Thu hồi tài sản tham nhũng ở Việt Nam

Tham nhũng là “giặc nội xâm”[1], là nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ, là tác nhân chính dẫn đến làm giảm hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước[2]. Chính vì vậy, kể từ khi bắt đầu Công cuộc đổi mới toàn diện đất nước (1986), vấn đề đấu tranh phòng, chố

Tham nhũng là “giặc nội xâm”[1], là nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ, là tác nhân chính dẫn đến làm giảm hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước[2]. Chính vì vậy, kể từ khi bắt đầu Công cuộc đổi mới toàn diện đất nước (1986), vấn đề đấu tranh phòng, chống tham nhũng luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm.

Trong mấy năm gần đây, cuộc chiến chống tham nhũng ở nước ta đã giành được những thành tựu, thể hiện qua việc đưa ra xét xử nhiều vụ án tham nhũng lớn mà trong đó nhiều quan chức cấp cao đã bị kết án[3] - điều chưa từng có trước đây.Tuy nhiên, tình trạng tham nhũng ở nước ta hiện vẫn còn khá phổ biến và gây nhiều bức xúc trong xã hội[4]. Trong phạm vi bài viết này, các tác giả phân tích cơ sở chính trị, pháp lý, những thách thức đặt ra đối với việc thu hồi tài sản tham nhũng và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả của việc thu hồi tài sản tham nhũng ở Việt Nam hiện nay.

Khó thu hồi TSTN - Ảnh minh họa (Inrtenet)

1.Quan niệm về tài sản, tài sản tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng ở Việt Nam

1.1.Quan niệm về tài sản, tài sản tham nhũng ở Việt Nam

Ở Việt Nam, có nhiều cách định nghĩa ít nhiều khác nhau về "tài sản". Theo Đại từ điển tiếng Việt: “Tài sản là của cải vật chất dùng để sản xuất hoặc tiêu dùng”[5]; còn theo Từ điển Luật học: “Tài sản là các vật có giá trị bằng tiền và là đối tượng của quyền tài sản và các lợi ích vật chất khác”[6]. Cuốn Thuật ngữ pháp lý giải thích cụ thể hơn: "Tài sản bao gồm vật có thực, tiền, giấy tờ trị giá được bằng tiền và các quyền về tài sản. Tài sản có hai loại: bất động sản và động sản"[7].

Về mặt pháp lý, Điều 105 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 quy định: “Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản; tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai”.

Cũng từ góc độ pháp lý, khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2018 quy định : “Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi”. Kết hợp giữa các khái niệm tài sản và tham nhũng, khoản 3 Điều 3 Luật PCTN năm 2018 nêu ra định nghĩa về tài sản tham nhũng: “Tài sản tham nhũng là tài sản có được từ tham nhũng, tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng”.

Tuy nhiên, trong thực tế, xung quanh khái niệm “tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng”, ở Việt Nam hiện vẫn còn những quan điểm khác nhau. Quan điểm thứ nhất cho rằng, tài sản có nguồn gốc từ hành vi tham nhũng là tài sản không trực tiếp có được do thực hiện các hành vi bị xem là tội phạm tham nhũng, mà có được do lợi dụng chức vụ, quyền hạn hay lạm quyền trong khi thi hành công vụ để gây ảnh hưởng đối với người khác; do giả mạo trong công tác; do đưa hối lộ, môi giới hối lộ của người có chức vụ, quyền hạn để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương; do lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản của Nhà nước..[8]. Quan điểm thứ hai cho rằng, tài sản có nguồn gốc từ hành vi tham nhũng gồm các loại tài sản có được từ hành vi tham nhũng nhưng đã được người thực hiện hành vi tham nhũng và người khác hợp pháp hóa để đầu tư trực tiếp vào sản xuất kinh doanh, biến tiền “bẩn” thành tiền “sạch” (gọi là rửa tiền), hay để trả các khoản nợ, vay cũ tại các ngân hàng, các cơ quan, tổ chức, cá nhân; kể cả để dùng vào mục đích từ thiện như xây bệnh viện, trường học, đình, chùa, miếu mạo[9].

Như vậy, có thể thấy rằng, ở Việt Nam, quan điểm về tài sản tham nhũng vẫn chưa cụ thể và có xu hướng hẹp hơn so với nhận thức chung của cộng đồng quốc tế. Cụ thể, theo khoản d Điều 2 Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC)[10], tài sản [tài sản tham nhũng] “… có nghĩa là mọi loại tài sản, vật chất hay phi vật chất, động sản hay bất động sản, hữu hình hay trừu tượng, và các văn bản pháp lý hay giấy tờ chứng minh quyền sở hữu hoặc lợi ích đối với tài sản đó”. Ngoài ra, theo Điều 31 UNCAC, tài sản tham là những “tài sản có nguồn gốc từ tội phạm được quy định theo Công ước này hoặc tài sản có giá trị tương đương với giá trị của tài sản do phạm tội mà có” (khoản 1(a)) và “tài sản, trang thiết bị hay công cụ khác được sử dụng hoặc sẽ được sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội quy định theo Công ước này” (khoản 1(b)), và “thu nhập hoặc các lợi ích khác có được từ tài sản do phạm tội mà có, từ tài sản được biến đổi hoặc chuyển đổi từ tài sản do phạm tội mà có hoặc từ tài sản mà trong đó lẫn lộn một phần là tài sản do phạm tội mà có …” (khoản 6). Như vậy, theo các quy định này của UNCAC, tài sản tham nhũng có thể là hữu hình hoặc vô hình, có được một cách trực tiếp từ hành vi tham nhũng, hoặc gián tiếp thông qua hành vi rửa tiền tham nhũng. Tương tự, Tổ chức Hợp tác kinh tế và Phát triển (OECD) định nghĩa tài sản bị đánh cắp (stolen asset) là tiền bạc, của cải, hoặc các tài sản khác tích lũy được thông qua hành vi tham nhũng, trong đó bao gồm hối lộ, tham ô, biển thủ tài sản hoặc ngân quỹ, kinh doanh nhờ ảnh hưởng và lạm dụng chức năng trong khu vực công[11].

1.2.Quan niệm về thu hồi tài sản tham nhũng ở Việt Nam

Hiện nay, ở Việt Nam, do chưa có quy định cụ thể về tài sản tham nhũng nên quan điểm về cách thức thu hồi tài sản tham nhũng cũng chưa được hiểu một cách thống nhất. Các quy định trong pháp luật hiện hành của Việt Nam về vấn đề này chưa rõ ràng và hẹp so với các tiêu chuẩn quốc tế. Ví dụ, đối với trường hợp tài sản có nguồn gốc từ hành vi phạm tội mà không còn tồn tại, không thể xác định hoặc giá trị đã giảm đáng kể so với ban đầu, khoản 5 Điều 31 UNCAC khuyến nghị hình thức “tịch thu phần giá trị được xác định là có từ tài sản do phạm tội mà có”. Theo đó, hình phạt tiền được cho là tương đương với giá trị của tài sản do phạm tội mà có sẽ được Toà án cân nhắc sau khi đánh giá khả năng thanh toán của bị cáo. Đây là cách xử lý linh hoạt và triệt để. Ưu điểm của phương thức tịch thu này là ở chỗ, kể cả khi kẻ phạm tội đã “nhanh tay” tẩu tán tất cả tài sản của mình cho người khác thì bên thứ ba có được khối tài sản trên (cố ý hay ngay tình) vẫn có thể bị tịch thu[12]. Tuy nhiên, phương thức này hiện chưa được áp dụng ở Việt Nam, dẫn đến bế tắc trong việc thu hồi tài sản của nhiều vụ án tham nhũng lớn, khi mà tài sản tham nhũng đã bị tẩu tán hầu hết[13].

2.Cơ sở chính trị, pháp lýcủa việc thu hồi tài sản tham nhũng ở Việt Nam

2.1.Cơ sở chính trị

Trong hệ thống chính trị của nước ta hiện nay, việc giải quyết các vấn đề xã hội lớn đều cần phải dựa trên nền tảng quan điểm định hướng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam đã rất coi trọng công tác PCTN, thể hiện qua các văn kiện của Đảng, trong đó bao gồm các Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc, các nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương và các chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư…

Xét riêng về vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng yêu cầu phải “Xử lý đúng pháp luật, kịp thời, công khai cán bộ tham nhũng; tịch thu sung công tài sản tham nhũng, tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng”[14]. Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) nhấn mạnh, trong công tác PCTN, cần: “Chú trọng thu hồi tài sản tham nhũng; áp dụng chính sách khoan hồng đối với những người phạm tội nhưng có thái độ thành khẩn, đã bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả kinh tế, hợp tác tốt với cơ quan chức năng; nghiên cứu sửa đổi pháp luật hình sự theo hướng khoan hồng hơn đối với những người đưa hoặc người nhận hối lộ nhưng đã tự giác khai báo và nộp lại tài sản trước khi bị phát hiện; chú trọng tới các chế tài phạt tiền nhằm tăng khả năng thu hồi tài sản tham nhũng”[15]. Để thể chế hóa các quan điểm đó thành các quy định của pháp luật, Kết luận Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI) đã yêu cầu các cơ quan chức năng “Sửa đổi pháp luật hình sự theo hướng tăng hình thức phạt tiền, miễn hoặc giảm hình phạt khác đối với những đối tượng có hành vi tham nhũng nhưng đã chủ động khai báo, khắc phục hậu quả”[16].

2.2.Cơ sở pháp lý

Điều 93 Luật PCTN năm 2018 nêu ra hai nguyên tắc: Tài sản tham nhũng phải được thu hồi, trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc tịch thu theo quy định của pháp luật(khoản 1) và Thiệt hại do hành vi tham nhũng gây ra phải được khắc phục; người có hành vi tham nhũng gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật (khoản 2).

Theo quy định của Điều 92 Luật PCTN năm 2018, người có hành vi tham nhũng giữ bất kỳ chức vụ, vị trí công tác nào đều phải bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, kể cả người đã nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác (khoản 1). Hình thức xử lý có thể là kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự tuỳ theo mức độ vi phạm (khoản 2). Tuy nhiên, người có hành vi tham nhũng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, tích cực hợp tác với cơ quan có thẩm quyền, góp phần hạn chế thiệt hại, tự giác nộp lại tài sản tham nhũng, khắc phục hậu quả của hành vi tham nhũng thì được xem xét giảm hình thức kỷ luật, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt hoặc miễn trách nhiệm hình sự (khoản 4).

Cũng liên quan đến vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng, Điều 91 Luật PCTN năm 2018 quy định, trên cơ sở điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hợp tác với các cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài trong kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, tịch thu hoặc thu hồi tài sản tham nhũng và trả lại tài sản đó cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp. Luật cũng giao cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao là cơ quan trung ương về hợp tác quốc tế thu hồi tài sản tham nhũng trong tố tụng hình sự; tiếp nhận, xử lý yêu cầu tương trợ tư pháp hình sự của nước ngoài về thu hồi tài sản tham nhũng và đề nghị nước ngoài thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp hình sự về thu hồi tài sản tham nhũng của Việt Nam; còn Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và cơ quan nhà nước khác có liên quan, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong hợp tác quốc tế về thu hồi tài sản tham nhũng.

Bên cạnh Luật PCTN, vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng còn được quy định trong một số văn bản pháp luật khác như:

- Bộ luât Hình sự (BLHS) năm 2015đã được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2017 quy định về thu hồi tài sản nói chung, thu hồi tài sản tham nhũng nói riêng, được thể hiện trong các quy định về áp dụng hình phạt tiền, tịch thu tài sản và các biện pháp tư pháp đối với các tội phạm, trong đó có tội phạm tham nhũng.

- Bộ luật Tố tụng hình sự (TTHS) năm 2015 không bao hàm quy định riêng về thu hồi tài sản tham nhũng. Việc thu hồi tài sản tham nhũng có thể được thực hiện như đối với các trường hợp thu hồi tài sản khác. Đối với bị can, bị cáo phạm các tội mà BLHS quy định có thể tịch thu tài sản hoặc phạt tiền cũng như đối với người phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật thì Bộ luật TTHS quy định cho phép các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện việc kê biên tài sản. Đây là những biện pháp nhằm bảo đảm cho việc thi hành các quyết định của Tòa án về phạt tiền, tịch thu tài sản, buộc bồi thường thiệt hại trong các vụ án hình sự nói chung (trong đó có các vụ án tham nhũng) được thuận lợi.

- Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 không bao hàm các quy định trực tiếp về thu hồi tài sản tham nhũng. Tuy nhiên, Bộ luật này quy định về quyền của chủ sở hữu đối với tài sản; xác định quyền của chủ sở hữu trong việc đòi lại các tài sản bị chiếm đoạt bất hợp pháp; đòi bồi thường thiệt hại về tài sản do hành vi xâm phạm gây ra; nghĩa vụ hoàn trả tài sản do chiếm hữu, sử dụng, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật. Như vậy, trong các trường hợp tài sản bị chiếm đoạt bất hợp pháp; bị thiệt hại do hành vi xâm phạm trái pháp luật gây ra (trong đó có hành vi tham nhũng); bị chiếm hữu, sử dụng, được lợi không có căn cứ pháp luật (trong đó có những tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng), thì chủ sở hữu có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền áp dụng các quy định của BLDS để đòi lại các tài sản đó và đòi bồi thường thiệt hại về tài sản do hành vi xâm phạm gây ra.

- Cũng như BLDS năm 2015, Bộ luật Tố tụng dân sự (TTDS) năm 2015 không bao hàm quy định riêng về thu hồi tài sản tham nhũng, mà quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc phát hiện, xử lý các tài sản trong các vụ án dân sự; các biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng dân sự…Những quy định này có thể được áp dụng cho việc thu hồi tài sản (trong đó có tài sản tham nhũng) trong các vụ án dân sự.

- Luật Thi hành án dân sự năm 2008 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2014 cũng không có quy định riêng cho việc thu hồi tài sản tham nhũng. Tuy nhiên, việc thu hồi tài sản tham nhũng trong thi hành án dân sự có thể được thực hiện như các trường hợp thi hành án thu hồi tiền, tài sản khác. Trong vấn đề này, Luật Thi hành án dân sự có các quy định liên quan đến việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án về dân sự, hình phạt tiền, tịch thu tài sản, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, xử lý vật chứng, tài sản, án phí và quyết định dân sự trong bản án, quyết định về vụ án hình sự.

- Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012 quy định về các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi hợp pháp hóa nguồn gốc của tài sản do phạm tội mà có và hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa tiền. Trong trường hợp các đối tượng tham nhũng có hành vi hợp pháp hóa nguồn gốc, dịch chuyển các tài sản do phạm tội mà có thì có thể áp dụng các quy định của Luật Phòng, chống rửa tiền để thu hồi tài sản đó.

- Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2017 quy định về trách nhiệm của các tổ chức tín dụng trong việc phòng, chống rửa tiền; hợp tác với các cơ quan chức năng trong công tác điều tra về hoạt động rửa tiền. Đây là những quy định có tác dụng phòng ngừa và phát hiện việc chuyển tài sản tham nhũng; giúp cho việc phát hiện, thu giữ tài sản tham nhũng được thuận lợi.

-Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2019 quy định mục đích kiểm toán là: Phục vụ việc kiểm tra, giám sát của Nhà nước trong quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước; góp phần thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí, phát hiện và ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật; nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước.

- Luật Thanh tra năm 2010 quy định về thẩm quyền của Trưởng đoàn thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành và người ra quyết định thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành trong việc yêu cầu tạm giữ tiền, đồ vật, phong tỏa tài khoản để phục vụ cho việc thanh tra cũng như ngăn chặn hành vi tẩu tán tài sản của đối tượng thanh tra. Luật này cũng quy định thẩm quyền của người ra quyết định thanh tra trong việc quyết định thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép hoặc bị thất thoát do hành vi vi phạm pháp luật của đối tượng thanh tra gây ra. Những quy định này cũng được áp dụng với tài sản tham nhũng.

- Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 quy định về nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục thực hiện tương trợ tư pháp về dân sự, hình sự; và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước Việt Nam trong tương trợ tư pháp. Đây là căn cứ pháp lý để các cơ quan có thẩm quyền thực hiện các hoạt động tương trợ tư pháp giữa Việt Nam với các nước, trong đó có các hoạt động liên quan đến việc thu hồi tài sản tham nhũng ở nước ngoài.

3. Những thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt trong việc thu hồi tài sản tham nhũng

Mặc dù công cuộc đấu tranh PCTN nói chung, thu hồi tài sản tham nhũng nói riêng đã có cơ sở chính trị, pháp lý khá toàn diện và vững chắc; song hiện nay, việc thu hồi tài sản tham nhũng vẫn còn nhiều thách thức đặt ra.

-Thách thức về mặt tội phạm học

Ở Việt Nam, chủ thể của tội phạm tham nhũng, đặc biệt là tham nhũng lớn, thường là những người có chức vụ, quyền hạn; có trình độ học vấn và chuyên môn nhất định, am hiểu pháp luật, có khả năng nhận biết những khoảng trống của hệ thống pháp luật để thực hiện hành vi phạm tội. Những chủ thể này cũng thường có điều kiện tạo dựng được nhiều mối quan hệ có khả năng “che chắn”, “bảo vệ” cho hành vi sai phạm, thường có sự chuẩn bị chu đáo khi phạm tội; khi thực hiện xong chủ động xóa hết mọi dấu vết, tiêu hủy giấy tờ, chứng từ, hóa đơn, sổ sách, che dấu, tẩu tán tài sản tham nhũng. Thời gian gần đây, các vụ tham nhũng lớn ở Việt Nam thường được thưc hiện trong một quy trình khép kín, liên quan đến nhiều người nhưng có sự liên kết, bao che, thống nhất về mặt lợi ích; vì vậy, trong nhiều vụ án rất khó cá thể hóa trách nhiệm hình sự khi có hiện tượng tham nhũng tập thể; các đối tượng bằng nhiều hình thức đã chuyển tài sản chung thành tài riêng của một nhóm người có liên quan. Mức độ khó khăn đối với các cơ quan tư pháp còn cao hơn do việc kiểm soát tài sản, thu nhập và thu hồi tài sản tham nhũng thiếu hiệu quả nên nhiều đối tượng phạm tội có tâm lý sẵn sàng chấp nhận hình phạt để thụ hưởng tài sản tham nhũng. Những đối tượng này thường không chịu hợp tác với các cơ quan tố tụng để có thể che giấu, tẩu tán tài sản tham nhũng. Bên cạnh đó, do chính sách hình sự chưa thực sự hợp lý, dẫn đến tình trạng người phạm tội cho là dù có khai nhận, nộp lại tài sản tham nhũng thì vẫn có thể phải chịu mức án cao nên họ chấp nhận hình phạt, không chịu khai báo, che giấu tài sản tham nhũng để người thân trong gia đình hưởng lợi.

-Thách thức về mặt xã hội

Ở nước ta, kể từ khi bắt đầu Công cuộc đổi mới toàn diện đất nước (năm 1986), mặc dù thanh toán qua tài khoản đã dần trở lên quen thuộc hơn, song thói quen sử dụng tiền mặt trong thanh toán vẫn còn rất phổ biến, đặc biệt là trong các giao dịch dân sự. Văn hóa sử dụng tiền mặt đã ăn sâu bén rễ trong xã hội trong khi cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập, quản lý các giao dịch dân sự ở Việt Nam hiện còn khá lỏng lẻo; hệ thống ngân hàng chưa hoàn thành vai trò kiểm soát dòng tiền trong nền kinh tế, mức độ minh bạch tài sản còn thấp và hệ thống đăng ký tài sản mới đang được phát triển; những giá trị liêm chính trong xã hội bị suy giảm và sự phổ biến của tham nhũng trong nhiều thập kỷ dẫn đến tâm lý “sống chung với tham nhũng”, “chấp nhận tham nhũng” trong một bộ phận khá lớn người dân – làm cho các hành vi tham nhũng và việc che dấu tài sản tham nhũng ít bị phát hiện và tố cáo. Tất cả những điều này tạo ra một môi trường xã hội không thuận lợi cho PCTN nói chung, cho việc thu hồi tài sản tham nhũng nói riêng.

-Thách thức về mặt pháp lý

Như đã đề cập ở trên đây, vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng, mặc dù đã được đề cập trong nhiều văn bản pháp luật, song xét về nội dung, hệ thống pháp luật về thu hồi tài sản tham nhũng vẫn còn nhiều khoảng trống, thiếu cụ thể; công tác giải thích, hướng dẫn thực thi pháp luật của cơ quan có thẩm quyền chưa kịp thời gây khó khăn cho việc xác định tài sản tham nhũng, cũng như việc thu hồi tài sản tham nhũng. 4.Nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng ở Việt Nam hiện nay Để nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng, Việt Nam cần vận dụng kinh nghiệm của một số nước trong vấn đề này nhằm hoàn thiện khung chính sách, pháp luật hiện hành của mình, cụ thể như sau:

Thứ nhất, cần có chiến lược toàn diện và quyết tâm mạnh mẽ trong thu hồi tài sản tham nhũng Kinh nghiệm các quốc gia cho thấy, những trở ngại về thể chế tác động nhiều nhất đến hiệu quả các biện pháp thu hồi tài sản tham nhũng. Những trở ngại này thể hiện ở chiến lược thu hồi tài sản thiếu toàn diện và quyết tâm chính trị thiếu mạnh mẽ,nhất quán. Trong trường hợp đó, việc thu hồi tài sản sẽ không được coi là vấn đề ưu tiên trong PCTN và không được cung cấp đầy đủ những nguồn nhân lực và tài chính cũng như công cụ pháp lý cần thiết để triển khai hiệu quả. Như đã phân tích ở trên, trong khoảng 10 năm gần đây, Việt Nam đã có những nhận thức rõ ràng hơn về vai trò quan trọng của công tác thu hồi tài sản tham nhũng, nhưng cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa có chính sách và chiến lược toàn diện, với những mục tiêu rõ ràng và lộ trình thực hiện cụ thể trong vấn đề này. Vì vậy, để bảo đảm sự thành công của việc thu hồi tài sản tham nhũng, Việt Nam cần khắc phục những hạn chế đó, và cần tạo sự phối hợp đồng bộ, thống nhất giữa các cơ quan chức năng cùng hành động với quyết tâm truy tìm và thu hồi tài sản tham nhũng tới cùng, hiện thực hoá thông điệp mà các tổ chức quốc tế đã đề xuất đó là: "không có bến đỗ nào có thể coi là an toàn cho những kẻ tham nhũng và tài sản phi pháp của chúng”.

Thứ hai, tăng cường kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn Kinh nghiệm của cộng đồng quốc tế cho thấy kiểm soát tài sản, thu nhập tốt là một trong những điều kiện tiên quyết để thực hiện các biện pháp thu hồi tài sản tham nhũng. Kiểm soát tài sản, thu nhập, mà thể hiện trước hết qua việc thực hiện minh bạch về tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn giúp các cơ quan chức năng phân biệt được đâu là tài sản có nguồn gốc hợp pháp và đâu là tài sản có nguồn gốc không hợp pháp, trên cơ sở đó đề ra các giải pháp cho phù hợp. Ở Việt Nam thời gian qua, việc thực hiện minh bạch tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn còn mang tính hình thức, hiệu quả thấp. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng, Việt Nam cần khắc phục hạn chế này, mà trước hết cần cải cách việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức theo hướng thực chất, có kiểm tra, xác minh và công khai rộng rãi để người dân giám sát. Nhà nước cũng cần xây dựng cơ chế kiểm soát hiệu quả tài sản trong xã hội nói chung để từ đó xác định được tài sản tham nhũng, tài sản được hình thành từ tài sản tham nhũng, tạo điều kiện cho việc thu hồi tài sản tham nhũng.

Thứ ba, xây dựng cơ chế thu hồi tài sản tham nhũng không dựa trên kết án hình sự Để nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng, Việt Nam nên vận dụng kinh nghiệm về thu hồi tài sản không dựa trên kết án hình sự mà nhiều nước trên thế giới đã áp dụng, trong đó bao gồm các vấn đề sau: (1) Giảm nghĩa vụ chứng minh trong thu hồi tài sản đối với những tội phạm (đã được quy định trong UNCAC và UNTOC); (2) Chuyển nghĩa vụ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của tài sản cho người bị tình nghi phạm tội sau khi cơ quan có thẩm quyền có bằng chứng đáng tin cậy cho rằng tài sản này có nguồn gốc bất hợp pháp; (3) Cho phép tịch thu tài sản không dựa trên phán quyết hình sự hoặc khi không chứng minh được tội phạm; (4) Cho phép thực hiện một cách trực tiếp hoặc gián tiếp quyết định thu hồi tài sản không dựa trên phán quyết của Tòa án nước ngoài; (5) Cho phép phong tỏa hoặc thu hồi tài sản hợp pháp thay thế có giá trị tương đương với tài sản thất thoát; (6) Công nhận và thi hành phần dân sự trong quyết định, bản án của Tòa án nước ngoài, đặc biệt liên quan đến tịch thu, hoàn trả tài sản do phạm tội mà có.

Thứ tư, hình sự hóa hành vi làm giàu bất chính Hiện tại, Việt Nam đang gặp những khó khăn trong việc xác định và xử lý những tài sản của công chức nhà nước tăng lên một cách đáng kể so với thu nhập chính đáng của họ mà không chứng minh được một cách hợp lý về nguồn gốc của việc tăng lên đó. Điều 20 của UNCAC quy định: Mỗi Quốc gia thành viên sẽ áp dụng các biện pháp lập pháp và các biện pháp cần thiết khác nhằm quy định là tội phạm, nếu được thực hiện một cách cố ý, hành vi làm giàu bất chính, nghĩa là việc tài sản của một công chức tăng đáng kể so với thu nhập hợp pháp của công chức mà công chức này không giải thích được một cách hợp lý về lý do tăng đáng kể như vậy. Đây là quy định mà Việt Nam có thể xem xét áp dụng để giải quyết khó khăn nêu trên. Điều đó là bởi việc xác lập tội danh làm giàu bất chính có nghĩa là chuyển một phần nghĩa vụ chứng minh để cá nhân phải chứng minh tính hợp pháp đối với tài sản của họ. Nếu giải thích được tài sản đã được thủ đắc một cách hợp pháp thì sẽ không bị tịch thu. Khi áp dụng quy tắc đảo ngược trách nhiệm chứng minh, các đối tượng có liên quan phải chứng minh tính hợp pháp của tài sản thuộc quyền sở hữu của họ.

Thứ năm, áp dụng có hiệu quả các biện pháp phòng, chống rửa tiền Mặc dù Việt Nam đã có Luật Phòng, chống rửa tiền từ năm 2012, song các biện pháp phòng, chống rửa tiền như kiểm tra thông tin khách hàng hoặc báo cáo giao dịch đáng ngờ chưa được thực hiện hiệu quả, các cơ quan và tổ chức tài chính chưa thực hiện được vai trò kiểm soát sự luân chuyển của các tài sản bị thất thoát tới các trung tâm tài chính. Để khắc phục những hạn chế đó, Việt Nam cần: (1) Thực hiện nghiêm các quy định của Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012; (2) Thực hiện đầy đủ các biện pháp chống rửa tiền được quy định trong các điều ước và chuẩn mực quốc tế (bao gồm UNCAC và các khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm Tài chính về chống rửa tiền); (3) Thực hiện các khuyến nghị của Sáng kiến StAR[17] liên quan đến những người có thế lực chính trị, buộc các trung tâm tài chính phải: Áp dụng các biện pháp kiểm tra thông tin khách hàng đối với tất cả những người có thế lực chính trị, là công dân của nước sở tại hoặc công dân nước ngoài; yêu cầu kê khai về chủ sở hữu hưởng lợi; yêu cầu kê khai thu nhập và tài sản; tiến hành rà soát định kỳ về các khách hàng là những người có thế lực chính trị và không giới hạn thời gian quy định một cá nhân được coi là người có thế lực chính trị.

Thứ sáu, hoàn thiện quy định về phong tỏa, kê biên, thu giữ và trả lại tài sản do phạm tội mà có Việc phong tỏa, kê biên, thu giữ và trả lại tài sản do phạm tội mà có gắn liền với hoạt động của các tổ chức tín dụng. Đây là biện pháp phòng, chống rửa tiền theo khuyến nghị của các tổ chức quốc tế và khu vực và cả điều ước quốc tế về lĩnh vực này[18]. Tuy nhiên, ở Việt Nam, việc áp dụng các biện pháp này còn nhiều bất cập. Để khắc phục hạn chế này, Việt Nam cần nghiên cứu bổ sung quy định cụ thể việc kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản tại các ngân hàng, các tổ chức tín dụng mà áp dụng đối với người có hành vi phạm tội, qua đó để bảo đảm việc thu hồi tài sản. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần nghiên cứu, bổ sung quy định về trình tự, thủ tục phong tỏa, kê biên, thu giữ và trả lại tài sản do phạm tội mà có trong trường hợp yêu cầu này do Tòa án nước ngoài ban hành trong Bộ luật TTHS. Ngoài ra, Việt Nam cũng cần xây dựng những công cụ hỗ trợ cho quá trình xác định và phong tỏa tài sản, bao gồm việc xây dựng và duy trì hệ thống cơ sở dữ liệu công khai sẵn có về tài sản các hồ sơ công ty, giấy tờ nhà đất và hồ sơ của các tổ chức phi lợi nhuận; xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin ngân hàng ở cấp độ quốc gia trong đó bao gồm những thông tin về tài khoản, tên của những chủ sở hữu hưởng lợi và những người được ủy quyền.

Thứ bảy, tăng cường hợp tác quốc tế trong thu hồi tài sản tham nhũng Hiện nay, ngoài Hiệp định Tương trợ tư pháp về hình sự với các nước ASEAN và các Hiệp định Tương trợ tư pháp về hình sự, dẫn độ với Hàn Quốc, hầu hết các hiệp định tương trợ tư pháp khác mà Việt Nam đã ký kết đều không có quy định về thu hồi tài sản phạm tội. Luật Tương trợ tư pháp hiện thiếu chế định về thu hồi tài sản và chưa xác định rõ vấn đề thu hồi tài sản phạm tội có thuộc phạm vi tương trợ tư pháp về hình sự hay không. Do vậy, Việt Nam cần ưu tiên áp dụng các hiệp định, thoả thuận đã ký kết có nội dung thu hồi tài sản tham nhũng. Việt Nam cũng cần tiếp tục tham gia, ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp song phương trong lĩnh vực hình sự và dẫn độ tội phạm với các nước nhằm tạo cơ sở pháp lý, cơ chế phối hợp trong xử lý các vụ tham nhũng có yếu tố nước ngoài; tăng cường vai trò của các cơ quan đầu mối trung ương trong tương trợ tư pháp hình sự; thường xuyên trao đổi, đôn đốc các cơ quan tố tụng nước ngoài thực hiện kịp thời các yêu cầu tương trợ tư pháp của Việt Nam.

Thứ tám, gia nhập Nhóm Đơn vị tình báo tài chính Egmont Để khẳng định sự quan trọng của việc hợp tác quốc tế trong chống hoạt động rửa tiền và tài trợ khủng bố, một nhóm các đơn vị tình báo (FIUs) của một số nước đã gặp nhau tại Egmont Arenberg Palace, Bussels của Bỉ và quyết định thành lập mạng lưới thông tin của các FIUs để thúc đẩy hợp tác quốc tế. Hiện nay, mạng lưới này được biết đến là Nhóm Egmont FIUs. Nhóm này có nhiệm vụ thúc đẩy sự phát triển các FIUs để hợp tác trong các lĩnh trao đổi thông tin, đào tạo và chia sẻ chuyên gia. Ở Việt Nam, ngày 12/6/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 35/2014/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, trực thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Trong cơ cấu tổ chức của Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng có Cục Phòng, chống rửa tiền. Cục này có chức năng, nhiệm vụ tương đương với FIUs của Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn cần xây dựng thêm các đầu mối (đơn vị) ở cơ quan trung ương đảm nhận chức năng, nhiệm vụ giống một FIUs, đồng thời, chỉ định một trong các đầu mối này gia nhập vào Nhóm Đơn vị tình báo tài chính Egmont.

Thứ chín, hoàn thiện quy định liên quan đến thu hồi tài sản - Sửa đổi Luật PCTN năm 2018 theo hướng mở rộng hơn nội hàm khái niệm "tài sản tham nhũng", "thu hồi tài sản tham nhũng”. Theo đó, tài sản tham nhũng còn bao gồm các tài sản phái sinh từ hành vi tham nhũng (tài sản của Nhà nước, của xã hội, của cá nhân bị thiệt hại do hành vi tham nhũng gây ra) hoặc tài sản có được do áp dụng các chế tài đối với người có hành vi tham nhũng (chế tài dân sự, chế tài hành chính, chế tài hình sự); thu hồi tài sản tham nhũng là hoạt động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm thu hồi tài sản do người có hành vi tham nhũng chiếm đoạt, tài sản có nguồn gốc từ hành vi tham nhũng, tài sản phái sinh từ hành vi tham nhũng hoặc tài sản thu được từ việc áp dụng các chế tài đối với người có hành vi tham nhũng.

- Sửa đổi BLHSnăm 2015 theo hướng:bắt buộc trong xử lý tội phạm tham nhũng phải áp dụng hình phạt bổ sung nhằm thu hồi đủ giá trị tài sản bị thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra; tăng mức hình phạt tiền, giảm hình phạt tù có thời hạn và các hình phạt khác đối với những đối tượng có hành vi tham nhũng nhưng đã chủ động khai báo, khắc phục hậu quả, nhằm giúp tăng khả năng thu hồi tài sản tham nhũng; không chỉ người phạm tội mới có nghĩa vụ trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại mà bất kỳ ai đang chiếm hữu không có căn cứ pháp luật cũng phải thực hiện nghĩa vụ trên.

- Sửa đổi Bộ luật TTHS năm 2015 theo hướng: trình tự, thủ tục nhằm bảo đảm thu hồi tài sản tham nhũng như là một thủ tục đặc biệt; bổ sung biện pháp phong tỏa tài khoản tại ngân hàng; bổ sung quy định cụ thể về thủ tục kê biên; cho phép cơ quan điều tra được áp dụng các biện pháp điều tra đặc biệt với một số loại tội, trong đó có các tội về tham nhũng như: ghi âm, nghe điện thoại, kiểm tra thư tín, tài khoản ngân hàng...; bổ sung thẩm quyền của Tòa án trong giai đoạn chuẩn bị xét xử có quyền xác minh tài sản trong trường hợp người phạm tội sẽ phải trả lại tài sản, sẽ phải bồi thường thiệt hại để quyết định có hay không ra lệnh kê biên tài sản bảo đảm cho thi hành án.

- Sửa đổi Bộ luật TTDS năm 2015 theo hướng: bổ sung quy định về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức được giao quản lý tài sản thuộc sở hữu nhà nước trong việc khởi kiện vụ án dân sự để đòi lại những tài sản thuộc quyền quản lý của cơ quan, tổ chức mình nhưng bị hành vi tham nhũng xâm phạm, để trả về cho Nhà nước; bổ sung chế tài đối với những người có trách nhiệm nhưng không thực hiện trách nhiệm khởi kiện, chứng minh tài sản bị hành vi tham nhũng xâm hại, gây ra; bổ sung quy định về sở hữu tài sản nhằm ngăn chặn có hiệu quả việc hợp pháp hóa quyền sở hữu đối với tài sản tham nhũng thông qua các giao dịch dân sự.

- Sửa đổi Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 theo hướng: bổ sung quy định về thu hồi tài sản và xác định rõ vấn đề thu hồi tài sản do phạm tội mà có thuộc phạm vi tương trợ tư pháp về hình sự; bổ sung quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục hợp tác quốc tế trong việc đề nghị các cơ quan có thẩm quyền nước ngoài xác minh, phong tỏa, thu giữ, chuyển giao tài sản tham nhũng có nguồn gốc từ Việt Nam ở nước ngoài về cho Nhà nước Việt Nam; bổ sung quy định về thực hiện ủy thác hoặc lệnh của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài về xác minh, phong tỏa, thu giữ, tịch thu tài sản tham nhũng có nguồn gốc từ nước ngoài.

- Nghiên cứu xây dựng Luật Đăng ký tài sản để tất cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân có tài sản đều phải kê khai, đăng ký nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý nhà nước đối với tài sản trong toàn quốc; qua đó hỗ trợ cho việc thi hành án thu hồi tài sản tham nhũng thuận lợi hơn.

PGS.TS. Vũ Công Giao - Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội

Vũ Thành Cự - Sinh viên Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội

THS. Phạm Thị Yến - Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh

________________________________________

[1] Lê Hiệp, Tổng bí thư, Chủ tịch nước: “Lợi ích nhóm, tham nhũng là giặc nội xâm vô cùng nguy hiểm”, https://thanhnien.vn/thoi-su/tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-loi-ich-nhom-tham-nhung-la-giac-noi-xam-vo-cung-nguy-hiem-1225373.html. [2] Quốc Anh, “Tham nhũng trở thành nguy cơ chính đe dọa sự tồn vong chế độ”, https://dantri.com.vn/xa-hoi/tham-nhung-tro-thanh-nguy-co-chinh-de-doa-su-ton-vong-che-do-20151224222419406.htm. [3] 10 vụ án lớn về kinh tế, tham nhũng và các vụ án điển hình được đưa ra xét xử trong năm 2018, Tạp chí TAND online, 11/01/2019, https://tapchitoaan.vn/bai-viet/xet-xu-xet-xu/10-vu-an-lon-ve-kinh-te-tham-nhung-va-cac-vu-an-dien-hinh-duoc-dua-ra-xet-xu-trong-nam-2018. [4] An Nguyễn, Bộ Công an: Tội phạm về kinh tế, tham nhũng vẫn nghiêm trọng, https://baodautu.vn/bo-cong-an-toi-pham-ve-kinh-te-tham-nhung-van-nghiem-trong-d121993.html. [5] Đại từ điển tiếng Việt, Nxb. Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, năm 2008, tr.1417. [6] Từ điển Luật học, Nxb. Từ điển Bách khoa; Nhà xuất bản Tư pháp, Hà Nội 2006, tr.685. [7] Nguyễn Mạnh Hùng, Thuật ngữ pháp lý, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.384. [8] Đinh Văn Quế, “Thu hồi tài sản tham nhũng- Thực trạng và giải pháp”, tham luận tại Hội thảo “Thu hồi tài sản tham nhũng- Thực trạng và giải pháp”, do Ban Nội chính Trung ương tổ chức, tháng 4/2014. [9] Bùi Minh Thanh, "Thu hồi tài sản tham nhũng trong hoạt động điều tra của cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an", tham luận tại Hội thảo “Thu hồi tài sản tham nhũng- Thực trạng và giải pháp”, do Ban Nội chính Trung ương tổ chức, tháng 4/2014. [10] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Cong-uoc-chong-tham-nhung-cua-Lien-Hop-quoc-09-12-2003-94971.aspx. [11] OECD, Thu hồi tài sản, http://www.oecd.org/cleangovbiz/toolkit/assetrecovery.htm, truy cập ngày 14/11/2014. [12] Hướng dẫn lập pháp về thực thi Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng. [13] Ví dụ như xem Tài sản vụ ông Đinh La Thăng: Còn hơn 900 tỷ chưa thu hồi, https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chong-tham-nhung/tai-san-vu-ong-dinh-la-thang-con-hon-900-ty-chua-thu-hoi-485827.html. [14] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam, https://cpv.ctu.edu.vn/vn-bn-quy-nh/36-trung-ng/135-vn-kin-i-hi-i-biu-toan-quc-ln-th-xi-ca-ng-cng-sn-vit-nam. [15] Nghị quyết số 04-NQ/TW, ngày 21/8/2006, Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/van-kien-tu-lieu-ve-dang/hoi-nghi-bch-trung-uong/khoa-x/nghi-quyet-so-04-nqtw-ngay-2182006-hoi-nghi-lan-thu-ba-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-x-ve-tang-cuong-su-lanh-dao-602. [16] Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/5/2012, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 BCHTW (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/van-kien-tu-lieu-ve-dang/hoi-nghi-bch-trung-uong/khoa-xi/ket-luan-so-21-kltw-ngay-2552012-hoi-nghi-lan-thu-5-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-xi-ve-viec-tiep-tuc-thuc-hien-554. [17] StAR (Stolen Asset Recovery Initiative - Sáng kiến thu hồi tài sản thất thoát – là chương trình hợp tác giữa Nhóm Ngân hàng thế giới và Văn phòng Liên hợp quốc về Ma túy và Tội phạm (UNODC) hỗ trợ các hoạt động của quốc tế nhằm chấm dứt tình trạng bao che tham nhũng. StAR phối hợp với các nước đang phát triển và trung tâm tài chính trong ngăn chặn rửa tiền liên quan đến tham nhũng và tạo điều kiện cho việc thu hồi các tài sản thất thoát một cách đồng bộ và kịp thời. Xem tại https://star.worldbank.org/. [18] Thanh tra Chính phủ (2014), Một số kinh nghiệm quốc tế về công tác phòng, chống tham nhũng, Tái bản lần hai, Nxb. Lao động, tr. 268-269.

  • Tags: