Khuyến khích, bảo vệ cán bộ “6 dám” vì lợi ích chung

Thực tiễn đổi mới sâu rộng để phát triển nhanh, bền vững đất nước theo mục tiêu, phương hướng mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định, đòi hỏi Đảng, Nhà nước phải có chính sách khuyến khích và cơ chế phù hợp bảo vệ những cán bộ có ý chí chiến đấu cao, gương mẫu thực hiện nguyên tắc của Đảng và pháp luật của Nhà nước, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung.
Ảnh minh họa/ baophapluat.vn 

Sự nghiệp đổi mới phát triển nhanh, bền vững đất nước hiện nay càng đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải có phẩm chất “6 dám”

Sau 36 năm đổi mới, đất nước ta đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Tuy vậy, hiện tại, nước ta vẫn là nước “đang phát triển, có thu nhập trung bình thấp”, có khoảng cách khá xa với các nước phát triển, 4 nguy cơ đe dọa sự tồn vong và phát triển chế độ xã hội chủ nghĩa mà Đảng ta nhận định vẫn hiện hữu, công cuộc đấu tranh phòng, chống suy thoái tư tưởng chính trị trong Đảng và xã hội mới đạt được kết quả bước đầu... Hơn lúc nào hết, thực tiễn phát triển nhanh, bền vững, xây dựng một nước Việt Nam hùng cường trong bối cảnh hiện nay đòi hỏi Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng phải là những người có đủ đức, đủ tài, có ý chí chiến đấu cao, gương mẫu thực hiện nguyên tắc của Đảng, pháp luật của Nhà nước và phải hội đủ phẩm chất “6 dám” (dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung). Bởi lẽ: 

- Thứ nhất, thực tiễn công cuộc xây dựng, phát triển đất nước trong tình hình hiện nay đòi hỏi: 1- Tiếp tục, kịp thời giải quyết những vấn đề cả về lý luận lẫn cơ chế vận hành một cách khoa học, căn cơ để đổi mới đi vào chiều sâu, hiệu quả. Sự nghiệp đổi mới, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang vận hành, dù đã trải qua 35 năm nhưng để phát triển nhanh, bền vững, phấn đấu vì một nước Việt Nam hùng cường tiếp tục đòi hỏi Đảng, mà trực tiếp là đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng phải tìm tòi, sáng tạo, đủ bản lĩnh xử lý đúng, giải quyết thấu đáo những vấn đề lý luận và thực tiễn đổi mới đang đặt ra. Đại hội XIII của Đảng xác định 10 mối quan hệ lớn cần tiếp tục nắm vững và xử lý tốt, đó là: “Giữa ổn định, đổi mới và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; giữa nhà nước, thị trường và xã hội; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ;... giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội”(1). Trong mỗi mối quan hệ lớn đó còn có những khoảng trống cả về lý luận lẫn thực tiễn và cơ chế để vận hành. Những vấn đề đó, một mặt, đòi hỏi từng bước phải được trả lời bằng cơ sở khoa học, cơ sở lý luận, cơ chế thực hiện để làm căn cứ cho lãnh đạo, tổ chức vận hành đất nước phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, vì hạnh phúc của nhân dân, mặt khác, đòi hỏi Đảng và cán bộ, đảng viên của Đảng, trước hết là những người đứng đầu đơn vị, tổ chức, địa phương, lĩnh vực... phải dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung để thúc đẩy sự nghiệp cách mạng phát triển.

Nếu chỉ làm theo những quy định, cơ chế đã có thì những vấn đề mới, khó, chưa có tiền lệ, chưa thành cơ chế vẫn là rào cản sự phát triển. Điều đó vừa xa lạ với tính chất của công cuộc đổi mới, vừa không xứng tầm với phẩm chất lãnh đạo, dẫn đường của người cách mạng. 2- Thực tiễn công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng, để Đảng ngang tầm nhiệm vụ lãnh đạo sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước theo tinh thần Đại hội XIII. Việc đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng phải tiếp tục phát huy bản lĩnh, dám đấu tranh, dám nghiêm khắc xử lý tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên nhằm làm cho Đảng ta trong sạch, vững mạnh, đủ năng lực, phẩm chất lãnh đạo, vận hành công cuộc đổi mới đi vào chiều sâu với tốc độ nhanh, tính chất bền vững mà Đại hội XIII đã xác định là đòi hỏi tự thân của Đảng, của mọi tầng lớp nhân dân và đòi hỏi của sự phát triển. Đòi hỏi đó là chính đáng, bởi lẽ đấu tranh chống cái sai, cái xấu, cái ác; bảo vệ cái đúng, cái tốt đẹp, cái thiện là lẽ sống, là xu thế tất yếu của phát triển xã hội, là phẩm chất cần thiết, là bản lĩnh cần có của cán bộ, đảng viên, nhất là trong tình hình hiện nay. Nếu cán bộ, đảng viên của Đảng không hội đủ những phẩm chất “dám” đó, không hành động quyết liệt thì công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng chỉ là những khẩu hiệu suông, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên tất sẽ là nguy cơ đối với sự tồn vong của Đảng, của chế độ.

- Thứ hai, bản chất của Đảng Cộng sản Việt Nam, Điều lệ của Đảng, sự tự nguyện hy sinh phấn đấu, dấn thân của đảng viên đòi hỏi họ phải có phẩm chất “6 dám”. “Mục đích của Đảng là xây dựng nước Việt Nam độc lập, dân chủ, giàu mạnh, xã hội công bằng, văn minh, không còn người bóc lột người, thực hiện thành công chủ nghĩa xã hội và cuối cùng là chủ nghĩa cộng sản”(2) đã thể hiện rõ tính chiến đấu, tính cách mạng, tính nhân văn của Đảng. Đảng viên của Đảng có nhiệm vụ “... đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, cục bộ, quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực khác”(3), là thuộc tính thể hiện phẩm chất người đảng viên, bản chất của Đảng. Hơn lúc nào hết, bên cạnh những phẩm chất, như có ý chí chiến đấu cao, gương mẫu thực hiện nguyên tắc của Đảng và pháp luật của Nhà nước; đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay phải dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung. Chỉ có vậy, những mục tiêu định hướng mà Đại hội XIII của Đảng xác định mới có thể trở thành hiện thực.

Nếu không có phẩm chất “6 dám” ở mỗi cán bộ, đảng viên thì đất nước không thể phát triển nhanh, bền vững, kịp hội nhập với dòng chảy phát triển của nhân loại. Hơn lúc nào hết, cuộc sống thực tại đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải mạnh dạn phát huy phẩm chất “6 dám” trong mọi công việc trên cương vị mà Đảng, Nhà nước phân công; đồng thời, cũng đòi hỏi Đảng, Nhà nước kịp thời có chủ trương, chính sách, cơ chế khuyến khích, bảo vệ để tạo điều kiện cho phẩm chất “6 dám” của cán bộ, đảng viên đua nở.

 “6 dám” - một chỉnh thể cấu thành nhân cách người cán bộ, đảng viên hiện nay

“Dám” có nghĩa là không ngại, không sợ làm những việc khó, việc mạo hiểm, việc chưa có tiền lệ, chưa được hoạch định bằng cơ chế...  

- “Dám nghĩ”: Thể hiện tư duy đổi mới, bứt phá nhằm khai thông, mở lối phát triển để đạt hiệu quả tối ưu trước một vấn đề, một công việc nào đó, nhất là cái mới, việc mới. Những ý tưởng và phương pháp tư duy độc đáo đó sẽ tạo ra cách làm mới, hiệu quả góp phần thay đổi chất lượng phát triển, chất lượng sống của mỗi người, nhiều người. Dám nghĩ là phẩm chất đầu tiên, có tính mở đầu, làm cơ sở, căn cứ cho chuỗi hành vi nối đến kết quả. “Dám nghĩ” không có nghĩa là không tưởng, cũng không có nghĩa là mơ mộng viển vông, nhất là ở những người có trí tuệ và lòng quyết tâm. Dám nghĩ có thể khiến năng lực tư duy của một người được phát huy tới cực độ, chiến thắng mọi trở ngại.

Đối với cán bộ, đảng viên trong bối cảnh, điều kiện hiện nay, dám nghĩ khiến người ta toàn tâm, toàn ý hướng vào tháo gỡ những vấn đề đang đặt ra, những vấn đề chưa có tiền lệ, chưa thành cơ chế, đang là rào cản đối với sự phát triển. Nếu cán bộ, đảng viên không dám nghĩ thì không có cơ sở cho sự bứt phá để phát triển nhanh, bền vững theo mục tiêu Đại hội XIII của Đảng đã xác định.

- “Dám nói”: Là thể hiện dũng khí, tính cương trực, thẳng thắn, công tâm khi nhận định, xem xét, phán quyết một vấn đề, một sự việc nào đó. Trước những đòi hỏi từ thực tiễn phát triển của đất nước hiện nay, cán bộ, công chức mới “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” là chưa đủ, mà hơn thế, còn phải “dám nói”. Thực tế hiện nay, ở nhiều cấp, ngành có một số cán bộ không thể hiện quan điểm, lập trường, thái độ rõ ràng, thiếu chính kiến dứt khoát trước những sự việc đúng, sai, tốt, xấu... Và, họ ứng xử theo lối “dĩ hòa vi quý”, “gió chiều nào theo chiều ấy”, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, làm cho cái tốt không có điều kiện nảy nở, phát huy, cái sai không được phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời, đấu tranh loại bỏ, làm cho cái mới không được khai phá... Sự không dám nói ấy, suy cho cùng, cũng là một hình thức tự thủ tiêu tinh thần đấu tranh chân chính, thiếu tính xây dựng, một biểu hiện tinh vi của chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, hẹp hòi.

Thực tiễn phát triển đất nước nhanh, bền vững, công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay đòi hỏi cán bộ, đảng viên của Đảng phải “dám nói”, và “dám nói” phải là một trong những phẩm chất cần có của họ.

- “Dám làm”: Là thái độ và hành động quyết liệt, khẩn trương, chủ động xông pha, tiên phong dấn thân vào những công việc khó, nhiệm vụ phức tạp, những việc chưa có tiền lệ, chưa có trong quy cách, quy định... nhằm làm chuyển biến tình hình theo chiều hướng tích cực, phát triển, vì lợi ích chung; là dám biến ước mơ, dự định thành hiện thực. Nếu cán bộ, đảng viên mới dám nghĩ, dám nói thì chưa đủ, mà còn phải dám làm; bởi lẽ, hành động mới là sức mạnh vật chất mang lại kết quả cụ thể, làm cho thực tế đời sống thay đổi, xã hội phát triển. “Dám làm” không có nghĩa là làm liều, càng không phải là vi phạm pháp luật. Cán bộ, đảng viên phải là con người của hành động, “miệng nói, tay làm”. Đảng và nhân dân ta đồng thuận phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (chưa có tiền lệ), càng đòi hỏi những người cầm lái, vận hành khi đối mặt với mọi khó khăn, thách thức, mới mẻ phải dám làm, dũng cảm đi đầu gương mẫu làm trước và định hướng, tổ chức để nhân dân cùng làm. Nếu cán bộ, đảng viên không đủ dũng khí dấn thân làm thì những gì còn đang đặt ra trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế mãi là bài toán chưa có lời giải, tiếp tục cản trở sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước.

- “Dám chịu trách nhiệm”: Dám chịu trách nhiệm thể hiện bản lĩnh, tinh thần vững vàng của người “đứng mũi chịu sào” trước mọi “sóng to, gió cả”, không lùi bước và luôn sẵn sàng đón nhận cả thành công và chưa thành công, thậm chí đối mặt với những rủi ro ngoài ý muốn. Dám chịu trách nhiệm bao gồm hai yếu tố: Một là, nhận nhiệm vụ và nhận trách nhiệm với nhiệm vụ của mình, đồng thời nỗ lực hết sức mình để hoàn thành nhiệm vụ, không tránh né, đùn đẩy. Hai là, dám chịu trách nhiệm nhận lỗi và sẵn sàng gánh chịu hậu quả xấu đến với mình khi không hoàn thành nhiệm vụ.

- “Dám đổi mới sáng tạo”: Đổi mới là thay cái cũ (hay làm cho cái cũ) thành cái mới tốt hơn, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển. Đổi mới là một phương thức phát triển, luôn chứa đựng sự thay đổi - phát triển cả về chất và lượng, cả về nội dung và hình thức, cả về cấu trúc và cơ chế vận hành. Sáng tạo là đưa ra những ý tưởng, sáng kiến ứng dụng vào thực tế mang lại lợi ích cho con người và xã hội. Phẩm chất đổi mới sáng tạo là một chỉnh thể có quan hệ chặt chẽ giữa 2 thành tố: Đổi mới và sáng tạo. Đổi mới phải sáng tạo và sáng tạo hàm chứa đổi mới.

Đặc trưng giai đoạn tới của công cuộc đổi mới càng đòi hỏi sự đổi mới và sáng tạo. Hơn lúc nào hết, yêu cầu cấp thiết đặt ra đối với cán bộ, đảng viên là dám đổi mới, sáng tạo những mô hình, cách làm đột phá, thậm chí khác biệt nhưng mang lại hiệu quả tốt hơn. Đổi mới, sáng tạo mạnh mẽ hơn là chìa khóa để thực hiện các chủ trương mới của Đảng về chuyển đổi mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực khoa học - công nghệ... mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

- “Dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung” là phẩm chất cấu thành bởi bản lĩnh, nghị lực, quyết tâm chính trị và đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên. Bản lĩnh là khả năng đương đầu với khó khăn, giải quyết những vấn đề mới, khó của cuộc sống một cách bình tĩnh, sáng suốt và tỉnh táo. Bản lĩnh còn là lòng dũng cảm, kiên trì, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; là sự tự khẳng định mình, bày tỏ những quan điểm cá nhân, có chính kiến riêng và dám đương đầu với mọi thử thách để đạt điều mong muốn. Nghị lực là sức mạnh tinh thần tạo cho con người sự kiên quyết trong hành động, không lùi bước trước khó khăn, thử thách. Quyết tâm chính trị là ý chí thực hiện cho kỳ được mục tiêu mà Đảng và nhân dân ta đồng thuận xác định ở Đại hội XIII là đẩy mạnh đổi mới đi vào chiều sâu để xây dựng một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đạo đức cách mạng là “Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Đó là điều chủ chốt nhất. Ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỷ luật của Đảng, thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng. Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc. Ra sức học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, luôn luôn dùng tự phê bình và phê bình để nâng cao tư tưởng và cải tiến công tác của mình và cùng đồng chí mình tiến bộ”(4).

Công cuộc đổi mới đi vào chiều sâu với quyết tâm bứt phá hiện nay càng đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung, để những mục tiêu Đại hội XIII xác định mới đạt kết quả cao.

Hội đủ “6 dám” trên, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định, cán bộ, đảng viên của Đảng không chỉ là những người lo trước thiên hạ, mà còn phải khổ trước thiên hạ, còn phải dám hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của nhân dân, của Tổ quốc, của Đảng. Đã tự nguyện làm công bộc của dân, thề suốt đời hy sinh, phấn đấu vì hạnh phúc của nhân dân thì lợi ích của cán bộ, đảng viên phải đặt trong lợi ích chung của dân, của nước. Dám hy sinh lợi ích cá nhân là đòi hỏi cán bộ phải tự giác gác lại những nhu cầu, ham muốn cá nhân ảnh hưởng đến sự nghiệp chung, lợi ích chung; nghiêm khắc với bản thân, không bị mê hoặc bởi tiền tài danh vọng và những cám dỗ tầm thường. Dám hy sinh lợi ích cá nhân còn có nghĩa là sẵn sàng, tự giác chấp nhận phần thiệt thòi về mình, không lợi dụng quyền lực, chức trách được giao phó để thu vén, trục lợi cá nhân, làm tổn hại đến lợi ích chung. Ở tầng sâu hơn, dám hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của Đảng, của đất nước chính là phẩm chất tận trung với nước, tận hiếu với dân, đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết, trước hết, làm khuôn thước để bản thân tu dưỡng, rèn luyện, học tập, công tác. Đó còn là uy tín, thanh danh của Đảng và của bản thân mỗi cán bộ, đảng viên.

Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động và dám hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của nhân dân, của Tổ quốc, của Đảng là những phẩm chất cần và đủ, có quan hệ chặt chẽ với nhau và là một chỉnh thể trong nhân cách của người cán bộ, đảng viên ở nước ta hiện nay.

Để phẩm chất “6 dám” trở thành hành động thực tế của cán bộ, đảng viên hiện nay

Để phẩm chất “6 dám” của cán bộ, đảng viên nảy nở, phát triển mạnh mẽ, trở thành hành động thực tế trong chặng đường đổi mới tiếp theo cần đáp ứng hai vấn đề lớn sau:

Một là, Đảng, Nhà nước kịp thời có quy định tạo hành lang pháp lý khuyến khích và bảo vệ để phẩm chất “6 dám” của cán bộ, đảng viên đua nở. Sự kịp thời này nhằm tạo cơ sở pháp lý để phát huy cao nhất sức mạnh của phẩm chất “6 dám” - một năng lượng to lớn, gần như vô tận trong nguồn lực số một có tính quyết định là nguồn lực con người vào sự nghiệp phát triển nhanh, bền vững đất nước. Vấn đề cấp thiết hiện nay là phải giải tỏa cho được tâm lý sợ làm sai với quy định hiện hành, sợ bị xử lý trách nhiệm, mặc dù rất cố gắng giải quyết khó khăn, thách thức với một động cơ trong sáng - vì lợi ích của dân, của nước, không vì danh, lợi cá nhân ở không ít cán bộ, đảng viên đang giữ những trọng trách! Có quy định sẽ vừa kịp thời khuyến khích, vừa bảo vệ cán bộ, đảng viên “6 dám” mạnh dạn đề xuất, thí điểm tháo gỡ, mở lối những vấn đề không còn phù hợp, những tồn đọng kéo dài, những vấn đề mới chưa được quy chế hiện hành bảo đảm, khó khăn trong cách giải quyết, phức tạp,... mà sự nghiệp phát triển đất nước đang đặt ra.

Hai là, những quy định này phải thỏa mãn 2 yêu cầu: Khuyến khích và bảo vệ cán bộ, đảng viên “6 dám” .

Khuyến khích những người năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung là một trong những vấn đề luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm bằng việc ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, kết luận, văn bản quy phạm pháp luật... của Đảng, Nhà nước(5). Tuy phẩm chất “6 dám” của cán bộ, đảng viên thời gian qua có những động thái tích cực, nhưng chưa ngang tầm với khát vọng, trí tuệ, bản lĩnh của họ(6)! Trong khi đó, tâm lý sợ sai, sợ mất lòng, co cụm, đối phó, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, không dám đối diện với những khó khăn, vướng mắc, không dám đấu tranh phê phán cái sai, cái xấu,... tư tưởng “vuông cho chắc” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên đang bóp nghẹt phẩm chất “6 dám” trong họ.

Hơn lúc nào hết, quy định này cần đưa ra một cơ chế khuyến khích thiết thực, hấp dẫn cả về tinh thần lẫn vật chất với từng loại vấn đề, từng loại việc, tương xứng với mức độ, quy mô, giá trị và hiệu quả mà những cái “dám” đó mang lại trong hiện thực.

Quy định về cơ chế bảo vệ những người có hành động “6 dám” phải bao quát các mặt, các lĩnh vực với những mức độ khác nhau, đủ mạnh, là chỗ dựa, là niềm tin, đồng thời cũng là sự khuyến khích lớn lao của Đảng, Nhà nước, nhân dân để họ quyết tâm giải quyết những nút thắt, rào cản, bế tắc, lỗi thời, những vấn đề mới chưa định hình cơ chế, nhạy cảm, tồn đọng lâu ngày... đang kìm hãm sự phát triển. Đó là cơ sở chính trị - pháp lý cho nguồn lực quý giá của đất nước - phẩm chất “6 dám” của cán bộ, đảng viên có cơ hội nảy nở, có vai trò thúc đẩy đất nước phát triển nhanh và bền vững. Đồng thời, quy định đó cũng đưa ra được cơ chế xử lý, kỷ luật nghiêm khắc đối với những hành vi lợi dụng sự khuyến khích, bảo vệ những điều “dám” hữu dụng để tiến hành những điều “dám” chỉ vì lợi ích cá nhân, phe nhóm hoặc thiếu tính thực tế, hoang tưởng, làm tổn hại đến uy tín của Đảng, Nhà nước, tài sản của nhân dân. Cơ chế bảo vệ cần đưa ra các bước triển khai những vấn đề “dám” đó để bảo đảm tính dân chủ, tăng tính khoa học, giảm thiểu sự sai sót, rủi ro... cho vấn đề triển khai. Bám vào các bước triển khai đó, quy định bảo vệ đưa ra các nguyên tắc, tiêu chí, phương thức, biện pháp bảo vệ một cách cụ thể, chỉ rõ những trường hợp nào được bảo vệ khi xảy ra rủi ro, sai sót và quy định trách nhiệm của từng chủ thể. Quy định phải rất cụ thể, càng cụ thể thì càng làm chỗ dựa tin cậy cho những hành vi “dám” diễn ra mạnh mẽ; đồng thời, làm cơ sở cho việc xem xét, đánh giá một cách khách quan, chính xác kết quả của những hành vi “dám” trong thực tế. 

Quy định khuyến khích và bảo vệ cán bộ “6 dám” sẽ là cơ sở chính trị - pháp lý bảo đảm 2 vấn đề: Một là, mọi cán bộ, đảng viên, công dân đều bình đẳng được quyền đề xuất những ý tưởng, đề án và trở thành chủ thể “dám” vì lợi ích chung, vì sự phát triển đất nước; hai là, mọi tổ chức đảng, chính quyền các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị - cấp có thẩm quyền quyết định, phê chuẩn dự án - đều phải có trách nhiệm khuyến khích, xem xét, bảo vệ và chịu trách nhiệm đối với các ý tưởng, các đề án thuộc về “6 dám” vì lợi ích chung, vì sự phát triển của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân.

Các phẩm chất “dám” vì sự phát triển, vì lợi ích chung là nguồn lực quý hiếm, có sức mạnh to lớn làm nên sự phát triển kỳ diệu. Nó là một chỉnh thể trong nhân cách của những người năng động, dũng cảm, sáng tạo vì lợi ích chung. Một quy định về chính sách khuyến khích và cơ chế bảo vệ cán bộ “6 dám” sẽ tạo nên phong trào đột phá, sáng tạo của cán bộ, đảng viên trong toàn xã hội; thúc đẩy sự nghiệp phát triển nhanh, bền vững đất nước theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng.

PGS, TS. Đoàn Thế Hanh

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

------------------

(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 39
(2), (3) Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr. 4, 9
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 11, tr. 603
(5) Gần đây nhất là Luật Thi đua, khen thưởng năm 2003, Luật Khoa học và công nghệ năm 2013, Nghị định số 13/2012/NĐ-CP, ngày 2-3-2012, của Chính phủ, ban hành Điều lệ sáng kiến,...
(6) Theo Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), số lượng phát minh, sáng chế của Việt Nam thấp hơn nhiều so với thế giới, ít hơn so với một số nước khu vực, chỉ số năng lực đổi mới sáng tạo xếp thứ 76/140 quốc gia, trong khi người Việt Nam luôn giành được nhiều giải thưởng cao tại các cuộc thi quốc tế ở nhiều lĩnh vực (Xem: Dương Mộng Huyền và nhóm tác giả: “Xây dựng cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung - Một số nội dung cụ thể” (kỳ 3), Tạp chí Cộng sản, số 950, tháng 9-2020, tr. 54)

...
  • Tags: