Xác định đúng vai trò, vị thế của kinh tế tư nhân và FDI

Cùng với vị thế và vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, chúng ta cần nắm lấy kinh tế tư nhân và phát triển mạnh mẽ một cách tất yếu khu vực này với tư cách vừa là bộ phận cấu thành quan trọng vừa là động lực phát triển của nền kinh tế quốc gia.

Cùng với vị thế và vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, chúng ta cần nắm lấy kinh tế tư nhân và phát triển mạnh mẽ một cách tất yếu khu vực này với tư cách vừa là bộ phận cấu thành quan trọng vừa là động lực phát triển của nền kinh tế quốc gia. Với khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, nếu không có phương cách bứt lên thì giá trị gia tăng tất hạn chế trong lúc lại đối mặt với độ rủi ro tiềm tàng rất cao.

Thúc đẩy bản lĩnh khởi nghiệp sáng tạo

Ngày nay, ở các nước phát triển, khu vực kinh tế tư nhân chiếm trên 85% GDP, là trụ cột bảo đảm cho nền kinh tế quốc gia phát triển ổn định, vững mạnh. Các nước có nền kinh tế thị trường phát triển đều xác định kinh tế tư nhân là động lực, là xương sống của nền kinh tế. Từ đó các nhà nước đều tạo mọi điều kiện cho thành phần kinh tế này phát triển. Nhờ vậy, giai đoạn đầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm đều đạt hai con số, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… Đồng thời, bằng chính sách điều tiết thu nhập các giai tầng trong xã hội, khát vọng làm giàu của con người ở các quốc gia phát triển là nhân tố đóng vai trò quan trọng nhất, tạo tiềm lực tài chính để thực hiện nhiều chính sách an sinh xã hội tiến bộ, điển hình như tại Đan Mạch, Thuỵ Điển, Na Uy, Hà Lan, Phần Lan…

Điều đó càng cho thấy, để đưa nền kinh tế đất nước thoát khỏi tình trạng thiếu cân bằng cần thiết, thậm chí tiềm tàng mất cân đối vì quá lệ thuộc vào khu vực nào đó (chẳng hạn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài FDI) thì phải đặt kinh tế tư nhân và doanh nghiệp tư nhân trong nước ở đúng vị thế vốn có của nó.

Khu vực kinh tế tư nhân ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế

Trải qua hơn 20 năm đổi mới, từ lúc chưa được thừa nhận, bị hạn chế phát triển đến nay, kinh tế tư nhân ở nước ta đã có những thay đổi đáng kể, với việc từng bước được “cởi trói” và dần trở thành một thành phần không thể thiếu trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Mốc quan trọng đầu tiên là Nghị quyết số 14-NQ/TW, ngày 18.3.2002 của Ban Chấp hành Trung ương (Khoá IX) “Về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích, tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân”, kinh tế tư nhân đã chính thức được khuyến khích phát triển với nhiều giải pháp quan trọng. Sau đó, qua các kỳ Đại hội toàn quốc của Đảng, vai trò của kinh tế tư nhân đối với nền kinh tế quốc dân tiếp tục được khẳng định và nhấn mạnh. Đến ngày 3.6.2017, tại Hội nghị Trung ương 5 (Khóa XII), Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW về “Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Đó là bước tiến tất yếu, rất quan trọng trong nhận thức và tổ chức thực hiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ngày càng hoàn bị và hiện đại. Và, doanh nghiệp tư nhân vươn tới phải là doanh nghiệp mang thương hiệu Việt, một trong những chủ thể làm nên nội lực của nền kinh tế.

Tuy nhiên, thực tế phát triển của khu vực kinh tế tư nhân cũng đã cho thấy, quy mô bình quân các đơn vị kinh tế tư nhân còn nhỏ, chủ yếu là kinh tế cá thể đóng góp tới 30% GDP, các doanh nghiệp tư nhân chỉ đóng góp khoảng 9% GDP. Nhìn rộng hơn, sự đóng góp của kinh tế tư nhân vào tăng trưởng nền kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng; tỷ trọng trong GDP ít thay đổi trong 10 năm qua. Điều đáng quan tâm nhất là, người đi tiên phong trong khu vực này - doanh nghiệp - gặp không ít vấn đề nan giải.

Vì sao hàng năm, một số lượng rất lớn doanh nghiệp tư nhân phải ngừng hoạt động hoặc bị giải thể? Trong hai năm 2017 - 2018, tỷ lệ doanh nghiệp tư nhân tạm ngừng hoạt động so với số doanh nghiệp tư nhân thành lập mới lần lượt là 47,73% và 69,05%; gần 50% số doanh nghiệp tư nhân kinh doanh thua lỗ. Trong những năm gần đây, tỷ trọng của kinh tế tư nhân trong GDP có xu hướng giảm, từ 43% (1995), 39% (2010) và 38% (2017). Tỷ trọng của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong GDP chỉ là 8,64% (2017).

Vì sao không ít nơi và trên nhiều phương diện, sự hành xử đối với khu vực kinh tế tư nhân chưa công bằng, chưa xứng tầm…, dù nó đang tạo ra khoảng 40% GDP, gần 30% ngân sách nhà nước, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động cả nước?

Chúng ta phải trả lời và tháo gỡ tất cả những điều đó, không thể khác được, nếu muốn và kỳ vọng kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế quốc gia.

Trong khi các doanh nghiệp nhà nước ngày càng lâm vào tình trạng khó khăn, phải thừa nhận rằng, số lượng các doanh nghiệp tư nhân trong nước vẫn chưa đủ lớn và mạnh cả quy mô và thực lực để tạo đà thực sự cho phát triển công nghiệp. Khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước có 591.499 doanh nghiệp, chiếm 96,9% số doanh nghiệp cả nước, tăng 9,2% (trong đó có 258.722 doanh nghiệp kinh doanh có lãi, chiếm 43,7%; có 45.308 doanh nghiệp kinh doanh hòa vốn, chiếm 7,7%; có 287.469 doanh nghiệp kinh doanh lỗ, chiếm 48,6%). Điều này cho thấy, chúng ta đang đi thiên lệch trên nhiều phương diện, nhất là về pháp lý và tạo điều kiện về vốn… Không ít dư địa về quản trị phát triển kinh tế tư nhân cũng đang bị bỏ trống. Rõ ràng, đây càng là bước quan trọng trên con đường cần phải đi để kinh tế tư nhân góp phần giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng và phát triển, với những tập đoàn đủ mạnh, trực tiếp nâng cao thực lực, uy tín của nền kinh tế và khả năng chống chịu của nền kinh tế nước ta.

Để trân trọng khát vọng làm giàu chính đáng của người dân, cần dỡ bỏ và làm “tan băng” những rào cản về tâm lý, đồng thời cải cách mạnh mẽ về thể chế, phát triển kinh tế tư nhân với tư cách vừa là bộ phận cấu thành quan trọng vừa là động lực phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế quốc gia. Từ thực tiễn phát triển mấy thế kỷ của kinh tế thị trường trên thế giới cùng những thành công và chưa thành công của Việt Nam sau 35 năm đổi mới, phát triển kinh tế càng cho thấy, phải cấp bách làm nhanh tất cả những điều đó, không do dự, không cầu toàn, để kinh tế tư nhân phát triển đúng các quy luật của kinh tế thị trường, từ đó góp phần đẩy nhanh tốc độ vươn tới dân giàu, nước mạnh. Đó chính là một nhân tố quan trọng của nội lực kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, phải đẩy mạnh cải cách thể chế, tạo các điều kiện cần và đủ trong sự vận hành khoa học của thể chế nhà nước, đặc biệt là việc giảm tệ hành chính quan liêu. Các thể chế kinh tế của Việt Nam cần được hiện đại hóa và cần được cải cách liên tục theo hướng bình đẳng về khuôn khổ pháp lý, trước hết cởi bỏ tư duy lỗi thời, những rào cản về tâm lý, đặc biệt giải phóng về vốn, tạo nền móng thúc đẩy bản lĩnh khởi nghiệp sáng tạo… để khu vực tư nhân phát triển thịnh vượng.

Lường trước hệ quả thời kỳ “hậu FDI”

Đối với khu vực kinh tế FDI, trong vài năm gần đây, chúng ta đã đón khá nhiều doanh nghiệp lớn như các đối tác của Apple là Foxconn, Pegatron… và những công ty lâu năm như Samsung, LG cũng có động thái mở rộng. Đây là tín hiệu tốt cho Việt Nam. Dù vậy, nền kinh tế nước ta đang lệ thuộc vào khu vực FDI.

Kết thúc năm 2019, thành phần kinh tế FDI chiếm trên 70% giá trị sản xuất công nghiệp và trên 70% giá trị xuất khẩu của nước ta. Nhưng nếu FDI chỉ chiếm chừng 20 - 22% GDP mà chiếm tới 70% tổng kim ngạch xuất khẩu lại “là có chuyện”. Năm 2020, xuất khẩu kể cả dầu thô đạt gần 181 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ, chiếm 71,3% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô đạt 179,5 tỷ USD, tăng 6,9% so với cùng kỳ, chiếm 70,7% kim ngạch xuất khẩu cả nước. Nhập khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài đạt 148,9 tỷ USD, tăng 9,1% so cùng kỳ và chiếm 63,5% kim ngạch nhập khẩu cả nước. Tính chung, khu vực đầu tư nước ngoài xuất siêu 32,1 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu 30,6 tỷ USD không kể dầu thô, bù đắp phần nhập siêu 12,7 tỷ USD của khu vực trong nước, giúp cả nước xuất siêu 19,4 tỷ USD. Ai dám chắc rằng, điều này không làm gia tăng độ rủi ro và mức độ phụ thuộc của nền kinh tế nước ta vào khu vực này? Nghĩa là, “doanh nghiệp FDI được hưởng hầu hết lợi ích thương mại do nỗ lực hội nhập của ta mang lại” như các chuyên gia kinh tế cảnh báo gần đây. Đồng thời, liệu có cần lường trước hệ quả không chỉ về kinh tế mà cả về môi trường sinh thái và xã hội, thời kỳ “hậu FDI” hay không?

Chúng ta phải mở cửa nền kinh tế trên cơ sở độc lập, tạo giá trị bằng năng lực của mình như thu về xuất siêu dựa vào doanh nghiệp, bớt được phần nhập siêu của doanh nghiệp. Đúng là xuất siêu, nhưng với giá trị gia tăng thấp, chủ yếu bán tài nguyên thô, giá nhân công thấp… thì lại cần suy xét nghiêm ngặt. Qua xuất siêu, chúng ta được hưởng lợi ít nhiều về ngân sách trước mắt, ngắn hạn, nhưng nhìn về trung hạn và dài hạn thì đây lại là điều không thể xem nhẹ, như nhiều chuyên gia kinh tế đã cảnh báo. Điều đáng suy nghĩ và nan giải nhất là, trình độ và cao hơn là đẳng cấp của nền kinh tế nước ta. Hiện nay, những tập đoàn lớn, rất khó tính vào Việt Nam như Samsung, Intel, LG... nhưng những tập đoàn này chỉ là cơ hội để chúng ta tham dự vào chuỗi giá trị thế giới trong khi chuỗi vẫn là của họ. Nghĩa là, chúng ta vẫn ở tình trạng phân khúc thấp. Nếu không có phương cách thoát ra và bứt lên thì giá trị gia tăng tất hạn chế trong lúc lại đối mặt với độ rủi ro tiềm tàng rất cao. Vì thế, bàn định để phát triển công nghiệp hỗ trợ (như đã trình bày ở phần trên cùng) đối với chúng ta là vô cùng ý nghĩa và cấp thiết.

Mặt khác, lâu nay, cơ cấu kinh tế của Việt Nam có một vấn đề lớn là phụ thuộc vào lao động giá rẻ. Nhìn từ góc độ này, có lẽ, thành tích cao nhất của nền kinh tế khi gặp dịch là giữ cho nền kinh tế thâm dụng lao động giá rẻ, tập trung đông người nhưng không bị mất sức chiến đấu do dịch bệnh. Qua chặng đường phòng, chống đại dịch Covid-19 năm 2020 và nửa đầu năm 2021 cho thấy, Samsung “đứng” được, các doanh nghiệp dệt may FDI “sống” được… một phần căn bản là do chúng ta thành công khắc chế được đại dịch. Nhưng, trong tương lai, các doanh nghiệp thâm dụng lao động sẽ đứng trước nguy cơ rủi ro rất lớn. Nhìn ở khía cạnh khác, về việc làm, trong lúc bức bách, chúng ta giải quyết được số lượng lớn, dù là ngắn hạn và giúp giảm sức ép đáng kể nhưng cơ bản vẫn là việc làm chất lượng thấp, chưa tương xứng để đón những tập đoàn tốt, thì đó lại là mối lo rất dài, rất lớn. Làm gì và làm thế nào để vừa không bị động trong việc thường trực phải đối phó với những tình thế ngắn hạn, vừa chuẩn bị lực lượng lao động chất lượng cao tập trung chuẩn bị năng lực, điều kiện về nguồn lực con người mang tầm dài hạn trên phương diện này lại là vấn đề cấp bách phải giải quyết ngay từ bây giờ. Nhìn tổng thể, cấp bách phải tiếp tục đột phá thực thi chiến lược về nhân sự, nhân lực và con người bảo đảm sự phát triển bền vững của tất cả các loại hình doanh nghiệp.

TS. Nhị Lê - Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản

  • Tags: