Tạo nguồn và phát huy đội ngũ trí thức trẻ trong nền công vụ của Nhật Bản - những kinh nghiệm đối với Việt Nam

Nhật Bản là một trong những quốc gia đạt được nhiều thành công về quản lý và sử dụng nhân sự trong nền công vụ. Bài viết tập trung nghiên cứu một số chính sách tạo nguồn và phát huy khả năng của đội ngũ trí thức trẻ trong nền công vụ của Nhật Bản

Nhật Bản là một trong những quốc gia đạt được nhiều thành công về quản lý và sử dụng nhân sự trong nền công vụ. Bài viết tập trung nghiên cứu một số chính sách tạo nguồn và phát huy khả năng của đội ngũ trí thức trẻ trong nền công vụ của Nhật Bản, từ đó rút ra những kinh nghiệm để có thể vận dụng ở Việt Nam trong việc xây dựng đội ngũ trí thức trẻ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay. 

Đội ngũ trí thức trẻ Việt Nam là bộ phận quan trọng trong lực lượng tinh hoa của dân tộc; trong độ tuổi sung sức nhất về thể chất và phát triển trí tuệ; là một trong những nhân tố góp phần quyết định tương lai, vận mệnh dân tộc.

Cùng với sự phát triển của đất nước, đội ngũ trí thức trẻ ở Việt Nam ngày càng tăng về số lượng và không ngừng nâng cao về chất lượng, đã và đang có những đóng góp tích cực, có hiệu quả vào việc tham gia hoạch định đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, vào sự nghiệp phát triển của đất nước; sáng tạo những công trình có giá trị, nhiều sản phẩm chất lượng cao; từng bước nâng cao trình độ khoa học và công nghệ của đất nước, vươn lên tiếp cận với trình độ của khu vực và thế giới.

Ảnh minh họa - TTXVN

1. Chính sách tuyển chọn, bồi dưỡng, sử dụng và phát huy đội ngũ trí thức trẻ của Nhật Bản

Sau Chiến tranh thế giới lần thứ 2, Nhật Bản rơi vào tình trạng khủng hoảng cùng với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, tài nguyên thiên nhiên nghèo nàn. Song nhờ có những chiến lược đúng đắn trong chính sách phát triển quốc gia, mà nổi lên là việc tuyển chọn, bồi dưỡng công chức, trí thức trẻ rất có hiệu quả nên chỉ không lâu sau khi kết thúc chiến tranh và cho đến nay, Nhật Bản là một trong những cường quốc kinh tế của thế giới, có tiếng nói quan trọng trong cộng đồng quốc tế. Những bài học thành công chính của Nhật Bản trong việc tuyển chọn và sử dụng đội ngũ công chức, trí thức trẻ là:

Thứ nhất, thi tuyển công chức được tổ chức chặt chẽ.

Ở Nhật Bản, công chức được phân thành hai loại là công chức quốc gia và công chức địa phương. Kỳ thi tuyển dụng công chức quốc gia hàng năm do Viện Nhân sự quốc gia Nhật Bản (NPA) tổ chức. Thí sinh tham dự kỳ thi tuyển công chức quốc gia phải làm một bài thi trắc nghiệm, một bài thi viết và tham gia một cuộc phỏng vấn. Nếu thí sinh nào qua được 03 bài thi này thì NPA sẽ gửi danh sách đến các bộ, ngành cần tuyển dụng để các thí sinh tham gia vòng phỏng vấn của các bộ. Kỳ thi tuyển dụng công chức quốc gia được tổ chức trong một ngày tại 09 địa điểm khác nhau để đảm bảo sự công bằng cho tất cả các thí sinh tham dự kỳ thi. Mỗi địa điểm thi đều có có sự giám sát của NPA, trong đó bộ đề thi tuyển công chức quốc gia do NPA biên soạn.

Đối với công chức địa phương (tuyển chọn tại địa phương) thì do các địa phương tự tổ chức thi. Các địa phương có quyền hạn độc lập và NPA không được can thiệp vào kỳ thi của địa phương. Bộ đề thi của công chức địa phương do Trung tâm xây dựng đề thi cho công chức địa phương thực hiện. Lãnh đạo của Trung tâm xây dựng đề thi cho công chức địa phương thường là công chức của NPA đã về hưu đảm nhận. Ở các địa phương, chỉ riêng Thủ đô Tokyo được quyền tự xây dựng bộ đề thi của mình, 46 tỉnh còn lại phải thuê Trung tâm xây dựng đề thi cho công chức địa phương xây dựng bộ đề thi cho mình, tất cả công chức địa phương sẽ tham dự kỳ thi tuyển trong cùng một ngày để đảm bảo tính khách quan.

Nhật Bản ban hành Luật Công chức quốc gia và công chức địa phương để đảm bảo cho việc điều hành chính sách công có hiệu quả và dân chủ đối với toàn xã hội, thông qua việc quy định các nội dung tuyển chọn công chức công khai, minh bạch, khách quan và có tính khả thi để họ có thể phát huy tối đa năng lực khi thực thi nhiệm vụ. Trong Luật Công chức quốc gia và công chức địa phương nêu rõ các quy định xử lý công bằng, tổ chức kỳ thi tuyển dụng, điều kiện dự thi, tư cách dự thi, nội dung kỳ thi tuyển, phương pháp tổ chức thi tuyển,… Mục đích của kỳ thi tuyển công chức là để đảm bảo tính minh bạch, công bằng và trung thực để tìm ra những người có tài năng, có tâm huyết phục vụ cho đất nước và nhằm xóa bỏ tình trạng thiên vị, có tính vụ lợi trong tuyển dụng. 

Thứ hai, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, trí thức trẻ trong phát triển khoa học công nghệ.

Nhật Bản là một trong những quốc gia có trình độ khoa học - công nghệ phát triển nhất thế giới. Nhờ sự quan tâm, chú trọng đầu tư của nhà nước vào lĩnh vực này mà nền kinh tế Nhật Bản không chỉ hồi phục “thần kỳ” sau chiến tranh mà còn trở thành cường quốc về khoa học - công nghệ. Bởi vì, Nhật Bản đã chủ động tích cực tiếp thu khoa học - công nghệ tiên tiến của một số nước trên thế giới, đưa sinh viên ra nước ngoài du học, hợp tác với nước ngoài để phát triển nguồn nhân lực, trí thức trẻ. Nhờ đó Nhật Bản đã có được lực lượng nhân lực, trí thức trẻ có trình độ cao, cống hiến cho sự phát triển đất nước.

Thứ ba, chính sách thu hút nhân tài, trí thức trẻ có năng lực, tài năng.  

Nhằm thu hút nhân lực, trí thức trẻ tài năng với các quốc gia trên thế giới, Nhật Bản đã tăng cường cấp học bổng để thu hút trí thức trẻ nước ngoài có triển vọng để đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ và có chính sách ưu đãi về lương, thưởng và điều kiện làm việc để thu hút đội ngũ này sau khi đào tạo ở lại Nhật Bản làm việc. Chính nhờ những chính sách này đã thu hút và phát triển nguồn nhân lực tài năng rất thành công, đưa Nhật Bản từ một nước lạc hậu, thiếu tài nguyên trở thành một trong những quốc gia phát triển hàng đầu thế giới như hiện nay.

Chính sách thu hút người tài của Chính phủ Nhật Bản cũng thông qua việc sẵn sàng đầu tư vào những chương trình liên kết đào tạo và dạy nghề tại nhiều nước trên thế giới, qua đó tìm ra và tuyển dụng những người giỏi nhất làm việc tại các cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp. Theo đó, những người này khi vừa mới được tuyển dụng sẽ được bố trí những công việc đơn giản và không đòi hỏi quá nhiều kỹ năng chuyên môn, sau đó mới được điều chuyển về những nơi phù hợp với năng lực sau khi khóa đào tạo kết thúc. 

Thứ tư, chú trọng đào tạo đội ngũ công chức, trí thức trẻ lãnh đạo, quản lý.

Nhật Bản đặc biệt chú trọng chiến lược phát triển tài năng trong lĩnh vực lãnh đạo, quản lý. Đội ngũ công chức, trí thức trẻ tham gia lãnh đạo, quản lý được đào tạo một cách bài bản và cẩn thận. Ví dụ, tại Trường Đại học Kobe đào tạo nhân tài lãnh đạo cấp cơ sở; Đại học Nagoya đào tạo nhân tài lãnh đạo cấp tỉnh; Đại học Quốc gia Tokyo đào tạo quan chức lãnh đạo nhà nước; Đại học Hitosubashi đào tạo nhân tài kinh doanh; Đại học Kyushu đào tạo nhân tài quản lý hành chính, luật pháp... Đội ngũ công chức, trí thức trẻ Nhật Bản luôn được đánh giá cao bởi sự chuyên nghiệp, mẫn cán và kỷ luật. 

Thứ năm, trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh nhân tài, trí thức trẻ.

Nhật Bản rất chú trọng đến chính sách sử dụng nguồn nhân lực, trí thức trẻ trên cơ sở năng lực thực tế (chất lượng và hiệu quả công việc), nguyên tắc đối xử công bằng (tuyển dụng, bổ nhiệm, thăng chức…) những điều này được quy định rõ trong Luật Dịch vụ công quốc gia. Chế độ lương công chức của Nhật Bản được điều chỉnh tăng mỗi năm, căn cứ theo chi phí sinh hoạt thực tế và chức trách, nhiệm vụ của công chức. Lao động trí thức, tài năng được trả lương rất cao và có chế độ khen thưởng xứng đáng. Trong quá trình sử dụng, các nhà quản lý luôn tìm cách động viên, khuyến khích cấp dưới tích cực làm việc và phát huy hết tài năng sáng tạo của mình, đồng thời cũng rất nghiêm khắc với các hành vi vi phạm.

2. Một số kinh nghiệm đối với Việt Nam

Qua nghiên cứu chính sách tạo nguồn và phát huy đội ngũ trí thức trẻ trong nền công vụ của Nhật Bản cho thấy một số kinh nghiệm sau đây có thể vận dụng đối với Việt Nam trong thời gian tới: 

Một là, công tác tuyển dụng đội ngũ trí thức trẻ.

Việc tuyển dụng đội ngũ trí thức trẻ vào nền công vụ đóng vai trò quan trọng trong việc phát huy sức trẻ và tài năng, tạo nguồn cán bộ kế cận trong phát triển bền vững đất nước. Vì vậy, cần xây dựng đội ngũ trí thức trẻ chính quy, hiện đại, làm việc hiệu quả trong nền công vụ. Cần công khai, minh bạch và đảm bảo công bằng trong việc tuyển dụng các trí thức trẻ. Thông qua các kỳ thi có thể tuyển chọn được đội ngũ công chức, trí thức trẻ tài năng, có đức, có năng lực phục vụ Tổ quốc, phụng sự Nhân dân.

Do đó, cần xây dựng cơ chế hoặc thành lập một cơ quan chuyên trách, chịu trách nhiệm về các vấn đề liên quan đến thi tuyển công chức. Cơ quan này chịu trách nhiệm từ việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để tổ chức các kỳ thi tuyển công chức đến việc tiếp nhận công chức sau khi thi trúng tuyển kỳ thi công chức quốc gia; kiểm tra, giám sát quy trình tổ chức thi tuyển công chức các bộ, ngành. Đồng thời, cần xây dựng mô hình thi tuyển và đào tạo riêng cho nhân tài từ bậc đại học, nhất là trong lĩnh vực lãnh đạo, quản lý (như tuyển chọn một lớp riêng để đào tạo các thứ trưởng, lãnh đạo địa phương, chuyên gia đầu ngành về khoa học - kỹ thuật…); có chính sách phát hiện hoặc thi tuyển và đào tạo, bồi dưỡng từ bậc đại học hoặc sau đại học đối với những người tài năng để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong các ngành, lĩnh vực.

Hai là, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng.

Đội ngũ trí thức trẻ là công chức cần được đào tạo, bồi dưỡng một cách bài bản, hiệu quả. Đảng và Nhà nước ta luôn nhận thức rõ vai trò và những đóng góp của đội ngũ trí thức nói chung, trí thức trẻ nói riêng trong sự nghiệp cách mạng, nhất là trong công cuộc đổi mới. Chính vì vậy, Đảng ta đã khẳng định: “Trong những năm đổi mới, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách để đội ngũ trí thức phát triển nhanh về số lượng nâng lên về chất lượng, phát huy vai trò trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội”, “Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, đặc biệt là các nghị quyết chuyên đề về giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hoá và văn nghệ, chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài... để tạo động lực thúc đẩy sự sáng tạo, cống hiến của đội ngũ trí thức(1). 

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến chính sách đãi ngộ, sử dụng đội ngũ trí thức trẻ một cách đúng đắn, đồng bộ, nhưng trước hết và căn bản là thực hiện, đổi mới mạnh mẽ, nâng cao chất lượng đào tạo. Chú trọng đổi mới căn bản nội dung và phương pháp giáo dục đào tạo từ chương trình mầm non, đến giáo dục phổ thông và đào tạo đại học, sau đại học. 

Cần tiếp tục phát huy mọi tiềm năng, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức trẻ nhằm nâng cao trình độ nguồn nhân lực trẻ cho đất nước. Sau khi được tuyển chọn, cần bổ sung kiến thức, nâng cao trình độ mọi mặt cho cán bộ trẻ; bồi dưỡng toàn diện về kỹ năng; định kỳ cập nhật kiến thức mới theo từng nhóm đối tượng. Cùng với việc thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng trong quá trình công tác, cán bộ lãnh đạo, quản lýcần thực hiện luân chuyển giữ các vị trí công tác khác nhau và làm việc ở các cơ quan khác nhau, thậm chí ở các cấp chính quyền khác nhau.

Việc xây dựng kế hoạch cụ thể để luân chuyển, điều động giữ vị trí cấp trưởng, phù hợp với chức danh quy hoạch ở địa bàn khó khăn, lĩnh vực trọng yếu, nơi triển khai mô hình mới để thử thách, rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực lãnh đạo toàn diện của cán bộ. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cần tiếp tục đổi mới cả về nội dung và phương pháp. 

Thông qua hợp tác quốc tế bằng nhiều hình thức như hợp tác nghiên cứu khoa học, nghiên cứu chuyển giao khoa học - công nghệ; liên kết hợp tác với các nhà khoa học giỏi về chuyên môn ở các nước và tạo điều kiện thuận lợi cho họ tham gia giảng dạy, nghiên cứu, hoặc cử sinh viên, nghiên cứu sinh đi đào tạo ở nước ngoài để tiếp cận với các thành tựu khoa học - công nghệ hiện đại của thế giới...

Ba là, có những chính sách, phát hiện thu hút nhân tài, trí thức trẻ tài năng.

Cần có chính sách phù hợp để thu hút được các đối tượng là trí thức trẻ có tài năng. Cụ thể là có cơ chế xếp lương, trả lương và khen thưởng tương xứng cho các công chức có những đóng góp, công hiến.

Bốn là, cần tạo điều kiện cho đội ngũ trí thức trẻ phát huy đúng chuyên ngành, chuyên môn, nghiệp vụ đã được đào tạo. 

Cần chú trọng tuyển chọn kỹ lưỡng các đối tượng là sinh viên có năng lực, triển vọng, trí thức trẻ tài năng đi du học và tu nghiệp ở các nước tiên tiến; tăng cường liên kết, hợp tác với các cơ sở đào tạo có uy tín trên thế giới. Đồng thời, học tập kinh nghiệm của một số quốc gia thành công trong lĩnh vực này để xây dựng hệ thống các trường đào tạo, nghiên cứu khoa học tạo ra nguồn nhân lực trí thức trẻ có trình độ phục vụ cho đất nước. 

Ngoài ra, cần có chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo một cách thiết thực, hiệu quả, đồng thời mỗi trí thức trẻ phải tự vươn lên, không ngừng học tập để nâng cao trí tuệ, rèn luyện tư duy và phương pháp làm việc, bản lĩnh chính trị và đạo đức lối sống của trí thức Việt Nam trong thời đại mới. Việc không ngừng tự học tập và rèn luyện của trí thức trẻ không chỉ là vì bản thân, mà còn là trách nhiệm đối với sự phát triển đất nước, là tấm gương để tạo dựng một xã hội học tập có đủ trình độ để đáp ứng yêu cầu của thời kỳ hội nhập và phát triển bền vững đất nước./.

--------------------------------

Ghi chú:

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 67, H.2008, tr.794 - 795. 

ThS Nguyễn Hồng Hải - Trưởng ban Ban Thanh niên xung phong

Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh

  • Tags: