Trách nhiệm bồi thường thiệt hại về sức khỏe, tính mạng, tài sản và các lợi ích hợp pháp khác do làm ô nhiễm môi trường ở Việt Nam hiện nay

 PLQL - Bài viết này phân tích các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành về trách nhiệm bồi thường thiệt hại về sức khỏe, tính mạng, tài sản và các lợi ích hợp pháp khác do làm ô nhiễm môi trường; chỉ ra những bất cập, hạn chế của các quy định của phá
Tóm tắt: Bài viết này phân tích các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành về trách nhiệm bồi thường thiệt hại về sức khỏe, tính mạng, tài sản và các lợi ích hợp pháp khác do làm ô nhiễm môi trường; chỉ ra những bất cập, hạn chế của các quy định của pháp luật hiện hành về vấn đề này và đưa ra một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật.
Từ khoá:Ô nhiễm môi trường; thiệt hại môi trường; trách nhiệm bồi thường thiệt hại môi trường.
Abstract: This article provides analysis of Vietnam’s current laws and regulations on liabilities for compensations for the loss of human life and health, property and legal interest of the organizations, individuals caused by environmental pollution; gives out a number of shortcomings of legal system and also recommendations for further improvements.
Keywords: Environmental pollution; environmental damages; liability for compensation for environmental damages.
 
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Khái quát về trách nhiệm bồi thường thiệt hại về sức khỏe, tài sản, tính mạng và các lợi ích hợp pháp khác do làm ô nhiễm môi trường
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường là một loại trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng; theo đó, chủ thể (tổ chức, cá nhân hoặc chủ thể khác) thực hiện hành vi vi phạm pháp luật môi trường làm suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường, gây thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ của con người, tài sản và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và các chủ thể khác thì phải khắc phục ô nhiễm, phục hồi hiện trạng môi trường và bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật gây ra[1].  
Theo quy định của pháp luật hiện hành, căn cứ tính chất thiệt hại xảy ra, thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường được chia thành hai loại: (1) Thiệt hại về suy giảm chức năng, tính hữu ích do làm ô nhiễm môi trường (bao gồm các thiệt hại về môi trường đất, nước, hệ sinh thái, động, thực vật – thường được gọi là thiệt hại trực tiếp hay thiệt hại nguyên phát) và (2) Thiệt hại về sức khỏe, tính mạng, tài sản và các lợi ích hợp pháp khác (thường được gọi là thiệt hại gián tiếp hay thiệt hại thứ phát). Trong mối quan hệ giữa hai loại thiệt hại này thì thiệt hại về suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường là loại thiệt hại xảy ra trước. Còn thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, tài sản, lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức cụ thể chỉ phát sinh sau khi có hậu quả là suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường. Do vậy, có thể thấy muốn xác định được có thiệt hại về sức khỏe, tính mạng, tài sản và các lợi ích hợp pháp do ô nhiễm môi trường thì phải xác định được có thiệt hại do suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường tại khu vực đó.
Trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nói chung, về nguyên tắc thì người gây thiệt hại phải bồi thường. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả khánghoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác. Như vậy, về cơ bản nếu muốn được loại trừ trách nhiệm bồi thường, người gây thiệt hại phải chứng minh một trong hai trường hợp xảy ra thiệt hại, đó là: do bất khả khánghoặc hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại[2]. Còn muốn được giảm mức bồi thường thiệt hại thì chủ thể gây thiệt hại phải chứng minh mình không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình[3]. Có thể thấy, trong Bộ luật Dân sự năm 2015 (BLDS 2015), yếu tố lỗi không được coi là điều kiện bắt buộc để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, nhưng là yếu tố quan trọng để xác định chủ thể nào phải bồi thường, không phải bồi thường và mức được giảm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường, chủ thể làm ô nhiễm môi trường gây thiệt hại không được nại lý do mình không có lỗi để thoái thác trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Trường hợp chủ thể làm ô nhiễm môi trường chứng minh được lỗi gây ra thiệt hại hoàn toàn thuộc về bên thứ ba, về nguyên tắc bên thứ ba không được bồi thường thiệt hại (khoản 4 Điều 585 BLDS 2015), nhưng chủ thể làm ô nhiễm môi trường vẫn phải bồi thường cho chủ thể khác bị thiệt hại.  
2. Các quy định của pháp luật về bồi thường thiệt hại về sức khỏe, tính mạng, tài sản và lợi ích hợp pháp khác do làm ô nhiễm môi trường ở Việt Nam
Cơ sở pháp lý để thực hiện trách nhiệm bồi thường thiệt hại về sức khỏe, tính mạng, tài sản và các lợi ích hợp pháp khác do ô nhiễm môi trường  gây ra được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường 2014, Bộ luật Dân sự năm 2015 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng và Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ngày 08/07/2006.
Thứ nhất, về chủ thể có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của con người, tài sản và lợi ích hợp pháp khác do ô nhiễm môi trường
Theo quy định của pháp luật hiện hành, cá nhân, pháp nhân hoặc chủ thể khác có thể trực tiếp yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc thông qua người giám hộ, người đại diện hợp pháp để yêu cầu bồi thường thiệt hại. Pháp luật hiện hành chưa quy định quyền khởi kiện tập thể về môi trường[4]
Thứ hai, về phương thức giải quyết bồi thường thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của con người, tài sản và lợi ích hợp pháp khác do ô nhiễm môi trường
Theo quy định của pháp luật hiện hành, cá nhân, tổ chức, chủ thể khác bị thiệt hại về sức khỏe, tính mạng, tài sản và các lợi ích hợp pháp khác do ô nhiễm môi trường có thể thông qua phương thức hòa giải[5] hoặc khởi kiện ra tòa án để yêu cầu bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy quy định của pháp luật còn có một số bất cập sau:
1) Thiếu các quy định cụ thể, thống nhất về cơ chế giải quyết tranh chấp ngoài tòa án như: quy định về quy trình, trình tự, các bước, vai trò các bên tham gia thương lượng, hòa giải[6]; quy định về cơ quan có quyền chủ trì hoặc làm đầu mối hay có thể chủ động trong việc giải quyết tranh chấp ngoài tòa án; quy định về vai trò của các tổ chức xã hội trong giải quyết tranh chấp ngoài tòa án; quy định về điều kiện nguồn lực cần thiết khác phục vụ cho công tác này,…
2) Thực tiễn cho thấy, chưa có vụ việc yêu cầu bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của con người; tài sản và lợi ích hợp pháp do làm ô nhiễm môi trường nào được giải quyết thành công tại Tòa án. Trường hợp vụ Vedan gây ô nhiễm sông Thị Vải và gây thiệt hại về tài sản cho khoảng 6.000 hộ dân sau một thời gian dài đã được Tòa án nhân dân huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai thụ lý, nhưng sau đó lại được kết thúc bằng con đường hòa giải. Sở dĩ như vậy là do bất cập trong các quy định về chủ thể có quyền khởi kiện; điều kiện khởi kiện các tranh chấp bồi thường thiệt hại về môi trường; khó khăn trong xác định thiệt hại môi trường, trong chứng minh mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và thiệt hại; trong quy định về thời hiệu khởi kiện; về trình độ, năng lực của thẩm phán; sự độc lập giữa thẩm phán và Chánh án; giữa tư pháp với hành pháp, lập pháp; giữa tòa án cấp trên với cấp dưới; quan hệ giữa tòa án với viện kiểm sát trong giải quyết vụ án; vai trò của luật sư trong các vụ án tranh chấp về môi trường[7],…
Thứ ba, về xác định thiệt hại tính mạng, sức khỏe của con người, tài sản và các lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, tổ chức do ô nhiễm môi trường và mức bồi thường thiệt hại về tinh thần
Theo quy định của pháp luật hiện hành, chủ thể làm ô nhiễm môi trường phải bồi thường các chi phí hợp lý phát sinh từ những tổn thất về tính mạng, sức khoẻ của người bị thiệt hại và những tổn thất về tinh thần mà người bị thiệt hại về sức khỏe hoặc những người thân của người bị thiệt hại về tính mạng phải gánh chịu để xác định thiệt hại. Tuy nhiên, những quy định này còn có bất cập sau:
1) Có những thiệt hại về suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường chưa được pháp luật quy định nên không có căn cứ pháp lý để xác định thiệt hại về môi trường. Ví dụ như thiệt hại về ô nhiễm môi trường không khí,… Hơn nữa, theo quy định của pháp luật thì trách nhiệm chứng minh và yêu cầu bồi thường thiệt hại về suy giảm chức năng, tính hữu ích do làm ô nhiễm môi trường lại thuộc về các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Do vậy, nếu các cơ quan nhà nước này không xác định hoặc xác định không có thiệt hại môi trường thì cũng khó có cơ sở pháp lý để tổ chức, cá nhân xác định, yêu cầu bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản do ô nhiễm môi trường gây ra.
2) Quy định của pháp luật về thu thập chứng cứ gây ô nhiễm môi trường chưa sát với thực tiễn gây khó khăn cho người bị thiệt hại trong việc thu thập, xác định, chứng minh mức độ thiệt hại về sức khỏe, tính mạng và mối quan hệ giữa mô trường bị làm ô nhiễm với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng; tài sản, lợi ích hợp pháp khác. Ví dụ,  xã Thạch Sơn, Lâm Thao, Phú Thọ, nơi nhà máy Supe phot phát Lâm Thao hoạt động có tỷ lệ người chết do ung thư cao hàng đầu cả nước, nhưng việc chứng minh mối quan hệ giữa bệnh ung thư tại địa phương với môi trường bị ô nhiễm gây ra nằm ngoài khả năng của người dân địa phương.
3) Quy định của pháp luật về mức bồi thường thiệt hại về tinh thần do làm ô nhiễm môi trường gây ra chưa theo kịp với sự phát triển của xã hội. BLDS 2015 quy định mức bồi thường thiệt hại về tinh thần do làm ô nhiễm môi trường không quá 100 tháng lương tối thiểu cho thân nhân người chết và bồi thường thiệt hại về tinh thần không quá 50 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định cho người bị thiệt hại về sức khỏe, là còn quá thấp và khá cứng nhắc khi áp dụng. Việc pháp luật quy định khung bồi thường tối đa cứng sẽ không khuyến khích sự thỏa thuận giữa bên bị thiệt hại với bên gây ra thiệt hại vê mức bồi thường thiệt hại gây ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của bên bị thiệt hại do ô nhiễm môi trường.
Thứ tư, về thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của con người; tài sản và lợi ích hợp pháp khác của các tổ chức cá nhân
Theo quy định của BLDS 2015, thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là 3 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản và các lợi ích hợp pháp khác không chỉ là những thiệt hại trước mắt mà còn là những thiệt hại lâu dài, việc định thiệt hại đã khó, xác định mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại với hành vi vi phạm pháp luật môi trường còn khó hơn. Do đó, chúng tôi cho rằng, thời hiệu 3 năm chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.
3Kiến nghị hoàn thiện quy định của pháp luật
Thứ nhất, về chủ thể có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại về sức khỏe, tính mạng, tài sản và các lợi ích hợp pháp khác do làm ô nhiễm môi trường
 Từ thực tiễn cho thấy, thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra cho nhiều chủ thể ở phạm vi rộng lớn. Do vậy, chúng tôi cho rằng, cần bổ sung quy định về quyền được khởi kiện tập thể về môi trường theo hướng, đại diện cộng đồng, đại diện tổ chức của những người bị thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản, lợi ích hợp pháp khác do ô nhiễm môi trường có quyền đại diện cho những người bị thiệt hại yêu cầu chủ thể gây ô nhiễm môi trường bồi thường thiệt hại.
Thứ hai, về giải quyết tranh chấp ngoài tòa án
Để khuyến khích các bên giải quyết tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài tòa án, chúng tôi cho rằng, cần bổ sung quy định cụ thể quy trình, thủ tục, các bước hòa giải tranh chấp môi trường; xác định rõ trách nhiệm của các bên tham gia hòa giải tranh chấp môi trường; quy định về cơ quan có chức năng làm đầu mối xử lý tranh chấp môi trường ngoài tòa án.
Thứ ba, về xác định thiệt hại tính mạng, sức khỏe của con người, tài sản và các lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, tổ chức
Để tạo thuận lợi cho các bên trong việc xác định thiệt hại do ô nhiễm mô trường gây ra, chúng tôi cho rằng, cần bổ sung quy định cụ thể về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho việc áp dụng đối với ô nhiễm mùi; về trách nhiệm bồi thường thiệt hại với môi trường không khí dựa trên chi phí bỏ ra để xử lý khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường,... Đây là cơ sở để xác định thiệt hại về sức khỏe, tính mạng, tài sản và các lợi ích hợp pháp khác do ô nhiễm môi trường không khí gây ra.
Ngoài ra, cần nâng cao mức bồi thường thiệt hại về tinh thần do làm ô nhiễm môi trường nhằm thúc đẩy thỏa thuận giữa bên bị thiệt hại với bên gây ra thiệt hại.
Thứ tư, về nghĩa vụ chứng minh và điều kiện khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại về sức khỏe, tính mạng, tài sản và các lợi ích hợp pháp khác do ô nhiễm môi trường
Để bảo đảm quyền lợi của chủ thể bị thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra, cần giảm nhẹ các điều kiện để được khởi kiện, về nghĩa vụ chứng minh với người khởi kiện. Theo đó, khi có thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra chỉ cần có cơ sở xác định chủ thể nào đó gây ô nhiễm môi trường thì chủ thể bị thiệt hại có quyền khởi kiện yêu cầu chủ thể gây ô nhiễm môi trường phải bồi thường thiệt hại và Tòa án phải thụ lý giải quyết. Trong quá trình tranh tụng, nghĩa vụ chứng minh được chuyển sang chủ thể bị yêu cầu bồi thường thiệt hại. Chủ thể này phải chứng minh mình không có hành vi vi phạm pháp luật môi trường và không gây ra thiệt hại trên.
Thứ năm, về thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của con người; tài sản và lợi ích hợp pháp khác của các tổ chức cá nhân
Để bảo đảm quyền lợi của chủ thể bị thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của con người; tài sản và lợi ích hợp pháp khác do ô nhiễm môi trường gây ra, cần kéo dài hơn thời hiệu khởi kiện. Bên cạnh đó, đối với những vụ việc ô nhiễm môi trường gây ảnh hưởng lâu dài đến cộng đồng đã xảy ra trước khi có pháp luật môi trường cũng cần tính đến áp dụng hiệu lực hồi tố.
Tài liệu tham khảo
1.Chu Thu Hiền, Bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường theo pháp luật dân sự Việt Nam, Luận văn thạc sĩ luật học, Khoa Luật, Đại học quốc gia Hà Nội, Hà Nội-2011.
2. TS. Đinh Trung Tụng (chủ biên), ThS. Nguyễn Hồng Hải, ThS. Trần Thu Hương, “Bối cảnh xây dựng và một số nội dung mới chủ yếu của Bộ luật Dân sự năm 2015 (so sánh với Bộ luật Dân sự năm 2005), Nhà xuất Bản Tư pháp, Hà Nội 2016.
3. Vũ Thu Hạnh, “Bồi thường thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường”, Tạp chí Khoa học pháp lý, số 3 (2007).
4. PGS.TS. Lê Thị Châu, Đề tài «Những vấn đề lý luận và thực tiễn sửa đổi Luật Bảo vệ Môi trường năm 2005».
5. Nguyễn Trung Thắng, Hoàng Hồng Hạnh, Dương Thị Phương Anh, Nghiên cứu, đề xuất cơ chế giải quyết tranh chấp môi trường ngoài tòa án ở Việt Nam, Tạp chí Môi trường, số 6 năm 2015.
6. Bùi Đức Hiển, Huỳnh Minh Luân, Trách nhiệm bồi thường thiệt hại về suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường ở Việt Nam hiện nay, Tạp chí Pháp luật và Phát triển, số 9.10.2019.

[1] Xem thêm: Chu Thu Hiền, Bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường theo pháp luật dân sự Việt Nam, Luận văn thạc sĩ luật học, Khoa Luật, Đại học quốc gia Hà Nội, Hà Nội -2011.
[2] Xem khoản 2 Điều 584 Bộ luật Dân sự năm 2015.
[3] Xem khoản 2 và khoản 4 Điều 585 Bộ luật Dân sự năm 2015.
[4] Theo Luật Bảo vệ người tiêu dùng năm 2010, trường hợp người tiêu dùng bị thiệt hại thì tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có quyền đại diện cho người tiêu dùng yêu cầu chủ thể xâm phạm quyền lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng phải bồi thường thiệt hại. Quy định này cũng được áp dụng trong các tranh chấp lao động tập thể được quy định trong pháp luật lao động và Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
[5] Xem Điều 122 Luật Bảo vệ Môi trường năm 2014 và Luật Hòa giải cơ sở năm 2013.
[6] Xem Nguyễn Trung Thắng, Hoàng Hồng Hạnh, Dương Thị Phương Anh, Nghiên cứu, đề xuất cơ chế giải quyết tranh chấp môi trường ngoài tòa án ở Việt Nam, Tạp chí Môi trường, số 6 năm 2015.
[7] Bùi Đức Hiển, Khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước bền vững; https://vrn.org.vn/khai-thac-su-dung-va-bao-ve-tai-nguyen-nuoc-ben-vung/, truy cập ngày 21/10/2019.
  • Tags: