Tìm hướng đổi mới công tác giám sát và phản biện xã hội

Trong những ngày qua, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã liên tiếp tổ chức các hội thảo nhằm tiếp tục lấy ý kiến góp ý từ cơ sở về việc nâng cao chất lượng, hiệu quả thực chất của công tác giám sát, phản biện xã hội. Đây là nội dung công việc

Trong những ngày qua, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã liên tiếp tổ chức các hội thảo nhằm tiếp tục lấy ý kiến góp ý từ cơ sở về việc nâng cao chất lượng, hiệu quả thực chất của công tác giám sát, phản biện xã hội. Đây là nội dung công việc quan trọng đã được Mặt trận cùng các tổ chức thành viên các cấp triển khai thực hiện trong nhiều năm qua và đến nay, Mặt trận vẫn đang không ngừng tìm kiếm các phương thức để đổi mới giám sát, phản biện xã hội.

Hội thảo “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội”.

Tại các hội thảo, hầu hết ý kiến đều khẳng định: Sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền sẽ quyết định hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội. Tuy nhiên, việc quan tâm của cấp ủy phải bằng những việc làm cụ thể chứ không chỉ là những chủ trương trên văn bản, giấy tờ. Trong đó, cần tiếp tục chú trọng tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tiếp tục quán triệt các quy định của Đảng, Nhà nước về giám sát, phản biện xã hội nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên về vai trò, ý nghĩa, mục đích, yêu cầu công tác này của Mặt trận, các đoàn thể chính trị-xã hội và nhân dân.

Qua nghiên cứu lý luận cũng như từ thực tiễn hoạt động giám sát, phản biện xã hội ở các địa phương, nhiều ý kiến nêu rõ: Các cơ quan chức năng cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đầy đủ, thống nhất để hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể phát huy hiệu quả, nhất thiết phải có một hệ thống cơ chế đầy đủ, đủ mạnh. Vì vậy, đề nghị Quốc hội nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cơ bản về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc trong Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Từ đó, sớm có quy định trong luật về giám sát và phản biện xã hội để Mặt trận thực hiện tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội trong thực tế.

Hình thức giám sát hiện nay đang là vấn đề cần được tập trung, nghiên cứu để đổi mới. Nhiều ý kiến đề nghị, đối với cấp tỉnh và cấp huyện sẽ tiếp tục thực hiện các hình thức như hiện nay. Tuy nhiên để công tác giám sát đạt kết quả tốt và phát huy được vai trò, vị trí của Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội thì cần quan tâm thực hiện tốt việc xây dựng kế hoạch giám sát hằng năm chặt chẽ, có sự phân công cụ thể để tránh chồng chéo trong thực hiện.

Đồng thời, quy trình hoạt động giám sát nên đơn giản các khâu, các bước thực hiện để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức các hoạt động giám sát, đặc biệt là ở cấp huyện, cấp xã. Đối với cấp xã, để phù hợp điều kiện số lượng cán bộ, công chức hạn chế tại cơ sở, không đủ điều kiện để thành lập đoàn và bảo đảm việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở thì chỉ nên quy định tập trung vào hình thức giám sát trực tiếp và tổ chức để nhân dân giám sát thường xuyên đối với cán bộ, đảng viên sống tại địa bàn khu dân cư và các hoạt động xây dựng, phát triển có ảnh hưởng trực tiếp đời sống của người dân tại địa phương.

Về các hình thức phản biện xã hội, có ý kiến đề xuất xem xét, bổ sung các quy định để làm rõ hơn việc tổ chức hội nghị góp ý, gửi các dự thảo văn bản xin ý kiến góp ý cũng là một hình thức phản biện xã hội. Ngoài việc thực hiện quy trình tổ chức hoạt động phản biện xã hội như hiện nay, đề nghị Trung ương nghiên cứu có thêm quy định Mặt trận được chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức các hình thức phản biện xã hội. Đồng thời, về hình thức tổ chức các hội nghị phản biện chỉ nên quy định đối với cấp tỉnh; cấp huyện, cấp xã chỉ dừng ở hình thức tổ chức các hội nghị góp ý.

Đối với cấp tỉnh, hằng năm, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh chủ trì hiệp thương với các tổ chức chính trị-xã hội cùng cấp xây dựng kế hoạch giám sát và phản biện xã hội. Xác định cụ thể trách nhiệm và nhiệm vụ của từng đơn vị, thống nhất các nội dung phối hợp và tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động để làm cơ sở tổng kết việc triển khai thực hiện. Chú trọng việc đề xuất các tổ chức thành viên khác phối hợp thống nhất hành động đối với những hoạt động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và tạo điều kiện để các tổ chức này tham gia thực hiện nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội đúng với quy định của pháp luật.

Nguồn lực con người và nguồn tài chính để thực hiện giám sát, phản biện xã hội cần được bảo đảm và quy định rõ. Bên cạnh đó, để thực hiện tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội, Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội phải có những người thật sự có đức, có năng lực và kỹ năng giám sát phản biện, có dũng khí, dám phản biện và biết phản biện. Muốn vậy, Đảng, Nhà nước cần có chính sách quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng và thu hút cán bộ có năng lực, trình độ, phẩm chất, đạo đức làm công tác Mặt trận. Tập hợp xây dựng một đội ngũ chuyên gia có trình độ chính trị, chuyên môn, có chính kiến, có tư duy độc lập, thực sự có tâm, nắm và hiểu được nguyện vọng chính đáng, hợp lý của người dân.

Một trong những yếu tố quan trọng nhất của giám sát và phản biện xã hội là cần tổ chức thông tin công khai những kết quả giám sát, phản biện, kết quả xử lý, giải quyết vấn đề liên quan. Vì vậy, rất cần những quy định cụ thể, phù hợp hơn nữa để gắn trách nhiệm rõ ràng đối với các cơ quan chức năng trong việc giải trình, xử lý, trả lời sau khi thực hiện giám sát và phản biện xã hội…

  • Tags: