Có thể nói, chưa bao giờ nhiều cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao sai phạm bị xử lý nghiêm khắc như thời gian vừa qua. Nhưng như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Đây là điều không ai mong muốn, thậm chí rất đau xót, rất đau lòng; nhưng vì sự nghiệp chung, vì sự nghiêm minh của kỷ luật Đảng, thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh, uy tín của Đảng và ý nguyện của nhân dân, chúng ta phải làm, kiên quyết làm, làm quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới”.
Cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (ngày 10-5-2023). Ảnh: noichinh.vn
Chính sách trong phòng chống tham nhũng tiêu cực
Trong quá trình thực hiện công tác PCTNTC, cơ chế, chính sách được ban hành luôn có vai trò quan trọng, hướng tới việc bảo đảm sự công bằng, minh bạch và hiệu quả trong việc ngăn chặn, truy cứu và xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực. Các chính sách PCTNTC trên thực tế đã góp phần tạo cơ sở chính trị, pháp lý và văn hóa để giảm thiểu và ngăn chặn tham nhũng, bảo đảm sự phát triển bền vững và tạo điều kiện công bằng trong xã hội, từ đó cũng tạo ra một cơ sở chính trị ổn định và minh bạch.
Nhà nước ta đã ban hành nhiều luật và quy định về đấu tranh phòng chống tham nhũng; như: Luật PCTN năm 2018, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2020, Luật Quản lý nợ công năm 2017… Những luật này đều nhằm tăng cường trách nhiệm và kỷ luật trong quản lý công và xử phạt hành vi tham nhũng. Cùng với đó, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, các cơ quan tham mưu, giúp việc của Trung ương đã ban hành nhiều chủ trương, giải pháp, quy định mới về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, hoàn thiện thể chế về kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Nhiều quy định, nghị quyết đã được quán triệt và thực hiện nghiêm túc, đi vào cuộc sống; khắc phục một bước những sơ hở, bất cập trước đây làm phát sinh tiêu cực, tham nhũng. Có thể khẳng định, cho đến nay, các chủ trương, quy định của Đảng, các văn bản pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của nước ta về cơ bản đã đầy đủ; điều cần nhất lúc này là tính tự giác, sự thống nhất cao về ý chí và hành động, cũng như việc tổ chức thực hiện sao cho hiệu quả.
Nói vậy không có nghĩa là chính sách đã hoàn thiện tất cả, mà trong thực tế vẫn còn một số bất cập khiến cho việc xây dựng và thực hiện chính sách về PCTNTC còn những hạn chế nhất định; cụ thể là: Tuy đã xây dựng được hệ thống chính sách, pháp luật về PCTN, song vẫn chưa đánh giá được một cách đầy đủ các vấn đề phát sinh trong thực tiễn để xử lý kịp thời, tránh những sai sót không đáng có; Đồng thời, việc tiếp thu và giải trình ý kiến đóng góp về xây dựng chính sách cũng chưa được thực hiện đầy đủ, làm hạn chế chất lượng của văn bản quy phạm pháp luật quy định về PCTN. Tình trạng thiếu minh bạch về thông tin và tài liệu liên quan đến tham nhũng vẫn chưa được khắc phục hoàn toàn. Bên cạnh đó, việc tiếp nhận, đối thoại và xử lý phản ánh, đơn, thư, kiến nghị từ người dân và doanh nghiệp về các vấn đề vướng mắc, bất cập vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn; tiến độ xử lý nhiều vụ án tham nhũng còn kéo dài. Sự kiểm soát và giám sát nghiêm ngặt của các cơ quan chức năng còn có hạn chế dẫn đến tiềm ẩn rủi ro về tham nhũng trong quản lý và sử dụng tài sản công…
Bổ sung, hoàn thiện chính sách để phòng chống tham nhũng tiêu cực tốt hơn
Từ thực tế nêu trên, để công tác PCTNTC được thực hiện đạt hiệu quả lâu dài, nâng cao tác dụng của công tác PCTNTC, các cơ quan chức năng cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan. Theo đó, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quản lý kinh tế-xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; kịp thời khắc phục những bất cập để không còn "khoảng trống", "kẽ hở" cho TNTC phát sinh, tồn tại; đặc biệt là các quy định về công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Bổ sung, hoàn thiện quy định về xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra mà không phát hiện được sai phạm, nhưng sau đó sai phạm lại được phát hiện bởi các đoàn thanh tra, kiểm tra khác, hoặc từ thông tin chuẩn của báo chí. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo. Cần có các biện pháp hữu hiệu để bảo vệ an toàn cho người dân khi tham gia vào công cuộc PCTN; đồng thời, cần có những hình thức khen thưởng xứng đáng cả về vật chất và tinh thần cho những người có công trong việc tố cáo tham nhũng. Có những giải pháp cụ thể và thiết thực hơn nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về PCTN. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực; Kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật để hạn chế sự tác động tiêu cực của "nhóm lợi ích", "sân sau", "tư duy nhiệm kỳ", ngăn chặn nguy cơ nảy sinh tham nhũng ngay từ khi xây dựng chính sách, làm “méo mó”, giảm hiệu lực và hiệu quả của các chính sách và pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội… Đảm bảo thực hiện nhiệm vụ quan trọng: xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN là nhà nước có hệ thống pháp luật hiện đại, chặt chẽ, và thực hiện nghiêm minh; đi đôi với hoàn thiện cơ chế, cần đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, xóa bỏ các thủ tục rườm rà, xóa bỏ tối đa cơ chế “xin – cho” – một trong những nguyên nhân dễ nảy sinh tham nhũng tiêu cực…
Phòng chống tham nhũng, tiêu cực là một công việc lâu dài và phức tạp. Không thể nóng vội, nhưng cũng không thể lơ là, xem nhẹ, cần một quyết tâm lớn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Cùng với việc không ngừng hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến PCTNTC, quyết tâm và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân sẽ tạo được sức mạnh tổng hợp để ngăn chặn và đẩy lùi TNTC; góp phần xây dựng đất nước ngày một phát triển mạnh mẽ và giàu đẹp hơn.
Xuân Phúc