Tăng cường thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường để phát triển bền vững

Ngày 17/11/2020, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường với 16 Chương, 171 Điều. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022. Việc ban hành và tăng cường thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường để phát triển bền vững là rất quan trọng và cần thiết.

Để bảo đảm sự phát triển bền vững, bảo vệ và nuôi dưỡng nguồn tài nguyên thiên nhiên cho các thế hệ mai sau, Việt Nam đã ban hành Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động của con người khi tác động vào thiên nhiên, ảnh hưởng đến môi trường sống. Theo đó, ngày 17/11/2020, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường với 16 Chương, 171 Điều. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022. Việc ban hành và tăng cường thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường để phát triển bền vững là rất quan trọng và cần thiết.

Ảnh minh họa

1. Sự phát triển kinh tế – xã hội có tác động mạnh mẽ tới hoạt động thực hiện pháp luật nói chung và hoạt động thực hiện pháp luật môi trường nói riêng. Khi tham gia vào các hoạt động kinh tế – xã hội, buộc các chủ thể phải tìm hiểu pháp luật, có ý thức tuân thủ pháp luật, thi hành pháp luật, làm sao cho các hành vi của mình phải nằm trong khuôn khổ của pháp luật, được pháp luật cho phép. Và, trong trường hợp cần thiết, có thể sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình. Môi trường cung cấp các yếu tố đầu vào cho các quá trình sản xuất – kinh doanh, đồng thời, môi trường cũng là nơi tiếp nhận các yếu tố đầu ra (các chất xả thải) từ các hoạt động này. Do đó, việc hiểu biết và thực hiện tốt các quy định của pháp luật về môi trường chính là yếu tố bảo đảm sự phát triển kinh tế – xã hội bền vững không chỉ cho thế hệ hiện tại mà còn cho cả thế hệ tương lai.

Hiện nay, nước ta đang phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mô hình kinh tế này đã và đang tạo ra những mặt tích cực trong nhận thức, nâng cao ý thức pháp luật và hành vi thực hiện pháp luật của các chủ thể trong các hoạt động sản xuất – kinh doanh và đời sống, như tạo ra tư duy năng động, sáng tạo, coi trọng uy tín, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế của các doanh nghiệp phù hợp với các quy định của pháp luật,…

Tuy nhiên, kinh tế thị trường cũng đem lại nhiều hệ quả tiêu cực trong việc thực hiện pháp luật, bởi vì, trong nền kinh tế thị trường, nhìn chung các doanh nghiệp hoạt động nhằm mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận. Với mục tiêu này cùng với sự tác động của các quy luật kinh tế của nền kinh tế thị trường như quy luật giá trị, quy luật cạnh tranh, quy luật cung – cầu,… buộc các doanh nghiệp phải luôn luôn năng động, sáng tạo, biết đổi mới kỹ thuật, nâng cao trình độ tổ chức quản lý,… nhằm nâng cao không chỉ năng suất mà cả chất lượng, hình thức, mẫu mã, quy cách, chủng loại hàng hóa đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Nhưng đồng thời, mô hình này cũng đem lại nhiều hệ quả tiêu cực trong hoạt động thực hiện pháp luật, bởi vì, do mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận, nhiều doanh nghiệp sẵn sàng vi phạm đạo đức kinh doanh, vi phạm pháp luật như làm hàng giả, buôn lậu, trốn thuế; làm suy thoái môi trường tự nhiên, ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên không thể tái tạo; thậm chí, sản xuất ra những mặt hàng độc hại ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng,…

Có thể kể đến các vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT) trong nhiều lĩnh vực, nhiều hoạt động sản xuất – kinh doanh. Chẳng hạn như đối với các doanh nghiệp, vì mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư các dự án sản xuất – kinh doanh, nhưng không chú trọng việc xây dựng các hệ thống xử lý chất thải, coi đây là giải pháp giảm chi phí, tăng lợi nhuận. Nguy hiểm hơn nữa là có những doanh nghiệp tuy có hệ thống xử lý chất thải, nhưng luôn cố tình vi phạm, lén lút xây dựng hệ thống bí mật, phức tạp, được ngụy trang bằng hệ thống đạt tiêu chuẩn để xả ra môi trường những chất xả thải chưa được xử lý hoặc xử lý chưa đạt chuẩn.

Sự phát triển mạnh mẽ của các làng nghề cũng đi liền với nhiều vi phạm về môi trường như hiện tượng xả trực tiếp chất thải không được xử lý ra môi trường; nhiên liệu sử dụng phổ biến là than, củi làm sản sinh các loại khí nhà kính. Trong sản xuất nông nghiệp, việc xử lý chuồng trại, chất thải trong chăn nuôi chưa được chú ý, thường thải ra cống rãnh tự nhiên; nhiều hộ gia đình, doanh nghiệp sử dụng tùy tiện các loại thuốc kháng sinh, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật đã gây sự tồn dư thuốc kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm. Nạn chặt phá rừng, khai thác lâm sản vẫn đang diễn ra rất phức tạp, đặc biệt là tình trạng chặt phá các khu rừng nguyên sinh, khu bảo tồn thiên nhiên, rừng phòng hộ.

Từ thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, trong tháng 7/2019, cả nước đã phát hiện 1.102 vụ vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng; lũy kế 7 tháng đầu năm 2019, cả nước đã phát hiện 5.646 vụ vi phạm2. Trong khai thác khoáng sản, do sử dụng hóa chất như thủy ngân, kim loại nặng, nên nguồn nước sinh hoạt, tưới tiêu bị ô nhiễm. Khai thác cát, sỏi bừa bãi cũng làm cho nhiều dòng sông bị xói lở, biến đổi dòng chảy. Các hiện tượng trên làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái, gây phong hóa, rửa trôi, biến rừng thành đất trống, đồi núi trọc, tiềm ẩn nguy cơ lũ quét cao.

Tại các bệnh viện, lượng chất thải hàng ngày ra môi trường rất lớn, nhưng mới chỉ có khoảng trên 20% bệnh viện, cơ sở y tế có hệ thống xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn, hầu hết rác thải chưa được quản lý và xử lý chặt chẽ theo quy chế xử lý chất thải y tế.

Nhiều loại rác thải y tế nguy hại như bệnh phẩm, vỏ chai, dây chuyền dịch, bơm kim tiêm đã qua sử dụng để lẫn lộn với rác thải thông thường. Nhân viên một số bệnh viện không nắm rõ quy trình thu gom, xử lý, thậm chí một số bệnh viện còn cho phép thu gom để bán cho cơ sở tái chế để “tận thu”3, vi phạm các quy định về quản lý, xử lý chất thải y tế. 2. Ở nước ta, vấn đề BVMT từng bước được Đảng, Nhà nước quan tâm thực hiện. Năm 1993, Luật BVMT được ban hành. Đây là văn bản quan trọng, tạo cơ sở pháp lý cho việc tổ chức thực hiện công tác BVMT.

Lần đầu tiên, các khái niệm cơ bản có liên quan đến BVMT đã được xác định làm cơ sở cho việc vận dụng vào hoạt động quản lý môi trường. Đồng thời, đây cũng là lần đầu tiên quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của Nhà nước, tổ chức và cá nhân trong việc BVMT được pháp luật quy định rõ ràng. Việc BVMT không những được quy định trong Luật BVMT mà còn được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật khác điều chỉnh các hoạt động của con người khi tác động vào thiên nhiên, ảnh hưởng đến môi trường sống như các văn bản hướng dẫn thi hành Luật BVMT, xử phạt vi phạm hành chính về BVMT, các văn bản pháp luật chung và chuyên ngành khác quy định nghĩa vụ BVMT đối với các cơ quan, tổ chức và cá nhân hữu quan, như: Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân, Pháp lệnh về thu thuế tài nguyên, Pháp lệnh Bảo vệ đê điều, Pháp lệnh Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Luật Đất đai, Luật Khoáng sản, Pháp lệnh An toàn và kiểm soát bức xạ, Luật Tài nguyên nước,…

Pháp luật nước ta quy định có hai hình thức xử phạt hành vi vi phạm trong lĩnh vực BVMT là cảnh cáo và phạt tiền. Ngoài ra, cá nhân, tổ chức vi phạm có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả: buộc thực hiện có thời hạn các biện pháp BVMT do cơ quan quản lý nhà nước về BVMT yêu cầu; buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường do hành vi vi phạm gây ra; buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc buộc tái xuất hàng hóa, vật phẩm gây ô nhiễm môi trường; buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây ô nhiễm môi trường…

Nhìn chung, cho đến nay, hệ thống pháp luật về môi trường ở nước ta đã điều chỉnh tương đối đầy đủ các thành tố tạo nên môi trường. Hệ thống các tiêu chuẩn của môi trường cũng đã được ban hành làm cơ sở cho việc kiểm soát, đánh giá tác động môi trường. Các văn bản pháp luật được ban hành đã tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động quản lý nhà nước về BVMT, nâng cao nhận thức của cơ quan nhà nước, tổ chức, công dân đối với vấn đề môi trường.

Nước ta cũng đã tham gia các công ước, hiệp định quốc tế về môi trường; đẩy mạnh hợp tác song phương và đa phương với các nước trong và ngoài khu vực về BVMT. Tuy nhiên, các quy định của pháp luật về BVMT còn những bất cập và hạn chế. Chẳng hạn như chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa các quy định về phát triển kinh tế với các quy định về BVMT. Hầu hết các văn bản quy phạm pháp luật về kinh tế còn chưa tính đến chi phí môi trường trong sản xuất – kinh doanh. Còn thiếu vắng những công cụ kinh tế nhằm BVMT, các chế tài chưa đủ mạnh để trừng trị và răn đe những hành vi vi phạm môi trường, do đó, các hành vi gây ô nhiễm đất, nguồn nước, không khí, nạn chặt phá rừng… vẫn tiếp tục diễn ra, không được ngăn chặn triệt để.

Một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức đã không giữ nghiêm kỷ cương, phép nước trong khi thi hành công vụ, chẳng hạn như thông qua việc nhận hối lộ mà bao che, tiếp tay cho các vụ vi phạm pháp luật về môi trường, khai thác bừa bãi tài nguyên khoáng sản của đất nước, chặt phá rừng, khai thác gỗ trái phép, xả những chất thải độc hại chưa qua xử lý vào môi trường,… gây thiệt hại không nhỏ đến các hoạt động kinh tế cũng như đời sống của người dân. Những vụ vi phạm pháp luật về mội trường ở nước ta, một phần do nguyên nhân khách quan – do trình độ, năng lực của cán bộ, công chức còn hạn chế hoặc cán bộ quản lý thiếu trách nhiệm. Nhưng trong rất nhiều trường hợp, các vụ vi phạm pháp luật về môi trường là do nguyên nhân chủ quan – do tham nhũng (ví dụ như cán bộ kiểm lâm nhưng lại là người tiếp tay cho “lâm tặc” chặt phá rừng do nhận hối lộ,…).

3. Từ thực tiễn trên cho thấy, vấn đề thực hiện pháp luật môi trường ở nước ta hiện nay đang là vấn đề hết sức cấp thiết. Vì vậy, theo chúng tôi, có thể đưa ra một số giải pháp sau:

Thứ nhất, khi Luật BVMT mới được Quốc hội thông qua có hiệu lực thi hành, cần rà soát lại hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến vấn đề môi trường để bổ sung, hoàn thiện, điều chỉnh sao cho phù hợp với quy định của Luật, đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững.

Thứ hai, thực hiện tốt công tác tuyên truyền các đường lối, chủ trương và chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước liên quan đến vấn đề BVMT, đặc biệt những điểm mới của Luật BVMT, để từ đó, người dân chấp hành, tuân thủ và thực hiện pháp luật một cách tự giác, chủ động và nghiêm chỉnh, tăng cường thực hiện bảo vệ môi trường trong phát triển kinh tế – xã hội đất nước.

Thứ ba, đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của các tổ chức, cá nhân, cán bộ, công chức trong hoạt động thực hiện pháp luật môi trường.

Thứ tư, phát huy đồng bộ sức mạnh của các biện pháp được quy định trong luật hành chính, hình sự, dân sự, kinh tế trong việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường, đặc biệt là các biện pháp kinh tế để bảo đảm sự hài hòa giữa phát triển kinh tế và yêu cầu BVMT, thực hiện tốt pháp luật về môi trường.

Thứ năm, đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động thực hiện pháp luật về BVMT bằng cách tăng cường sự tham gia của các tổ chức chính trị – xã hội, đoàn thể và cộng đồng dân cư trong việc tham gia quản lý, tổ chức thực hiện và giám sát công tác BVMT…

Thứ sáu, tăng nguồn chi cho sự nghiệp BVMT, đặc biệt là cho đội ngũ cán bộ, công chức liên quan đến việc nghiên cứu, dự báo những tác động của môi trường; đội ngũ cán bộ đang ngày đêm đấu tranh với các hiện tượng vi phạm pháp luật môi trường,…

Thứ bảy, tiếp tục hợp tác quốc tế trong lĩnh vực môi trường, đặc biệt là hợp tác quốc tế về pháp luật. Cần tìm cơ chế thích hợp để đẩy mạnh hơn nữa việc nội luật hóa các cam kết quốc tế về BVMT mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia và xác định rõ hiệu lực pháp lý của cam kết quốc tế đó. Đồng thời, cần xây dựng cơ chế bảo đảm thực thi hiệu quả các cam kết quốc tế đó tại Việt Nam.

TS. Nguyễn Thị Thanh Huyền - Trường Đại học Luật Hà Nội

  • Tags: