Nam Định phòng chống, ứng phó mưa úng sau bão số 3

Ngày 10/9, UBND tỉnh Nam Định có Thông báo số 222/TB-UBND kết luận của Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nam Định, Trần Anh Dũng tại cuộc họp triển khai công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả mưa úng.

Ngập sâu trên đường Đông A, TP Nam Định sáng 10/9. Ảnh: Đinh Thành Công

Theo đó, ngày 10/9/2024, tại trụ sở UBND tỉnh Nam Định, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nam Định, Trần Anh Dũng chủ trì cuộc họp triển khai công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả mưa úng.

Tham dự họp có lãnh đạo các sở, ngành: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Tư pháp, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Thanh tra tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố.

Sau khi nghe lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo diễn biến tình hình phòng, chống và khắc phục hậu quả mưa úng trên địa bàn tỉnh; ý kiến của lãnh đạo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Nam Định về diễn biến, tình hình mưa úng và báo động lũ trên các sông của tỉnh Nam Định; ý kiến tham gia của các đại biểu, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nam Định, Trần Anh Dũng kết luận:

Rạng sáng 10/9/2024, trên địa bàn tỉnh xảy ra mưa lớn trung bình 100 - 150 mm, đặc biệt trên địa bàn thành phố Nam Định đạt trên 200 mm, đã gây hiện tượng ngập úng tại nhiều tuyến đường của thành phố. Theo dự báo, đợt mưa này còn diễn biến phức tạp, có khả năng mưa to đến rất to trong vài ngày tới và các sông trên địa bàn tỉnh có khả năng đạt đỉnh lũ vào ngày 11/9/2024.

Hiện tại, (ngày 10/9/2024) mực nước trên sông Ninh Cơ, Sông Đào lên nhanh (lúc 7 giờ ngày 10/9/2024, mực nước trên sông Đào mực nước tại trạm thuỷ văn Nam Định là 3.92m.

Để chủ động khắc phục hậu quả và hạn chế tối đa thiệt hại do mưa bão gây ra, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân vùng nguy hiểm, UBND tỉnh Nam Định yêu cầu UBND các huyện, thành phố, các sở, ngành liên quan khẩn trương tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:

UBND các huyện, thành phố (nhất là UBND thành phố Nam Định, các huyện Ý Yên, Nam Trực) chủ động xây dựng phương án, kịch bản, sẵn sàng di dân vùng nguy hiểm, vùng sạt lở, vùng bãi, bồi không an toàn, đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng người dân và di chuyển tài sản của người dân đến các địa điểm an toàn khi có tình huống khẩn cấp xảy ra; đảm bảo nơi ăn, ở để người dân yên tâm cư trú; chủ động lực lượng, phương tiện để triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống khẩn cấp xảy ra;

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh và các đơn vị liên quan chủ động tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo và hướng dẫn UBND các huyện, thành phố kịp thời, đảm bảo an toàn cho nhân dân, nhằm ổn định phát triển sản xuất và đời sống sinh hoạt; chủ động xử lý giờ đầu đối với các tuyến đê sông, đê biển trên địa bàn tỉnh khi có sự cố xảy ra;

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, các đơn vị liên quan phối hợp với UBND các huyện, thành phố đảm bảo công tác di dân và di chuyển tài sản của người dân đến địa điểm an toàn; chủ động lực lượng, phương tiện để triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống khẩn cấp xảy ra;

UBND các huyện, thành phố chủ động xử lý các tình huống rủi ro thuộc thẩm quyền với phương châm 4 tại chỗ; nếu vượt mức độ rủi ro và khả năng của địa phương, báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định và thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

P.T

...
  • Tags: