Bảo đảm hiệu lực tối cao của hiến pháp và pháp luật trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Hiến pháp là đạo luật cơ bản của Nhà nước có giá trị pháp lí cao nhất. Nó quy định tính chất thể chế chính trị, trong đó đặc biệt là thể chế nhà nước với những quy định về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của nhà nước.

Tóm tắt: Hiến pháp là đạo luật cơ bản của Nhà nước có giá trị pháp lí cao nhất. Nó quy định tính chất thể chế chính trị, trong đó đặc biệt là thể chế nhà nước với những quy định về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của nhà nước. Vì vậy, để xây dựng chế độ pháp quyền, ngay trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ ngày 3/9/1945, Hồ Chủ tịch đã đề ra sáu nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ. Một trong những nhiệm vụ cấp bách đó là “chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ” (1). Tính từ bản Hiến pháp đầu tiên (1946) của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời đến nay, Nhà nước Việt Nam đã 5 lần thay đổi Hiến pháp vào các năm 1959, 1980, 1992, sửa đổi bổ sung một số điều trong Hiến pháp 1992 vào năm 2001 và bản Hiến pháp mới nhất năm 2013. Theo đó, có những thay đổi cụ thể về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, cụ thể thể là những quy định về các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp cũng như về chính quyền địa phương,… qua từng thời kỳ.

Từ khóa: Hiến pháp; Pháp luật; Tổ chức và hoạt động; Nhà nước; Hồ Chí Minh.

 

  1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước được tổ chức và hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật

Nhận thức được tầm quan trọng của luật pháp, từ rất sớm, Hồ Chí Minh đã đề cập đến vai trò của chúng trong điều hành và quản lý xã hội. Năm 1919, tám yêu sách của nhân dân An Nam gửi tới Hội nghị Véc- xây đã có 4 điểm liên quan đến vấn đề pháp quyền, còn lại liên quan đến công lý và quyền con người. Bản Yêu sách của nhân dân An Nam được Hồ Chí Minh chuyển thành “Việt Nam yêu cầu ca”, trong đó yêu cầu thứ bảy là: “Bảy xin hiến pháp ban hành, Trăm đều phải có thần linh pháp quyền(2). Đây là tư tưởng rất đặc sắc của Hồ Chí Minh, phản ánh nội dung cốt lõi của Nhà nước dân chủ mới - Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật.

Sau Cách mạng Tháng Tám, năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra một trong sáu nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà là: Chúng ta phải có một Hiến pháp dân chủ. Ngày 20/9/1945, Chủ tịch lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ký Sắc lệnh thành lập Ban dự thảo Hiến pháp gồm bảy thành viên do Chủ tịch Hồ Chí Minh làm trưởng ban. Bản dự thảo Hiến pháp hoàn thành khẩn trương và nghiêm túc dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Hồ Chủ tịch. Tại kỳ họp thứ hai của Quốc hội khoá I vào tháng 10/1946, Quốc hội đã thảo luận dân chủ và thông qua bản dự thảo Hiến pháp này. Đây là bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam: Hiến pháp năm 1946. Trong Lời phát biểu tại phiên họp bế mạc kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa I  (09/11/1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát biểu: “Hiến pháp đó đã nêu một tinh thần đoàn kết chặt chẽ giữa các dân tộc Việt Nam và một tinh thần liêm khiết, công bình của các giai cấp. Chính phủ cố gắng làm theo đúng ba chính sách: Dân sinh, Dân quyền và Dân tộc” (3).

Đáng tiếc, vào thời điểm Quốc hội thông qua Hiến pháp, thực dân Pháp phản bội các hiệp định đã ký kết với chính phủ ta. Chúng không ngừng khiêu khích và tấn công chúng ta bằng vũ lực, hòng lập lại ách thống trị của chúng ở Việt Nam. Trước tình hình đó, trong phiên họp ngày 9/11/1946, sau khi tuyên bố Hiến pháp đã trở thành chính thức, Quốc hội ra Nghị quyết giao nhiệm vụ cho Ban thường trực Quốc hội và Chính phủ ban bố và thi hành Hiến pháp 1946 khi có điều kiện thuận lợi.

Theo Nghị quyết của Quốc hội, trong điều kiện chưa thi hành được Hiến pháp thì Chính phủ phải dựa vào những nguyên tắc đã quy định trong Hiến pháp để ban hành các sắc luật. Ngày 19/12/1946, mười ngày sau khi thông qua Hiến pháp, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Do hoàn cảnh chiến tranh mà Hiến pháp 1946 không được chính thức công bố, việc tổ chức tổng tuyển cử bầu Nghị viện không thực hiện được. Tuy nhiên, Chính phủ dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với Ban thường vụ Quốc hội luôn dựa vào tinh thần và nội dung Hiến pháp 1946 để điều hành mọi hoạt động của đất nước. Đứng trên quan điểm xây dựng chế độ pháp quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện sự nghiêm khắc đối với người vi phạm pháp luật bất kỳ người đó ở cương vị nào. Để thi hành pháp luật, người có thái độ dứt khoát với việc xử lý những sâu mọt đục khoét của dân. Mặc dù rất đau lòng nhưng người đã đặt bút ký duyệt bản án tử hình Cục trưởng Cục quân nhu Trần Dụ Châu, kẻ đã hà lạm công quỹ dành cho quân đội để ăn chơi sa đọa,...

Như vậy, Hiến pháp 1946 đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho nhân dân Việt Nam xây dựng một nhà nước độc lập và thật sự trở thành người chủ của nhà nước độc lập ấy. Với Hiến pháp 1946, lần đầu tiên về phương diện pháp lý, nhân dân Việt Nam trở hành chủ thể của quyền lực nhà nước trong một nhà nước mà bản chất của nó là: “Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp tôn giáo” (4). Với nguyên tắc xuyên suốt là xây dựng một chính quyền mạnh mẽ, sang suốt của nhân dân, các thiết chế quyền lực trong nhà nước này đều được xác định khá đặc thù. Mặc dù thể chế cộng hoà được xác lập tại Việt Nam nhưng lại không dựa theo bất kỳ một biến dạng phổ biến nào của chế độ cộng hoà mới đang tồn tại ở phương Tây lúc bấy giờ. Tính chất độc đáo trong chính thể cộng hòa ở Việt Nam theo Hiến pháp 1946 thể hiện ở chỗ, các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp đã được tiếp thu và vận dụng sáng tạo, phù hợp với thực tiễn lịch sử của Việt Nam.

Sau năm 1954, khi miền Bắc bước vào thời kỳ quá độ lên CNXH, đất nước đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nhiều quy định trong Hiến pháp năm 1946 không còn phù hợp, Hồ Chí Minh đã chủ trương sửa đổi và ban hành Hiến pháp mới - Hiến pháp năm 1959. Trong tư duy Hồ Chí Minh, một khi điều kiện kinh tế - xã hội thay đổi thì pháp luật, nhất là đạo luật “gốc” - Hiến pháp, cũng phải thay đổi để bảo đảm khả năng điều chỉnh hợp lý các quan hệ xã hội đã phát sinh và định hình. Theo đó, căn cứ vào các quy định của Hiến pháp 1959 về cơ cấu bộ máy và quan hệ quyền lực trong Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ta thấy, đã có một bước cải cách khá mạnh mẽ trên phương diện các thể chế quyền lực. Hiến pháp khẳng định dứt khoát mô hình tổ chức nhà nước theo các giá trị chuẩn mực của mô hình nhà nước XHCN phù hợp với bản chất của nhà nước công nông.

Sự bố trí cơ cấu tổ chức và thực hiện quyền lực theo một nguyên tắc hiến định là tất cả quyền lực trong nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đều thuộc về nhân dân. Nhân dân sử dụng quyền lực thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân(5). Với việc xác định vị trí quyền lực trung tâm thuộc về Quốc hội và quan hệ quyền lực được xác định trên cơ sở của chế độ hội đồng; quyền lực nhà nước, tổ chức và hoạt động của nhà nước được vận động theo hướng tập quyền. Tuy nhiên, tính chất tập quyền ở đây không mang tính chất tuyệt đối. Điều này được thể hiện không chỉ thông qua tính chất của từng loại cơ quan nhà nước như Quốc hội, Chủ tịch nước, Hội đồng Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao mà còn được thể hiện thông qua các quan hệ qua lại giữa các cơ quan này.

Thực tiễn tổ chức và hoạt động của thể chế quyền lực nhà nước được xác định bởi Hiến pháp 1959 cho thấy rằng, thể chế đó đã tạo ra một bộ máy nhà nước với một cơ chế hoạt động vừa phù hợp với các yêu cầu của mô hình nhà nước XHCN, vừa phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam. Nhờ vậy, các thể chế nhà nước này đã góp phần quan trọng vào việc tổ chức và động viên toàn dân tộc Việt Nam thực hiện thắng lợi các yêu cầu của hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định: Pháp luật của ta là pháp luật dân chủ, phải nghiêm minh và phát huy hiệu lực thực tế. Nhà nước sử dụng pháp luật để quản lý xã hội. Song pháp luật của ta đã có sự thay đổi về chất, mang bản chất của giai cấp công nhân, là một loại hình pháp luật kiểu mới, pháp luật thật sự dân chủ, vì nó bảo vệ quyền tự do, dân chủ rộng rãi cho nhân dân lao động. Trong Báo cáo tại hội nghị chính trị đặc biệt, ngày 27/3/1964, một trong 5 nhiệm vụ để hoàn thành sự nghiệp cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên là: “Tăng cường không ngừng chính quyền nhân dân. Nghiêm chỉnh thực hiện dân chủ với nhân dân, chuyên chính với kẻ địch. Triệt để chấp hành mọi chế độ và pháp luật của Nhà nước” (6).

Nét đặc sắc trong tư tưởng của Hồ Chí Minh về tổ chức nhà nước là các cơ quan nhà nước hoạt động đúng chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật nhưng trong điều kiện của một nước thuộc địa nửa phong kiến ở phương Đông, Hồ Chí Minh sử dụng linh hoạt pháp trị và đức trị trong tổ chức hoạt động của Nhà nước và quản lý nhà nước. Cán bộ trực tiếp thực thi luật pháp phải thật sự công tâm và nghiêm minh. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ, đảng viên có nhiệm vụ “gương mẫu chấp hành pháp luật của Nhà nước, kỷ luật của các đoàn thể cách mạng của quần chúng mà mình tham gia”. Trong việc giữ vững tính nghiêm minh và hiệu lực của pháp luật, cán bộ làm công tác tư pháp có vai trò quan trọng. Họ chính là người trực tiếp thực thi luật pháp, đại diện cụ thể cho “cán cân công lý”. Vì thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu ở họ phải có phẩm chất đạo đức cần thiết. Trong công tác xử án phải công bằng, liêm khiết, trong sạch như thế cũng chưa đủ vì không thể chỉ hạn chế hoạt động của mình trong khung toà án mà còn phải gần dân, giúp dân, học dân, hiểu dân để giúp mình thêm liêm khiết, thêm công bằng, trong sạch.

Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, pháp luật không phải là để trừng trị con người mà là công cụ bảo vệ, thực hiện lợi ích của con người. Tư tưởng pháp quyền trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước thông qua đội ngũ cán bộ, công chức của Người thấm đượm một tấm lòng thương yêu nhân dân, chăm lo cho ấm no, hạnh phúc của nhân dân, thấm đượm lòng nhân ái, nghĩa đồng bào theo đạo lý truyền thống ngàn năm của dân tộc Việt Nam. Vì thế, kết hợp giữa đức trị và pháp trị trong tổ chức nhà nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh có nội hàm triết lý, mang đậm tính dân tộc và dân chủ sâu sắc.

  1. Bảo đảm hiệu lực tối cao của Hiến pháp và pháp luật trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước hiện nay là một yêu cầu căn bản, quan trọng nhằm xây dựng nhà nước pháp quyền của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Ngay phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời (ngày 3/9/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị: “Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc TỔNG TUYỂN CỬ với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống, v.v..” (7) để lập nên Quốc hội, rồi từ đó lập ra Chính phủ và các cơ quan, bộ máy nhà nước, thể hiện quyền lực tối cao của nhân dân, bảo đảm tính hợp hiến, tính chính danh của Nhà nước, được tổ chức và vận hành theo Hiến pháp và pháp luật, phù hợp với thông lệ quốc tế. Theo đó, mọi hoạt động trong xã hội, các chủ thể hoạt động trong khuôn khổ thể chế chính trị, phải hợp hiến, hợp pháp, tinh thần “thượng tôn pháp luật” phải được thấm sâu vào đời sống xã hội, có giá trị điều chỉnh mọi mối quan hệ, mọi hoạt động trong Nhà nước và xã hội. Những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tính hợp hiến, hợp pháp và tinh thần “thượng tôn pháp luật” của Nhà nước Việt Nam cho đến nay, đã trở thành tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt và được thực thi trong đời sống xã hội, phù hợp với bối cảnh mới của quốc tế và đất nước. Song, nhằm xây dựng nhà nước pháp quyền thực sự của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; hoạt động hiệu lực, hiệu quả, trong thời gian tới, chúng ta cần tập trung:

Trước hết, cần quán triệt và bảo đảm nhà nước ta là nhà nước pháp quyền XHCN thực sự của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định bản chất dân chủ của Nhà nước ta: “NƯỚC TA LÀ NƯỚC DÂN CHỦ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân(8). Song, chỉ mong mỏi hay tuyên ngôn đơn thuần thì không thể có điều này. Để quyền làm chủ của nhân dân được bảo đảm và thực thi trên thực tế, cần xây dựng và hoàn thiện thể chế, phương thức, cơ chế thực hiện. Người chỉ rõ, phải xây dựng nền dân chủ XHCN, trong đó nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình bằng Nhà nước pháp quyền và các tổ chức xã hội do chính nhân dân lập ra và quản lý. Theo đó, nhân dân vừa là người cử ra chính quyền các cấp, vừa là người quản lý, kiểm tra, kiểm soát toàn bộ hoạt động của bộ máy quyền lực đó.

Đến nay, Điều 2, Hiến pháp năm 2013 quy định: “1. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; 2. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ, tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức; 3. Quyền lực Nhà nước là thống nhất có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp” (9). Đây là tư tưởng chủ đạo thể hiện sự vận dụng, phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước pháp quyền của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân trong điều kiện hiện nay.

Đồng thời, nhà nước pháp quyền của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân thì nhất định hiệu lực tối cao của Hiến pháp và luật trong tổ chức hoạt động của bộ máy Nhà nước hiệm nay phải được bảo đảm. Việc thực thi Hiến pháp và pháp luật ở nước ta trong thời gian gần đây đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, song, còn có những hạn chế. Một bộ phận nhân dân chưa ý thức rõ về quyền lợi và trách nhiệm của mình trong Nhà nước pháp quyền, thậm chí có hành vi “từ bỏ” quyền và nghĩa vụ công dân khi không tham gia vào các cuộc bầu cử nhằm lựa chọn ra những đại biểu ưu tú - đại diện cho quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân - thay mặt nhân dân thực thi quyền lực nhà nước ở các cấp.

Tình trạng này do nhiều nguyên nhân, như trình độ nhận thức chính trị của một bộ phận nhân dân còn thấp; công tác truyền thông chưa tốt; các thế lực thù địch, phản động lợi dụng vấn đề dân chủ và một số vấn đề khác, cố tình gây rối, làm mất an ninh, trật tự, hòng chống phá sự nghiệp đổi mới và xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta hiện nay. Bên cạnh đó, việc chấp hành pháp luật, kỷ cương, phép nước có nơi, có lúc chưa nghiêm; nhiều hành vi vi phạm pháp luật chưa được xử lý kịp thời, hoặc chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe...

Trước tình hình đó, trên tinh thần “thượng tôn pháp luật”, bảo đảm kỷ cương, phép nước để tiếp tục tạo động lực phát triển đất nước nhanh và bền vững, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách nhằm phát huy mạnh mẽ dân chủ XHCN, quyền làm chủ của nhân dân; đồng thời tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội, trước hết là việc thực thi tinh thần “thượng tôn pháp luật”, gương mẫu tuân theo pháp luật, kỷ cương và thực hành dân chủ XHCN của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội các cấp, của cán bộ, đảng viên” (10). Bản chất quyền lực của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là quyền lực của nhân dân. Do vậy, quyền lực này phải được bảo đảm bằng hệ thống pháp luật khoa học và hoàn chỉnh; pháp luật là phương tiện thực hành dân chủ, là công cụ bảo vệ nền dân chủ XHCN.

Hai là, cần tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật theo đúng Hiến pháp hiến định. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN đòi hỏi tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật xuất phát từ yêu cầu thượng tôn Hiến pháp, pháp luật trong nhà nước pháp quyền XHCN, bảo đảm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN và khắc phục những hạn chế, bất cập của hệ thống pháp luật hiện hành. Quá trình đó đòi hỏi phải quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về nguyên tắc bảo đảm tính dân chủ, công khai trong quá trình xây dựng pháp luật. Tổ chức lấy ý kiến nhân dân, nghiêm túc tập hợp, tiếp thu, chỉnh lý văn bản theo ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý, của đối tượng tác động của văn bản, bảo đảm tính hiệu quả, khoa học và sự phù hợp của pháp luật với thực tế khách quan. Tăng cường hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và tư vấn, trợ giúp pháp lý để pháp luật được triển khai thực hiện trong cuộc sống. Đồng thời, cần thường xuyên tiến hành tổng kết thi hành pháp luật, rà soát, hệ thống hóa văn bản pháp luật, kịp thời phát hiện và khắc phục những điểm bất cập, thiếu sót, mâu thuẫn, chồng chéo trong hệ thống pháp luật.

Ba là, để bảo đảm bộ máy nhà nước thực sự của dân, do dân, được thành lập theo đúng ý chí, sự lựa chọn của nhân dân, cần triển khai thực hiện quy định về Hội đồng bầu cử quốc gia - một thiết chế độc lập có vai trò chỉ đạo, điều hành, bảo đảm các cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân được tiến hành một cách dân chủ, khách quan. Đồng thời, cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức chính trị, ý thức công dân của cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân để họ tham gia chủ động, tích cực, đông đảo và có tinh thần trách nhiệm trong việc lựa chọn những đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân có bản lĩnh, năng lực và phẩm chất đạo đức tốt.

Bốn là, cần có biện pháp kiểm soát quyền lực nhà nước, đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước. Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, trong nhà nước kiểu mới, thanh tra, kiểm tra, giám sát là các biện pháp hữu ích giúp phát hiện, ngăn chặn, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các hiện tượng tiêu cực khác. Ngay từ những ngày đầu của chính quyền cách mạng, ngày 23/11/1945, Hồ Chủ tịch ký Sắc lệnh thành lập Ban thanh tra đặc biệt với nhiệm vụ thanh tra tất cả các công việc và các nhân viên của Uỷ ban nhân dân và các cơ quan của Chính phủ. Người nhấn mạnh: “Muốn chống bệnh quan liêu, bệnh bàn giấy; muốn biết các nghị quyết có được thi hành không, thi hành có đúng không; muốn biết ai ra sức làm, ai làm qua chuyện, chỉ có một cách, là khéo kiểm soát. Kiểm soát khéo, bao nhiêu khuyết điểm lòi ra hết, hơn nữa kiểm tra khéo về sau khuyết điểm nhất định bớt đi” (11). Người còn chỉ rõ: “muốn kiểm soát có kết quả tốt, phải có hai điều: một là việc kiểm soát phải có hệ thống, phải thường làm. Hai là người đi kiểm soát phải là những người rất có uy tín”; “không phải cứ ngồi trong phòng giấy mà chờ người ta báo cáo, mà phải đi tận nơi, xem tận chỗ”, “kết hợp kiểm soát “từ dưới lên” và “từ trên xuống”.(12)

Năm là, đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, trong sạch, thực sự là công bộc của nhân dân. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức vừa có đức, vừa có tài, là “công bộc” của nhân dân. Tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước có trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu quả hay không, phụ thuộc trước hết vào những con người trong tổ chức bộ máy đó. Do vậy, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, xây dựng nhà nước mới phải bắt đầu từ công việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ vừa có đức, vừa có tài, vừa hồng, vừa chuyên, là công bộc, “là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân” (13). Cán bộ là gốc của mọi công việc, “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém” (14). Do vậy, Người yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên, công chức phải không ngừng học tập, tu dưỡng, tự sửa chữa để tiến bộ mãi. Một người cán bộ tốt trước hết phải là “Những người liên lạc mật thiết với dân chúng, hiểu biết dân chúng. Luôn luôn chú ý đến lợi ích của dân chúng” (15). “Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân... Ra sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân - tức là phục tùng chân lý” (16). Theo đó, công tác cán bộ phải dựa vào dân, phát hiện, tuyển chọn cán bộ từ phong trào cách mạng của nhân dân; đưa cán bộ thâm nhập vào hoạt động thực tiễn và thông qua sự giúp đỡ, kiểm soát của nhân dân để đào tạo, rèn luyện cán bộ.

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng chỉ rõ: Thực hành và phát huy rộng rãi quyền làm chủ của nhân dân và vai trò chủ thể của nhân dân, thực hiện tốt, có hiệu quả phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” (17). Việc bổ sung nội dung “dân giám sát”, “dân thụ hưởng” vào nội dung phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” là sự phát triển tư duy lý luận, hoàn thiện chủ trương của Đảng về dân chủ và gần đây nhất, trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” đăng trên Báo Nhân Dân ngày 17/5/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Dân chủ là bản chất của chế độ XHCN, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc xây dựng CNXH; xây dựng nền dân chủ XHCN, bảo đảm quyền lực thực sự thuộc về nhân dân là một nhiệm vụ trọng yếu, lâu dài của cách mạng Việt Nam” (18).

ThS Phan Tăng Tuấn,

Học viện Chính trị khu vực I

TÀI LIỆU THAM KHẢO

(1), (3), (7)  Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, HN, tập 4, tr.7; tr.491; tr.7.

(2) Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Sđd, tập 1, tr.473.

(4), (5) Hiến pháp Việt Nam (1995): Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980 và 1992; Nxb TQG, HN, tr.8; tr.30.

(6) Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Sđd, tập 14, tr.285.

(8) Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Sđd, tập 6, tr.232.

(9) Quốc hội (2013): Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Dẫn theo: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Hien-phap-nam-2013-215627.aspx

(10), (17) Đảng Cộng sản Việt Nam (2021): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. CTQG Sự thật, HN, tập I, tr.202; tr.173.

(11), (12), (14), (15) Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Sđd, tập 5, tr.327; tr.327-328; tr.280; tr.315.

(16) Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Sđd, tập 10, tr.378.

(18) Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam”, Báo Nhân Dân, ngày 17/5/2021. Dẫn theo: https://www.tapchicongsan.org.vn

 

...
  • Tags: