Chính sách khuyến khích và biện pháp bảo vệ đối với cán bộ đề xuất đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ dám làm

Nghị định số 73/2023/NĐ-CP ngày 29/9/2023 của Chính phủ Quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, đã mở ra những "cơ chế đặc biệt" khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm. Vấn đề là thực hiện chủ trương đó thế nào để đạt dược kết quả cao nhất…

Chủ trương về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm

Nghị định số 73/2023/NĐ-CP động viên cán bộ tích cực phát huy trí tuệ sáng tạo, mạnh dạn đề xuất ý tưởng, cách làm đột phá, tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực, tạo được chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung. Cụ thể:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định 73/2023/NĐ-CP của Chính phủ thì chính sách khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo được áp dụng khi nội dung đề xuất đổi mới, sáng tạo đáp ứng các điều kiện sau:

- Có khả năng tháo gỡ, giải quyết điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách chưa được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương và giải quyết hiệu quả vấn đề được đề xuất;

-Vì lợi ích chung, đem lại giá trị, hiệu quả thiết thực, tạo chuyển biến, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước, địa phương, cơ quan, đơn vị;

- Xuất phát từ yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn; không ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; không làm ảnh hưởng đến sự phát triển của địa phương, cơ quan, đơn vị khác;

- Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin.

Khi cán bộ đề xuất đổi mới, sáng tạo, cá nhân, tổ chức thực hiện đề xuất đổi mới, sáng tạo, cơ quan và người đứng đầu cơ quan sử dụng cán bộ đáp ứng các điều kiện nêu trên được khuyến khích bằng các hình thức sau theo quy định của pháp luật có liên quan theo quy định tại Điều 10 Nghị định 73/2023/NĐ-CP:

-Tuyên dương, biểu dương trước tập thể cơ quan, đơn vị; được khen thưởng theo quy định về thi đua, khen thưởng đối với những đề xuất được đánh giá là hoàn thành;

-Được lấy làm căn cứ để đánh giá trước khi xếp loại, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, quy hoạch, điều động, luân chuyển theo hướng ưu tiên bố trí, sử dụng cán bộ có tư duy đổi mới, cách làm sáng tạo, hiệu quả cao;

-Được đánh giá là có thành tích xuất sắc trong hoạt động công vụ để xét nâng ngạch công chức; được xét nâng bậc lương trước thời hạn 12 tháng theo quy định đối với những đề xuất đổi mới, sáng tạo được đánh giá là hoàn thành;

-Được động viên, khuyến khích bằng các hình thức khác phù hợp với quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Về biện pháp bảo vệ cán bộ, bảo vệ cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đề xuất đổi mới, sáng tạo:  Điều 11 Nghị định 73/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định như sau:

-Cán bộ thực hiện đề xuất đổi mới, sáng tạo được cơ quan sử dụng cán bộ đánh giá là hoàn thành theo quy định tại Điều 18 Nghị định 73/2023/NĐ-CP thì không bị xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật có liên quan;

-Cán bộ thực hiện đề xuất đổi mới, sáng tạo mà không hoàn thành hoặc chỉ hoàn thành một phần mục tiêu đề ra nhưng được cơ quan sử dụng cán bộ xem xét, đánh giá đã thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung quy định tại điểm b khoản 2 Điều 5 Nghị định này thì được loại trừ trách nhiệm theo quy định của pháp luật có liên quan;

-Cán bộ thực hiện đề xuất đổi mới, sáng tạo mà không hoàn thành hoặc chỉ hoàn thành một phần mục tiêu đề ra và gây ra thiệt hại nhưng được cơ quan sử dụng cán bộ xem xét, đánh giá đã thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung quy định tại điểm b khoản 2 Điều 5 Nghị định này thì được xem xét loại trừ, miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm theo quy định của pháp luật có liên quan.

Ngoài ra, Nghị định 73/2023/NĐ-CP  của Chính phủ có Quy định về xử lý vi phạm trong thực hiện chính sách khuyến khích và biện pháp bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ bảo đảm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và bảo đảm chặt chẽ, khách quan, dân chủ, công khai, minh bạch, công bằng trong quá trình tổ chức thực hiện giữa các cơ quan trong bộ máy nhà nước.

Thực tiễn thực hiện công tác bảo vệ cán bộ

Thực tế thời gian qua, bên cạnh việc xử lý nghiêm những cá nhân sai phạm, Đảng ta đồng thời luôn giữ vững quan điểm bảo vệ cán bộ, đảng viên năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Trên tinh thần đó, Bộ Chính trị (khóa XIII) đã ban hành Kết luận số 14-KL/TW, ngày 22/9/2021 về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, trong đó nêu rõ khi cán bộ thực hiện thí điểm mà kết quả không đạt hoặc chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại thì cấp có thẩm quyền phải kịp thời xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, đánh giá công tâm để xem xét, xử lý phù hợp, nếu thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung thì được xem xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm; đồng thời xử lý nghiêm việc lợi dụng chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ để thực hiện hoặc bao che hành vi vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Đây là một chủ trương lớn, đúng đắn của Đảng, Nhà nước.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, tâm lý đùn đẩy trách nhiệm, an phận thủ thường vẫn đang tồn tại ở trong không ít các cơ quan, tổ chức. Cán bộ có trường hợp rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”, nếu không thực hiện thì không thể hoàn thành nhiệm vụ và trọng trách mà Đảng và Nhà nước giao phó; nhưng nếu quyết tâm thực hiện lại băn khoăn lo lắng. Đây cũng là vấn đề cần được giải quyết, giải tỏa thông qua những văn bản mang tính hướng dẫn và cụ thể hóa chủ trương của Đảng. Bởi thực trạng hiện nay cho thấy, hệ thống pháp luật của nước ta đã được xây dựng tương đối đầy đủ nhưng lại có chỗ thừa, chỗ thiếu, có mâu thuẫn, chồng chéo ở một số lĩnh vực, khía cạnh. Mặt khác, nhiều vấn đề mới nảy sinh, chưa có tiền lệ, chưa được quy định, chưa có kinh nghiệm, dễ gây rủi ro, sai sót, thiệt hại hoặc dễ bị lợi dụng để làm trái, trục lợi trong quá trình triển khai thực hiện. Điều này khiến cho cán bộ nói chung, cán bộ lãnh đạo, quản lý nói riêng còn chưa phát huy được hết năng lực, tinh thần đổi mới, sáng tạo, thậm chí còn e ngại bị xem xét trách nhiệm hình sự hoặc xử lý kỷ luật khi có khuyết điểm, vi phạm, hạn chế, thiếu sót… Do đó, giải pháp cần thiết là phải kịp thời thể chế hóa, xây dựng văn bản triển khai chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung theo Kết luận số 14-KL/TW để làm “lá chắn” bảo vệ cho cán bộ, vượt qua tâm lý sợ sai, ngại va chạm, an phận thủ thường của một bộ phận cán bộ, công chức hiện nay.  

Một số giải pháp về chính sách khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung

Thứ nhất, phải kịp thời thể chế hóa, xây dựng văn bản triển khai chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung theo Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị. Theo đó: Cần khẩn trương xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quy định cơ chế thí điểm chính sách áp dụng trong phạm vi toàn quốc dưới hình thức Luật hoặc chí ít cũng phải bằng Nghị quyết của Quốc hội.

Thứ hai, phải theo nguyên tắc “vướng ở cấp nào thì cấp đấy cho chủ trương” và “vướng ở văn bản nào thì do chính cơ quan ban hành ra văn bản đó phải là người sửa đổi, tháo gỡ hoặc cho chủ trương thực hiện”.

Thứ ba, cần thực hiện rà soát các văn bản và đề xuất sửa đổi tháo gỡ khó khăn, vướng mắc từ các văn bản. Trên cơ sở đó, nội dung nào tháo gỡ được ngay thì tiến hành sửa ngay; nội dung nào cần thêm thời gian để đánh giá thì cho tiến hành thí điểm trước để rút kinh nghiệm và đánh giá được đầy đủ.

Thứ tư, đẩy mạnh công tác kiểm tra, đôn đốc, đề ra các biện pháp, giải pháp, hướng dẫn để đưa Kết luận số 14-KL/TW đi vào cuộng sống. Chỉ khi chủ trương này hằn sâu vào trong nếp nghĩ, cách làm thì mới thực sự phát huy hiệu quả.

Thứ năm, tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tăng cường trách nhiệm của cấp uỷ, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu về các vấn đề được giao, trong đó có vấn đề quản lý, bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm và xử lý cán bộ sai phạm…

TS Nguyễn Bá Toan 

...
  • Tags: