ĐỌC – để học, để phát triển và để quản trị tương lai

Sáng ngày 20/3/2025, Trung tâm Thông tin – Thư viện và Khoa Quản trị nhân lực, Học viện Hành chính và Quản trị công tổ chức tọa đàm với chủ đề: “Đọc để học, để phát triển và để quản trị tương lai”. Tọa đàm có sự tham gia của diễn giả GS.TS. Nguyễn Quốc Sửu, Phó Giám đốc Học viện Hành chính và Quản trị công.

Khách mời tham dự tọa đàm còn có: TS. Bùi Phương Đình, Phó Giám đốc Học viện Hành chính và Quản trị công; PGS.TS. Trần Thanh Giang, Phó Giám đốc Học viện Hành chính và Quản trị công; đại diện lãnh đạo Viện Thông tin khoa học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; lãnh đạo một số khoa, ban, đơn vị thuộc Học viện cùng đông đảo cán bộ, giảng viên và sinh viên Khoa Quản trị nhân lực, Trung tâm Thông tin – Thư viện.

TS. Lê Anh Xuân, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Thông tin – Thư viện phát biểu đề dẫn tọa đàm.

Phát biểu đề dẫn tọa đàm, TS. Lê Anh Xuân, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Thông tin – Thư viện nhấn mạnh vai trò và tầm quan trọng của việc đọc sách. Sách là nguồn tri thức vô tận, chứa đựng thông tin về mọi lĩnh vực. Đọc sách giúp chúng ta mở rộng hiểu biết, học hỏi những điều mới mẻ và nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng sống. Nhờ việc đọc, chúng ta học được cách tư duy logic, cách giao tiếp hiệu quả, biết quản lý thời gian, có kế hoạch học tập, chủ động xây dựng lộ trình sự nghiệp của riêng mình, thích nghi với những thay đổi không ngừng của thế giới. Học viện Hành chính và Quản trị công luôn khuyến khích sinh viên xây dựng thói quen đọc sách, coi sách như một người bạn đồng hành trong suốt quá trình học tập và rèn luyện. Tọa đàm được tổ chức với mục đích tiếp thêm cảm hứng để mỗi chúng ta đọc nhiều hơn, học nhiều hơn và ứng dụng những gì đã đọc, đã học vào thực tiễn cuộc sống.

Với tinh thần “Đọc để học, để phát triển và để quản trị tương lai”, GS.TS. Nguyễn Quốc Sửu đã chia sẻ kinh nghiệm và phương pháp đọc sách hiệu quả; đồng thời, gợi mở những ý tưởng và giải pháp để quản trị tương lai thông qua việc đọc sách. GS.TS. Nguyễn Quốc Sửu khẳng định, sách là một người bạn đồng hành không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi người và khuyến khích mỗi người dành thời gian đọc sách để khám phá những điều kỳ diệu mà sách mang lại. Sách giúp kích thích tư duy phản biện, khả năng phân tích và giải quyết vấn đề. Sách mang đến những trải nghiệm cảm xúc đa dạng, từ niềm vui, nỗi buồn, sự đồng cảm đến sự thấu hiểu. Bên cạnh nâng cao chuyên môn, kỹ năng, nghiệp vụ, đọc sách còn giúp chúng ta khám phá thế giới nội tâm, nuôi dưỡng tâm hồn và phát triển nhân cách; đồng thời, đọc sách giúp chúng ta hiểu biết về quá khứ, trân trọng những di sản văn hóa và truyền bá những giá trị tốt đẹp cho thế hệ sau.

GS.TS. Nguyễn Quốc Sửu chia sẻ tại tọa đàm.

GS.TS. Nguyễn Quốc Sửu cũng chia sẻ thêm, sự tác động của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đã hỗ trợ chúng ta nhiều phương pháp, kỹ năng đọc mới, song, cách tốt nhất để thẩm thấu tri thức nhất vẫn là nghiêm túc “giở từng trang sách để đọc”; và cần tìm đọc các cuốn sách “gần với kiến thức với mình, phù hợp với trình độ hiểu biết của mình”, cần lựa chọn các cuốn sách đã được kiểm duyệt, thẩm định và biết lựa chọn, chắt lọc các thông tin từ các cuốn sách để không bị lệch lạc.

GS.TS. Nguyễn Quốc Sửu nhắn nhủ tới các em sinh viên “hãy rèn luyện, chăm chỉ, kiên trì đọc sách, coi sách như một người bạn, là món ăn tinh thần mỗi ngày, hãy tạo cho mình một thói quen đọc sách” để tích lũy kiến thức, tri thức, kinh nghiệm; chỉ có “học mới làm chủ được bản thân”, phải có kiến thức thực sự thì sẽ “không bao giờ bị hoang mang” trước sự thay đổi không ngừng của cuộc sống hiện đại. Vì vậy, “hãy bắt đầu thay đổi từ ngày hôm nay”.

TS. Nguyễn Quang Vinh, Tổng Biên tập Tạp chí Quản lý nhà nước chia sẻ tại tọa đàm

Chia sẻ kinh nghiệm đọc sách, học từ sách với các em sinh viên, TS. Nguyễn Quang Vinh, Tổng Biên tập Tạp chí Quản lý nhà nước đã nhấn mạnh thêm, sách là kho tàng kiến thức vô tận, giúp chúng ta mở rộng tầm nhìn, càng đọc sách nhiều, chúng ta càng trở nên thông thái, giàu có về tâm hồn và có khả năng quản trị cuộc sống của mình tốt hơn. TS. Nguyễn Quang Vinh chia sẻ: Với cấu trúc và khả năng đặc biệt của bộ não con người, khi tiếp cận các thông tin từ các loại hình, như: sách báo in, báo hình, báo nói, báo điện tử thì báo in sẽ ghi đầy đủ nhất, lâu nhất trong trí nhớ của người đọc; đồng thời sách, báo in trước khi được xuất bản đều được trải qua khâu sửa chữa của chính tác giả; khâu biên tập, chỉnh sửa, hiệu đính của Tòa soạn, Nhà xuất bản, do đó, câu chữ đã được trau chuốt, gọt giũa ngắn gọn, từ ngữ trong sáng, là những kiến thức, tri thức chọn lọc… TS. Nguyễn Quang Vinh khuyên các em sinh viên cần đọc sách một cách nghiêm túc, tích lũy kiến thức dần dần qua các trang sách. Kiến thức, tri thức được tiếp nhận từ sách, các em sẽ nhớ rất lâu, giúp các em có “vốn” kiến thức căn bản để phát triển và để quản trị tương lai sau này. Hãy lan tỏa tình yêu với văn hóa đọc.

Hình ảnh ghi nhận:

Nguyễn Thùy - Quản Anh

...
  • Tags: