Xã hội hóa nhưng cần nâng cao vai trò quản lý

PLQL - Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, từ năm học tới, sách giáo khoa (SGK) lớp 1 mới bắt đầu được áp dụng. Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam thực hiện một chương trình, nhiều SGK, tức tiến hành xã hội hóa khâu biên soạn SGK; cho phép nhiều

PLQL - Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, từ năm học tới, sách giáo khoa (SGK) lớp 1 mới bắt đầu được áp dụng. Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam thực hiện một chương trình, nhiều SGK, tức tiến hành xã hội hóa khâu biên soạn SGK; cho phép nhiều nhà xuất bản cùng tham gia làm SGK.

Ảnh minh họa - Internet 

Đã có 46 đầu SGK lớp 1 thuộc 5 bộ SGK được phê duyệt để áp dụng cho năm học 2020-2021. Mỗi SGK có cách tiếp cận khác nhau tùy vùng miền, có sử dụng một số phương ngữ. Các tỉnh thành dựa trên yếu tố địa phương, người học, để chọn SGK, tạo thuận tiện cho quá trình tổ chức dạy học. Đến nay, 63 tỉnh thành đã lựa chọn xong SGK lớp 1. Bộ GD-ĐT khẳng định, cả 5 bộ sách ở 46 đầu sách đều được hội đồng quốc gia thẩm định về mặt chuyên môn, đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới và chuẩn đầu ra đối với từng môn học.

Tuy nhiên, dư luận xã hội còn nhiều băn khoăn, chưa thực sự yên tâm. Trước hết là việc có nên xã hội hóa hoàn toàn về SGK? Với chủ trương mới, việc biên soạn, xuất bản các bộ SGK hoàn toàn dựa trên vốn tự có của các đơn vị xuất bản, đã tiết kiệm cho ngân sách một khoản không nhỏ, đánh dấu thành công bước đầu của chủ trương xã hội hóa. Điều cần nói là để chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Nghị quyết 88 về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông của Quốc hội đã giao Bộ GD-ĐT tổ chức biên soạn một bộ SGK. Nhưng đến thời điểm này, bộ báo cáo không có khả năng hoàn thành nhiệm vụ. Một trong những nguyên nhân chính là vướng mắc về cơ chế chi trả nhuận bút cho tác giả viết sách và quan trọng hơn là hầu hết các tác giả được dự kiến tuyển chọn lại đang thực hiện hợp đồng biên soạn SGK với các nhà xuất bản khác, khiến Bộ GD-ĐT không thể tìm đủ tác giả. Bộ GD-ĐT khẳng định, dù không tiếp tục tổ chức biên soạn bộ SGK nhưng vẫn đảm bảo đủ SGK, đồng thời sẽ thuận lợi hơn cho việc xã hội hóa biên soạn SGK, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các nhà xuất bản.

Trong Nghị quyết kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV vừa ban hành, Quốc hội đã đồng tình khi thực hiện biên soạn SGK theo phương thức xã hội hóa. Nếu mỗi môn học cụ thể đã hoàn thành ít nhất một bộ SGK được thẩm định, phê duyệt thì không triển khai biên soạn SGK sử dụng ngân sách nhà nước của môn học đó. Như vậy, tới đây việc xã hội hóa SGK có khả năng được thực hiện triệt để. Có ý kiến đồng tình việc Bộ GD-ĐT không biên soạn SGK để thúc đẩy và tạo điều kiện khuyến khích các tổ chức, cá nhân có tâm huyết, có nhiều sáng kiến viết SGK, hạn chế việc độc quyền, tạo cạnh tranh bình đẳng, khách quan trong việc biên soạn SGK. Nhưng cũng có nhiều ý kiến lo lắng, nếu Bộ GD-ĐT rút khỏi việc biên soạn SGK và SGK được xã hội hóa hoàn toàn do các nhà xuất bản biên soạn, vậy nếu có bộ SGK nào đó của các nhà xuất bản không bảo đảm chất lượng, bộ sẽ tính sao? Hoặc, học sinh sẽ thiếu sách để học, hoặc là bộ phải chấp nhận “gọt chân cho vừa giày”, gật đầu thẩm định để đủ SGK.

Đó là băn khoăn hết sức có lý mà dư luận đang đặt ra, cần Chính phủ, Bộ GD-ĐT có giải pháp để bảo đảm chất lượng việc biên soạn, thẩm định SGK từ lớp 2 đến lớp 12 tới đây, đồng thời phải hoàn thiện quy trình, chính sách biên soạn SGK phổ thông để bảo đảm minh bạch, không tiêu cực, không ảnh hưởng chất lượng SGK.

Nhiều ý kiến cũng lo lắng, khi có nhiều bộ SGK, các địa phương lại được trao quyền lựa chọn, mỗi bộ sách có một đặc điểm riêng, nhưng khi thi lại theo đề chung cả nước. Liệu có bảo đảm sự thống nhất trong toàn quốc? Đó là chưa kể không loại trừ tình trạng “luồn cửa sau” để bộ SGK nào đó được lựa chọn. Bên cạnh đó, với giá SGK lớp 1 mới mà các nhà xuất bản đang kê khai cao hơn khoảng 3 lần bộ SGK hiện tại, xã hội cũng cần cơ quan quản lý định giá SGK sao cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và thu nhập của người dân, vì đây là một loại hàng hóa đặc biệt. 

Chắc chắn một điều, dù xã hội hóa SGK thì Bộ GD-ĐT vẫn cần thực hiện đúng và đầy đủ vai trò quản lý nhà nước trong việc xây dựng, chỉ đạo thực hiện kế hoạch tập huấn giáo viên, triển khai đánh giá kết quả thực hiện chương trình SGK. Đồng thời, xem xét việc kê khai giá SGK hàng năm của các nhà xuất bản để bảo đảm giá cả hợp lý; tăng cường vai trò quản lý nhà nước trong việc hướng dẫn, kiểm tra các cơ sở nhằm lựa chọn SGK phù hợp, đảm bảo đúng quy định, tránh tiêu cực, tạo được niềm tin trong xã hội. Chính phủ và Bộ GD-ĐT cũng cần có biện pháp quản lý tốt hơn lĩnh vực SGK, làm sao cho tất cả học sinh đều có cơ hội tiếp cận được bộ SGK tốt nhất, bảo đảm công bằng khi thi cử.

  • Tags: