Luật Bảo vệ môi trường (2020) qua hơn 2 năm thực hiện

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022) thay thế Luật Bảo vệ môi trường năm 2014. Mục tiêu trọng tâm và xuyên suốt của Luật là bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân và thay đổi phương thức quản lý, cắt giảm thủ tục hành chính… Đây là hành lang pháp lý quan trọng để phát huy vai trò của người dân, doanh nghiệp và cả hệ thống chính trị trong việc tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường.

Sau khi Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) được Quốc hội thông qua, Chính phủ đã ban hành các nghị định như: số 54/2021/NĐ-CP ngày 21/5/2021 quy định về đánh giá sơ bộ tác động môi trường; số 55/2021/NĐ-CP ngày 24/5/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP, ngày 18/11/2016 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) và các văn bản quy phạm pháp luật khác.

Một số điểm khác với Luật BVMT cũ

Với quan điểm sự phát triển phải dựa trên quy luật tự nhiên, không hy sinh môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế; cũng như các hoạt động sản xuất, phát triển không chỉ là sự phòng ngừa, kiểm soát, xử lý chất thải mà phải hài hòa với tự nhiên, khuyến khích bảo vệ và phát triển tự nhiên, Luật BVMT năm 2020 tiếp cận phương pháp quản lý môi trường xuyên suốt, khoa học đối với các dự án đầu tư dựa trên các tiêu chí môi trường, sàng lọc, không khuyến khích các dự án không tuân theo quy luật tự nhiên, chiếm dụng lớn diện tích rừng, đất lúa, có nguy cơ gây lũ lụt, suy thoái, cạn kiệt dòng chảy, tác động đến các di sản tự nhiên, khu bảo tồn; áp dụng công cụ quản lý môi trường phù hợp theo từng giai đoạn từ việc xây dựng chiến lược, quy hoạch, chương trình đến thực hiện dự án đầu tư.

Bên cạnh đó, Luật đã phân cấp mạnh mẽ cho địa phương thông qua chế định giao Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với các bộ có liên quan thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư của các bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành (quy định hiện hành phân cấp các bộ, ngành đều có thể thẩm định báo cáo tác động môi trường); đồng thời, quy định các bộ có liên quan có trách nhiệm phối hợp với UBND cấp tỉnh trong quá trình thực hiện nhằm bảo đảm hiệu quả.

Luật BVMT lần này đã quy định chế định cụ thể về kiểm toán môi trường nhằm tăng cường năng lực, hiệu quả quản lý môi trường của cơ sở sản xuất – kinh doanh, dịch vụ. Mục đích của hoạt động này là nhằm tăng cường năng lực quản lý môi trường của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp nhận biết lỗ hổng trong quản lý môi trường và có giải pháp điều chỉnh hoạt động quản lý môi trường được hiệu quả hơn.

Đặc biệt, Luật BVMT 2020 còn bổ sung “cộng đồng dân cư” ngay vào phạm vi điều chỉnh (Điều 1) và đối tượng áp dụng (Điều 2) nhằm khẳng định vị trí, vai trò của nhóm đối tượng quan trọng này trong công tác BVMT cũng như thực hiện một trong những mục tiêu xuyên suốt là bảo vệ sức khỏe người dân, bảo đảm người dân được sống trong môi trường trong lành. Đây cũng là lần đầu tiên cộng đồng dân cư được quy định là một chủ thể trong công tác BVMT.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực môi trường cũng là vấn đề được đề cập cụ thể trong Luật BVMT 2020. Theo đó, trong Luật có nhiều quy định nhằm cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính (TTHC), cắt giảm tới hơn 40% TTHC, giảm thời gian thực hiện các TTHC từ 20 – 85 ngày, góp phần giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp thông qua các quy định như: thu hẹp đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường; tích hợp các TTHC vào một giấy phép môi trường; đồng bộ các công cụ quản lý môi trường theo từng giai đoạn của dự án, bắt đầu từ khâu xem xét chủ trương đầu tư, thẩm định dự án, thực hiện dự án cho đến khi dự án đi vào vận hành chính thức và kết thúc.

Những khó khăn khi thực thi Luật mới

Trong quá trình triển khai thực hiện Luật BVMT mới, các doanh nghiệp vẫn còn gặp những vướng mắc đối với một số nội dung quy định tại Luật, như: Chưa có cơ sở cụ thể để doanh nghiệp thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM); một số điều khoản của Luật và các văn bản hướng dẫn chưa rõ ràng, phạm vi áp dụng chưa cụ thể, gây khó khăn trong quá trình thực hiện thủ tục môi trường khi thực hiện các dự án… Vướng mắc về đơn giá thu phí môi trường; chậm ban hành một số văn bản hướng dẫn…

Về thời gian cấp phép, Luật BVMT quy định chỉ trong khoảng 30 - 45 ngày làm việc. Tuy nhiên, việc tích hợp nhiều loại giấy phép trong một sẽ khiến cơ quan có thẩm quyền mất nhiều thời gian để kiểm tra, xác minh, thẩm định về việc đáp ứng các điều kiện theo Luật, trong khi nhân lực hạn chế. Vì vậy, theo nhiều doanh nghiệp phản ánh, thời gian thực tế để xin được giấy phép môi trường (GPMT) thông thường phải mất ít nhất là 1 năm hoặc hơn.

Luật hiện hành quy định cơ sở, đơn vị đầu tư chỉ được cấp đổi GPMT trong trường hợp thay đổi tên chủ dự án. Còn những trường hợp khác, pháp luật chưa có quy định. Trong trường hợp các đơn vị vẫn đang áp dụng theo giấy phép cũ còn hiệu lực, nếu cơ sở muốn cấp đổi lại GPMT thì họ phải chờ đến khi giấy phép môi trường cũ hết hiệu lực, sau đó mới có thể đăng ký GPMT theo luật mới. Vì trong Luật mới không quy định về việc cấp lại, nên cũng gây khó khăn cho các đơn vị, doanh nghiệp về chi phí, thời gian, quyền và nghĩa vụ liên quan của đơn vị.

Bên cạnh đó, Luật BVMT 2020 vẫn còn thiếu những hướng dẫn chi tiết, cụ thể về đánh giá sức chịu tải của môi trường trong mối liên hệ với việc cấp GPMT. Địa phương gặp khó trong việc phân định đối tượng thực hiện thủ tục hành chính về GPMT căn cứ theo nội dung dự án, quy mô công suất... Nhiều dự án khi lập hồ sơ lại lúng túng trong quá trình thực hiện khiến việc cấp GPMT bị chậm so với thời gian dự kiến ban đầu. Chẳng hạn, theo quy định, các dự án đầu tư có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Như vậy, các dự án được miễn đăng ký môi trường theo Nghị định 08/2022/NĐ-CP nhưng nếu có chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa thì vẫn phải lập ĐTM. Thực tế có một số dự án sử dụng rất ít đất lúa nhưng vẫn phải thực hiện thủ tục này, gây nhiều khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện dự án…

Giải pháp nâng cao hiệu quả thực thi Luật BVMT năm 2020

- Luật BVMT 2020 mới có hiệu lực thực hiện được hơn 2 năm, vẫn còn nhiều vấn đề của Luật chưa thực sự đi vào cuộc sống một cách thuận lợi. Vì vậy, điều rất quan trọng là phải tiếp tục tổ chức quán triệt và tuyên truyền, phổ biến Luật BVMT năm 2020 rộng rãi đến Nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động nhằm nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của người dân trong tuân thủ pháp luật về BVMT. Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND các tỉnh, thành phố là những cơ quan có vai trò chính trong quá trình chủ trì tổ chức công tác phổ biến, tuyên truyền Luật.

- Các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường cùng với UBND các tỉnh, thành phố, theo chức năng của mình cần tiếp tục bám sát thực tế nhằm rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến BVMT để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, bảo đảm tính thống nhất giữa các quy định của luật chuyên ngành và các văn bản của HĐND, UBND các cấp với các quy định của Luật BVMT.

- Việc xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện Luật BVMT cần được các cấp ngành triển khai nghiêm túc và thường xuyên, đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả, tiết kiệm, tránh hình thức, lãng phí. Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố có vai trò và trách nhiệm phối hợp với các sở, ban ngành có liên quan tham mưu Ban cán sự Đảng UBND tỉnh trình BCH Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Nghệ An, tổ chức thực hiện rà soát, tham mưu ban hành các quy định về quản lý chất thải rắn, quản lý môi trường không khí, xây dựng lộ trình di dời các hộ dân (nếu có) ra khỏi cụm công nghiệp,…

-Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân để chủ động ngăn ngừa những vi phạm chính sách, pháp luật về BVMT. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành và các địa phương tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc tại cơ sở trong quá trình thực thi các chính sách, pháp luật về BVMT./.

Ths Lâm Thanh Hùng 

...
  • Tags: