Chính sách quản lý đầu tư xây dựng – Thực trạng và giải pháp hoàn thiện

Hoạt động đầu tư xây dựng là lĩnh vực quan trọng, tạo ra động lực, tài sản cố định góp phần phát triển kinh tế đất nước và cơ sở hạ tầng phục vụ toàn xã hội.

Bên cạnh những mặt tích cực, lĩnh vực hoạt động đầu tư xây dựng đang đối mặt với nhiều khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ; đặc biệt là những tiêu cực, thất thoát xảy ra ở nhiều khâu, nhiều giai đoạn trong quá trình đầu tư, đòi hỏi công tác quản lý đầu tư phải được nâng tầm với những giải pháp quyết liệt … 

Thực tế trong thời gian, tình hình tham nhũng, tiêu cực, thất thoát đã xảy ra ở nhiều khâu, nhiều giai đoạn trong quá trình đầu tư xây dựng, từ chủ trương đầu tư, chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư, sử dụng hoặc cấp phát vốn đầu tư đến khâu nghiệm thu công trình, thanh quyết toán… Do vậy cần có những giải pháp quyết liệt trong công tác quản lý đầu tư xây dựng để phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực luôn “nóng” này.

Thực trạng hoạt động đầu tư xây dựng

Trong quá trình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của giai đoạn 2020-2025, Trung ương đã chỉ đạo tập trung vào ba khâu đột phá chiến lược là về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực. Việc tập trung cao độ cho đầu tư phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, hạ tầng số là những nỗ lực phục hồi kinh tế và duy trì tăng trưởng vô cùng quan trọng bởi tính chất lan tỏa, cộng hưởng, dẫn dắt đối với cả nền kinh tế.

Nhờ những nỗ lực đó, nhiều công trình trọng điểm, quan trọng của quốc gia đã được đầu tư, thực hiện và được bảo đảm về tiến độ, để sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư với nhiều cơ chế, chính sách thí điểm nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về quy định liên quan tới đầu tư xây dựng. 

Bên cạnh những mặt tích cực, lĩnh vực hoạt động đầu tư xây dựng đang đối mặt với nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ, chấn chỉnh kịp thời để thúc đẩy đầu tư xây dựng, góp phần hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế; xuất phát từ các nguyên nhân như: Quá trình chuẩn bị đầu tư kéo dài; giải phóng mặt bằng chậm; lãi suất vay giảm chậm, khó tiếp cận với tín dụng; sức khỏe các nhà đầu tư, các doanh nghiệp chưa phục hồi, khả năng hấp thụ vốn còn thấp; thị trường nguyên vật liệu thiếu, lạm phát tăng; và bên cạnh đó là các vướng mắc liên quan đến pháp lý về đầu tư, đất đai, phòng cháy, xây dựng... Cụ thể có thể thấy một số nguyên nhân như: 

Sự chồng chéo pháp lý: Hoạt động đầu tư xây dựng liên quan đến nhiều Luật (Luật Quy hoạch, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Phòng cháy và chữa cháy, Luật Nhà ở...), trong khi quy định giữa các Luật vẫn còn một số nội dung chưa đảm bảo tính hệ thống, đồng bộ, gây khó khăn khi triển khai thực hiện dự án đầu tư. 

Về công tác quy hoạch: Một số quy định trong pháp luật quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng còn bất cập, gây vướng mắc trong đánh giá về sự phù hợp Thiết kế cơ sở với Quy hoạch được duyệt. Bên cạnh đó, việc tổ chức lập, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch còn chậm dẫn đến thiếu cơ sở để xác định Dự án đầu tư xây dựng.

Về đầu tư xây dựng: Việc cập nhật chưa kịp thời và thiếu đồng bộ các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn mới của các cơ quan chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, tư vấn thiết kế cũng là vấn đề dẫn đến chất lượng công tác khảo sát, lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu khả thi chưa đáp ứng yêu cầu hoặc không phù hợp với thực tế dẫn tới phải điều chỉnh nhiều lần ở giai đoạn thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi, làm chậm quá trình chuẩn bị đầu tư. 

Về cấp phép xây dựng: Việc cấp phép xây dựng loại hình nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ do hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng đã và đang là nhu cầu thiết thực của xã hội. Tuy nhiên, ở một số địa phương còn lúng túng trong kiểm soát và quản lý; một số nơi lại xuất hiện tình trạng lợi dụng loại hình nhà ở riêng lẻ để hợp thức hóa cho loại hình này dẫn đến mất kiểm soát, không đảm bảo an toàn. 

Về thực hiện đầu tư: Thực tế vẫn còn tình trạng đầu tư dự án thiếu đồng bộ, gây quá tải về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, thậm chí các dự án đầu tư dở dang theo từng phần nhưng không đưa vào sử dụng được gây lãng phí nguồn lực xã hội rất lớn…

Trong quá trình xử lý những vướng mắc, thay vì cách làm “một Luật sửa nhiều Luật” (tuy cần thiết, nhưng mang tính ngắn hạn, không giải quyết được triệt để vấn đề và thậm chí cách làm này về lâu dài làm mất tính triết lý, hệ thống và đồng bộ của từng đạo luật), cần quán triệt, kiểm soát và thống nhất cách xây dựng luật và hiểu các quy định trong từng đạo Luật chỉ trong phạm vi, đối tượng của luật đó, trường hợp có xung đột giữa các quy định cần ưu tiên áp dụng Luật chuyên ngành thay vì ưu tiên Luật có hiệu lực sau như quy định của Luật ban hành văn bản pháp luật hiện nay. 

Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện chính sách quản lý đầu tư

Từ những bất cập, hạn chế về chính sách, pháp luật liên quan đến công tác đầu tư và quản lý đầu tư, cần nghiên cứu và thực hiện các vấn đề sau: 

Trong công tác quy hoạch, nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung một số quy định pháp luật về quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, cơ sở lập dự án, cấp giấy phép xây dựng cho loại dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật; phân định rõ khái niệm về công trình ngầm xây dựng, phần ngầm công trình xây dựng và nội dung cần quản lý từ góc độ quy hoạch; làm rõ nội dung, chỉ tiêu quy hoạch theo từng cấp độ quy hoạch. Về đầu tư xây dựng, nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung một số quy định pháp luật về đầu tư xây dựng theo hướng tiếp tục rà soát thủ tục hành chính không thực sự cần thiết phải thực hiện ở tiền kiểm để chuyển hậu kiểm hoặc loại bỏ nếu trùng lắp ở các bước thực hiện dự án. Rà soát điều chỉnh, bổ sung quy định quản lý năng lực hoạt động xây dựng nhằm sàng lọc, phân hạng cá nhân hành nghề xây dựng, các đơn vị tư vấn, nhà thầu xây dựng đúng năng lực để nâng cao chất lượng hồ sơ dự án, thiết kế và chất lượng công trình xây dựng. Rà soát các quy định nhằm khắc phục việc đầu tư dự án thiếu đồng bộ, gây quá tải về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và lãng phí nguồn lực đầu tư… Tăng cường công tác quản lý và chỉ đạo thực hiện việc cấp Giấy phép xây dựng và quản lý trật tự xây dựng theo Giấy phép xây dựng, đặc biệt là công tác rà soát các yêu cầu về PCCC; chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát phát hiện và ngăn chặn kịp thời tình trạng xin phép xây dựng nhà ở riêng lẻ đơn thuần nhưng sau khi xây dựng hoàn thành thực hiện bán hoặc cho thuê theo hình thức nhà nhiều tầng, nhiều căn hộ; và chỉ cấp phép kinh doanh hoạt động khi công trình đảm bảo tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về PCCC và pháp luật có liên quan. 

Nói chung, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý đầu tư xây dựng, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế và tổ chức thực hiện pháp luật theo hướng tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động công vụ; đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy đầu tư xây dựng đảm bảo an toàn, hiệu quả và bền vững. 

Đối với các Ban Quản lý dự án, để công tác quản lý dự án được hiệu quả, cần tập trung giải quyết một số vấn để cụ thể, bao gồm: (1) Nâng cao công tác quản lý phạm vi, kế hoạch công việcPhối hợp với đơn vị tư vấn để tổ chức xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008; xây dựng các quy trình chuẩn để thực hiện và kiểm soát công việc của BQL DA cho hiệu quả, tránh sai sót. Đầu tư công nghệ trong quản lý dự án, như xây dựng hệ thống thông tin liên lạc từ BQL DA đến các văn phòng hiện trường quản lý dự án (máy Fax, điện thoại, internet, máy vi tính…) để kịp thời xử lý tình huống kỹ thuật, báo cáo tiến độ, chỉ đạo điều hành dự án một cách nhanh nhất, chính xác nhất… (2) Nâng cao công tác quản lý khối lượng công việc. Nâng cao công tác quản lý tiến độ dự án, bao gồm khối lượng, quy mô, tiến độ thực hiện cụ thể để có những giải pháp kịp thời và hiệu quả. (3) Nâng cao công tác quản lý chi phí đầu tư xây dựngBao gồm các khâu như tổ chức sản xuất hợp lý, xây dựng hệ thống định mức và giao khoán định mức để sử dụng tiết kiệm các hao phí vật chất, tăng năng suất sản xuất; kiểm soát giá và các yếu tố đầu vào các khoản mục chi phí gián tiếp phục vụ trong quá trình thi công, đồng thời với các hoạt động kiểm soát quá trình thực hiện thanh quyết toán kịp thời, kiểm soát những phát sinh xảy ra, phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng… (4) Nâng cao công tác quản lý chất lượng dự án: Đặc biệt chú trọng công tác kiểm tra sự phù hợp năng lực của nhà thầu thi công xây dựng công trình với hồ sơ dự thầu và hợp đồng xây dựng; bao gồm: Kiểm tra về nhân lực, thiết bị thi công; kiểm tra hệ thống quản lý chất lượng của nhà thầu thi công xây dựng công trình; về giấy phép sử dụng các máy móc, thiết bị, vật tư; phòng thí nghiệm và cơ sở vật liệu, cấu kiện, sản phẩm xây dựng phục vụ thi công xây dựng công trình; kiểm tra và giám sát chất lượng vật tư, vật liệu và thiết bị lắp đặt vào công trình v.v… (5) Nâng cao công tác quản lý lựa chọn nhà thầu và quản lý hợp đồng xây dựng. (6) Có các biện pháp đối với rủi ro chậm tiến độ xây dựng

                                                                                        Ths. Nguyễn Văn Loan 

...
  • Tags: