Thương mại quốc tế thuận lợi, càng cần đến công cụ bảo vệ doanh nghiệp

Chỉ còn 3 tuần nữa Hiệp định RCEP sẽ có hiệu lực, dự kiến sẽ kiến tạo một thị trường chung rộng lớn, ổn định, tạo lợi thế cạnh tranh cho nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Song, cùng với dòng chảy thương mại thuận lợi, bao giờ cũng đi kèm nhữn

Chỉ còn 3 tuần nữa Hiệp định RCEP sẽ có hiệu lực, dự kiến sẽ kiến tạo một thị trường chung rộng lớn, ổn định, tạo lợi thế cạnh tranh cho nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Song, cùng với dòng chảy thương mại thuận lợi, bao giờ cũng đi kèm những trở lực về bảo vệ thị trường trong nước và sản phẩm xuất khẩu ở nước ngoài.

Thủy sản là mặt hàng xuất khẩu Việt Nam có lợi thế cạnh tranh trên thị trường RCEP

Theo quy định của Hiệp định RCEP, Hiệp định sẽ chính thức có hiệu lực sau 60 ngày kể từ thời điểm có ít nhất 6 nước ASEAN và 3 nước đối tác hoàn tất việc phê chuẩn/phê duyệt Hiệp định và nộp lưu chiểu cho Tổng Thư ký ASEAN.

Đến ngày 2 tháng 11 năm 2021, đã có 6 nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, và 4 nước đối tác là Trung Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand nộp lưu chiểu văn kiện phê duyệt/phê chuẩn Hiệp định RCEP của mình cho Tổng Thư ký ASEAN. Như vậy, Hiệp định RCEP sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2022.

Sau khi có hiệu lực đầy đủ với tất cả các nước tham gia ký kết, Hiệp định RCEP sẽ tạo thành một thị trường với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới, và GDP khoảng 26,2 nghìn tỷ USD, tương đương khoảng 30% GDP toàn cầu và trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới xét về quy mô dân số.

Do vậy, Hiệp định RCEP dự kiến sẽ giúp tạo lập một thị trường xuất khẩu ổn định, lâu dài cho các nước ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng, góp phần thúc đẩy việc thực hiện chính sách xây dựng nền sản xuất định hướng xuất khẩu của Việt Nam. Song, cùng với dòng chảy thương mại thuận lợi, bao giờ cũng đi kèm những trở lực về bảo vệ thị trường trong nước và sản phẩm xuất khẩu ở nước ngoài.

Theo số liệu của Hiệp hội chế biến thủy sản xuất khẩu Việt Nam (VASEP),  nước ta xuất khẩu thủy sản sang hơn 160 thị trường trên thế giới, trong đó xuất khẩu sang các nước thành viên Hiệp định RCEP chiếm tới 63,5%, bao gồm ASEAN (6,7%) và Hàn Quốc (9,2%), Trung Quốc (16,5%), Nhật Bản (16,8%). Có thể coi số liệu trên là những dấu ấn để khẳng định vị trí của ngành Thủy sản Việt Nam, một trong những ngành có đủ sức cạnh tranh và có thể xâm nhập mạnh hơn vào các quốc gia thành viên của RCEP.

Xét về lợi thế cạnh tranh, hệ số đo lường mức độ lợi thế so sánh của sản phẩm (RCA) của ngành Thủy sản Việt Nam trong thị trường RCEP liên tục ở trong khoảng 2,44 đến 5,4  từ 2010 đến nay. Hệ số RCA lớn hơn 2 cho thấy, Việt Nam có lợi thế so sánh tại thị trường RCEP trong nhóm hàng thủy sản. Trong khi Trung Quốc, mặc dù là nước có kim ngạch xuất khẩu thủy sản lớn nhất trong khu vực RCEP, chiếm 40,62% tổng kim ngạch thủy sản toàn khu vực RCEP nhưng hệ số RCA của nhóm hàng thủy sản Trung Quốc có xu hướng luôn dao động tương đối ổn định trong khoảng từ 1,25 đến 1,76 cũng từ 2010 đến nay.

Tương tự như vậy, với RCEP ngành dệt may sẽ được mở ra một thị trường lớn với mức độ cam kết ít khắt khe hơn, yêu cầu dễ chịu hơn so với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Trong khối Hiệp định RCEP có một số nước là thành viên của Hiệp định CPTPP sẽ hóa giải những khó khăn, thách thức đến từ nguyên liệu "đầu vào," vì sẽ giúp bổ trợ phần nguyên liệu bị thiếu hụt trong nước hiện nay. Nhật Bản là một thị trường tiềm năng. Nếu như trước đây, hàng may mặc vào thị trường này buộc phải chứng minh được nguyên liệu có nguồn gốc xuất xứ từ ASEAN và Nhật Bản, trong khi đó Việt Nam nhập khẩu phần lớn nguyên phụ liệu trong ngành này từ Trung Quốc. Thì nay với Hiệp định RCEP, hàng may mặc Việt Nam được sản xuất từ nguyên phụ liệu Trung Quốc cũng được hưởng ưu đãi về thuế quan khi xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.

Ngoài thủy sản, dệt may, việc cắt giảm thuế nhập khẩu sẽ mở ra cơ hội mới cho các sản phẩm từ các lĩnh vực nổi bật, những ngành hàng thế mạnh của nước ta trong RCEP như viễn thông, công nghệ thông tin, giày dép và nông nghiệp, bao gồm cả lâm nghiệp. Tuy nhiên, Hiệp định RCEP cũng mang lại sức ép cạnh tranh hàng hóa cho Việt Nam do nhiều đối tác trong RCEP có cơ cấu sản phẩm tương tự Việt Nam nhưng năng lực cạnh tranh, hàm lượng giá trị gia tăng cũng cao hơn so với khả năng hiện tại của Việt Nam.

Vì vậy, bên cạnh việc nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp thông qua các quy hoạch, chiến lược như hoàn thiện Dự thảo Chiến lược phát triển ngành Dệt may và Da giày từ năm 2021 đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035, hay Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cơ quan quản lý nhà nước còn đặt trọng tâm vào việc sử dụng các công cụ bảo vệ sản phẩm và doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có phòng vệ thương mại.

Về phía Bộ Công Thương, các cơ quan có thẩm quyền sẽ thường xuyên theo dõi cập nhật tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và các đối tác sau khi Hiệp định RCEP có hiệu lực để có biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp trong những trường hợp hàng hóa nhập khẩu cạnh tranh không công bằng, gây thiệt hại đáng kể để bảo vệ đến sản xuất trong nước. Việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (nếu có) sẽ được thực hiện theo đúng quy định pháp luật nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp

Mặc dù chúng ta đã có những công cụ phòng vệ thương mại cần thiết để bảo vệ sự cạnh tranh bình đẳng trên thị trường nội địa, nhưng theo Bộ Công Thương, doanh nghiệp trong nước cũng cần chủ động thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, chuyển sức ép về cạnh tranh thành động lực để tự đổi mới và phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm để có lợi thế cạnh tranh không chỉ ở trong nước mà còn ở thị trường quốc tế. Bên cạnh các giải pháp đồng bộ từ Chính phủ, Bộ, ngành và các địa phương, các doanh nghiệp, hiệp hội cần chủ động và tích cực tìm hiểu thông tin về các Hiệp định FTA để nắm vững cam kết của Việt Nam và các thị trường đối tác quan tâm. cũng như có kế hoạch và những bước đi cụ thể để cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị khu vực.

Hà Nam ( TC Công thương) 

  • Tags: