Trách nhiệm pháp lý về môi trường ở một số nước

Pháp luật môi trường của nhiều nước quy định chủ thể vi phạm pháp luật môi trường thì phải chịu trách nhiệm pháp lý. Trách nhiệm này có thể là trách nhiệm dân sự, trách nhiệm hành chính hoặc trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, quy định cụ thể của các nước là

Pháp luật môi trường của nhiều nước quy định chủ thể vi phạm pháp luật môi trường thì phải chịu trách nhiệm pháp lý. Trách nhiệm này có thể là trách nhiệm dân sự, trách nhiệm hành chính hoặc trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, quy định cụ thể của các nước là không hoàn toàn giống nhau.

Ảnh minh họa

 Singapo và Hồng Kông: quy định trách nhiệm cụ thể, dễ áp dụng

Trước hết, ta hãy xem Luật kiểm soát ô nhiễm môi trường của Singapo . Trong Luật 1 thể hiện rõ nguyên tắc: Chủ thể gây thiệt hại cho môi trường thì phải chịu trách nhiệm pháp lý. Tuỳ từng đối tượng bị xâm hại mà hình thức trách nhiệm có sự khác nhau. Đối với hành vi gây hại cho không khí thì hình thức trách nhiệm chủ yếu là phạt tiền, khi xử phạt,  cơ quan có thẩm quyền căn cứ vào hành vi vi phạm lần đầu hay tái phạm mà ấn định mức phạt nhẹ hay nặng

Hành vi gây thiệt hại cho không khí theo pháp luật Singapo không phải chịu trách nhiệm hình sự như theo quy định của pháp luật của Việt Nam, nhưng với mức phạt tiền rất cao và có sự phân biệt giữa vi phạm lần đầu và tái phạm cũng đủ để ngăn ngừa và khắc phục hậu quả suy thoái môi trường. Theo quy định của Bộ luật hình sự Việt Nam (Điều 182), tội gây ô nhiễm không khí, mặc dù được quy định rất rõ về mức độ truy cứu trách nhiệm hình sự và hình phạt nhưng trên thực tế thì số vụ xét xử tội gây ô nhiễm không khí rất thấp, hầu như không có. Vì, đây được coi là hành vi phạm tội, nên để có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội này cần phải có văn bản hướng dẫn thi hành rất cụ thể trong khi chúng ta còn thiếu. Mặt khác, hành vi này chủ yếu do chủ thể là các tổ chức gây ra, mà theo Bộ luật hình sự Việt Nam lại chưa có nguyên tắc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tổ chức, do vậy điều luật này khó áp dụng trên thực tế. Theo Luật kiểm soát ô nhiễm môi trường của Singapo, thì hành vi gây ô nhiễm nước có mức hình phạt cao hơn rất nhiều so với mức hình phạt dành cho hành vi gây ô nhiễm không khí. Chủ thể vi phạm không những bị phạt tiền mà còn bị phạt tù.  Hình phạt này được bảo đảm thi hành trên thực tế cao. Vì, nếu bất kỳ chủ thể nào không thi hành bản án thì sẽ bị phạt tiền đến 100.000$ hoặc bị phạt tù đến 3 tháng hoặc chịu cả hai hình phạt này; nếu có quyết định buộc chấm dứt hoạt động thương mại vô thời hạn hoặc bị buộc tạm ngừng hoạt động trong một thời gian mà không chấp hành thì sẽ bị phạt 2.000$ cho mỗi ngày vi phạm. Ngoài ra, để bảo đảm cho bản án hoặc quyết định được thi hành trên thực tế, thì Tổng giám đốc bảo vệ môi trường có quyền áp dụng các biện pháp thích hợp; các khoản chi phí phát sinh để bảo đảm cho bản án hoặc quyết định được thi hành sẽ do chủ thể vi phạm trả . 2 Tương tự như quy định trong Luật kiểm soát ô nhiễm môi trường của Singapo, trong Sắc lệnh kiểm soát ô nhiễm nước của Hồng Kông cũng quy định hình thức trách nhiệm pháp lý cụ thể đối với hành vi gây ô nhiễm nước.

Có thể thấy rằng, trong Luật kiểm soát ô nhiễm môi trường của Singapo thì người vi phạm có thể bị áp dụng một trong hai hình phạt là phạt tù hoặc phạt tiền hoặc bị áp dụng cả hai hình phạt này. Tuy nhiên, hình phạt tiền vẫn được coi là hình phạt chính. Điều này có thể xuất phát từ quan niệm cho rằng, hình phạt tiền sẽ làm tăng hiệu quả trong việc trừng phạt chủ thể vi phạm, nhất là đối với chủ thể là tổ chức, và cũng còn do hình thức phạt tiền có độ chính xác cao, dễ thay đổi nên càng trở nên có hiệu quả.  Ngoài việc phải chấp hành hình phạt tù và hình phạt tiền, chủ thể vi phạm còn có nghĩa vụ phục hồi thiệt hại theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Như vậy có thể thấy, so với quy định tại Điều 183 về tội gây ô nhiễm nguồn nước của Bộ Luật hình sự của Việt Nam thì quy định về hành vi gây ô nhiễm trong Luật kiểm soát ô nhiễm môi trường của Singapo và Sắc lệnh kiểm soát ô nhiễm nước của Hồng Kông tạo thuận lợi hơn cho người áp dụng, vì khi áp dụng quy định này, người có thẩm quyền không phải xác định hậu quả của hành vi vi phạm. Trên thực tế, để xác định dấu hiệu hậu quả của hành vi vi phạm thường rất khó, nhất là trong lĩnh vực môi trường. Mặt khác, có lẽ xuất phát từ quan điểm coi trọng hoạt động bảo vệ môi trường và đề cao việc bảo vệ lợi ích công cộng nên theo quan điểm của các nhà lập pháp, chỉ riêng hành vi nguy hiểm cho xã hội đã thể hiện tính chất nguy hiểm của tội phạm đó chứ không cần phải xác định hậu quả của hành vi đó khi định mức hình phạt.

Canada: phân biệt rõ trách nhiệm cá nhân và pháp nhân

Luật chất lượng môi trường của Canada phân biệt rất rõ giữa trách nhiệm của cá nhân và trách nhiệm của pháp nhân khi vi phạm. Theo quy định của Luật chất lượng môi trường Canada, với cùng một hành vi vi phạm thì hình phạt tù không áp dụng đối với pháp nhân mà chỉ áp dụng đối với cá nhân. Tuy nhiên, mức phạt tiền áp dụng đối với pháp nhân cao hơn rất nhiều so với cá nhân

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, hình thức trách nhiệm hình sự không đặt ra đối với pháp nhân vi phạm pháp luật môi trường vì theo nguyên tắc của Bộ luật hình sự, trách nhiệm hình sự chỉ áp dụng đối với cá nhân, chỉ trong quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường mới có nguyên tắc tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường thì bị xử phạt hành chính. Tuy nhiên, trong quy định của pháp luật môi trường Việt Nam lại chưa có sự phân biệt giữa trách nhiệm của cá nhân và trách nhiệm của pháp nhân.  ở Canada, ngoài hành vi xâm hại trực tiếp đến môi trường, với chủ thể có hành vi có khả năng gây tác động tới môi trường thì trước khi thực hiện hành vi này phải được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền, nếu vi phạm quy định này thì chủ thể vi phạm sẽ bị phạt từ 300$ đến 5.000$ . 3 Để bảo đảm cho hình phạt tiền được thi hành có hiệu quả, đạt đựơc mục đích trừng phạt, trong Luật chất lượng môi trường của Canada còn có quy định cho phép áp dụng các quy định của pháp luật thế nợ bằng động sản hoặc bất động sản. Theo đó, những chủ thể bị phạt tiền nếu không chấp hành hình phạt thì tài sản thuộc sở hữu của người đó là động sản hoặc bất động sản có thể bị cưỡng chế để bảo đảm cho hình phạt tiền được thi hành. Chủ thể vi phạm bên cạnh việc phải chịu hình phạt tiền hoặc phạt tù hoặc chịu cả hai hình phạt trên, còn có nghĩa vụ khắc phục hậu quả. Việc quyết định buộc chủ thể vi phạm phải thực hiện nghĩa vụ khắc phục là thuộc thẩm quyền của Toà án. Toà án căn cứ vào mức độ thiệt hại xảy ra trên thực tế để buộc chủ thể vi phạm phải bỏ chi phí để thực hiện các biện pháp cần thiết nhằm khôi phục lại trạng thái của sự vật như trước khi bị vi phạm. Quy định này cũng tương tự như quy định tại Điều 7, Luật bảo vệ môi trường của Việt Nam khi xác định nguyên tắc: chủ thể gây tổn hại cho môi trường do hoạt động của mình phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, nguyên tắc này bảo đảm rằng những thiệt hại của môi trường luôn được khắc phục

Theo Luật chất lượng môi trường của Canada, không những chủ thể trực tiếp vi phạm phải chịu trách nhiệm mà cả những chủ thể có liên quan cũng phải chịu trách nhiệm. Cụ thể, những người thực hiện hành vi trợ giúp cho người khác vi phạm quy định của luật này, hoặc khuyên bảo, khuyến khích, xúi giục người khác thực hiện hành vi gây nguy hại cho môi trường thì cũng coi như vi phạm pháp luật và phải chịu hình phạt như chính chủ thể thực hiện hành vi đó . 4 Như vậy, có thể thấy rằng, trong pháp luật của Canada có quy định phân biệt rất rõ giữa trách nhiệm của cá nhân và trách nhiệm của pháp nhân. Mức phạt tiền đối với pháp nhân bao giờ cũng cao hơn mức phạt tiền đối với cá nhân và hình phạt tiền là hình phạt chính trong pháp luật môi trường của Canada . 5 Điều này thể hiện rõ nguyên tắc trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi sử dụng thành phần môi trường: các tổ chức, cá nhân khi sử dụng các thành phần môi trường phải có trách nhiệm đóng góp tài chính và khi có hành vi gây thiệt hại cho môi trường thì phải bồi thường thiệt hại và việc pháp luật hạn chế việc áp dụng các hình phạt tước tự do, tăng cường hình phạt mang tính chất kinh tế là phù hợp với xu hướng phát triển chung của hệ thống hình phạt của các nước tiến bộ.

 Thuỵ Điển: Buộc mua tài sản bị thiệt hại

Ngoài những hình thức trách nhiệm đã đề cập ở trên, trong Bộ luật môi trường của Thuỵ Điển có một hình thức trách nhiệm mới, đó là 6 buộc người gây thiệt hại phải mua tài sản bị thiệt hại. Theo đó, nếu một tài sản (chẳng hạn là đất) bị xâm hại khiến cho chủ sở hữu tài sản đó không khai thác được một phần hay toàn bộ lợi ích từ tài sản đó, hoặc khi chủ sở hữu sử dụng toàn bộ hay một phần tài sản đó dẫn đến những hậu quả bất lợi (hay dẫn đến thiệt hại khi sử dụng) thì chủ thể gây thiệt hại buộc phải mua tài sản bị mất công dụng đó theo yêu cầu của chủ sở hữu. Quy định này cũng áp dụng đối với trường hợp khi người có trách nhiệm thực hiện việc khắc phục thiệt hại do hành vi của họ gây ra mà sử dụng các biện pháp khắc phục dẫn đến việc chủ sở hữu không khai thác được một phần hay toàn bộ lợi ích của tài sản hoặc khi chủ sở hữu sử dụng tài sản đó bị những hậu quả bất lợi. Quy định này bảo đảm rằng thiệt hại sẽ được khắc phục tới mức tối đa và chủ thể có trách nhiệm khắc phục thiệt hại sẽ luôn phải có trách nhiệm khắc phục thiệt hại như đối với tài sản của chính họ.

Kết luận và kiến nghị

Qua việc xem xét pháp luật môi trường ở các nước trên, ta thấy rằng: việc xác định trách nhiệm của chủ thể vi phạm được các nước quy định ngay trong văn bản luật  chuyên ngành, đa phần các nước này xác định trách nhiệm dân sự, trách nhiệm hành chính, thậm chí cả trách nhiệm hình sự dựa vào quy định trong văn bản luật chuyên ngành. Điều này làm cho việc xác định trách nhiệm có độ chính xác cao, đòi hỏi nhà làm luật phải thận trọng hơn trong việc xác định trách nhiệm của chủ thể vi phạm, nhất là đối với trách nhiệm hình sự. Quy định như vậy cũng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người áp dụng pháp luật. Hơn thế, cùng với sự thay đổi tính chất của các quan hệ xã hội thì khi thay đổi một điều luật trong một văn bản luật chuyên ngành, nhất là khi quy định trách nhiệm với một hành vi vi phạm mới sẽ không phải kéo theo sự thay đổi trong các văn bản luật khác. Điều này làm cho việc xử lý các hành vi vi phạm được kịp thời. Trong khi đó, nếu pháp luật môi trường Việt Nam muốn quy định một hình thức trách nhiệm (nhất là trách nhiệm hình sự) đối với một hành vi vi phạm mới thì kéo theo đó là sự phải thay đổi, bổ sung hàng loạt các văn bản có liên quan khác. Việc thay đổi, bổ sung các văn bản có liên quan trên thực tế thường diễn ra rất chậm, làm cho việc xử lý hành vi vi phạm không kịp thời, nhiều khi bỏ lọt cả vi phạm. Qua các trình bày trên, để góp phần hoàn thiện thêm pháp luật về môi trường của Việt Nam, chúng tôi đề nghị: 1. Cho phép quy định ngay trong các văn bản có hiệu lực pháp lý cao (như Luật, Pháp lệnh) các hình thức trách nhiệm dân sự, trách nhiệm hành chính và cả trách nhiệm hình sự đối với các hành vi vi phạm với lý do như nêu ở trên.  2. Để quy định trách nhiệm của chủ thể có hành vi gây hại cho môi trường thì không cần thiết phải có dấu hiệu hậu quả, vì: ư Hậu quả của hành vi xâm hại cho các yếu tố cấu thành nên môi trường rất đa dạng, mặt khác rất khó có được các tiêu chí có tính khoa học và thực tiễn để đánh giá một cách đầy đủ mức độ tác động của hành vi xâm hại môi trường. ư Hậu quả của hành vi xâm hại môi trường thường khó xác định được ngay sau khi hành vi vi phạm được thực hiện và phải có một quá trình chuyển hoá rất lâu. 3 . Tăng cường hình thức xử phạt tiền đối với hành vi gây hại cho môi trường vì các hành vi này sẽ gây ra những thiệt hại về môi trường mà cần phải có kinh phí để khắc phục. Hơn nữa, việc áp dụng hình thức phạt tiền sẽ mang lại một nguồn thu cho ngân sách nhà nước, tạo quỹ để bảo đảm cho môi trường ở trạng thái có thể chấp nhận được và góp phần giải quyết các hậu quả lâu dài do hành vi xâm hại môi trường gây ra. 4. Nên có quy định phân biệt trách nhiệm của tổ chức và cá nhân vi phạm pháp luật về môi trường theo hướng: trách nhiệm của tổ chức phải cao hơn trách nhiệm của cá nhân đối với cùng một hành vi vi phạm, vì: cùng một hành vi vi phạm, nhưng nếu hành vi đó được thực hiện bởi một tổ chức thì tính chất cũng như mức độ nguy hại của hành vi đó thường bao giờ cũng cao hơn so với hành vi được thực hiện bởi một cá nhân./.  

ThS. Trần Thắng Lợi, Bộ Tư pháp

  • Tags: