Để điển hình ngày càng điển hình hơn

Xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến (ĐHTT) là nội dung, giải pháp quan trọng trong công tác thi đua, khen thưởng ở các cấp, ngành, địa phương.

Thực tiễn cho thấy, ĐHTT là kết quả của quá trình nỗ lực, phấn đấu tự thân của chủ thể thi đua và sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức từ khâu phát hiện, xây dựng, bồi dưỡng nhân tố mới thông qua quá trình học tập, công tác, cống hiến; trực tiếp là thông qua hoạt động thi đua thường xuyên.

Một trong những biện pháp quan trọng để có được ĐHTT tiêu biểu, thực chất là phải kết hợp chặt chẽ giữa phát hiện và bồi dưỡng, rèn luyện và xây dựng điển hình. Thực hiện tốt nội dung, biện pháp này sẽ khắc phục được tình trạng thụ động, “ngồi” chờ điển hình xuất hiện. Do đó, đòi hỏi lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị phải thường xuyên bám sát thực tiễn thi đua; kịp thời phát hiện những tập thể, cá nhân có cách làm sáng tạo, hiệu quả và có kế hoạch để xây dựng điển hình một cách phù hợp. Nhất là để các nhân tố mới được thử thách, rèn luyện trong môi trường khó khăn, trong xử lý, giải quyết việc mới, việc khó... Cũng qua đó mà từng bước xây dựng nhân tố mới lên điển hình ở một hoặc một số lĩnh vực, rồi phát triển thành ĐHTT toàn diện. 

Một yếu tố quan trọng khác, đó là việc bồi dưỡng, xây dựng ĐHTT phải được quan tâm đúng mức, tránh việc "dồn sức" xây dựng một vài điển hình như kiểu "nuôi gà chọi" mà không quan tâm tới tính tổng thể, toàn diện của phong trào và các chủ thể thi đua khác. Đặc biệt, phải kết hợp giữa xây dựng điển hình với tích cực đổi mới hình thức, phương pháp tuyên truyền, phổ biến, nhân rộng ĐHTT. Thực chất, đây là việc tổng kết và phổ biến kinh nghiệm, cách làm hay, đặc sắc của mô hình, điển hình đã được khẳng định, kiểm chứng. Qua đó lôi cuốn, cổ vũ mọi người học và làm theo điển hình, để người tốt, việc tốt ngày càng sinh sôi rộng khắp, trở nên phổ biến một cách thực chất.

Cũng cần nói thêm, việc phát hiện, bồi dưỡng, xây dựng thành công điển hình đã khó, nhưng việc giữ vững điển hình, nhân rộng điển hình còn khó hơn gấp bội. Bởi lẽ, việc xây dựng điển hình chỉ thực sự hiệu quả khi họ giữ vững, phát huy được vai trò xuyên suốt trong quá trình tổ chức phong trào thi đua. Do vậy, phải làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, xây dựng động cơ, mục đích thi đua đúng đắn cho mọi đối tượng; đồng thời quán triệt để cán bộ, đảng viên, quần chúng nhận thức rõ: Giữ vững và phát huy vai trò của ĐHTT là nhằm mục đích thúc đẩy phong trào thi đua phát triển không ngừng, làm xuất hiện, nhân rộng thêm nhiều ĐHTT. Cùng với đó, trong từng giai đoạn của phong trào thi đua cần có sự điều chỉnh chỉ tiêu thi đua, tiêu chí phấn đấu để nâng ĐHTT theo hướng ngày càng cao và bảo đảm ĐHTT mới xuất hiện có chất lượng cao hơn, hoàn thiện hơn về mọi mặt. 

Để tạo động lực giữ vững và phát huy hơn nữa vai trò của các điển hình, tạo sức hút cho nhân tố mới phấn đấu vươn lên trở thành ĐHTT cần kết hợp chặt chẽ giữa động viên, khuyến khích với thực hiện hợp lý các chế độ, chính sách, chế độ đãi ngộ. Đặc biệt, các tập thể, cá nhân được tôn vinh, khen thưởng nhất thiết không được thỏa mãn, dừng lại, bằng lòng với thành tích đạt được mà phải xác định rõ trách nhiệm tiếp tục phấn đấu, rèn luyện để trở thành điển hình toàn diện hơn, xứng đáng với sự ghi nhận, tôn vinh của tập thể./.

... Theo dangcongsan.vn
  • Tags: