Tình trạng phá rừng ở các tỉnh khu vực Tây Nguyên vẫn diễn biến phức tạp

PLQL - Ngày 22-6, tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Ban Chỉ đạo nhà nước về Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT) tổ chức hội nghị với chủ đề “Tăng cường công t

PLQL - Ngày 22-6, tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Ban Chỉ đạo nhà nước về Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT) tổ chức hội nghị với chủ đề “Tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất lâm nghiệp các tỉnh Tây Nguyên”.

Quang cảnh Hội nghị 

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, tổng diện tích rừng ở khu vực Tây Nguyên là 2,559 triệu ha, chiếm 17,5% diện tích rừng cả nước. Tỷ lệ che phủ rừng toàn khu vực Tây Nguyên đạt 45,9%, trong đó rừng tự nhiên 2,19 triệu ha, rừng trồng 368.734 ha.

Về phát triển rừng, năm 2019, các tỉnh Tây Nguyên trồng được 9.197 ha rừng, trong đó rừng phòng hộ, đặc dụng 565 ha, rừng sản xuất 8.632 ha (mùa trồng rừng ở Tây Nguyên khác với các tỉnh phía Bắc nên chưa có số liệu năm 2020). Khai thác gỗ rừng sản xuất và cây trồng phân tán đạt 0,38 triệu m3 gỗ các loại, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ các tỉnh Tây Nguyên năm 2019 chỉ đạt 11 triệu USD.

Hiện công tác rà soát, điều chỉnh 3 loại rừng còn nhiều bất cập, sai sót và chưa sát với thực tế, triển khai thực hiện cơ chế, chính sách tại các địa phương còn chậm, chưa có tính đột phá. Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật lâm nghiệp, bảo vệ và phát triển rừng tại các địa phương chưa được quan tâm đúng mức; kiểm soát chuyển mục đích sử dụng rừng một số nơi chưa chặt chẽ, chưa tuân thủ theo quy định của pháp luật.Về công tác bảo vệ rừng ở các tỉnh khu vực Tây Nguyên hiện vẫn còn diễn biến phức tạp. Đáng lo ngại hiện nay là các tỉnh khu vực Tây Nguyên vẫn là trọng điểm phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển, chế biến lâm sản trái pháp luật, chống người thi hành công vụ, tình trạng tranh chấp về đất rừng kéo dài nhưng chưa được giải quyết dứt điểm. Năm 2019 và 5 tháng đầu năm 2020, khu vực Tây Nguyên đã phát hiện 4.863 vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, đã xử lý 4.433 vụ, trong đó xử phạt hành chính 4.119 vụ, xử lý hình sự 314 vụ, tịch thu 9.898 m3 gỗ các loại, tổng số tiền phạt hành chính khoảng 56 tỷ đồng. Ngoài ra, toàn khu vực đã phát hiện, xử lý 2.764 vụ về khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật (năm 2019 là 2.122 vụ; 5 tháng đầu năm 2020 là 642 vụ). Diện tích rừng tự nhiên của khu vực Tây Nguyên vẫn tiếp tục bị suy giảm, năm 2019 giảm 15.753 ha, tỷ lệ che phủ rừng khu vực giảm 0,09% so với năm 2018 (giảm tại các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai).

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường thẳng thắn nhìn nhận: Chất lượng, độ che phủ rừng khu vực Tây Nguyên vẫn còn chưa tốt. Mặc dù đến nay chúng ta có nhiều chính sách đối với rừng tự nhiên, thế nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu bảo vệ phát triển rừng bền vững. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh việc bảo vệ, phát triển rừng ở Tây Nguyên không chỉ ảnh hưởng 5,6 triệu ha đất tại đây mà còn tác động đến các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ vì rừng Tây Nguyên chính là nơi sinh thủy (nguồn nước- hầu hết các sông ở khu vực Nam Trung Bộ bắt nguồn từ Tây Nguyên).

  • Tags: