Trách nhiệm giải trình của điều tra viên, kiểm sát viên trong hoạt động tố tụng hình sự ở Việt Nam

Tóm tắt: Trách nhiệm giải trình trong thi hành công vụ trên các lĩnh vực hoạt động của Nhà nước nói chung là một định chế góp phần phòng, chống tham nhũng trong công cuộc đổi mới ở Việt Nam thời gian qua. Tuy nhiên, trong lĩnh vực tố tụng hình sự, trách n

Tóm tắt: Trách nhiệm giải trình trong thi hành công vụ trên các lĩnh vực hoạt động của Nhà nước nói chung là một định chế góp phần phòng, chống tham nhũng trong công cuộc đổi mới ở Việt Nam thời gian qua. Tuy nhiên, trong lĩnh vực tố tụng hình sự, trách nhiệm giải trình của Điều tra viên, Kiểm sát viên về những hoạt động thực thi tố tụng của họ cũng còn những rào cản, bất cập nhất định. Đặc biệt, trong một số trường hợp, hoạt động tố tụng của Điều tra viên, Kiểm sát viên đưa đến hệ lụy oan, sai hoặc ảnh hưởng không tốt đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, vi phạm nguyên tắc hiến định về quyền con người. Trong phạm vi bài viết này, tác giả phân tích nội dung, yêu cầu về trách nhiệm giải trình của Điều tra viên, Kiểm sát viên trong hoạt động tố tụng hình sự ở nước ta hiện nay và kiến nghị giải pháp tăng cường trách nhiệm giải trình của Điều tra viên, Kiểm sát viên.

1. Cơ sở pháp lý về trách nhiệm giải trình của Điều tra viên, Kiểm sát viên trong hoạt động tố tụng hình sự

Trong hoạt động tố tụng hình sự (TTHS) nói chung và hoạt động tố tụng hình sự ở giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố nói riêng, việc đánh giá đúng đắn các chứng cứ và làm sáng tỏ các tình tiết của vụ án là cơ sở bảo đảm xác định chính xác, nhanh chóng giúp cho việc đưa ra xét xử được công minh, kịp thời đối với mọi hành vi phạm tội. Mục tiêu xuyên suốt của các giai đoạn tố tụng hình sự là không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội.

Vì cơ quan tiến hành tố tụng có nhiệm vụ đấu tranh chống tội phạm cho nên trách nhiệm chứng minh tội phạm một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng của cơ quan đó[1]. Trong giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố, người tiến hành tố tụng trực tiếp là Điều tra viên (ĐTV), Kiểm sát viên(KSV) có trách nhiệm công vụ tiến hành các hoạt động luật định để làm sáng tỏ mọi tình tiết của tội phạm, xác định người có dấu hiệu phạm tội phải khởi tố, điều tra, truy tố; đây là cơ sở pháp lý gắn liền trách nhiệm công vụ - trách nhiệm giải trình của ĐTV, KSV khi hoạt động tố tụng khởi tố, điều tra, truy tố của họ không chứng minh được tội phạm hoặc chứng minh không đúng người phạm tội hoặc chứng minh quá mức cần thiết hoặc sử dụng những biện pháp trái luật để chứng minh tội phạm… từ đó gây bất lợi, tổn hại vật chất, tinh thần cho tổ chức, cá nhân.

Nội dung công vụ hay nói cách khác là nhiệm vụ, quyền hạn trong hoạt động tố tụng hình sự của ĐTV[2] được quy định tại Điều 37 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS) và được phân định phạm vi trách nhiệm theo hệ thống ngành, lĩnh vực tại Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015. Theo đó, ĐTV có nhiệm vụ, quyền hạn thực thi 8 loại hoạt động tố tụng, cụ thể như: kiểm tra, xác minh và lập hồ sơ giải quyết nguồn tin về tội phạm; lập hồ sơ vụ án hình sự; yêu cầu hoặc đề nghị cử, thay đổi người tham gia tố tụng; hỏi cung bị can, lấy lời khai những người tham gia tố tụng khác, người có quyền, nghĩa vụ liên quan vụ án; quyết định áp giải người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, bị tạm giữ, bị can; dẫn giải người làm chứng, người bị tố giác…; tiến hành khám nghiệm hiện trường, thực nghiệm điều tra…; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn tố tụng khác thuộc thẩm quyền theo sự phân công của Thủ trưởng Cơ quan điều tra.

Trách nhiệm công vụ của ĐTV được ghi nhận tại khoản 2 Điều 37 BLTTHS; đó là: “Điều tra viên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra về hành vi, quyết định của mình”[3].

Nhiệm vụ, quyền hạn của KSV được ghi nhận tại Điều 42 BLTTHS. Bên cạnh những hoạt động tố tụng tương ứng với hoạt động tố tụng của ĐTV với tư cách là thực hành quyền công tố trong giai đoạn khởi tố, điều tra[4], KSV còn có vai trò kiểm sát việc tuân theo pháp luật của cơ quan điều tra và ĐTV, đảm bảo cho các hoạt động tố tụng ở giai đoạn này được tuân thủ đúng quy định của BTTHS và các quy định của pháp luật khác có liên quan[5].

Khoản 2 Điều 42 BLTTHS quy định trách nhiệm công vụ của KSV: “Kiểm sát viên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Viện trưởng Viện kiểm sát, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát về hành vi, quyết định của mình”[6].

So sánh các quy nêu trên cho thấy, tương quan giữa nhiệm vụ, quyền hạn về thực thi công vụ của ĐTV, KSV với trách nhiệm công vụ - trách nhiệm giải trình cá nhân ĐTV, KSV có độ chênh lệch khá lớn. Các nhiệm vụ, quyền hạn của ĐTV, KSV được quy định khá cụ thể, trong khi đó, quy định về trách nhiệm giải trình công vụ của ĐTV, KSV là còn khá sơ sài và khái quát, chủ yếu nhấn mạnh tính chịu kỷ luật “nội bộ” trước cấp trên.

Mặc dù Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015 và Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 đã bổ sung những quy định cấm rõ ràng hơn về giới hạn thẩm quyền công vụ trong hoạt động khởi tố, điều tra[7], song những quy định cấm này cũng chỉ mới dừng lại ở mức độ răn đe, nhắc nhở, chưa xác định rõ về trách nhiệm giải trình khi làm không đúng, không đủ hay không xác đáng những hoạt động tố tụng do BLTTHS quy định.

Một trong những nội dung mới của BLTHS là nguyên tắc kiểm tra, giám sát trong tố tụng hình sự: “Cơ quan nhà nước, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, đại biểu dân cử có quyền giám sát hoạt động của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng… Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải xem xét, giải quyết và trả lời kiến nghị, yêu cầu đó theo quy định của pháp luật” (Điều 33). Cùng với yêu cầu kiểm tra, giám sát là quyền chất vấn, phản biện và quyền của người kiểm tra, giám sát được nghe giải trình trực tiếp từ phía ĐTV, KSV là những người tiến hành tố tụng đối với khiếu nại, tố cáo của cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và công dân. Tuy nhiên, quy định này sẽ không được thực hiện cho đến khi có văn bản hướng dẫn quy trình, thủ tục kiểm tra, giám sát được ban hành. Vì vậy, có thể nói, nguyên tắc về trách nhiệm giải trình của ĐTV, KSV trước pháp luật chỉ mới được ghi nhận như một khuynh hướng nhận thức.

2. Thực trạng oan sai liên quan đến trách nhiệm giải trình của Điều tra viên, Kiểm sát viên trong hoạt động tố tụng hình sự

Theo quy định của BLTTHS, trong các giai đoạn tố tụng nói chung[8], bị can, bị cáo có quyền đưa ra chứng cứ chứng minh sự vô tội hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của mình, nhưng không buộc phải đưa ra chứng cứ chứng minh là mình vô tội; trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc các cơ quan tố tụng và người tiến hành tố tụng. Trong trường hợp bị can, bị cáo không đưa ra hoặc không đưa ra được chứng cứ chứng minh mình vô tội thì không phải vì thế mà có thể coi họ là phạm tội. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, những quy định này của BLTTHS đã không được tuân thủ trên thực tế. Dẫn theo Báo cáo tại Hội nghị tổng kết công tác nhiệm kỳ XIII của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức tại Đà Nẵng ngày 3/3/2016 cho thấy, trong kỳ giám sát, các cơ quan tiến hành tố tụng khởi tố, điều tra 219.506 vụ với 338.379 bị can. Số vụ làm oan người vô tội trong 3 năm là 71 trường hợp, chiếm tỷ lệ 0,02% và một số trường hợp khác có dấu hiệu bị oan đang được xem xét, giải quyết đã cho thấy tình hình làm oan người vô tội trong hoạt động TTHS hiện nay còn nghiêm trọng[9]. Điển hình như vụ 7 thanh niên bị bắt giam oan trong vụ giết người, cướp tài sản xảy ra năm 2013 tại tỉnh Sóc Trăng; một số vụ án đặc biệt nghiêm trọng mà dư luận quan tâm thì có những vụ án đã xảy ra cách đây từ 7-10 năm, có vụ 16 năm nhưng gần đây mới được phát hiện, điển hình như vụ Lê Bá Mai (Bình Phước) phải xét xử 7 lần, gần 10 năm mới kết thúc.

Tham khảo kết quả giám sát cho thấy, giữa nhận thức về trách nhiệm giải trình của cơ quan tố tụng nói chung và cá nhân ĐTV, KSV với nhận thức vi phạm quyền con người còn có “độ vênh” khá lớn. Theo số liệu của cơ quan tố tụng chỉ có 71 trường hợp oan – đó là sau khi các cơ quan này đã xác định bằng quy trình tố tụng, dư luận xã hội đã bức xúc, khiếu nại qua nhiều cấp và bản thân người bị bắt giữ, điều tra qua nhiều năm mới được xem là “oan”. Vì vậy, việc làm oan trong hoạt động tố tụng chỉ ở tỷ lệ rất nhỏ (0,02%). Tuy nhiên, số liệu giám sát phản ảnh (có 4.998 người bị bắt, tạm giữ hình sự sau đó chuyển xử lý hành chính, chiếm 2.3% số người bị tạm giữ; có nơi, tỷ lệ này khá cao như huyện Vụ Bản, Xuân Trường (Nam Định) trên 10%. VKS các cấp đã không phê chuẩn 548 lệnh tạm giam của CQĐT)[10]. Số liệu này cho thấy, vị thế bấp bênh trong cuộc sống của những người đã bị bắt, tạm giữ, tạm giam hình sự một thời gian từ vài ngày đến vài tuần, mới được xác định không phải là tội phạm. Vi phạm tự do thân thể, danh dự của những con người đó có được bù đắp hay không; các ĐTV, KSV có phải giải trình trách nhiệm vì những sai lầm gây bao tổn thương cho người khác hay không?

Còn không ít những trường hợp người dân bị bắt giữ, khởi tố, điều tra và xét xử oan sai, thậm chí có trường hợp phải chấp hành xong bản án 20 năm, tù chung thân, gần đây mới được giải oan[11]. Vụ án Hồ Duy Hải hiện nay còn có ý kiến khác nhau về chứng cứ và quy trình tố tụng giữa hai cơ quan Viện kiểm sát tối cao và Tòa án nhân dân tối cao; dù chưa có kết luận đúng sai, nhưng thấy rõ là giữa hai cơ quan tố tụng cao nhất quốc gia còn có sự khác biệt lớn về chứng cứ, đánh giá chứng cứ và định lượng các tình tiết của vụ án, song, “kẹp giữa” bao chứng lý và tranh luận đó là sự “mong manh” của một số phận con người trước thềm công lý - không khỏi khiến cho công luận xã hội thấy bất an.

Không để lọt tội phạm và không làm oan người vô tội – là hai mặt của quá trình chứng minh tội phạm, cũng là phương châm, mục đích hoạt động TTHS. Vấn đề này đặc biệt có ý nghĩa và hết sức cần thiết đối với yêu cầu và mong muốn kiểm soát quyền lực nhà nước trong lĩnh vực tư pháp, trong trách nhiệm công vụ - trách nhiệm giải trình của cơ quan tố tụng và của mỗi công chức tiến hành tố tụng khi nó tác động trực tiếp đến quyền nhân thân con người. Do vậy, cần phải có những định chế nghiêm khắc hơn, minh thị hơn về kiểm soát quyền lực, trách nhiệm công vụ - trách nhiệm giải trình trực tiếp từ ĐTV, KSV ngay từ giai đoạn khởi tố, điều tra. Bởi vì, có thể xem đây là giai đoạn tố tụng rất quan trọng, có tính quyết định định hướng cho toàn bộ quá trình tố tụng về sau.

3. Những yếu tố ảnh hưởng đến trách nhiệm giải trình của Điều tra viên, Kiểm sát viên trong hoạt động tố tụng hình sự

BLTTHS xác định 33 nguyên tắc tố tụng; trong đó, có nguyên tắc luật hóa quyền hiến định như quyền bào chữa. Bị can, bị cáo có quyền bào chữa. Quyền bào chữa, trước hết là quyền tự bào chữa. Bị can, bị cáo tự thực hiện quyền mà luật pháp dành cho họ cũng là để chống lại việc buộc tội hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của mình. Tuy nhiên, bào chữa là quyền chứ không phải là nghĩa vụ của bị can, bị cáo. Họ có thể bảo vệ mình một cách tích cực (đề xuất chứng cứ, tham gia tranh luận tích cực…). Họ cũng có thể không sử dụng các quyền đó – tức là không muốn bào chữa – thì trong trường hợp này cơ quan và người tiến hành tố tụng không thể coi đó là bằng chứng về tội lỗi của bị can, bị cáo[12]. Do đó, muốn xác định một tổ chức, cá nhân có tội thì cơ quan và người tiến hành tố tụng phải có những chứng cứ và xem xét, đánh giá chứng cứ và các tình tiết liên quan của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ để chứng minh hành vi phạm tội của họ. Trên thực tế, không phải lúc nào quy định và tư tưởng này cũng có sẵn trong ý thức trách nhiệm công vụ - trách nhiệm giải trình của ĐTV, KSV, xuất phát từ một số yếu tố ảnh hưởng sau đây:

Thứ nhất, yếu tố chủ quan: trong thực tế, khởi đầu ở những vụ án hình sự nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thường có thể có một số tình tiết, chứng cứ hoặc nhận dạng được ĐTV, KSV phát hiện, truy xét và đánh giá là khá phù hợp với suy đoán, định hướng điều tra đối với hành vi phạm tội, người bị nghi ngờ là kẻ thực hiện tội phạm. Những dấu hiệu ban đầu này cho phép người tiến hành tố tụng áp dụng việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can, quyết định tạm giam…; Song, các kết quả điều tra sau đó có thể lại phản ánh sự “chệch hướng” điều tra, phản ánh tính ít liên quan của người đã bị tạm giam, thậm chí một số tình tiết, chứng cứ ban đầu được cho là phù hợp nay lại tỏ ra chênh vênh, khác biệt. Hệ quả logic về chủ quan của người tiến hành tố tụng là bảo vệ quan điểm và kết quả điều tra của mình, ý chí thường nghiêng theo chiều hướng suy đoán có tội.

Thứ hai, yếu tố khách quan: trước nay hệ thống trại giam, giữ và thi hành ánh hình sự thuộc quản lý của cơ quan công an. Đây cũng là điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng các “thủ thuật” nghiệp vụ điều tra, trong đó bao gồm cả những biện pháp không hợp pháp có khi được áp dụng, như bức cung, nhục hình hoặc những áp lực tinh thần khác nhằm buộc người bị tạm giữ, tạm giam phải thừa nhận lời khai, chứng cứ chống lại chính mình. Thực tế, kết quả của Đoàn giám sát Quốc hội nêu trên đã cho thấy và còn nhiều vụ án khác, khi ra trước toà, bị cáo phản cung và tố cáo bị ép buộc trong quá trình điều tra. Trong khi đó, việc tham dự của người bảo vệ quyền lợi cho người bị tạm giữ, giam trong lúc điều tra cũng còn bị không ít hạn chế.

Hiện nay, pháp luật đã cho phép áp dụng biện pháp ghi âm, ghi hình trong thẩm vấn, hỏi cung; đây là cách thức mới nhằm chống bức cung, nhục hình. Tuy vậy, phương tiện này vẫn do cơ quan tố tụng chủ trì và khi không có ống kính máy quay nữa thì cũng khó bảo đảm không có gì bất lợi cho người bị tạm giữ, điều tra (ví dụ, trong vụ án Hồ Duy Hải, tang vật được xem là hung khí giết người là con dao được mua về từ chợ theo mô tả tự thú của bị can - trong trường hợp này, việc ghi âm, ghi hình là không có ý nghĩa).

Thứ ba, về nhận thức đối với trách nhiệm giải trình của ĐTV, KSV cũng còn có lúc bị hạn chế bởi quan điểm từ người đứng đầu tổ chức hoặc địa phương là cần bảo vệ uy tín ngành, uy tín địa phương. Do vậy, khi ĐTV, KSV gây ra oan, sai cho người khác trong hoạt động tố tụng thì thường vẫn được cấp trên “bao biện” né tránh dư luận, xử lý nội bộ theo truyển thống.

4. Giải pháp tăng cường trách nhiệm giải trình của Điều tra viên, Kiểm sát viên trong hoạt động tố tụng hình sự hiện nay

Hiến pháp ghi nhận, bảo đảm và bảo vệ các quyền con người, quyền công dân. Đây đồng thời cũng là trách nhiệm của Nhà nước, của các cơ quan bảo vệ pháp luật và của người có thẩm quyền luật định. Đó là quyền sống, tính mạng con người được pháp luật bảo hộ, không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật; quyền được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; quyền bất khả xâm phạm về thân thể, không bị tra tấn, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm một cách trái pháp luật. Để quyền con người, quyền công dân được bảo đảm, bảo vệ có hiệu quả cần thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp khác nhau, trong đó có biện pháp tăng cường trách nhiệm giải trình của ĐTV, KSV. Để tăng cường trách nhiệm giải trình của ĐTV, KSV, tác giả kiến nghị thực hiện một số giải pháp sau:

(i) Cần xây dựng “Luật Điều tra viên” và “Luật Kiểm sát viên” với những quy định cụ thể về trách nhiệm giải trình và cách thức giải trình của ĐTV, KSV trong hoạt động TTHS;

(ii) Sửa đổi Điều 296 BLTTHS theo hướng quy định nghĩa vụ tố tụng của ĐTV khi được Hội đồng xét xử triệu tập; sửa Thông tư liên tịch số 02/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP[13] theo hướng ĐTV có trách nhiệm giải trình tại phiên tòa buộc tội với tư cách người tham gia tố tụng, không phải với điều kiện khi Hội đồng xét xử thấy có dấu hiệu ĐTV vi phạm tố tụng trong điều tra và Hội đồng thấy cần thiết mới triệu tập ĐTV đến phiên tòa.

(iii) Cụ thể hóa các nguyên tắc tố tụng hình sự liên quan đến bảo vệ quyền con người, như nguyên tắc suy đoán vô tội, nguyên tắc được thuê, nhờ qua điện thoại (hoặc được yêu cầu cơ quan tố tụng chỉ định) người bảo vệ quyền lợi ngay từ khi bị tạm giữ hoặc bị thẩm vấn ban đầu…;

(iv) Sửa đổi Luật Thi hành án theo hướng chuyển thẩm quyền quản lý trại tạm giam, trại giam và thi hành án cho Bộ Tư pháp nhằm tách bạch giữa cơ quan giam giữ và cơ quan điều tra nhằm hạn chế lạm dụng, lợi dụng nơi giam giữ xâm hại quyền con người của người đang bị tạm giam, điều tra hoặc thi hành án./.

TS. HOÀNG MINH KHÔI

Phân hiệu Đại học Nội vụ Hà Nội tại TP. Hồ Chí Minh

  • Tags: