Vai trò của luật sư tham gia trợ giúp pháp lý

PLQL - Trợ giúp pháp lý là việc Nhà nước và xã hội hỗ trợ những người cần sử dụng dịch vụ pháp lý nhưng không có khả năng chi trả cho các dịch vụ pháp lý để có được sự tiếp cận công lý. Trợ giúp pháp lý được coi là quyền con người dựa trên phương pháp tiế

PLQL - Trợ giúp pháp lý là việc Nhà nước và xã hội hỗ trợ những người cần sử dụng dịch vụ pháp lý nhưng không có khả năng chi trả cho các dịch vụ pháp lý để có được sự tiếp cận công lý. Trợ giúp pháp lý được coi là quyền con người dựa trên phương pháp tiếp cận công lý và được nêu trong các công ước quốc tế. Điều 7 Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người năm 1948 quy định “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ một cách bình đẳng mà không có bất kỳ sự phân biệt nào”. Điều 26 Công ước của Liên hiệp quốc về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 cũng tái khẳng định quy định trên của Tuyên ngôn nhân quyền, đồng thời ghi nhận quyền của mọi người được xét xử công bằng, không bị phân biệt đối xử vì bất cứ lý do nào. Hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí của Nhà nước cho người nghèo, người yếu thế được coi là chức năng xã hội của Nhà nước, là một trong những tiêu chí bảo vệ quyền con người của Nhà nước pháp quyền nên được nhiều nước trên thế giới áp dụng.

Ảnh minh họa - TL

Ở Việt Nam, trợ giúp pháp lý được quy định trong Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006, sửa đổi, bổ sung năm 2017 và Luật Luật sư năm 2006, sửa đổi, bổ sung năm 2012, trong đó quy định Luật sư có vai trò rất lớn trong hoạt động về trợ giúp pháp lý. Ngoài Luật trợ giúp pháp lý và Luật Luật sư quy định Luật sư tham gia hoạt động trợ giúp pháp lý, Bộ luật tố tụng hình sự quy định luật sư tham gia bào chữa cho bị can, bị cáo trong các vụ án hình sự theo chỉ định của các cơ quan tố tụng. Khi bào chữa cho bị can, bị cáo theo án chỉ định, Luật sư bào chữa không nhận tiền từ các bị can, bị cáo mà nhận tiền thù lao từ các cơ quan tố tụng, hoạt động này cũng là hoạt động trợ giúp pháp lý nhà nước. Ở nhiều nước trên thế giới những trường hợp này do đội ngũ luật sư công thực hiện, nhằm đáp ứng yêu cầu trợ giúp pháp lý trong các vụ án hình sự (cũng có nước pháp luật quy định trợ giúp pháp lý cho cả một số vụ án dân sự). Ở Việt Nam hiện nay, những trường hợp Luật sư bào chữa theo án chỉ định không gọi là trợ giúp pháp lý, nên không quy định trong Luật trợ giúp pháp lý và Luật Luật sư, mà được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự. 

1. Luật sư tham gia trợ giúp pháp lý theo Luật trợ giúp pháp lý.

Theo Luật trợ giúp pháp lý năm 2017 các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý là Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý. Các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước được thành lập ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong cả nước, trong đó có các Trợ giúp viên pháp lý là người thực hiện trợ giúp pháp lý.

Trợ giúp viên pháp lý ở các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, trực tiếp thực hiện trợ giúp pháp lý cho người được hưởng trợ giúp pháp lý. Tính chất hoạt động của Trợ giúp viên pháp lý giống như hoạt động của Luật sư công/Luật sư Nhà nước/Luật sư trợ giúp pháp lý của các nước. Đối với các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý bao gồm các tổ chức hành nghề luật sư và các trung tâm tư vấn pháp luật, hoạt động theo hai hình thức sau đây:

- Hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý. Các sở Tư pháp ký hợp đồng với các tổ chức hành nghề luật sư; các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước ký hợp đồng với Luật sư về việc thực hiện trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về dân sự. Luật sư nhận thù lao trợ giúp pháp lý từ Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tùy theo từng vụ việc mà Luật sư đã ký hợp đồng.

- Đăng ký tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý. Tổ chức hành nghề luật sư tự nguyện thực hiện trợ giúp pháp lý bằng nguồn lực của mình, đăng ký về phạm vi, hình thức, lĩnh vực, đối tượng trợ giúp pháp lý với Sở Tư pháp nơi đã cấp Giấy đăng ký hoạt động. Để hoạt động trợ giúp pháp lý được hiệu quả, năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến phát triển trợ giúp pháp lý  Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, trong đó có quy định về mục tiêu huy động, khuyến khích đội ngũ Luật sư tham gia trợ giúp pháp lý trong từng giai đoạn như sau:

- Mục tiêu phát triển Luật sư trợ giúp pháp lý giai đoạn 2011-2015.

Huy động, khuyến khích các tổ chức hành nghề luật sư, tư vấn pháp luật thuộc các tổ chức xã hội đăng ký tham gia theo các mục tiêu được đ ra trong Đ án quy hoạch mạng lưới Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và Chi nhánh của Trung tâm; bảo đảm từ 50% - 60% số tổ chức hành nghề luật sư tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý.

- Mục tiêu phát triển Luật sư trong giai đoạn 2016 - 2020:

Huy động, khuyến khích tối đa các tổ chức hành nghề luật sư, tư vấn pháp luật đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý, bảo đảm có đ nguồn lực đ thực hiện trợ giúp pháp lý đáp ứng nhu cầu đa dạng của nhân dân.

Thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác trợ giúp pháp lý đã nêu trong Chiến phát triển trợ giúp pháp lý  Việt Nam, trong các năm qua các địa phương đã tích cực vận động, khuyến khích các tổ chức hành nghề luật sư đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý. Tuy nhiên, thực trạng Luật sư tham gia trợ giúp pháp lý theo Luật Trợ giúp pháp lý trong những năm qua có những hạn chế, số lượng các tổ chức hành nghề luật sư đăng ký trợ giúp pháp lý và các Luật sư ký hợp đồng với các Trung tâm trợ giúp pháp lý không nhiều và có xu hướng ngày càng giảm. Theo Báo cáo tổng kết 8 năm thi hành Luật Trợ giúp pháp lý của Bộ Tư pháp năm 2015, số lượng Luật sư trong cả nước khi đó là 9.915 Luật sư và khoảng 3.700 tổ chức hành nghề luật sư, trong số đó có 69 Công ty luật, 294 Văn phòng luật sư và 1.136 Luật sư đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý. Sau bốn năm, tính đến ngày 31/12/2019 số lượng Luật sư trong cả nước là 13.859 Luật sư và trên 4.000 tổ chức hành nghề luật sư, theo Báo cáo tổng kết công tác năm 2019 của Bộ Tư pháp về trợ giúp pháp lý, các tổ chức hành nghề luật sư và các Luật sư tham gia trợ giúp pháp lý như sau: có 24 tổ chức hành nghề luật sư ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với 11 Sở Tư pháp; có 128 tổ chức hành nghề luật sư đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý với 27 Sở Tư pháp; có 572 Luật sư ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với 54 Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước. Trong đó có nhiều Đoàn Luật sư ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có số lượng Luật sư lớn nhưng số Luật sư tham gia trợ giúp pháp lý lại rất ít. Cụ thể năm 2019, Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh có 5.611 Luật sư, nhưng chỉ có 492 Luật sư tham gia; Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội có 3.972 Luật sư, nhưng không có Luật sư nào tham gia; các Đoàn Luật sư thành phố Cần Thơ, tỉnh Vĩnh Long không có Luật sư tham gia; Đoàn Luật sư thành phố Hải Phòng có 02 Luật sư tham gia; Đoàn Luật sư tỉnh Vĩnh Phúc có 01 Luật sư tham gia... 

Kết quả các tổ chức hành nghề luật sư và các Luật sư tham gia trợ giúp pháp lý trong những năm qua có xu hướng giảm, cho thấy có hai vấn đề cần lưu ý: Thứ nhất, các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước đã đảm nhiệm được hầu hết các vụ việc có yêu cầu trợ giúp pháp lý, nên không ký hợp đồng với Luật sư tham gia trợ giúp pháp lý. Ở một số địa phương chỉ những vụ việc về tố tụng phức tạp các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước mới ký hợp đồng với Luật sư có kinh nghiệm tranh tụng tham gia trợ giúp pháp lý. Việc các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước phát triển đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý cả về số lượng và chất lượng để đáp ứng yêu cầu trợ giúp pháp lý là cần thiết, nhưng cũng phải chú trọng đến việc ký hợp đồng với các Luật sư để bảo đảm kết quả trợ giúp pháp lý, điều này có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý. Thứ hai, xu hướng các tổ chức hành nghề luật sư và các Luật sư tham gia trợ giúp pháp lý ngày càng giảm, có liên quan đến mục tiêu phát triển Luật sư quy định trong Chiến phát triển trợ giúp pháp lý  Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu của Chiến lược ở giai đoạn 2011-2015 bảo đảm từ 50% - 60% số tổ chức hành nghề luật sư tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý; ở giai đoạn 2015-2020 huy động, khuyến khích tối đa các tổ chức hành nghề luật sư, tư vấn pháp luật đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý. Hiện nay là năm cuối cùng của giai đoạn 2015 – 2020, nhưng với những số liệu về các tổ chức hành nghề luật sư và các Luật sư tham gia trợ giúp pháp lý ngày càng giảm nêu trên, thì ngay cả đối với mục tiêu của giai đoạn 2011 – 2015 cũng không phù hợp. Trước thực tế này, Chính phủ cần tổng kết Chiến phát triển trợ giúp pháp lý  Việt Nam để có những chính sách pháp luật về trợ giúp pháp lý cho phù hợp với thực tế xã hội.

 2. Luật sư tham gia trợ giúp pháp lý theo Luật Luật sư

Hoạt động trợ giúp pháp lý của Luật sư theo Luật Luật sư do tính chất thiện nguyện, trách nhiệm với xã hội của mỗi Luật sư và không thu phí, vì vậy hình thức trợ giúp pháp lý, đối tượng được hưởng trợ giúp pháp lý rộng hơn quy định của Luật Trợ giúp pháp lý. Theo Quyết định số 112/QĐ-BTV ngày 18 tháng 10 năm 2018 của Ban thường vụ Liên đoàn luật sư Việt Nam, quy định trợ giúp pháp lý miễn phí của Luật sư như sau:

- Về nội dung trợ giúp pháp lý gồm: Tham gia phổ biến pháp luật; Tư vấn pháp luật; Tham gia tố tụng bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người có yêu cầu trợ giúp pháp lý; Đại diện ngoài tố tụng cho người có yêu cầu trợ giúp pháp lý; Thực hiện các dịch vụ pháp lý khác theo quy định của Luật Luật sư cho người có yêu cầu trợ giúp pháp lý.

- Về đối tượng được hưởng trợ giúp pháp lý.

Mọi tổ chức, cá nhân có nhu cầu trợ giúp pháp lý trong các lĩnh vực liên quan đến pháp luật, trừ lĩnh vực kinh doanh, thương mại, đều là đối tượng trợ giúp pháp lý miễn phí của luật sư.

- Về thời gian thực hiện nghĩa vụ trợ giúp pháp lý.

Luật sư thực hiện nghĩa vụ trợ giúp pháp lý tối thiểu 04 (bốn) giờ làm việc/năm.

Thực hiện quy định của pháp luật về nghĩa vụ trợ giúp pháp lý của Luật sư, trong những năm qua các Luật sư, các Đoàn luật sư đã thực hiện các hoạt động trợ giúp pháp lý theo các hình thức tư vấn, đại diện ngoài tố tụng, trợ giúp pháp lý lưu động. Nhiều Đoàn luật sư đã tập hợp được đội ngũ Luật sư có tâm huyết với hoạt động trợ giúp pháp lý, có kiến thức chuyên môn vững vàng, có bề dày kinh nghiệm thực tế, tự nguyện tham gia thường xuyên vào các hoạt động trợ giúp pháp lý, kết hợp với việc phát quà từ thiện do Đoàn luật sư tổ chức. Theo báo cáo tổng kết của Liên đoàn Luật sư Việt Nam các năm 2017, 2018, 2019, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã phối hợp với các đoàn Luật sư Hà Nội, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Bắc Giang và Hải Phòng tổ chức cho các Luật sư tham gia trợ giúp pháp lý tại trụ sở tiếp dân Trung ương tại thành phố Hà Nội, theo yêu cầu của Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam và Thanh tra Chính phủ để trợ giúp pháp lý cho người dân đến khiếu nại. Công tác này đã góp phần vào việc làm giảm số vụ việc khiếu nại, tố cáo tại trụ sở tiếp công dân Trung ương đồng thời cũng giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân. Hàng năm, nhân dịp kỷ niệm ngày truyền thống Luật sư Việt Nam, Liên đoàn đã phát động ngày trợ giúp pháp lý cho nhân dân. Tại mỗi Đoàn đã tổ chức hàng trăm điểm trợ giúp pháp lý miễn phí và đã kêu gọi tất cả các tổ chức hành nghề tham gia. Theo Báo cáo kết quả công tác của Liên Đoàn Luật sư Việt Nam năm 2019, Luật sư trong cả nước trong năm 2019 đã tham gia trợ giúp pháp lý miễn phí 12.835 vụ việc. Thông qua hoạt động trợ giúp miễn phí, người dân được hưởng dịch vụ trợ giúp pháp lý miễn phí do đội ngũ luật sư chuyên nghiệp cung cấp, qua đó người dân biết đến luật sư nhiều hơn, vị thế của Luật sư ngày càng được nâng cao trong xã hội.

Tuy nhiên, về hoạt động trợ giúp pháp lý của Luật sư theo Luật Luật sư vẫn còn những hạn chế bất cập, đó là các tổ chức hành nghề luật sư, các Luật sư có tiềm năng về nguồn nhân lực, mỗi Luật sư có nghĩa vụ phải trợ giúp pháp lý (4 giờ/năm) nhưng hoạt động trợ giúp pháp lý trong nhiều năm qua vẫn ít hiệu quả. Nguyên nhân là do còn thiếu đầu mối phối hợp tổ chức, hướng dẫn để liên kết với các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý nhà nước với người có yêu cầu trợ giúp pháp lý. Hiện nay cả nước có 13.859 Luật sư, theo Quyết định số 112/QĐ-BTV của Liên Đoàn Luật sư Việt Nam, mỗi Luật sư phải thực hiện nghĩa vụ trợ giúp pháp lý tối thiểu 04 giờ làm việc trong một năm. Như vậy, một năm có khoảng trên 50 nghìn giờ Luật sư trên cả nước thực hiện trợ giúp pháp lý miễn phí. Việc khai thác có hiệu quả thời gian trợ giúp pháp lý miễn phí của Luật sư sẽ giúp cho một bộ phận những người nghèo, người yếu thế không có điều kiện tài chính để ký hợp đồng thực hiện dịch vụ pháp lý được tiếp cận với công lý. Trong nhiều năm qua hoạt động trợ giúp pháp lý của các Luật sư chủ yếu mới chỉ tập trung vào việc tuyên truyền pháp luật nhân ngày truyền thống Luật sư 10/10 hàng năm, ngày Pháp luật Việt Nam và các ngày lễ lớn của đất nước. Các nội dung khác như Tư vấn pháp luật; Tham gia tố tụng bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người có yêu cầu trợ giúp pháp lý; Đại diện ngoài tố tụng cho người có yêu cầu trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật còn rất hạn chế. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hạn chế này, trong đó có nguyên nhân từ quy định của pháp luật. Cụ thể:

- Luật Luật sư năm 2007 được sửa đổi, bổ sung một số điều vào năm 2012, tại Điều 31 quy định:

Điều 31. Hoạt động trợ giúp pháp lý của luật sư

1. Khi thực hiện trợ giúp pháp lý, luật sư phải tận tâm với người được trợ giúp như đối với khách hàng trong những vụ, việc có thù lao

2. Luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý theo Điều lệ của Liên đoàn luật sư Việt Nam”.

- Nghị định số 123/2013/NĐ-CP ngày 14/10/2013 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Luật sư.

Điều 3 Nghị định số 123/2013/NĐ-CP quy định, luật sư có nghĩa vụ trợ giúp pháp lý và không được từ chối thực hiện nghĩa vụ trợ giúp pháp lý trừ trường hợp có lý do chính đáng và giao cho Liên đoàn luật sư Việt Nam hướng dẫn về thời gian, cách thức, hình thức thực hiện trợ giúp pháp lý; hình thức xử lý kỷ luật đối với luật sư vi phạm nghĩa vụ trợ giúp pháp lý; định kỳ hàng năm đánh giá về hoạt động trợ giúp pháp lý của luật sư.

- Điều lệ của Liên đoàn luật sư Việt Nam.

Trên cơ sở quy định của Luật Luật sư năm 2007, Nghị định số 123/2013/NĐ-CP Liên Đoàn luật sư Việt Nam đã ban hành Điều lệ của Liên đoàn luật sư khóa 2. Tại điểm c, khoản 2, Điều 27 của Điều lệ đã quy định về nghĩa vụ của luật sư tham gia trợ giúp pháp lý như sau: “Tham gia phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý miễn phí theo quy định của pháp luật và của Liên đoàn, Đoàn Luật sư”.

- Quyết định số 93/QĐ-BTV ngày 9/10/2014 của Ban thường vụ Liên đoàn luật sư, được sửa đổi, bổ sung bằng Quyết định số 112/QĐ-BTV ngày 18/10/2018 quy định thực hiện nghĩa vụ trợ giúp pháp lý của luật sư. Cụ thể: Đối tượng được hưởng trợ giúp pháp lý; Thời gian thực hiện nghĩa vụ trợ giúp pháp lý; Nội dung trợ giúp pháp lý; Hình thức thực hiện trợ giúp pháp lý; Trách nhiệm trong việc thực hiện và tổ chức, quản lý việc thực hiện nghĩa vụ trợ giúp pháp lý của Luật sư.

Những quy định trên đây cho thấy Luật Luật sư, Nghị định số 123/2013/NĐ-CP và các văn bản của Liên Đoàn Luật sư mới chỉ quy định về nghĩa vụ của Luật sư, trách nhiệm của các tổ chức hành nghề luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý, mà chưa có quy định về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước đối với hoạt động trợ giúp pháp lý. Việc quy định các tổ chức hành nghề luật sư tự mình tổ chức cho Luật sư trợ giúp pháp lý là rất bất cập, thực tế cho thấy tự các tổ chức hành nghề luật sư không thể làm được, mà cần phải có sự phối hợp của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội cùng tổ chức. Vấn đề quan trọng này lại không được quy định trong các văn bản pháp luật. Để giải quyết vấn đề này pháp luật về trợ giúp pháp lý, về Luật sư cần quy định cơ quan nhà nước tổ chức địa điểm cố định để Luật sư thay phiên nhau đến đó thực hiện nghĩa vụ trợ giúp pháp lý, người có yêu cầu trợ giúp pháp lý đến đó để được trợ giúp pháp lý. Cách làm này sẽ khắc phục được tình trạng người có yêu cầu được trợ giúp pháp lý không gặp được Luật sư thực hiện nghĩa vụ trợ giúp pháp lý. Ngoài ra còn khắc phục tình trạng một vụ việc trợ giúp pháp lý cần thời gian hơn 4 giờ (quá thời gian quy định của một Luật sư thực hiện nghĩa vụ trợ giúp pháp lý) thì vẫn thực hiện được vì đã có các Luật sư khác tiếp tục thực hiện./.    

   TS. Phạm Quý Tỵ - Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn

  • Tags: