Theo chân các Tổ kiểm tra nồng độ cồn của Phòng CSGT Công an tỉnh và Công an các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Đắk Nông tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề “Người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn” trên các tuyến giao thông trong những ngày cuối tháng 2 năm 2023, chúng tôi mới thấy hết được tinh thần trách nhiệm và sự quyết liệt trong xử lý vi phạm của mỗi cán bộ, chiến sĩ. Ngoài lưc lượng CSGT, tổ công tác còn có sự tham gia của Cảnh sát cơ động; Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, ma túy và môi trường thực hiện nhiệm vụ kiểm tra giấy tờ, đo nồng độ cồn và thực hiện test nhanh chất ma túy qua đường nước tiểu. Theo ghi nhận của phóng viên, hầu hết người tham gia giao thông đều chấp hành tốt các quy định của luật giao thông đường bộ, phối hợp tốt với tổ công tác trong việc kiểm tra nồng độ cồn và ma túy. Tuy nhiên, quá trình làm nhiệm vụ của lực lượng chức năng vẫn ghi nhận các trường hợp vi phạm nồng độ cồn.
Trường hợp ông Nguyễn Văn B ở huyện Đắk Mil cho biết: “Hôm nay, tôi đi hội thảo do một công ty tổ chức, đến trưa thì liên hoan uống mấy lon bia. Nghĩ chỉ uống vui, tôi không nghĩ mức cồn trong hơi thở lại vượt ngưỡng cho phép (0,22 miligram/lít khí thở). Tôi biết việc sử dụng rượu bia tham gia giao thông là vi phạm pháp luật và nguy hiểm cho bản thân và người tham gia giao thông. Tôi xin hứa sẽ chấp hành nghiêm các quy định về an toàn giao thông và không sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông. Mong mọi người cùng thực hiện nghiêm để bảo đảm an toàn”.
Trong quá trình thực hiện chuyên đề tuần tra, kiểm soát theo chuyên đề này, không ít lần lực lực lượng làm nhiệm vụ gặp phải những trường hợp do sử dụng rượu bia nhiều, mất kiểm soát dẫn đến tình trạng tranh cãi, đôi co với các chiến sĩ làm nhiệm vụ. Như trường hợp ông Nguyễn Văn N, sau khi kiểm tra bằng máy đo, nồng độ cồn của ông N. là 0,36 miligram/lít khí thở. Người đàn ông này liên tục trình bày, chỉ uống 2 lon bia thì làm sao có lượng cồn cao thế? CSGT đã nhiều lần cho người này kiểm tra lại bằng nhiều máy đo; tuy nhiên các máy đều cho cho kết quả giống nhau. Sau khi được các chiến sĩ CSGT tuyên truyền về sự nguy hiểm của hành vi sử dụng bia mà vẫn điều khiển phương tiện giao thông, ông N mới chấp nhận ký vào biên bản vi phạm hành chính.
“Để phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp đã uống rượu, bia còn lái xe, Tổ kiểm tra nồng độ cồn thường xuyên kiểm tra bất ngờ tại các giao lộ, tuyến đường, nhất là trên tuyến Quốc lộ 14, tỉnh lộ đoạn qua các địa bàn trung tâm, khu đông dân cư, nhất là vào các buổi trưa, buổi chiều tối, ngày nghỉ cuối tuần, ngày lễ với phương châm là xử lý nghiêm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Trong quá trình triển khai xử lý vi phạm nồng độ cồn, một số người vi phạm bỏ phương tiện lại, không chịu hợp tác, dùng lời lẽ lăng mạ chửi bới lực lượng chức năng. Có trường hợp người điều khiển xe có giấy phép lái xe nhưng không chịu xuất trình, với tâm lý lo ngại bị tước bằng. Có trường hợp đổi tài khi phát hiện lực lượng chức năng đang kiểm soát, không xuất trình căn cước công dân, khai nghề nghiệp không đúng với công việc mình đang làm nên khó khăn cho việc gửi thông báo về cơ quan nơi làm việc và nhập biên bản xử lý vi phạm hành chính lên cổng dịch vụ công quốc gia. Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Trung tá Vũ Đình Chiến, Tổ trưởng Tổ kiểm tra nồng độ cồn thuộc Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 1, Phòng CSGT Công an tỉnh Đắk Nông và Trung tá Phan Sỹ Hợi, Đội trưởng Đội CSGT-TT Công an thành phố Gia Nghĩa chia sẻ.
Qua ghi nhận tại các buổi kiểm tra, phần lớn người dân và các lái xe đều đồng tình với việc kiểm tra nồng độ cồn của lực lượng CSGT, bởi nếu để những người đã uống rượu, bia điều khiển phương tiện giao thông sẽ là mối họa cho nhiều người khác, nhất là người điều khiển phương tiện ô tô có sử dụng rượu bia. Anh Nguyễn Trường V ở Thành phố Gia Nghĩa chia sẻ “Khi chở vợ con đi xe ô tô tham gia giao thông trên đường tôi không bao giờ uống rượu bia dù chỉ là một một ly, vì uống rượu bia sẽ làm cho bản thân mình mất kiểm soát có thể gây ra tại nạn và mất bình tĩnh trong giao tiếp với người khác, trong đợt này tôi thấy lực lượng CSGT làm nghiêm và xử lý thường xuyên vi phạm này. Tôi cũng thận trọng hơn, đối với ô tô mức phạt rất cao lỗi vi phạm cao nhất từ 30 dến 40 triệu đồng và còn tước giấy phép lái xe cả gần 2 năm. Ý thức điều đó nên tôi không uống rượu bia khi điều khiển xe. Tôi hoàn toàn ủng hộ việc lực lượng chức năng làm nghiêm để thay đổi nhận thức người dân trong văn hóa uống rượu bia”.
Theo số liệu thống kê của Phòng CSGT Công an tỉnh, qua hơn 3 tháng thực hiện cao điểm kiểm tra nồng độ cồn trước trong và sau tết Nguyên đán Quý Mão (từ ngày 15/11/ 2022 – 25/02/2023), lực lượng CSGT Công an Đắk Nông đã lập biên bản 1.288 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, tạm giữ 1.288 phương tiện ô tô và mô tô, tước giấy phép lái xe có thời hạn 1.288 trường hợp. Trong năm 2022, đã phát hiện lập biên bản 4.630 trường hợp, tạm giữ 4.630 phương tiện (trong đó có 141 ô tô, 4.489 mô tô), ra quyết định nộp kho bạc nhà nước trên 10,2 tỷ đồng.
Ngay từ đầu năm 2023, Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông đã tổ chức hội nghị quán triệt các Điện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công an và có văn bản chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương trong tỉnh siết chặt trật tự, kỷ cương trong chấp hành pháp luật về giao thông của người tham gia giao thông và người thực thi pháp luật về giao thông; kiên quyết xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân không thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông và các cán bộ, đảng viên, công chức vi phạm ATGT. Đồng thời yêu cầu thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương trong tỉnh thường xuyên kiểm tra, đánh giá các mặt công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên tuyến, địa bàn phụ trách; quán triệt đến lực lượng CSGT toàn tỉnh, trong quá trình kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông phải tuyệt đối thượng tôn pháp luật, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, nhất là đối với các trường hợp can thiệp để xin bỏ qua lỗi vi phạm; việc tạm giữ phương tiện, giấy tờ liên quan cũng phải tuân thủ đúng quy định pháp luật, không được trả xe, trả giấy tờ trước thời hạn quy định...
Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Phạm Quốc Lập, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Đắk Nông cho biết “đơn vị đã quán triệt đến toàn bộ, chiến sĩ khi thực hiện nhiệm vụ phải thực hiện nghiêm mệnh lệnh của lãnh đạo Bộ Công an và chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh tuần tra, kiểm soát xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nồng độ cồn với mục tiêu làm giảm tai nạn giao thông và phòng ngừa các hành vi vi phạm Luật hình sự như: giết người, gây thương tích, gây rối an ninh trật tự... do lỗi sử dụng rượu bia gây ra. Tăng cường tuyên truyền sâu rộng đến Nhân dân và toàn thể cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức, đặc biêt là người đứng đầu các các cơ quan ban ngành đoàn thể phải nêu cao tinh thần trách nhiệm làm gương, tích cực tuyên truyền việc chấp hành pháp luật về trật tự ATGT cho cán bộ, Nhân dân “Đã uống rượu bia thì không lái xe”, để bảo vệ tính mạng cho mình và người tham gia giao thông. Trong đợt này, lực lượng CSGT toàn tỉnh đã chủ động đưa ra nhiều giải pháp, biện pháp xử lý có trọng tâm, trọng điểm với quan điểm xử lý nồng độ cồn thường xuyên, xuyên suốt “không có trường hợp ngoại lệ”. Nếu là cán bộ, đảng viên vi phạm nồng độ cồn, cơ quan công an sẽ gửi thông báo lỗi vi phạm về cơ quan, đơn vị nơi nguời vi phạm đang công tác để phối hợp xử lý và nghiêm cấm đảng viên, người có chức vụ can thiệp vào công tác xử lý vi phạm của lực lương Cảnh sát giao thông theo công văn chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành....”
Nhằm lan tỏa sâu rộng cao điểm này đến quần chúng Nhân dân, lực lượng Công an từ tỉnh đến cơ sở đã đẩy mạnh nhiều biện pháp tuyên truyền bằng nhiều hình thức về Luật phòng chống tác hại của rượu bia, Luật giao thông đường bộ nhằm làm chuyển biến nhận thức về văn hóa giao thông khi uống rượu bia. Đồng thời cử các tổ công tác đến tuyên tuyền và cho các nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống ký cam kết nhắc nhở khách hàng không lái xe sau khi đã uống rượu bia và treo băng rôn với nội dung “Không lái xe sau khi uống rượu bia” cho khách hàng dễ nhìn thấy. Anh Phan Ngọc N, chủ quán nhậu ở huyện Đắk R’lấp cho biết “Sau khi lực lượng CSGT đến tuyên truyền, nhận thấy được sự nguy hiểm của việc khách hàng sau khi uống rượu bia mà lái xe, chúng tôi đã vận động thực khách đã uống rượu bia thì không nên lái xe, đồng thời bố trí phương tiện đưa khách về tận nhà an toàn, hoặc liên hệ người thân đến đón về để đảm bảo an toàn cho khách”.
Hồng Long – Phương Thanh