Apple đã phải trả hàng tỷ USD trong nhiều vụ kiện xâm phạm bản quyền
Là một trong những hãng công nghệ hàng đầu thế giới, Apple không ít lần bị vướng vào các vụ kiện bản quyền, bằng sáng chế, có những vụ kiện kéo dài cả thập kỷ.
Để có được chỗ đứng vững chắc trong giới công nghệ và có quy mô toàn thế giới như hiện tại, Apple đã liên tục tung ra sản phẩm mới và điều đó vô tình khiến Táo khuyết trở thành mục tiêu tấn công của nhiều đối thủ.
Vụ đầu tiên phải kể đến là cuộc chiến pháp lý giữa Apple và VirnetX liên quan đến an ninh truyền dữ liệu trong các thiết bị như iPhone, iPad và iPod Touch. VirnetX bắt đầu kiện Apple từ năm 2012, cáo buộc hãng này vi phạm 4 bằng sáng chế. Trong đơn kiện năm 2012, VirnetX cho rằng chức năng VPN On Demand của Apple sử dụng công nghệ được cấp bằng sáng chế của VirnetX. Phía Apple phản bác tính hiệu lực của bằng sáng chế của VirnetX.
Năm 2012, tòa sơ thẩm phán quyết Apple phải bồi thường cho VirnetX 368,2 triệu USD. Tuy nhiên, phán quyết sơ thẩm đã bị tòa án liên bang Mỹ bác bỏ vì lý do số tiền bồi thường chưa hợp lý, cần tính toán lại. Tháng 2/2016, số tiền bồi thường đã được tăng lên 625,6 triệu USD - mức đòi bồi thường lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ về vi phạm bản quyền. Tuy nhiên, con số này một lần nữa không được tòa án liên bang chấp nhận. Trong phiên xét xử tháng 10/2016, tòa đã phán quyết mức phạt là 302,4 triệu USD.
Và mới đây, ngày 30/10/2020 một bồi thẩm đoàn ở Texas (Mỹ) ra phán quyết hãng Apple phải trả 503 triệu USD vì vi phạm bản quyền công nghệ mạng riêng ảo (VPN) của công ty an ninh phần mềm VirnetX trụ sở tại Nevada.
Trước đó vài tháng, theo phán quyết của tòa án Texas (Mỹ), Apple sẽ phải trả 506 triệu USD vì vi phạm bằng sáng chế công nghệ LTE do PanOptis và các công ty liên quan nắm giữ. Đây là lần đầu tiên một phiên tòa xét xử các vụ kiện về bằng sáng chế diễn ra trực tiếp kể từ sau đại dịch Covid-19 bùng phát. Vụ kiện tập trung vào quyền sử dụng một số bằng sáng chế Optis Wireless, tất cả đều liên quan đến công nghệ di động LTE có trên iPhone, Apple Watch và iPad.
Trong suốt quá trình diễn ra vụ kiện, Apple đã chứng minh họ không vi phạm công nghệ có trong các bằng sáng chế để kết nối mạng LTE. Một trong những lập luận quan trọng của Apple là nhìn vào bên trong iPhone để tìm ra bằng chứng họ không vi phạm các bằng sáng chế được nhắc đến. Apple đã lập luận rằng khả năng tương thích của iPhone với LTE – cũng giống như bao điện thoại thông minh khác trên thị trường – là không vi phạm bằng sáng chế. Mặt khác, Optis Wireless thì lại cho rằng Apple đã vi phạm công nghệ của mình khi đã từ chối tham gia thỏa thuận cấp phép. Optis Wireless cho biết họ đã đề nghị cấp "giấy phép toàn cầu" cho Apple để công ty này sử dụng hợp pháp các công nghệ có trong bằng sáng chế về tiêu chuẩn LTE. Theo đó, điều này tuân thủ các nghĩa vụ "Công bằng, Hợp lý và không Phân biệt đối xử". Optis Wireless đã nhiều lần đàm phán với Apple về một thỏa thuận chung, nhưng các cuộc đàm phán đều không thành công.
Bất chấp lập luận của Apple, bồi thẩm đoàn cho rằng công ty đã không chứng minh được các lập luận của phía Optis Wireless là vô căn cứ. Do đó, tuyên Apple phải trả 506.200.000 USD cho Optis Wireless và các công ty liên quan.
Trước đó, Patent troll đã cáo buộc Apple vi phạm một loạt các khía cạnh liên quan đến cách điện thoại thông minh và hệ điều hành hoạt động. Danh sách đầy đủ các bằng sáng chế bị Apple vi phạm theo Seven bao gồm: Phương pháp và thiết bị để tiết kiệm năng lượng để tải xuống tệp; Kiến trúc kết nối cho mạng di động; Quản lý năng lượng thiết bị di động trong đồng bộ hóa dữ liệu qua mạng di động; Hệ thống cung cấp dịch vụ mạng theo kiểu phân tán cho thiết bị di động; Trình điều khiển tài nguyên và theo dõi thông minh; Tối ưu hóa lưu lượng ứng dụng di động; Xác thực nhiều cửa hàng dữ liệu; Tối ưu hóa điều phối lưu lượng truy cập mạng di động trên nhiều ứng dụng di động; Thiết bị di động được định cấu hình để giao tiếp với thiết bị di động khác được liên kết với người dùng được liên kết; Hệ thống, Phương pháp và Phương tiện có thể đọc được trên Máy tính cho Tiêu chí Ra quyết định của Thiết bị Người dùng về Kết nối và Bàn giao; Vận chuyển từ đầu đến cuối an toàn thông qua các nút trung gian; Xác thực nhiều cửa hàng dữ liệu; Trung tâm nhắn tin để chuyển tiếp thư điện tử; Tìm nạp dự đoán lưu lượng ứng dụng di động; Kiến trúc kết nối cho mạng di động; Vận chuyển từ đầu đến cuối an toàn thông qua các nút trung gian.
Đây không phải lần đầu tiên Patent troll Seven Networks kiện Apple về các bằng sáng chế mơ hồ. Và trong hầu hết các vụ kiện này thì “Táo khuyết” thường thắng kiện nhưng cũng có trường hợp công ty nằm ở bên thua cuộc. Apple thậm chí còn đóng cửa các cửa hàng bán lẻ của mình ở Texas để đảm bảo hãng không phải là mục tiêu dễ dàng cho các Patent troll vì hầu hết các trường hợp được đệ trình chống lại hãng là từ đây.
Ngược lại thời gian trước đây, Apple cũng bị phạt tới 31 triệu USD vì vi phạm bản quyền công nghệ. Cụ thể, nhà sản xuất chip di động Qualcomm đã giành chiến thắng pháp lý lớn trước Apple, khi bồi thẩm đoàn tại tòa án liên bang Mỹ ở San Diego phạt nhà sản xuất iPhone bồi thường cho Qualcomm khoảng 31 triệu USD vì vi phạm 3 bằng sáng chế công nghệ thuộc sở hữu của hãng sản xuất chip.
Liên quan đến vi phạm các bằng sáng chế công nghệ giúp điện thoại di động có thời lượng pin tốt hơn, Qualcomm cũng đã kiện Apple. Trong phiên tòa kéo dài 8 ngày, Qualcomm đã kiến nghị bồi thẩm đoàn áp đặt khoản tiền phạt bản quyền sáng chế cho Apple với mức phạt 1,41 USD với mỗi chiếc iPhone vi phạm các bằng sáng chế.
Google lao đao vì những vụ kiện bản quyền và vi phạm sáng chế
1. Oracle tố cáo Google vi phạm bản quyền hai bằng sáng chế : Vụ kiện bắt đầu từ năm 2010, Oracle tố cáo Google vi phạm bản quyền hai bằng sáng chế và 37 giao diện lập trình ứng dụng (API) Java của công ty. Google đã bác bỏ cáo buộc này, hãng nói theo Luật Sử dụng hợp pháp (Fair Use), công ty không cần phải có giấy phép khi sử dụng phần mềm nguồn mở. Cuối cùng, tòa án kết luận các API của Oracle không có bản quyền, nhưng có một số chức năng và tập tin bảo mật đã vi phạm quy tắc bản quyền.
Năm 2017 vụ kiện được đưa lên Tòa án phúc thẩm của Liên bang Hoa Kỳ. Năm 2018, Tòa tuyên bố việc Google sử dụng phần mềm Java của Oracle đã “vượt quá giới hạn sử dụng hợp pháp”. “Gã khổng lồ tìm kiếm” có thể phải trả cho Oracle mức tiền phạt lên đến 8,8 tỷ USD. Điều này một lần nữa lật ngược phán quyết ban hành năm 2016. Google đã đệ trình một bản kiến nghị lên Tòa án Tối cao vào đầu năm nay. Và hôm qua cơ quan này đã đồng ý tiếp nhận đơn kháng cáo của Google chống lại quyết định của Tòa án Liên bang năm ngoái theo hướng có lợi cho Oracle.
Có hai vấn đề chính trong vụ tranh chấp giữa Google và Oracle. Điều thứ nhất, ngay từ đầu các API có bản quyền hay không. Với các giao diện phần mềm đã đăng ký bản quyền, việc chỉ sao chép phần cấu trúc thiết kế, không phải phần mã, theo luật là hoàn toàn hợp pháp. Điều này đã được quy định rõ ràng trong luật Sử dụng Hợp pháp. Các nhà phát triển thường sử dụng giao diện tương tự trên các hệ điều hành khác nhau để tạo ra ứng dụng trên một hệ thống, sau đó biên dịch chúng sang nền tảng khác. Nếu tòa án quyết định các giao diện phần mềm hoàn toàn có bản quyền thì có lẽ rất nhiều lập trình viên sẽ thực sự khốn đốn.
Vấn đề thứ hai là liệu một mã code mới bản chất tương tự giao diện lập trình ứng dụng có bản quyền thì có được phép sử dụng những API đó một cách hợp pháp hay không. Google lập luận là có, trong khi Oracle nói không.
Cuộc chiến giữa hai hãng công nghệ này đã dẫn đến sự chia rẽ giữa giới công nghệ và chính quyền. Microsoft và Mozilla nghĩ quyết định của Tòa án Circuit Court sẽ gây tổn hại cho ngành công nghệ, nhưng chính phủ Mỹ lại cho rằng hành động của Google nếu được những công ty khác bắt chước sẽ gây tổn hại cho chủ sở hữu bản quyền trí tuệ.
2. Google bị kiện vi phạm bản quyền lời bài hát: Phía Genius nói một trang web bản quyền lời bài hát là LyricFind đã lấy lời bài hát trực tiếp từ Genius, và sau đó đến phiên Google sử dụng chúng trong kết quả tìm kiếm.
Genius tuyên bố họ phát triển một dạng đánh dấu (watermark) đặc biệt, gồm các kiểu dấu nháy đơn xen kẽ mà khi kết hợp lại sẽ ra chữ “red handed” (tạm dịch: bắt quả tang/phát hiện vi phạm) trong mã Morse. Nhờ vào bằng chứng đó, họ kiện Google vì hành vi chống cạnh tranh, và đòi khoản tiền bồi thường lên đến 50 triệu USD cho những thiệt hại tối thiểu.
3. Truyền thông Pháp khiếu nại Google vi phạm luật bản quyền: Ngày 20/11/2019, các tổ chức truyền thông của Pháp đã khiếu nại lên nhà chức trách nước này về việc hãng công nghệ Google của Mỹ không trả tiền đăng tải các nội dung của truyền thông Pháp.
Động thái này đánh dấu một cuộc chiến pháp lý giữa giới truyền thông Pháp và Google liên quan luật bản quyền mới của liên minh châu Âu (EU) được cho là có thể tác động lớn đến tương lai của báo chí.
Đầu năm 2019 Pháp đã phê chuẩn luật bản quyền mới của EU và là nước đầu tiên phê chuẩn luật này, trong đó quy định các nhà phát hành phải được trả tiền khi sản phẩm thông tin của họ được sử dụng đăng tải trực tuyến.
Phản ứng trước cáo buộc trên, Google - công ty công nghệ gần như độc quyền về dịch vụ tìm kiếm trên internet - cho rằng các bài báo, hình ảnh, video chỉ hiển thị trong các kết quả tìm kiếm của Google khi các đơn vị truyền thông đồng ý cho sử dụng các nội dung này miễn phí.
Nếu các công ty truyền thông không cho phép sử dụng nội dung miễn phí, sẽ chỉ có tiêu đề và đường dẫn tới nội dung được hiển thị. Trong khiếu nại gửi cơ quan quản lý cạnh tranh của Pháp, các tổ chức truyền thông cho rằng Google đang lạm dụng vị thế áp đảo của công ty này trên thị trường.
4. Google bị kiện vì Android vi phạm bản quyền: Trong một tuyên bố, Oracle khẳng định hệ điều hành Android dành cho điện thoại di động của gã khổng lồ tìm kiếm đang vi phạm công nghệ Java mà Oracle nắm giữ bản quyền. Oracle, nhà sản xuất phần mềm cơ sở dữ liệu và các công nghệ khác đã có được ngôn ngữ lập trình máy tính Java và công nghệ liên quan khi hãng thâu tóm thành công hãng Sun Microsystems. Trong đơn kiện trình lên tòa án khu vực ở quận Bắc California, Oracle khẳng định hệ điều hành Android của Google có bao gồm các ứng ụng Java và công nghệ liên quan. Do đó, nó vi phạm 1 hoặc nhiều hơn trong 7 bằng sáng chế khác nhau mà Google chắc chắn phải biết, Oracle lập luận, bởi Google đã thuê các cựu kĩ sư Sun Java trong những năm gần đây.
Yahoo và Facebook tố nhau vi phạm bằng sáng chế
Được xem là vụ tranh cãi pháp lý lớn đầu tiên trong lĩnh vực công nghệ truyền thông xã hội, vụ kiện đình đám trên xảy ra vào ngày 12/3/2012 khi Tập đoàn Yahoo đã nộp đơn kiện Facebook Inc, nhà điều hành trang mạng xã hội lớn nhất thế giới lên Tòa án liên bang ở San Jose, bang California (Mỹ). Theo cáo buộc của Yahoo thì phần lớn công nghệ mà Facebook sử dụng là dựa trên các công nghệ mà Yahoo! có trước đó và đã được cơ quan phụ trách bằng sáng chế Mỹ cấp bằng sáng chế để bảo vệ những phát kiến này. Cụ thể, những phát kiến độc đáo đó chính là các sản phẩm trực tuyến như hệ thống tạo lập cung cấp tin tức, tin nhắn, hiển thị quảng cáo, bình luận xã hội, kiểm soát thông tin riêng tư, v.v…
Vụ kiện càng trở nên căng thẳng hơn khi Facebook đã đáp trả lại bằng đơn kiện Yahoo vi phạm tới 10 bằng sáng chế của họ. Cụ thể, Facebook cáo buộc dịch vụ chia sẻ ảnh Flickr của Yahoo và một tính năng mới đưa vào hoạt động đã sử dụng trái phép bằng sáng chế có liên quan tới việc tạo ra “feed” cá nhân của các nội dung trên một mạng xã hội. Vụ việc trên đã từng gây xôn xao suốt 1 thời gian dài.
Samsung thua kiện vụ vi phạm bằng sáng chế của Apple
Samsung và Apple là 2 ông lớn trong ngành công nghệ và luôn xảy ra những vụ kiện cáo về bằng sáng chế trong nhiều năm. Những vụ tranh chấp và kiện tụng về bản quyền sáng chế công nghệ giữa Apple và Samsung bắt đầu từ 2011. Theo như những gì Apple đưa ra thì Samsung đã sử dụng trái phép bằng sáng chế, thậm chí sao chép về thiết kế, giao diện hay tính năng có trên iPhone, iPad.
Sau nhiều năm kiện cáo thì Samsung đã đồng ý trả cho Apple 548 triệu USD tiền vi phạm.
LG kiện Samsung vi phạm bằng sáng chế
Năm 2012, một vụ kiện đình đám nữa xảy ra trong giới công nghệ khi một trong những công ty của tập đoàn LG là LG Display đệ đơn kiện Samsung.
Nội dung đơn kiện mà LG đưa ra đó là những chiếc smartphone và máy tính bảng dòng Galaxy của Samsung đã sử dụng những bằng sáng chế về OLED của LG. Mục đích kiện của LG là bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và thúc đẩy cạnh tranh công bằng.
Trong khi đó về phía Samsung thì cho biết rằng việc quan trọng là hợp tác cùng nhau để khẳng định vị thế dẫn đầu trên thị trường toàn cầu chứ không phải giữ chân nhau trong những vụ kiện tụng tranh chấp bằng sáng chế. Vụ khởi kiện này cũng diễn ra trong bối cảnh hãng điện tử Hàn Quốc đang gặp nhiều khó khăn sau tòa tòa án xử Apple thắng.
Vĩ thanh
Có thể nói hệ thống bằng sáng chế là vũ khí “sống còn” đối với các Tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới. Bởi trên thực tế thì không thể nào sản xuất ra 1 sản phẩm hoàn hảo mà không vi phạm bằng sáng chế của công ty khác dù vô tình hay cố ý. Và điều mà 1 công ty cần làm là đừng vi phạm “quá rõ ràng” và phải có sẵn trong tay 1 số lượng lớn bằng sáng chế để nếu có bị kiện thì còn có thứ mà đáp lại. Nói một cách đơn giản thì đó là 1 cuộc chiến pháp lý mà bằng sáng chế chính là “vũ khí” để tự bảo vệ mình.
Sau những cuộc chiến pháp lý và sự trả giá về vi phạm bằng sáng chế, các Tập đoàn kinh tế lớn đã đầu tư để sở hữu những bằng sáng chế đắt giá để phục vụ chiến lược kinh doanh. Chi phí hàng triệu USD sau các vụ kiện đình đám, Google đã “thấu hiểu” và đó chính là lý do họ bỏ tận 12,5 tỉ USD để mua lại Motorola Mobility và 17.000 bằng sáng chế của hãng. Hiện vụ mua lại này vẫn đang chờ được Mĩ và Châu Âu thông qua. Nếu được thông qua thì có lẽ cục diện của cuộc chiến pháp lý sẽ có sự thay đổi lớn với 18 bằng sáng chế “đắt giá” về dịch vụ vị trí, thiết kế ăng ten, thao tác cảm ứng, quản lý ứng dụng, trao đổi email, 3G của Motorola mà Google mua được. Hi vọng rằng Google sẽ có lựa chọn hợp lý một khi vụ mua lại Motorola được thông qua để cuộc chiến pháp lý về bản quyền công nghệ sẽ đi đến hồi kết.
Thành Chung (T/h)