Văn hóa và văn hóa pháp luật trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa

PLQL - Bài viết tập trung phân tích, làm rõ một số quan niệm chung về văn hóa và văn hóa pháp luật. Từ đó, tác giả trình bày đặc trưng cốt lõi của văn hóa pháp luật trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

PLQL - Bài viết tập trung phân tích, làm rõ một số quan niệm chung về văn hóa và văn hóa pháp luật. Từ đó, tác giả trình bày đặc trưng cốt lõi của văn hóa pháp luật trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

1. Khái quát chung về văn hóa và văn hóa pháp luật
Ngay từ thuở bình minh của xã hội loài người, cùng với ngôn ngữ và tư duy, con người bắt đầu sáng tạo nên giá trị vật chất và tinh thần do sự tương tác giữa con người và giới tự nhiên cũng như xã hội. Những giá trị ấy được hình thành, phát triển và truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ cộng đồng này sang cộng đồng khác, từ xã hội này đến xã hội khác. Với tư cách là một phạm trù có nội hàm rộng lớn, đa diện và được nghiên cứu trên nhiều bình diện khác nhau như xã hội học, văn hóa học, ngôn ngữ học... chính vì vậy, không khó để tìm được một định nghĩa về văn hóa, nhưng làm thế nào để định nghĩa một cách đầy đủ nhất, toàn diện nhất về một phạm trù đa diện như thế lại là một điều vô cùng khó khăn.
Văn hóa Việt Nam có thể được định nghĩa “là mối quan hệ giữa thế giới biểu tượng trong óc một cá nhân hay một tộc người với cái thế giới thực tại ít nhiều đã bị cá nhân này hay tộc người này mô hình hóa theo cái mô hình tồn tại trong biểu tượng”[1]. Theo đó, sự phản ánh thế giới thực tại vào trong bộ óc con người và được mô hình hóa tạo nên sự khác biệt về văn hóa giữa cá thể này với cá thể khác, giữa cộng đồng này với cộng đồng khác. Hay, văn hóa cũng có thể được tiếp cận theo nghĩa đơn giản và dễ hiểu rằng, “văn hóa chẳng qua là chỉ chung tất cả các phương diện sinh hoạt của loài người... Văn hóa đã tức là sinh hoạt thì không kể là dân tộc văn minh hay dã man đều có văn hóa riêng của mình, chỉ khác nhau về trình độ cao thấp mà thôi”.  Như vậy, văn hóa bao gồm các hoạt động sinh hoạt trong đời sống hằng ngày của con người, trong đó thể hiện cả những mặt tích cực lẫn mặt tiêu cực.
Trong Tuyên ngôn thế giới về đa dạng văn hóa của Tổ chức khoa học, giáo dục và văn hóa (UNESCO) năm 2001 xác định: “Văn hóa nên được xem là một tập hợp các đặc trưng về tinh thần, vật chất, trí tuệ và tình cảm của một xã hội hoặc một nhóm người, và bên cạnh nghệ thuật và văn chương, nó còn bao hàm cả lối sống, cách sống trong cộng đồng, hệ thống giá trị, truyền thống và tín ngưỡng”[2]. Với tính chất là một phạm trù được nghiên cứu trên nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau, tuy nhiên, dựa trên cách phân loại phổ biến nhất, có thể nhận thấy một số hình thức văn hóa sau đây: Văn hóa nghệ thuật, văn hóa ẩm thực, văn hóa ứng xử, văn hóa chính trị, văn hóa đạo đức, văn hóa công vụ, văn hóa pháp luật...
Mặc dù không phải là một khái niệm mới bởi ngay từ những thập kỷ 60 của thế kỷ XX, văn hóa pháp luật đã được bàn luận vô cùng sôi nổi bởi nhiều nhà nghiên cứu nổi tiếng như Lawrence M. Friedman, Watson, David Nelken...[3], tuy nhiên, để có thể định rõ hình hài cho khái niệm này cũng là một việc làm không dễ tương tự như khái niệm về văn hóa nói chung. Nguyên nhân của vấn đề này là do văn hóa pháp luật không phải là một khái niệm thuần túy của ngành khoa học pháp lý, tương tự như khái niệm chế tài, trách nhiệm, quyền, nghĩa vụ... mà nó là sự pha trộn giữa cả hai lĩnh vực văn hóa học và luật học. Chính yếu tố này đã làm cho các nhà khoa học khá do dự khi đưa ra một cách giải thích thực sự xác đáng về nội hàm của văn hóa pháp luật. Tuy nhiên, không phải vì thế mà thiếu vắng đi một cách hiểu tổng quát nhất về nó. Văn hóa pháp luật có thể được hiểu “là một cách nhìn về pháp luật, đặt pháp luật trong những tương quan đa chiều với khoa học hành vi, cách nghĩ, cách ứng xử, tôn giáo, niềm tin, các đặc tính nhân học của các cộng đồng và tộc người”[4]. Dựa trên cơ cở của khái niệm văn hóa nói chung, văn hóa pháp luật có thể được hiểu với những đặc điểm sau: (i) Đây là tổng thể những giá trị vật chất và tinh thần mà con người sáng tạo ra trong lĩnh vực pháp luật; (ii) Được thể hiện trong hệ thống quy phạm pháp luật; những tư tưởng, quan điểm, luận điểm, nguyên lý, nguyên tắc, những kinh nghiệm và thói quen tích lũy được trong quá trình xây dựng và thực thi pháp luật[5].
Như vậy, xét dưới góc độ là một bộ phận hữu cơ của văn hóa nói chung, văn hóa pháp luật có thể được xem như một hệ thống thang bậc giá trị làm thước đo đánh giá quan niệm, hiểu biết, thái độ của xã hội trong lĩnh vực pháp luật. Nếu xem xét cấu trúc hệ thống, văn hóa pháp luật được tạo nên từ những thành tố cơ bản sau đây: (i) Tư duy pháp lý; (ii) Ý thức pháp luật; (iii) Hệ thống quy phạm pháp luật và các thiết chế pháp luật; (iv) Các quan hệ pháp luật; (v) Hành vi pháp luật và lối sống pháp luật; (vi) Trình độ, nghệ thuật, kỹ năng, phương thức sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.
2. Những nội dung cốt lõi của văn hóa pháp luật trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa
Sau hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, kể từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng năm 1986, quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ. Đó là cả một quá trình Đảng ta vận dụng, bổ sung, phát triển những tư tưởng, học thuyết về Nhà nước pháp quyền trong lịch sử nhân loại, đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm trong thực tiễn xây dựng đất nước. Xuyên suốt quá trình đó, Đảng đã đặt ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp quan trọng, trong đó Nghị quyết số 03-NQ/TW ngày 16/7/1998 của  Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đã nhấn mạnh yêu cầu: “Các nhân tố vǎn hóa phải gắn kết chặt chẽ với đời sống và hoạt động xã hội trên mọi phương diện chính trị, kinh tế, xã hội, luật pháp, kỷ cương,... biến thành nguồn lực nội sinh quan trọng nhất của phát triển”. Có thể nhận thấy, văn hóa nói chung và văn hóa pháp luật nói riêng, không chỉ là một trong những điều kiện, tiền đề để xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, mà còn là một thước đo thể hiện sự tiến bộ, văn minh và nhân văn của một xã hội, một dân tộc, một quốc gia.
Tiếp cận văn hóa pháp luật trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa sẽ vô cùng khó khăn và phức tạp nếu như không có một sự giới hạn và phân tách hợp lý. Trong nội dung bài viết này, tác giả lựa chọn cách tiếp cận về văn hóa pháp luật dựa trên ba lĩnh vực quan trọng là lập pháp, hành pháp và tư pháp dưới góc độ của chủ thể quản lý. Để có sự lựa chọn này, tác giả dựa trên những nét riêng biệt của từng lĩnh vực, mà ở đó bắt buộc chủ thể quản lý, ngoài những nguyên tắc chung nhất định, cần phải tuân theo những chuẩn mực văn hóa nhất định riêng có.
Thứ nhất, văn hóa pháp luật trong lĩnh vực lập pháp
Một trong những đặc điểm cơ bản của Nhà nước pháp quyền là pháp luật giữ vai trò thống trị trong đời sống xã hội mà nguyên tắc cốt lõi phải được đề cao là thượng tôn Hiến pháp và pháp luật. Do đó, trong lĩnh vực lập pháp, việc thiết lập văn hóa pháp luật, văn hóa Hiến pháp được xem là sợi chỉ đỏ, là “cấu trúc nền” để vận hành, thực thi những nguyên tắc, nhiệm vụ trong Nhà nước pháp quyền. Để xây dựng được văn hóa Hiến pháp, điều kiện tiên quyết là phải chuyển tải được những giá trị nhân văn, tiến bộ, văn minh vào trong bản Hiến pháp quốc gia. Đồng thời, khi những giá trị ấy đã được văn kiện có giá trị pháp lý tối cao ghi nhận thì cần phải có các cơ chế hợp lý đảm bảo thực thi được những giá trị đó trong thực tế. Nếu như Hiến pháp được ví như một bản “khế ước” giữa Nhà nước và nhân dân thì văn hóa Hiến pháp được xem là cơ sở nền tảng đặc biệt quan trọng trong văn hóa pháp luật và có mối liên hệ hữu cơ, hợp thành văn hóa của một quốc gia. Khi nhìn vào hệ thống giá trị căn bản mà văn hóa Hiến pháp của đất nước đó thể hiện như: Quyền dân sự, chính trị, xã hội và văn hóa của con người; chủ quyền nhân dân; nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước; cơ chế bảo hiến; mối quan hệ về quyền, nghĩa vụ giữa Nhà nước và nhân dân... người ta có thể đánh giá, đo lường được phần nào về trình độ văn minh, dân chủ, tiến bộ xã hội.
Thứ hai, văn hóa pháp luật trong lĩnh vực hành pháp
Trong Nhà nước pháp quyền, mỗi cơ quan nhà nước đều đảm nhận một vai trò, vị trí hiến định. Nếu Quốc hội có chức năng cơ bản là lập hiến và lập pháp, Tòa án có thẩm quyền xét xử các hành vi vi phạm pháp luật thì vai trò của các cơ quan hành pháp là đề xuất chính sách, pháp luật và tổ chức thi hành chính sách, pháp luật. Do đó, theo nghĩa rộng, hành pháp sẽ bao gồm cả việc đề xuất, khởi xướng, định hướng chính sách và tổ chức thực hiện chính sách[6]. Vì vậy, văn hóa pháp luật trong lĩnh vực hành pháp cũng thể hiện thông qua hai khía cạnh sau: (i) Văn hóa trong xây dựng chính sách, pháp luật; (ii) Văn hóa công vụ.
Trong quá trình đề xuất, xây dựng chính sách, pháp luật, đòi hỏi các cơ quan hành pháp không chỉ tiến hành đúng thẩm quyền, quy trình theo luật định mà còn phải đảm bảo tính dân chủ, sự tham gia của nhân dân và các đoàn thể chính trị - xã hội vào quá trình góp ý, tham vấn, phản biện xã hội. Để làm được điều đó, một mặt, phải xây dựng được thể chế, phương thức và quy trình để nhân dân tham gia vào việc cho ý kiến đối với các chính sách, pháp luật; mặt khác, người dân cũng cần phải nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật, tăng cường sự chủ động, tích cực vào công tác quản lý nhà nước, quản lý xã hội.
Bên cạnh đó, để đưa chính sách, pháp luật vào cuộc sống, các cơ quan hành pháp có một đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tương đối đồ sộ[7]. Chính vì vậy, thiết nghĩ, rất cần thiết hình thành và hoàn thiện nền văn hóa công vụ mang tính chuyên nghiệp ở cả hai góc độ: (i) Nâng cao kỹ năng, năng lực công tác và đạo đức nghề nghiệp trong đội ngũ cán bộ, công chức; (ii) Thủ tục, quy trình cần phải minh bạch, công khai, đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của người dân trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Thứ ba, văn hóa pháp luật trong lĩnh vực tư pháp
Đây có thể được xem là một lĩnh vực khá nhạy cảm vì nó trực tiếp ảnh hưởng đến quyền, tự do, thậm chí là tính mạng của một con người. Chính vì vậy, việc hình thành văn hóa pháp luật trong lĩnh vực này có những nét đặc thù nhất định, trong đó, cần phải đề cao tính công bằng, liêm chính, trung thực, khách quan trong xuyên suốt quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. Ngoài ra, trong lĩnh vực này, việc nhìn nhận về giá trị của văn hóa quyền con người càng phải được đặt lên trên và trước hết. Bởi lẽ, quyền con người trong thế giới ngày nay dần được thừa nhận như một giá trị phổ quát của văn hóa nhân loại và so với các lĩnh vực khác, đây là một lĩnh vực mà quyền con người dễ dàng bị tác động và xâm phạm nhất. Tạo lập văn hóa quyền con người ở mọi lĩnh vực nói chung và trong phạm vi hoạt động tư pháp nói riêng được xem là một trong những điều kiện cơ bản để đảm bảo nguyên tắc hiến định: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”[8].
3. Kết luận và kiến nghị
Suốt một thời gian dài tồn tại dưới chế độ phong kiến, người dân Việt Nam đã quen với nếp sống được chỉ dẫn bởi những đạo lý truyền thống, luật tục, lệ làng... Do đó, việc xây dựng và hình thành văn hóa pháp luật mang bản sắc riêng có của nước ta là một hành trình dài và nhiều thử thách. Tuy nhiên, trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới, dù muốn hay không, việc xác lập những thang bậc giá trị trong văn hóa pháp luật là điều cần thiết ở nước ta hiện nay. Bởi lẽ, hướng đến Nhà nước pháp quyền là hướng đến những chuẩn mực nhất định trong suy nghĩ, tư duy, hành vi của mỗi người phù hợp với trật tự, ổn định mà pháp luật điều chỉnh. Để làm được điều đó, thiết nghĩ cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trên các mặt của đời sống chính trị pháp lý là lập pháp, hành pháp và tư pháp. Trong đó, cần nhấn mạnh đến công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam tiệm cận với những chuẩn mực chung của pháp luật quốc tế; đồng thời, phải tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và kỹ năng sử dụng pháp luật của người dân. Nếu thực hiện được những điều như trên cũng là góp phần thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Văn hóa có liên lạc với chính trị rất mật thiết. Phải làm thế nào cho văn hóa vào sâu trong tâm lý quốc dân, nghĩa là văn hóa phải sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ... Đồng thời, văn hóa phải làm thế nào cho quốc dân có tinh thần vì nước quên mình, vì lợi ích chung mà quên lợi ích riêng. Với xã hội, văn hóa phải làm thế nào cho mỗi người dân Việt Nam từ già đến trẻ, cả đàn ông và đàn bà ai cũng hiểu cái nhiệm vụ của mình và biết hưởng cái hạnh phúc của mình nên được hưởng”[9].

Nguyễn Quang Thành & Nguyễn Thanh Tuấn
Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp


[1] Phan Ngọc, Bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1998, tr. 17.

[2] UNESCO, Universal Declaration on Cultural Diversity, https://en.unesco.org/, truy cập ngày 17/5/2018.

[3] Phạm Duy Nghĩa, Góp phần tìm hiểu văn hóa pháp luật, Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội, Kinh tế - Luật 24 (2008), 1-8, tr. 1.

[4] Phạm Duy Nghĩa, Tlđd, tr. 1.

[5] Lê Minh Tâm, Vấn đề văn hóa pháp luật ở nước ta trong giai đoạn hiện nay, Tạp chí Luật học, số 5, 1998, tr. 17-24.

[6] Viện Khoa học pháp lý, Thực hiện quyền hành pháp của Chính phủ theo Hiến pháp năm 2013, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2017, tr. 37.

[7] Tính vào thời điểm 31/12/2016, biên chế của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ giai đoạn 2011 - 2016 là 121.082 người; công chức, viên chức của chính quyền địa phương (cấp tỉnh, cấp huyện) là 2.259.382 biên chế; đơn vị hành chính cấp xã có 235.627 cán bộ, công chức. Nguồn: Ban Tuyên giáo Trung ương, Tài liệu nghiên cứu các văn kiện Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2017, tr. 71, 84, 96.

[8] Khoản 1 Điều 14 Hiến pháp năm 2013.

[9] Hồ Chí Minh, Phát biểu tại Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, Hà Nội, ngày 24/11/1946.

  • Tags: