Chính sách xây dựng pháp luật (CSXDPL) ở nước ta trong thời gian qua được xây dựng và thực hiện tương đối đồng bộ, ngày càng hoàn thiện cả về nội dung, hình thức, số lượng và chất lượng, mang lại những chuyển biến tích cực trong quá trình xây dựng luật, pháp lệnh, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) và xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.
Thực tiễn chính sách xây dựng pháp luật
Việc ban hành CSXDPL ở nước ta được thực hiện từ nhiều nguồn khác nhau; bao gồm: Tại Hiến pháp các năm 1946, 1959, 1980, 1992 và Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1988, 1989, 2001; Trong các Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc, Văn kiện Hội nghị BCH Trung ương, Văn kiện của Bộ Chính trị, Văn kiện của Ban Bí thư…; Trong các Nghị quyết của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cả nhiệm kỳ và hàng năm…
Đặc biệt, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã thông qua Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 về “tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới”. Nghị quyết đặt ra nhiệm vụ xây dựng hệ thống pháp luật “dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, ổn định, khả thi, dễ tiếp cận, đủ khả năng điều chỉnh các quan hệ xã hội, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp làm trung tâm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo…, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, khơi dậy, phát huy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững của đất nước”.
Về mặt cấu trúc, chính sách nói chung và CSXDPL nói riêng bao gồm các phần: Dự định (thể hiện sự mong muốn của Đảng, Nhà nước đối với công tác xây dựng pháp luật); Mục tiêu cụ thể (chi tiết hóa dự định thành các mục tiêu cụ thể để đạt được); Đề xuất (đưa ra các cách thức, phương pháp thực hiện để đạt được mục tiêu đã đề ra); Các quyết định hoặc lựa chọn cụ thể (như các giải pháp hoặc trách nhiệm của cá nhân, tổ chức có liên quan); Hiệu lực của chính sách được ban hành.
Về nội dung cụ thể, những chính sách lớn về xây dựng pháp luật của nước ta bao gồm 3 nhóm chính: Thứ nhất là Chính sách xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung, được thể hiện trong các văn bản: Nghị quyết số 48/NQ/TƯ của Bộ Chính trị ban hành ngày 24/5/2005 về Chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và (2) Nghị quyết số 900/UBTVQH11 ngày 21/3/2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW là hai văn bản thể hiện một cách tập trung, đồng bộ, chi tiết và thể hiện rõ nét nhất chính sách xây dựng pháp luật của nước ta. Thứ hai là Chính sách xây dựng pháp luật phục vụ quá trình cải cách tư pháp, được thể hiện tập trung trong các văn bản: Nghị quyết 08-NQ/TƯ ngày 2/1/2002 của Bộ Chính trị “Về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới”; Nghị quyết 49-NQ/TƯ ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”; Kết luận số 79-KL/TW ngày 28/7/2010 của Bộ Chính trị về Đề án đổi mới tổ chức, hoạt động của Tòa án, Viện kiểm sát, Cơ quan điều tra theo Nghị quyết 49-NQ/TW. Thứ ba là Chính sách xây dựng pháp luật phục vụ quá trình cải cách hành chính (CCHC), được thể hiện tập trung trong hai văn bản là (1) Nghị quyết số 17-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương ngày 01/08/2007 (Hội nghị lần thứ 5, Khóa X) về đẩy mạnh CCHC, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước; (2) Nghị quyết số 30c/NQ-CP, ngày 08/11/2011 của Chính phủ về ban hành Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011 - 2020; (3) Quyết định số 896/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 8/6/2013 phê duyệt “Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020”.
Trong thời gian qua, chính sách xây dựng pháp luật ở nước ta tập trung vào sáu định hướng đã được xác định trong Nghị quyết số 48-NQ/TW của Trung ương, thể hiện tư duy lập pháp mới nhằm mục tiêu cải cách về thể chế cũng là một bộ phận quan trọng của cải cách hành chính. Đó là đảm bảo sự phát triển cân đối, đồng bộ giữa thể chế về kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng, môi trường, bảo vệ quyền con người phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững của đất nước. Đây cũng chính là những lĩnh vực trọng điểm có ý nghĩa then chốt, thúc đẩy mạnh mẽ công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời gian qua. Quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện nay đã có những đổi mới quan trọng như: giảm bớt một số loại, hình thức văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường sự minh bạch, chặt chẽ, dân chủ và huy động được trí tuệ của xã hội vào hoạt động xây dựng pháp luật; triển khai phương thức ban hành một luật để sửa đổi nhiều đạo luật liên quan.
Cùng với đó, việc phổ biến, quán triệt và xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện chính sách trên thực tế được tiến hành chủ động, có sự chuẩn bị kỹ, giúp cá nhân, tổ chức có liên quan có nhận thức đúng đắn và thống nhất về nội dung, mục tiêu, phương thức của chính sách; tăng cường sự liên kết, phối hợp trong quá trình thực hiện. Vì vậy, đã góp phần nhanh chóng đưa chính sách đi vào cuộc sống, được thực hiện nghiêm túc và phát huy hiệu quả. Hệ thống các VBPL quy định về tổ chức và hoạt động của các thiết chế trong hệ thống chính trị đã cơ bản phù hợp với yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân…
Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện, CSXDPL đã bộc lộ một số hạn chế làm giảm hiệu quả chính sách pháp luật, như: Thời điểm ban hành các chính sách xây dựng pháp luật còn chậm so với yêu cầu thực tiễn; các chính sách xây dựng pháp luật được ban hành còn chưa đồng bộ; chất lượng chính sách còn chưa cao như tính cụ thể, tính khả thi; quy trình ban hành chính sách đôi khi chưa được tuân thủ...
Hạn chế, bất cập của CSXDPL có thể do một số nguyên nhân như: (1) Chất lượng xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình xây dựng pháp luật còn hạn chế về đánh giá tác động chính sách nên chưa xác định được thứ tự ưu tiên ban hành văn bản. (2) Quá trình đổi mới quy trình lập pháp còn chậm, chưa tuân thủ nghiêm các bước quy định. Việc phân tích chính sách, đánh giá tác động trước khi xây dựng dự thảo luật có trường hợp chưa được thực hiện kỹ lưỡng dẫn đến nội dung của một số dự án luật, pháp lệnh khi trình Quốc hội so với văn bản luật, pháp lệnh khi được thông qua có sự thay đổi nhiều. (3) Chất lượng của chính sách pháp luật hiện hành còn những hạn chế, như: Thiếu tính hệ thống, chưa bảo đảm tính đồng bộ, cân đối; Các văn bản pháp luật chưa thống nhất với những nguyên tắc chỉ đạo… (4) Hệ thống chính sách pháp luật còn thiếu đồng bộ, thống nhất, vẫn chồng chéo, nhiều về số lượng, nhưng còn hạn chế về chất lượng. (5) Công tác phối hợp giữa các thành viên trong việc xây dựng, thực hiện chính sách còn thiếu chặt chẽ, làm ảnh hưởng tới tính kịp thời, đầy đủ của chính sách pháp luật và tính khả thi, đồng bộ của chính sách…
Đổi mới và hoàn thiện quá trình xây dựng chính sách xây dựng pháp luật
Để công tác xây dựng và ban hành CSXDPL khắc phục được những bất cập, mang lại hiệu quả cao, trước hết cần nghiên cứu xây dựng và ban hành một văn bản thể hiện tập trung, thống nhất và toàn diện về chính sách xây dựng pháp luật. Mặt khác, trong quá trình xây dựng các chính sách xây dựng pháp luật cần nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng với những luận cứ đầy đủ, khách quan cho từng phương án; tuân thủ quy trình và bảo đảm sự tham gia của các nhà khoa học, của các cơ quan, tổ chức hữu quan và các tầng lớp nhân dân. Cần tạo được sự gắn kết việc xây dựng CSXDPL với việc xây dựng hệ thống các công cụ quản lý khác, các chính sách công khác cũng như chính sách pháp luật nói chung, gồm chính sách thực hiện pháp luật, chính sách đào tạo pháp luật, chính sách thông tin pháp luật… để tạo sự đồng bộ và thống nhất.
Hoàn thiện cơ chế, cách thức tổ chức thực hiện CSXDPL một cách thống nhất; đồng thời xác định rõ chủ thể chịu trách nhiệm đầu mối để bảo đảm tính kịp thời, thống nhất khi triển khai chính sách vào thực tế. Song song với đó là giải pháp nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân ở các cấp, các ngành, các địa phương có liên quan trong việc phổ biến, tuyên truyền và xây dựng kế hoạch triển khai chính sách cho đơn vị mình. Có quy định cụ thể việc kiểm tra, sơ kết thực hiện CSXDPL.
Về mục tiêu, định hướng của chính sách xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cần có sự thay đổi theo hướng đồng bộ, toàn diện hơn để phù hợp với chủ trương phát triển “bền vững”, “tăng trưởng xanh” dựa trên ba trụ cột là kinh tế - xã hội - môi trường. Đồng thời, cần thay đổi tư duy trong việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo hướng thu hẹp phạm vi, đối tượng điều chỉnh, nhằm đảm tính cụ thể, tính chuyên sâu và tạo điều kiện thuận lợi cho việc sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng sự thay đổi của các quan hệ xã hội.
Tiếp tục đổi mới quy trình lập pháp theo hướng duy trì quy trình rút gọn và quy trình một luật sửa nhiều luật; nâng cao chất lượng và phát huy vai trò các ủy ban của Quốc hội trong hoạt động thẩm tra. Tạo cơ chế thuận lợi để các đối tượng chịu sự tác động, các nhà khoa học và nhân dân tham gia vào quy trình lập pháp; có quy định rõ việc phải đánh giá, chủ thể đánh giá chính sách pháp luật.
Đổi mới và hoàn thiện quá trình xây dựng CSXDPL là vấn đề lớn và phải làm thường xuyên, nhưng vẫn cần có trọng tâm trọng điểm. Pháp luật được xây dựng có chất lượng cao và đảm bảo được tính chiến lược, đi vào cuộc sống một cách hiệu quả, một phần quan trọng nhờ có chính sách xây dựng pháp luật tốt./.
ThS.Bùi Công Sâm