ vừa ban hành dự thảo Thông tư quy định về tổ chức, hoạt động của đoàn thanh tra và trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra. Hiện, Thanh tra Chính phủ đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo này tại Cổng Thông tin điện

Thanh tra Chính phủ vừa ban hành dự thảo Thông tư quy định về tổ chức, hoạt động của đoàn thanh tra và trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra. Hiện, Thanh tra Chính phủ đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo này tại Cổng Thông tin điện tử của Thanh tra Chính phủ.

Dự thảo nêu rõ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc cơ quan thanh tra và các cơ quan thuộc thẩm quyền quản lý của mình trong công tác thanh tra; giải quyết khó khăn, vướng mắc, xử lý kịp thời kiến nghị về thanh tra và chỉ đạo, tổ chức thực hiện kết luận thanh tra theo quy định của pháp luật.

Ảnh minh họa (Internet)

Người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo đoàn thanh tra, bảo đảm nguyên tắc của hoạt động thanh tra, bảo đảm cuộc thanh tra được thực hiện đúng pháp luật, đúng mục đích, yêu cầu; giải quyết kịp thời các phản ánh, kiến nghị của đoàn thanh tra; các khiếu nại, phản ánh, kiến nghị, tố cáo liên quan đến hoạt động của đoàn thanh tra.

Người thuộc một trong các trường hợp sau đây không được tham gia đoàn thanh tra:

a-Người có cổ phần tại doanh nghiệp là đối tượng thanh tra, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

b- Người có vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu, người phụ trách công tác tổ chức nhân sự, kế toán, thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị là đối tượng thanh tra;

c- Người đang trong thời gian bị xem xét xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

d- Người có hành vi vi phạm bị xử lý mà chưa hết thời hạn xóa kỷ luật, xóa án tích;

đ- Người không đủ các điều kiện khác để tham gia đoàn thanh tra theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng nêu rõ, người thuộc một trong các trường hợp sau đây không được làm trưởng đoàn thanh tra:

a- Thuộc một trong các trường hợp quy định trên;

b- Người có vợ hoặc chồng, bố, mẹ đẻ, bố, mẹ vợ hoặc bố, mẹ chồng, con, anh, chị, em ruột, hoặc anh, chị, em ruột của vợ hoặc chồng làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị là đối tượng thanh tra.

Thủ trưởng cơ quan, đơn vị được giao chủ trì cuộc thanh tra có trách nhiệm kiểm tra, rà soát để phát hiện các trường hợp không được tham gia đoàn thanh tra trước khi trình người có thẩm quyền ra quyết định thanh tra.

Dự thảo cũng quy định việc thu thập thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra. Trong quá trình thanh tra, trưởng đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra yêu cầu đối tượng thanh tra báo cáo theo đề cương; yêu cầu đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra.

Đối với những hồ sơ, tài liệu không cần thu giữ thì người nhận hồ sơ, tài liệu trả lại cho đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan; thời gian trả hồ sơ, tài liệu chậm nhất khi kết thúc việc thanh tra trực tiếp.

Trưởng đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra có trách nhiệm nghiên cứu các thông tin, tài liệu đã thu thập được; đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của đối tượng thanh tra liên quan đến nội dung thanh tra được phân công; yêu cầu người có trách nhiệm, người có liên quan giải trình về những vấn đề chưa rõ; trường hợp cần làm việc trực tiếp với đối tượng thanh tra, người có liên quan thì thành viên đoàn thanh tra báo cáo trưởng đoàn thanh tra xem xét, quyết định.

Trong trường hợp cần kiểm tra, xác minh thông tin, tài liệu hoặc làm rõ những vấn đề có liên quan đến nội dung thanh tra thì trưởng đoàn thanh tra, người ra quyết định thanh tra mời đối tượng thanh tra, đại diện cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc cá nhân có liên quan đến làm việc hoặc yêu cầu đối tượng thanh tra báo cáo.

  • Tags: