Tính phản biện xã hội của báo chí hiện nay

Phản biện xã hội là nhu cầu khách quan của sự tiến bộ xã hội. Và, báo chí đang ngày càng thể hiện được việc thực hiện chức năng phản biện xã hội của mình. Tăng cường vai trò giám sát và phản biện xã hội của báo chí là hết sức cần thiết, đặc biệt là trong

Phản biện xã hội là nhu cầu khách quan của sự tiến bộ xã hội. Và, báo chí đang ngày càng thể hiện được việc thực hiện chức năng phản biện xã hội của mình. Tăng cường vai trò giám sát và phản biện xã hội của báo chí là hết sức cần thiết, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay.

Phản biện xã hội và phản biện xã hội của báo chí

Phản biện xã hội là vấn đề được quan tâm nhiều trong những năm gần đây. Từ năm 2016 đến nay, Chính phủ đã đưa ra thông điệp xây dựng chính phủ liêm chính, chính phủ hành động và chính phủ kiến tạo. Ngày 15-4-2021, trong phiên họp Chính phủ đầu tiên sau khi Quốc hội kiện toàn các chức danh chủ chốt, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh, từng thành viên Chính phủ phải gương mẫu, thực sự khiêm tốn, cầu thị, lắng nghe ý kiến nhiều chiều, nhất là các ý kiến phản biện. Điều này cho thấy, quá trình xây dựng hệ thống chính trị nói chung, Chính phủ nói riêng trong bối cảnh hiện nay không thể không gắn liền với phản biện xã hội.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm và chúc mừng Báo Đại biểu nhân dân dịp kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2021)_Ảnh: TTXVN

Hệ thống báo chí là những cơ quan ngôn luận của các tổ chức trong hệ thống chính trị. Trong bối cảnh bùng nổ thông tin trên mạng xã hội và hệ sinh thái truyền thông online, việc tạo sự đồng thuận xã hội, nâng cao chất lượng phản biện xã hội của báo chí là vấn đề có ý nghĩa vừa cơ bản, vừa cấp thiết.

Phản biện xã hội là vấn đề được hầu hết các nước với các thể chế chính trị khác nhau, với cơ cấu tổ chức quyền lực khác nhau quan tâm và đã đưa ra nhiều quan điểm, ý kiến bàn luận.

Ở Việt Nam, Đảng Cộng sản là đảng duy nhất cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội, do đó, việc kiểm soát quyền lực, “nhốt quyền lực trong lồng cơ chế” như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh là hết sức cần thiết, nhất là giám sát và kiểm soát quyền lực trong ban hành chính sách công. Bởi, một mặt, chính sách công luôn gắn với quyền lực chính trị, bộ máy chính quyền nhà nước, gắn với lợi ích và nguồn lực công; mặt khác, trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, các nhóm lợi ích có thể chi phối, thậm chí thao túng chính sách công.

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng chỉ rõ: “Mọi đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân, có sự tham gia ý kiến của nhân dân”, “Phát huy vai trò và tạo điều kiện thuận lợi để Mặt trận và các đoàn thể nhân dân tham gia xây dựng đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội”, “Nhà nước ban hành cơ chế để Mặt trận và các đoàn thể thực hiện tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội”, “Xây dựng quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách, quyết định lớn của Đảng và việc tổ chức thực hiện, kể cả đối với công tác tổ chức và cán bộ”(1). Về vấn đề này, Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nêu quan điểm nền tảng trong xây dựng “Nhà nước của dân, do dân, vì dân” với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Đó là những quan điểm cơ bản trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Ở đây, cần nói thêm, phản biện trong nội bộ hệ thống giữa các tổ chức chính trị - xã hội (có thể gọi là phản biện nội bộ)trong quá trình xây dựng và ban hành chính sách công và phản biện xã hội là khác nhau. Theo đó, phản biện nội bộ của chúng ta lâu nay vẫn làm và làm theo quy trình chặt chẽ, nhưng thực tế cho thấy không phải lúc nào cũng đạt được hiệu quả như mong đợi; vì dễ xuất hiện tư tưởng “dễ mình dễ ta”. Còn phản biện xã hội, theo TS. Trần Đăng Tuấn là đưa ra các lập luận, phân tích nhằm phát hiện, chứng minh, khẳng định, bổ sung hoặc bác bỏ một đề án (phương án, dự án) xã hội đã được hình thành và công bố trước đó (2). Còn TS. Hoàng Văn Tuệ cho rằng, phản biện xã hội là sự phản ánh dư luận xã hội, ý kiến, kiến nghị và kháng nghị của cộng đồng xã hội, tập thể, tập đoàn người (xây dựng trên mối quan hệ chung về sản xuất, gia đình, chính trị, văn hóa: phong tục, tập quán, lễ giáo,…) về một hay nhiều sự việc, vấn đề có liên quan đến lợi ích chung của cộng đồng, tập thể, tập đoàn người ấy trên cơ sở tổng hợp, phân tích, lập luận (luận giải) khách quan, khoa học, có tính thuyết phục nhằm phân định rõ giữa cái tốt với cái xấu, cái đúng với cái sai, cái khẳng định với cái phủ định, cái được với cái chưa được, cái hoàn thiện với cái cần tiếp tục hoàn thiện,… nhằm đáp ứng đúng những yêu cầu do cuộc sống đặt ra, thỏa mãn được lợi ích chung của cộng đồng, tập thể, tập đoàn cũng như của toàn xã hội (3).

Tìm hiểu quá trình hình thành và phát triển nội hàm của “phản biện xã hội”, bước đầu có thể rút ra một số tính chất cơ bản sau đây của phản biện xã hội (4):

Thứ nhất, là một hình thức, phương thức tương tác xã hội khách quan trong quá trình nhận thức những vấn đề đang đặt ra, đang tồn tại và phát triển của xã hội; thiếu quá trình tương tác khách quan này, nhận thức xã hội có thể sẽ bị nghèo nàn, méo mó, thậm chí lệch lạc.

Thứ hai, trong quá trình đó, con người (cá nhân hay cộng đồng) vừa chấp nhận thực tại, hội nhập với thực tại, vừa phát hiện, phê phán những cấu trúc, khuôn mẫu bất hợp lý của trạng thái xã hội cũ, đưa ra những dự kiến khắc phục, hoàn thiện, nhằm làm cho xã hội phát triển, phù hợp với quy luật khách quan.

Thứ ba, chủ thể, khách thể và đối tượngphản biện xã hội là các lực lượng xã hội (phản biện lẫn nhau) hoặc giữa xã hội (nhân dân) với nhà nước và các chủ thể khác của hệ thống chính trị.

Các phóng viên tác nghiệp trong đêm tại hiện trường vụ cháy Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, tháng 8-2019_Ảnh: TTXVN

Thứ tư, cách thức phản biện xã hội là đưa ra các lập luận, phê phán đối với sự khiếm khuyết của cơ cấu, chế định, thực trạng xã hội cũ, hoặc nhận xét, đánh giá, góp ý đối với những dự án, chính sách, quyết sách, chủ trương của Nhà nước, các tổ chức công quyền.

Thứ năm, mục đích của phản biện xã hội là huy động, tập hợp, kết nối nguồn lực trí tuệ và cảm xúc của đông đảo nhân dân vào quá trình xây dựng và hoàn thiện chính sách công, hạn chế chi phối của lợi ích nhóm, đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững; do đó, phản biện cần có hệ dữ liệu và minh chứng khoa học, có luận điểm, luận cứ và luận chứng rõ ràng,…

Tóm lại, phản biện xã hội là sự phản biện từ phía nhân dân, các cộng đồng và tổ chức xã hội đối với các vấn đề chính trị, kinh tế,… của xã hội. Khác với phản biện nội bộ, mục đích chủ yếu của phản biện xã hội là nhằm vào các chính sách, quyết sách của Nhà nước, các chủ trương của các tổ chức chính trị - xã hội, trong đó quan trọng nhất là ý tưởng chính trị, dự án chính trị. Bởi, các chính sách, quyết sách này liên quan mật thiết đến lợi ích của đông đảo nhân dân, các nhóm xã hội. Mỗi khi chính sách, quyết sách “đụng chạm” đến lợi ích của đông đảo nhân dân, được báo chí nêu lên thì công chúng xã hội sẽ quan tâm nhiều hơn. Đó chính là thế mạnh truyền thông của báo chí.

Như vậy, báo chí với các đặc trưng và thế mạnh của mình, cần gia tăng năng lực kết nối với hệ sinh thái truyền thông online để làm tốt hơn chức năng phản biện xã hội. Môi trường truyền thông số đã và đang tạo ra những khả năng siêu kết nối, siêu tương tác xã hội. Những khả năng này cũng tạo ra những thách thức không nhỏ, mà nếu báo chí chưa tận dụng được cơ hội, sẽ dần đánh mất vai trò trung tâm, vị trí nền tảng của mình.

Những năm trước đây, chúng ta đã chứng kiến vai trò chủ động phản biện xã hội của báo chí, như đối với chính sách cho nước ngoài thuê rừng (năm 2007), chính sách phát triển sân golf (2010 - 2011), chính sách phát triển các tập đoàn kinh tế Vinashine, Vinaline,… và sau đó Chính phủ đã có những quyết định điều chỉnh. Mấy năm gần đây, báo chí và dư luận xã hội cũng đã phản biện về một số dự luật, và từ dư luận xã hội, Quốc hội cũng đã bỏ phiếu thuận lòng dân (5). Mặt khác, trước những vấn đề kinh tế - xã hội hay chính sách công, nếu báo chí không chủ động nêu và phản biện xã hội để góp phần xây dựng chính sách, thì mạng xã hội cũng đã và sẽ lên tiếng và báo chí sẽ đánh mất vai trò trung tâm, vị trí nền tảng trong khơi nguồn, chi phối dư luận xã hội. Do đó, trên “mặt trận” thông tin này, báo chí phải luôn chủ động tạo luồng ý kiến chính thức, chính thống với tinh thần phản biện khoa học, chính trực trên cơ sở các luận điểm, luận cứ, luận chứng thuyết phục. Đây chính là cơ sở vững chắc để báo chí chính thống giữ vững vai trò làm chủ, chiếm lĩnh “trận địa” thông tin trên mạng xã hội.

Trong môi trường truyền thông số, cuộc cạnh tranh thông tin giữa báo chí và mạng xã hội ngày càng gay gắt; cuộc cạnh tranh này thể hiện rõ các bình diện về chất lượng và số lượng thông tin cùng các luồng ý kiến, cũng như về thời gian, tần suất thông tin.

Từ thực tế, có thể rút ra mấy vấn đề báo chí tham gia phản biện xã hội đối với chính sách công, các vấn đề kinh tế - xã hội và đời sống hiện nay.

Một là, sau Đại hội X của Đảng, báo chí đã chú trọng và tích cực hơn trong phản biện xã hội đối với quá trình xây dựng chính sách công cũng như các vấn đề kinh tế - xã hội, nhưng chưa thực sự thường xuyên, chủ động, chưa phong phú, đa dạng và chưa thật sự chiếm lĩnh, thu phục được công chúng, dư luận xã hội. Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm báo chí còn chạy theo sự kiện giật gân câu view mà xem nhẹ hay bỏ qua các vấn đề trọng tâm của đời sống, thậm chí thông tin chạy theo lợi ích nhóm. Điều này dễ dẫn đến “biến chính thành phụ; biến phụ thành chính”; có những sự kiện, vấn đề lẽ ra cần giúp công chúng xã hội quên nhanh thì báo chí lại đào sâu, khắc đậm thêm bằng cách “nuôi” tin, “chép” tin...

Hai là, báo chí nhìn chung vẫn còn chậm đấu tranh với những luồng ý kiến lợi dụng danh nghĩa phản biện xã hội để châm chọc, đả kích, thậm chí chống đối đường lối, chủ trương, chính sách, giải pháp đúng đắn của Đảng, Nhà nước; không ít cơ quan báo chí thậm chí bỏ qua, coi đó là “việc của người khác”.

Ba là, nhận thức đúng quan điểm, mục đích và tuân thủ chuẩn mực văn hóa phản biện xã hội. Phản biện xã hội khác với tuyên truyền. Tuyên truyền là khi quan điểm đã được khẳng định, chính sách đã được ban hành, báo chí nỗ lực làm sâu thêm nhận thức bằng các dữ liệu thực tiễn để tạo đồng thuận và thống nhất ý chí thực thi của hệ thống chính trị, của xã hội. Báo chí phản biện xã hội là khi cần xây dựng, thực thi chính sách công, đòi hỏi góc nhìn từ các chiều cạnh vấn đề trên cơ sở hệ dữ liệu khoa học - thực tiễn cùng các luận điểm, luận cứ chắc chắn, từ đó giúp công chúng xã hội nhận thức vấn đề sâu hơn, đa chiều hơn và cùng tìm kiếm cách thức tiếp cận chính sách công thực sự vì lợi ích công, tránh bị lợi ích nhóm chi phối. Văn hóa phản biện đòi hỏi sự chuẩn mực trong dữ liệu được sử dụng, trong cách tiếp cận nhân văn, trong ngôn từ, giọng điệu thuyết phục, biết lắng nghe và tiếp nhận đa chiều các ý kiến, không chụp mũ, quy kết, không soi mói…

Bốn là, phản biện xã hội của báo chí chưa coi trọng siêu kết nối và siêu tương tác xã hội; chưa thật sự tận dụng báo chí đa nền tảng và truyền thông đa phương tiện trong hệ sinh thái truyền thông online để lôi kéo, tập hợp đông đảo công chúng xã hội; từ đó tạo luồng ý kiến tích cực chi phối thông tin trên mạng xã hội và hệ sinh thái truyền thông online nói chung; chưa hình thành được các “siêu thị” sản phẩm báo chí số, truyền thông số để chiếm lĩnh công chúng và thị phần thông tin.

Dù các phương tiện truyền thông xã hội, mạng xã hội có phát triển hay bùng nổ đến đâu, báo chí vẫn có vai trò và vị thế khó thay thế. Nhưng nếu không chủ động thay đổi theo kịp môi trường truyền thông số, báo chí sẽ dễ trở thành “bộ môn nghệ thuật cung đình” trong khi “Đối tượng của tờ báo là đại đa số dân chúng” như Chủ tịch Hồ Chủ tịch đã căn dặn (6); khi đó, thông tin trên các trang mạng xã hội có khả năng dẫn dắt luồng ý kiến ngoài mong đợi.

Phóng viên hiện trường đưa tin lũ lụt tại Lai Châu_Ảnh: TTXVN

Một số giải pháp nâng cao chất lượng phản biện xã hội của báo chí

Thứ nhất, cần nỗ lực thống nhất nhận thức về vai trò, vị thế phản biện xã hội của báo chí trong bối cảnh bùng nổ thông tin trên mạng xã hội trong môi trường truyền thông số, trong hệ sinh thái truyền thông online. Báo chí cần nhận thức sâu hơn, chủ động thực hiện vai trò phản biện xã hội trong quá trình xây dựng thực hiện chính sách công, cũng như trong tiếp cận các vấn đề kinh tế - xã hội đã và đang đặt ra; tránh bị động, đi sau…

Đầu những năm 80 của thế kỷ trước, khi tìm kiếm cách thức tổ chức sản xuất nông nghiệp hiệu quả, Đảng, Nhà nước ta đã tập trung nghiên cứu mô hình khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động. Báo chí của Đảng đã sớm và tích cực vào cuộc ủng hộ mô hình mới, phản biện chính sách…, góp phần cho sự ra đời Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13-1-1981, của Ban Bí thư Trung ương “Về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp”; tiếp đến là Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5-4-1988, của Bộ Chính trị “Về đổi mới quản lý nông nghiệp”, khoán sản phẩm và cơ chế khoán mới ra đời, mở ra kỷ nguyên mới của sự nghiệp đổi mới mà Đảng ta chủ trương thực hiện từ Đại hội VI của Đảng năm 1986...

Kinh nghiệm này đang đặt ra cho các cấp quản lý, các loại hình báo chí, người đứng đầu cơ quan báo chí và đội ngũ nhà báo tích cực hơn nữa trong phản biện xã hội; có như vậy, báo chí mới giúp Đảng và Nhà nước “nối dài tầm tay”, là cầu nối giữa dân với Đảng và Nhà nước trong quá trình lãnh đạo sự nghiệp đổi mới, phát triển bền vững đất nước thời kỳ hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Tức là khi tìm kiếm mô hình hay chuẩn bị ban hành chính sách, Đảng và Nhà nước cần báo chí phản biện xã hội, các tầng lớp nhân dân thảo luận. Khi chính sách đã ban hành, báo chí vào cuộc giải thích, tuyên truyền, hướng dẫn,… và khi chính sách triển khai thực hiện, báo chí thực thi giám sát xã hội, bảo đảm cho chính sách đi vào cuộc sống, hướng trúng nhóm đối tượng của chính sách.

Thứ hai, nhận thức sâu sắc vấn đề phản biện xã hội của báo chí cũng là cách thu hút công chúng xã hội nói riêng và nhân dân nói chung vào tầm ảnh hưởng của mình, như V.I. Lê-nin đã nói, là “tranh thủ bạn đồng minh chính trị”; từ đó, báo chí chiếm lĩnh, phát triển thị phần thông tin để phát triển kinh tế báo chí - truyền thông; không phải chạy theo những sự kiện và vấn đề trôi nổi trên mạng xã hội hoặc chạy theo thông tin giật gân để câu view, hoặc chạy theo vụ án, các “hợp đồng truyền thông” để trục lợi. Khi báo chí có công chúng và thị phần, thì sẽ có tất cả - từ hiệu quả tuyên truyền chính trị đến phát triển nguồn thu cho cơ quan báo chí.

Thứ ba, Nhà nước sớm rà soát lại hệ thống pháp luật, nhất là những đạo luật liên quan đến thông tin trên mạng xã hội, nền tảng kỹ thuật - công nghệ để sửa đổi, bổ sung nhằm bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia trước sự lớn mạnh và chi phối của các tập đoàn truyền thông đa quốc gia trong hệ sinh thái truyền thông online toàn cầu.

Thứ tư, cần gắn việc nâng cao chất lượng, hiệu quả báo chí phản biện xã hội, với quan tâm đúng mức, đúng cách phát triển đội ngũ nhà báo chính luận, có khả năng phân tích, bình luận chính sách cũng như các vấn đề kinh tế - xã hội. Thực tế những năm gần đây cho thấy, còn thiếu vắng các bài phân tích, bình luận có chiều sâu, đủ sức thuyết phục trí tuệ, cảm xúc công chúng và dư luận xã hội. Vấn đề này đang đặt ra cho các cơ sở đào tạo, cơ quan báo chí những thách thức không nhỏ. Vì vậy, cần sớm có chương trình, chính sách và kế hoạch nhất quán về đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ nhà báo chính luận; có chính sách cụ thể để các cơ quan báo chí và nhà báo ngày càng coi trọng báo chí chính luận.

(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 125, 305, 124, 135

(2) Xem: Trần Hậu: “Phản biện xã hội”, http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/tu-dien-mo/item/532-phan-bien-xa-hoi.html

(3) Xem: Phan Xuân Sơn, Nguyễn Văn Dững: “Mấy vấn đề về báo chí phản biện xã hội”, http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/dien-dan/item/1663-may-van-de-ve-bao-chi-phan-bien-xa-hoi.html

(4) Xem: Nguyễn Văn Dững (Chủ biên):Báo chí giám sát và phản biện xã hội ở Việt Nam, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2017, tr. 5

(5) Như Dự luật tách Luật Giao thông đường bộ làm hai

(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 6, tr. 102

PGS, TS. NGUYỄN VĂN DỮNG
Học viện Báo chí và Tuyên truyền

  • Tags: