COP16 được kỳ vọng sẽ là cơ hội để các quốc gia bắt tay vào hành động và tập trung vào các cơ chế thực hiện, giám sát và tuân thủ, sau đó được ứng dụng phát triển tại các quốc gia cũng như kế hoạch quốc gia của các nước.
Ảnh minh họa - TL
“Hệ sinh thái của hành tinh đang gặp nguy hiểm. Nếu không giải quyết các nguyên nhân gây ra tình trạng mất đa dạng sinh học này, hệ sinh thái của chúng ta sẽ đi đến điểm tới hạn và vĩnh viễn không thể quay lại được” là lời cảnh báo của Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF). Theo Báo cáo Sức sống Hành tinh 2024 công bố ngày 9/10 của WWF, quần thể các loài động vật hoang dã thuộc động vật có vú, chim, lưỡng cư, bò sát và cá trên toàn cầu đã giảm hơn 70% trong vòng nửa thế kỷ qua. Chỉ số Sức sống Hành tinh (LPI), dựa trên bộ dữ liệu bao gồm 35.000 quần thể của hơn 5.000 loài, phản ánh tình trạng suy giảm đa dạng sinh học diễn ra với tốc độ và quy mô chưa từng thấy. Khu vực Mỹ Latinh và Caribe ghi nhận mức giảm trung bình 95% về số lượng động vật hoang dã. Nguyên nhân chính được chỉ ra là do hoạt động của con người như phá rừng, săn bắn, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu.
Báo cáo của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên (The Nature Conservancy) cũng cho thấy, số lượng và phân bố của các loài đang giảm sút đáng kể. Cụ thể, báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) chỉ ra thế giới đang phải trải qua tổn thất lớn nhất kể từ thời khủng long, với khoảng 1 triệu loài thực vật và động vật hiện đang bị đe dọa tuyệt chủng. Rừng Amazon, lá phổi xanh của Trái đất, đang phải đối mặt với nhiều áp lực. Việc mở rộng diện tích canh tác, xây dựng đường sá, cháy rừng và hạn hán đã đẩy nhiều loài động thực vật đến bờ vực tuyệt chủng.
Hãng tin Reuters dẫn nguồn Liên minh Quốc tế Bảo tồn thiên nhiên và Tài nguyên thiên nhiên (IUCN) cũng như Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) nhận định sự tàn phá thiên nhiên trên toàn cầu hiện đã đạt tới “một mức độ chưa từng có”. Hơn một phần tư các loài động vật và thực vật được biết đến, khoảng 45.300 loài hiện đứng trước nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng. Bên cạnh đó, số lượng động vật hoang dã đã được theo dõi cũng giảm tới 73% trên toàn cầu vào năm 2020 so với năm 1970. Vào năm 2021, hơn 100 quốc gia đã cam kết ngăn chặn nạn phá rừng và suy thoái rừng vào năm 2030. Tuy nhiên, tới năm 2023, diện tích rừng bị phá đã cao hơn tới 45% so với mức cần thiết để đạt mục tiêu vào năm 2030. Trên biển, khoảng 38% trữ lượng cá đang bị đánh bắt quá mức, gây mất ổn định hệ sinh thái rạn san hô. Có tới 77% diện tích san hô ở các đại dương lớn đối mặt với thảm họa bị tẩy trắng do nhiệt độ nước biển tăng cao.
Trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng khí hậu chưa từng có và tình trạng suy giảm đa dạng sinh học đang diễn ra ở tốc độ chóng mặt, COP16 - với chủ đề “Hòa bình với thiên nhiên”, quy tụ khoảng 23.000 đại biểu đến từ gần 200 quốc gia, trong đó có khoảng 100 bộ trưởng và hàng chục nguyên thủ các nước - được tổ chức nhằm hưởng ứng lời kêu gọi hành động khẩn cấp và tăng cường tài trợ nhằm đảo ngược tình trạng tàn phá đa dạng sinh học hiện nay.
Một trong những mục tiêu chính của hội nghị là thúc đẩy việc thực hiện Khung đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh-Montreal (GBF), được thông qua tại COP15 diễn ra ở Canada năm 2022. Nội dung chính của GBF đặt ra 23 mục tiêu nhằm ngăn chặn và đảo ngược tình trạng suy giảm đa dạng sinh học từ nay đến năm 2030, trong đó có việc khôi phục và bảo tồn ít nhất 30% diện tích đất và biển của hành tinh từ nay đến năm 2030 và ngăn chặn nguy cơ tuyệt chủng đối với các loài động, thực vật do các hành động của con người gây ra. GBF đưa ra lộ trình đầy tham vọng để đạt được tầm nhìn toàn cầu về một thế giới sống hòa hợp với thiên nhiên vào năm 2050. Tại COP16, các đại biểu có trách nhiệm tìm ra giải pháp thực hiện GBF, bao gồm việc huy động 200 tỷ USD mỗi năm cho công tác bảo tồn. Mặc dù Quỹ GBF được thành lập năm ngoái, nhiều đại biểu tại hội nghị đã bày tỏ lo ngại rằng quỹ này mới chỉ thu hút được hàng triệu USD.
Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính, sự sụp đổ của một số hệ sinh thái như nghề cá hoặc rừng nguyên sinh có thể sẽ khiến nền kinh tế thế giới thiệt hại tới 2,7 nghìn tỷ USD đến năm 2030, chiếm khoảng 2,3% tổng sản lượng toàn cầu. Trong khi đó, UNEP dự báo chi tiêu cho thiên nhiên cần tăng lên 542 tỷ USD mỗi năm vào năm 2030 để ngăn chặn tình trạng mất mát thiên nhiên và đạt được các mục tiêu về khí hậu. Theo số liệu từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), các quốc gia phát triển đã cam kết cung cấp 20 tỷ USD mỗi năm cho các nước đang phát triển từ nay đến năm 2025, tăng từ mức 15,4 USD/năm trong năm 2022./.
Thông tấn xã Việt Nam