Vai trò của bảo hộ chỉ dẫn địa lý trong hội nhập kinh tế quốc tế

PLQL - Chỉ dẫn địa lý là tài sản quốc gia và luôn gắn với những lợi thế về điều kiện tự nhiên, sản xuất, đặc trưng về chất lượng và danh tiếng của sản phẩm. Bài viết dưới đây đã làm rõ nội hàm chỉ dẫn địa lý và tầm quan trọng của bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở n

PLQL - Chỉ dẫn địa lý là tài sản quốc gia và luôn gắn với những lợi thế về điều kiện tự nhiên, sản xuất, đặc trưng về chất lượng và danh tiếng của sản phẩm. Bài viết dưới đây đã làm rõ nội hàm chỉ dẫn địa lý và tầm quan trọng của bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở nước ta trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
 
Abstract: Geographical indications are national assets and are always associated with the advantages of natural conditions, production, quality characteristics and reputation of the products. The following  article clarifies the connotation of geographical indications and the importance of protecting geographical indications in our country in the context of international economic integration.
 
1. Dẫn nhập
Từ thời xa xưa, lợi thế cạnh tranh trong thương mại của một sản phẩm so với sản phẩm khác chủ yếu là nhờ vào những đặc tính và chất lượng riêng biệt mà các điều kiện địa lý như khí hậu và địa chất của khu vực địa lý mang lại. Các vùng địa lý với các địa danh nổi tiếng đã mang lại lợi thế cho các sản phẩm cùng loại như rượu vang Bordeaux của Pháp, pha lê Bohemia của Cộng hòa Séc, xúc xích Frankfurter của Đức… Các địa danh đi kèm với các sản phẩm đã gợi cho người tiêu dùng nhớ đến không chỉ nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, mà còn nắm bắt được cả đặc tính, chất lượng đặc biệt của sản phẩm nhờ nguồn gốc địa lý đó. Chỉ dẫn địa lý dần trở thành một chỉ dẫn thương mại mang tính chất vô hình của sản phẩm, nhưng góp phần làm gia tăng giá trị cho sản phẩm và có vai trò ngày càng quan trọng trong đời sống nói chung và trong hoạt động thương mại nói riêng.
Pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong đó có bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp với chỉ dẫn địa lý đã và đang được nhiều quốc gia trên thế giới xây dựng, tham gia ký các cam kết chung thông qua các điều ước quốc tế và sử dụng chúng như một công cụ hữu hiệu nhằm bảo đảm với người tiêu dùng về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, mặt khác để quảng bá, nâng cao hình ảnh, giá trị thương mại và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm đã được bảo hộ. Cơ chế bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đã được Nhà nước Việt Nam ghi nhận bằng việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là các quy định nền tảng được xác lập trong Bộ luật Dân sự và Luật Sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó, cùng với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), tham gia Hiệp định về những khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ năm 1994 (gọi tắt là Hiệp định TRIPs), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)… Những Hiệp định này đã thiết lập các quy chuẩn quốc tế quy định về bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ nói chung và chỉ dẫn địa lý nói riêng. Đây chính là cơ sở pháp lý cho hoạt động bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ về chỉ dẫn địa lý của Việt Nam trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.
2. Khái niệm và đặc điểm của chỉ dẫn địa lý
Việc nhận biết sản phẩm thông qua các dấu hiệu gắn với nơi sản xuất được coi là tập quán đã có từ lâu đời cả ở trên thế giới và ở Việt Nam. Những dấu hiệu chỉ dẫn nơi sản xuất của hàng hóa được xem là loại nhãn hiệu đầu tiên nhằm phân biệt sản phẩm của các vùng sản xuất khác nhau. Tuy nhiên, khác với một nhãn hiệu thông thường, là dấu hiệu bất kỳ do các nhà sản xuất tự nghĩ ra để phân biệt sản phẩm của mình với sản phẩm tương tự của các đối thủ cạnh tranh, chỉ dẫn địa lý thường mang các dấu hiệu có để giúp phân biệt sản phẩm của những khu vực sản xuất khác nhau, do đó, các dấu hiệu về mặt địa lý có chức năng chỉ định đến một địa danh nhất định. Dấu hiệu đó có thể là tên gọi một quốc gia (Made in Japan, Swiss made, Made in Vietnam, Scotch Whisky..), một thành phố (Paris, Bordeaux, California...) hay một địa danh bất kỳ (Phú Quốc, Parma, Camebert, Roqueford...); cũng có khi dấu hiệu đó là một hình ảnh đặc trưng của một khu vực (hình ảnh gấu trúc của Trung Quốc, kanguru của Australie hay biểu tượng chùa một cột của Việt Nam...), một công trình kiến trúc biểu tượng cho một địa danh (London Bridge biểu tượng của London, tháp Eiffel gợi nhớ đến nước Pháp, lụa Pisa của Ý, Paris Parfum của Pháp), hay những nhân vật nổi tiếng của một quốc gia, khu vực (rượu mạnh Napoléon, socola Mozart, xì gà Che Guevara)...
Các nhà sản xuất nhận ra rằng, khi nhắc đến các tên gọi hay nhìn những hình ảnh, biểu tượng đó, người tiêu dùng nhận ra nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, vì vậy, họ đã sử dụng các dấu hiệu này như là một nhãn hiệu để gắn lên sản phẩm do họ sản xuất ra. Như vậy, chỉ dẫn địa lý được sử dụng trong đời sống với ý nghĩa ban đầu là bất kỳ dấu hiệu nào có mối liên hệ trực tiếp hay gián tiếp với một khu vực địa lý nhất định, được sử dụng để phân biệt sản phẩm của khu vực sản xuất đó với các khu vực sản xuất khác. Với cách hiểu như vậy, chỉ dẫn địa lý chỉ đơn thuần là chỉ dẫn nguồn gốc[1], giúp người tiêu dùng nhận ra nơi sản xuất của sản phẩm. Điều này có nghĩa, chỉ dẫn địa lý chưa có mối liên hệ với chất lượng, với danh tiếng của sản phẩm mà chủ yếu được sử dụng để chỉ rõ địa danh, xuất xứ, khu vực địa lý nơi sản xuất ra sản phẩm.
Chỉ dẫn địa lý cũng được hiểu là những chỉ dẫn về hàng hóa bắt nguồn từ lãnh thổ của một quốc gia hoặc từ một khu vực hay địa phương thuộc lãnh thổ đó, có chất lượng, uy tín hoặc đặc tính nhất định chủ yếu do xuất xứ địa lý quyết định. Những đặc tính nhất định, chất lượng và danh tiếng (uy tín) này có thể xuất phát từ các yếu tố khác nhau như: Các yếu tố tự nhiên như là nguyên liệu thô, đất, khí hậu vùng, nhiệt độ, độ ẩm…; hoặc phương pháp sản xuất một chế phẩm của sản phẩm như là phương pháp sản xuất truyền thống hoặc các yếu tố con người như sự tập trung của các doanh nghiệp tương tự trong cùng khu vực, chuyên môn hóa quá trình sản xuất hoặc duy trì các tiêu chuẩn chất lượng nhất định[2]. Sự kết nối giữa hàng hóa và địa điểm trở nên nổi tiếng đến mức bất kỳ một sự nhắc đến địa điểm đều gợi nhắc đến hàng hóa được sản xuất ở đó và ngược lại. Ví dụ như, nhắc tới Vùng của rượu Champanh, là gợi nhớ đến Pháp - là quốc gia mà rượu Champanh được sản xuất ra ở đó. Mặc dù, các chỉ dẫn địa lý có giá trị tương tự như nhãn hiệu, tuy nhiên, các chức năng của chỉ dẫn địa lý khác với nhãn hiệu. Nhãn hiệu được sở hữu bởi các doanh nghiệp và được sử dụng để xác định các sản phẩm và dịch vụ trên thị trường, đặc biệt để phân biệt chúng với các sản phẩm và dịch vụ cạnh tranh trong khi chỉ dẫn địa lý không bao giờ thuộc về một doanh nghiệp cụ thể. Một chỉ dẫn địa lý có thể được sử dụng chung (cùng lúc) bởi một số doanh nghiệp, với điều kiện là các sản phẩm được sử dụng có nguồn gốc từ cùng khu vực địa lý mà chỉ dẫn địa lý đó đề cập đến.
Dưới giác độ pháp lý, theo Điều 2 Thỏa ước Lisbon năm 1958, sửa đổi, bổ sung năm 1979, chỉ dẫn địa lý được biết đến dưới thuật ngữ “tên gọi xuất xứ” và được định nghĩa là “tên gọi địa lý của quốc gia, khu vực, địa phương nơi mà hàng hóa được sản xuất và hàng hóa đó mang tính chất, chất lượng đặc thù của môi trường địa lý, bao gồm yếu tố tự nhiên và con người”; đến Hiệp định TRIPs, chỉ dẫn địa lý được hiểu là các chỉ dẫn dùng để phân biệt một sản phẩm hàng hóa xuất xứ từ lãnh thổ của một nước thành viên, hoặc một vùng hay địa phương có chất lượng, uy tín hoặc các tính chất đặc thù khác của sản phẩm có được nhờ xuất xứ địa lý của chúng (khoản 1 Điều 22). Như vậy, chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể. Khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý có ranh giới được xác định một cách chính xác bằng từ ngữ và bản đồ. Danh tiếng của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý do điều kiện địa lý quyết định, được xác định bằng mức độ tín nhiệm của người tiêu dùng đối với sản phẩm đó thông qua mức độ rộng rãi người tiêu dùng biết đến và chọn lựa sản phẩm đó. Điều kiện địa lý mang lại danh tiếng, tính chất, chất lượng đặc thù của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý gồm: Yếu tố tự nhiên (khí hậu, thủy văn, địa chất, địa hình, hệ sinh thái và các điều kiện tự nhiên khác); yếu tố con người (kỹ năng, kỹ xảo của người sản xuất, quy trình sản xuất truyền thống của địa phương…). Chất lượng, đặc tính của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được xác định bằng một hoặc một số chỉ tiêu định tính, định lượng hoặc cảm quan về vật lý, hóa học, vi sinh và các chỉ tiêu đó phải có khả năng kiểm tra được bằng phương tiện kỹ thuật hoặc chuyên gia với phương pháp kiểm tra phù hợp.
Ở Việt Nam, chỉ dẫn địa lý cũng được hiểu là thông tin về nguồn gốc của hàng hóa. Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam quy định: “Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể”[3]. Thông qua chỉ dẫn địa lý, có thể nhận biết một khu vực địa lý cụ thể gắn liền với chất lượng, danh tiếng và những đặc tính riêng có của sản phẩm mà chỉ ở nơi ấy mới có, chẳng hạn như: “Vạn Phúc” (lụa tơ tằm); “Bát Tràng” (gốm, sứ); “Phú Quốc” (nước mắm)...
3. Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý
Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý dựa trên nền tảng các quy định về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Một trong những quan điểm phổ biến hiện nay là việc “Nhà nước, các cơ quan chức năng ban hành các quy định, chính sách pháp luật và tổ chức thực thi các quy định pháp luật liên quan đến việc xác lập, công nhận và bảo vệ quyền của chủ sở hữu là các tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ”[4]. Tuy nhiên, trên thực tiễn, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ còn bao gồm tất cả các hoạt động của cơ quan có thẩm quyền và các chủ thể để bảo vệ và khai thác quyền một cách hiệu quả. Bởi vậy, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo nghĩa rộng là việc Nhà nước, các cơ quan chức năng và các chủ thể, thông qua hệ thống pháp luật tiến hành các hoạt động liên quan đến việc xác lập, công nhận, khai thác và bảo vệ các chủ thể chống lại các hành vi xâm phạm quyền đối với các tài sản trí tuệ. Hiểu theo nghĩa này, thì bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp là việc Nhà nước, các cơ quan chức năng và các chủ thể, thông qua hệ thống pháp luật tiến hành các hoạt động liên quan đến việc xác lập, công nhận, khai thác và bảo vệ các chủ thể chống lại các hành vi xâm phạm quyền đối với các đối tượng sở hữu công nghiệp.
Chỉ dẫn địa lý là đối tượng được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, vì vậy, bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý cũng được hiểu là việc Nhà nước, các cơ quan chức năng và các chủ thể, thông qua hệ thống pháp luật tiến hành các hoạt động liên quan đến việc xác lập, khai thác, quản lý và bảo vệ các chủ thể chống lại các hành vi xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý. Điểm mấu chốt của bảo hộ chỉ dẫn địa lý chính là cơ chế đảm bảo khả năng truy xuất nguồn gốc địa lý của sản phẩm và đảm bảo tính đặc thù của sản phẩm thông qua quy trình kiểm soát chặt chẽ về chất lượng sản phẩm. Chỉ dẫn địa lý là tài sản tập thể, quyền sở hữu thuộc về Nhà nước, nhưng quyền sử dụng lại thuộc tập thể các nhà sản xuất, kinh doanh tại địa phương. Vì vậy, việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý không dừng lại ở việc xác lập quyền, việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý cần được tiếp cận rộng hơn, nghĩa là sau khi được Nhà nước công nhận chỉ dẫn địa lý, cần có cơ chế quản lý nhằm đảm bảo khả năng truy suất nguồn gốc sản phẩm, bảo vệ lợi ích cho người sản xuất và lợi ích xã hội cho cộng đồng.
Việc bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý đã được ghi nhận trong Công ước Paris năm 1983, tại đoạn 2 Điều 1 quy định: “Sở hữu công nghiệp phải được hiểu theo nghĩa rộng nhất, không những chỉ áp dụng cho công nghiệp và thương mại theo đúng nghĩa của chúng mà cho các ngành sản xuất nông nghiệp, công nghiệp khai thác và tất cả các sản phẩm chế biến hoặc sản phẩm tự nhiên như rượu vang, ngũ cốc, thuốc lá, hoa quả, gia súc, khoáng sản, nước khoáng, bia, hoa và bột”. Hiệp định TRIPs cũng yêu cầu “tất cả các thành viên của WTO thiết lập những điều luật cơ bản (không xác định) quy định vấn đề bảo vệ của các chỉ dẫn địa lý”[5]. Hiệp định này cũng đã thiết lập các tiêu chuẩn để quy định về bảo hộ và thực thi sở hữu trí tuệ quốc tế, xây dựng các tiêu chuẩn quốc tế tối thiểu đối với chỉ dẫn địa lý. Từ đây, bảo hộ chỉ dẫn địa lý đã được thừa nhận trên phạm vi quốc tế.
Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) quy định “các nước được quyền lựa chọn cơ chế bảo hộ đối với chỉ dẫn địa lý, hoặc là theo cơ chế riêng chỉ áp dụng cho chỉ dẫn địa lý, hoặc là theo cơ chế chung với nhãn hiệu thương mại”[6]. Điều này có nghĩa là các nước như Việt Nam sẽ vẫn được tiếp tục sử dụng hệ thống bảo hộ chỉ dẫn địa lý của mình (độc lập với bảo hộ về nhãn hiệu thương mại). Đây được xem là giải pháp hợp lý với Việt Nam bởi Việt Nam đang và sẽ đồng thời có cam kết về chỉ dẫn địa lý với các đối tác sử dụng các cơ chế khác nhau (ví dụ: EU bảo hộ chỉ dẫn địa lý riêng, không theo cơ chế nhãn hiệu thương mại). Tuy nhiên, dù theo cơ chế bảo hộ chỉ dẫn địa lý nào, các nước CPTPP vẫn phải tuân thủ các nghĩa vụ nhất định, cụ thể: (i) Bảo đảm minh bạch, cải cách trong thủ tục hành chính liên quan tới việc bảo hộ hoặc công nhận các chỉ dẫn địa lý; (ii) Căn cứ để phản đối hoặc từ chối bảo hộ/công nhận một chỉ dẫn địa lý phải bao gồm các trường hợp gây nhầm lẫn với các nhãn hiệu thương mại đã hoặc đang xem xét đơn đăng ký trước đó hoặc trùng với tên chung để chỉ một loại hàng hóa trong ngôn ngữ của nước thành viên đó (riêng với rượu vang/rượu mạnh thì tên trùng với một loại nho trong ngôn ngữ của nước đó); (iii) Thời điểm bắt đầu bảo hộ không được sớm hơn ngày nộp đơn đăng ký hoặc ngày được đăng ký.
Về quan hệ giữa chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu, trong trường hợp có nhãn hiệu trùng hoặc tương tự với một chỉ dẫn địa lý mà nhãn hiệu lại được bảo hộ trước (đã đăng ký trước hoặc đã trở nên nổi tiếng trước), mặc dù chỉ dẫn địa lý vẫn được bảo hộ nhưng quyền của chủ nhãn hiệu sẽ được ưu tiên hơn, theo hướng: (i) Chủ sở hữu nhãn hiệu có quyền ngăn cấm việc sử dụng chỉ dẫn địa lý đó nếu việc sử dụng này có khả năng gây ra nhầm lẫn về nguồn gốc thương mại của hàng hóa. Tuy nhiên, chỉ dẫn địa lý chỉ có ý nghĩa mô tả xuất xứ của hàng hóa thì được xem là ngoại lệ, vẫn được phép sử dụng song song cùng nhãn hiệu đó; (ii) Không bảo hộ chỉ dẫn địa lý nếu có khả năng gây nhầm lẫn với nhãn hiệu về nguồn gốc thương mại của hàng hóa (trừ khi việc sử dụng chỉ dẫn địa lý đó thuộc trường hợp ngoại lệ đối với quyền của nhãn hiệu).
Chỉ dẫn địa lý là một đối tượng sở hữu công nghiệp tương đối mới so với các đối tượng truyền thống như sáng chế và nhãn hiệu. Ở châu Âu, một khuôn khổ pháp lý chung cho bảo hộ chỉ dẫn địa lý cũng đã được tạo lập từ năm 1992. Các quy tắc chung ở cấp EU đều dành không gian cho quy định pháp lý chi tiết hơn ở cấp quốc gia. Có nghĩa là, “việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý của từng quốc gia thuộc EU vẫn có sự khác nhau”[7]. Các nước châu Âu, điển hình là Pháp, đã có các quy định về công nhận và bảo hộ chỉ dẫn địa lý từ đầu thế kỷ XX. Hiện nay, “rất nhiều nước ngoài châu Âu, trong đó có Việt Nam đã thiết lập hệ thống các quy định riêng để bảo hộ chỉ dẫn địa lý”[8]. Như vậy, có thể hiểu, bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý là việc Nhà nước, các chủ thể khai thác và sử dụng chỉ dẫn địa lý, các cơ quan chức năng thông qua hệ thống pháp luật tiến hành các hoạt động liên quan đến việc xác lập, khai thác, quản lý và bảo vệ các chủ thể chống lại các hành vi xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý”.
4. Vai trò của bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam 
Bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho các đặc sản địa phương đang là hướng đi có hiệu quả nhằm bảo vệ tên tuổi và nâng cao giá trị hàng hóa trong nước, xúc tiến xuất khẩu sản phẩm ra thị trường nước ngoài, là công cụ cho phép bảo tồn, chống lại sự lạm dụng, gian lận thương mại dựa trên việc thúc đẩy tiềm năng các nguồn lực địa phương, tăng cường lợi thế so sánh và sức cạnh tranh của sản phẩm thông qua một chiến lược riêng của các sản phẩm khu vực nông thôn, đặc biệt là nông sản thực phẩm, phát huy các lợi thế riêng của địa phương để phát triển và quảng bá sản phẩm, nâng cao giá trị kinh tế cho đặc sản. Bên cạnh đó, việc duy trì chất lượng sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý không chỉ tạo ra công ăn việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người sản xuất của địa phương đó, mà cả những nhà kinh doanh, nhà sản xuất nguyên liệu thô, phụ phẩm, các công ty vận tải và người tiêu dùng. Cụ thể:
Một là, trong việc phát triển kinh tế: Chỉ dẫn địa lý là một nhân tố quan trọng góp phần trong bình ổn chất lượng và danh tiếng của các sản phẩm, được coi là công cụ marketing quan trọng trong cạnh tranh thị trường. Vì vậy, bảo hộ chỉ dẫn địa lý đóng vai trò quan trọng để phát triển hình ảnh tốt đẹp của sản phẩm tới người tiêu dùng. Kinh nghiệm của các nước phát triển và thực tế tại Việt Nam cho thấy, việc xây dựng hệ thống bảo hộ chỉ dẫn địa lý đã góp phần cải thiện nền nông nghiệp nông thôn vì nó là điều kiện phát huy các lợi thế riêng có của địa phương đó để phát triển sản phẩm đặc sản. Đây được coi là cách thức hiệu quả nhất để có được sự thành công trong việc phát triển sản phẩm nông nghiệp. Trong những năm gần đây, xu hướng của người tiêu dùng đang chuyển sang sử dụng các sản phẩm tự nhiên, dẫn tới mức thu nhập của người nông dân được cải thiện. Đã có rất nhiều tấm gương nông dân làm giàu nhờ trồng vải thiều Thanh Hà, xoài cát Hòa Lộc, nho Ninh Thuận, thanh long Bình Thuận,… hoặc mở xưởng sản xuất nước mắm Phan Thiết, nước mắm Phú Quốc... Rõ ràng là, bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm đặc sản đang là một hướng đi có hiệu quả nhằm bảo vệ tên tuổi và nâng cao giá trị hàng hóa trong nước, xúc tiến xuất khẩu sản phẩm ra thị trường nước ngoài làm tăng kim ngạch xuất khẩu. Thiết nghĩ, nếu triển khai tốt việc xây dựng, quản lý, khai thác càng nhiều sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho hàng nông sản, đặc biệt đối với Việt Nam, một trong các nước hàng đầu trên thế giới về xuất khẩu nông sản.
Hai là, chỉ dẫn địa lý cũng đang được xem là một công cụ quan trọng cung cấp sự đảm bảo chất lượng cho người tiêu dùng: Khi một chỉ dẫn địa lý được bảo hộ, cơ chế quản lý và kiểm soát việc sử dụng chỉ dẫn địa lý cũng như việc duy trì, đảm bảo chất lượng sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý sẽ tạo ra công ăn việc làm cho số lượng lớn người lao động của địa phương đó, khắc phục tình trạng thất nghiệp. Nó cũng là phương tiện nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho không chỉ người sản xuất của địa phương mà cả những nhà kinh doanh, nhà sản xuất nguyên liệu thô, phụ phẩm, các công ty vận tải… Ngoài ra, địa phương có chỉ dẫn địa lý được bảo hộ còn có thể phát triển ngành công nghiệp du lịch sinh thái nhằm đem lại nguồn lợi kinh tế cao cho cư dân địa phương. Chẳng hạn, các tour du lịch Phú Quốc hiện nay thường kèm theo tham quan các cơ sở sản xuất nước mắm, điều này sẽ thúc đẩy phát triển du lịch. Người tiêu dùng tin rằng khi mua sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, họ đã lựa chọn được sản phẩm có chất lượng, an toàn. Đồng thời, các sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý được đảm bảo rằng có tính chất đặc thù của địa phương, vùng lãnh thổ hoặc quốc gia; bảo vệ được bí quyết công nghệ, thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn và phát triển du lịch.

Nguyễn Thúy Hằng
NCS Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh
 

[1]. Theo Luận án Tiến sĩ kinh tế của tác giả Lê Thị Thu Hà với đề tài “Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp dưới góc độ thương mại đối với chỉ dẫn địa lý của Việt Nam trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế” bảo vệ tại Đại học Ngoại Thương Hà Nội năm 2010.
[2]. Surckha Vasishta và Amar Rai Lall “Đạo luật về chỉ dẫn địa lý của hàng hóa (đăng ký và bảo hộ), 1999” trong “Luật về quyền sở hữu trí tuệ trong triển vọng và hồi tưởng” (Delhi, 2001). AK Koul và VK Ahuja.
[3]. Khoản 22 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).
[4]. Lê Văn Kiều (2007), Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, giải quyết tranh chấp, khiếu nại và tố cáo về sở hữu trí tuệ, Tài liệu Khóa đào tạo chuyên sâu về sở hữu trí tuệ do Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức.
[5]. Daniele Giovannucci - Tim Josling - William Kerr - Bernard O’Connor - May T. Yeung (2009), “Kết nối sản phẩm và xuất xứ sản phẩm”, Hướng dẫn chỉ dẫn địa lý, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Trung tâm WTO và Hội nhập, Dự án hỗ trợ thương mại đa biên (EU-VIETNAM MUTRAP).
[6]. Theo Trung tâm WTO và Hội nhập – VCCI (www.trungtamwto.vn).
[7]. Delphine Marie-Vivien (2016), “Quản lý và kiểm soát chỉ dẫn địa lý: Kinh nghiệm của châu Âu và bài học cho Việt Nam”, Hội thảo Chỉ dẫn địa lý và những cam kết trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam-EU (EVFTA), Hà Nội.
[8]. Phạm Thị Mỹ Dung (2016), “Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý theo pháp luật Việt Nam”, Luận văn Thạc sĩ Luật học, Học viện Khoa học Xã hội.

  • Tags: