Những lưu ý khi soạn thảo hợp đồng kinh tế

Thuật ngữ “Hợp đồng kinh tế” lần đầu tiên được ghi nhận trong văn bản pháp luật tại Nghị định số 004-TTg ngày 04/01/1960 do Thủ tướng Chính phủ ban hành với tên gọi là Nghị định ban hành bản điều lệ tạm thời về chế độ hợp đồng kinh tế giữa các xí nghiệp quốc doanh và các cơ quan Nhà nước.

Tóm tắt: “Hợp đồng kinh tế” không phải là thuật ngữ xa lạ và mới mẻ. Đã có rất nhiều chuyên gia, luật sư, luật gia…không ít lần nói về những lưu ý trong soạn thảo hợp đồng và nay bằng kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình hành nghề cũng như những tranh chấp xảy ra trên thực tế, dựa trên cơ sở các quy định của pháp luật, tác giả mong muốn được tiếp tục góp phần gửi thông điệp tới đồng nghiệp, các thầy cô và sinh viên Luật của Trường Đại học quốc tế Sài Gòn để trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng từ những kinh nghiệm thực tiễn tranh tụng trong giải quyết các tranh chấp hợp đồng kinh tế

Từ khóa: hợp đồng kinh tế, đàm phán hợp đồng, hiệu lực hợp đồng, soạn thảo hợp đồng, chế tài.

Abstract: “Economic contract” is not the new terminology. There are many experts, lawyers, already talking about drafting contract and the author also, with the experiences in professional career as well as practical disputes, on the basis of regulations, expects to continue to contribute to sending messages to colleagues, teachers and law students of the Saigon International University to equip themselves with knowledge and skills from practical experience in litigation within the settlement of economic contract disputes.

Key words: economic contract, contract negotiation, validity of contract, drafting contract, remedies.

Ảnh minh họa - Internet

I. KHÁI NIỆM HỢP ĐỒNG KINH TẾ

Thuật ngữ “Hợp đồng kinh tế” lần đầu tiên được ghi nhận trong văn bản pháp luật tại Nghị định số 004-TTg ngày 04/01/1960 do Thủ tướng Chính phủ ban hành với tên gọi là Nghị định ban hành bản điều lệ tạm thời về chế độ hợp đồng kinh tế giữa các xí nghiệp quốc doanh và các cơ quan Nhà nước. Theo Nghị định này, Hợp đồng kinh tế được nói trong điều lệ là Hợp đồng về sản xuất, về cung cấp và tiêu thụ hàng hóa, về vận tải, xây dựng, bao thầu v.v…mà chưa có một khái niệm cụ thể. Sau đó, Hội đồng Chính phủ ban hành nghị định số 65-CP (ngày 23/11/1960) về áp dụng chế độ hợp đồng kinh tế đối với các tổ chức công tư hợp doanh và Nghị định số 29-CP ngày 23/01/1962 quy định Điều lệ tạm thời quy định những nguyên tắc xử lý trong việc chấp hành chế độ hợp đồng kinh tế trên cơ sở bản điều lệ tạm thời nêu trên, song 02 Nghị định này cũng không đưa ra khái niệm cụ thể về Hợp đồng kinh tế. Đến năm 1989 Hội đồng Nhà nước ban hành Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế số 24-LCT/HĐNN8  (sau đây gọi tắt là “Pháp lệnh 1989”) mới đưa ra khái niệm cụ thể về Hợp đồng kinh tế như sau: “Hợp đồng kinh tế là sự thoả thuận bằng văn bản, tài liệu giao dịch giữa các bên ký kết về việc thực hiện công việc sản xuất trao đổi hàng hoá dịch vụ, nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và các thoả thuận khác có mục đích kinh doanh với sự quy định rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của mỗi bên để xây dựng và thực hiện kế hoạch của mình.” (Điều 1 Pháp lệnh 1989). Theo Pháp lệnh 1989 thì chủ thể tham gia ký kết hợp đồng kinh tế được thực hiện bởi Pháp nhân với pháp nhân và hoặc pháp nhân với cá nhân có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật (Điều 2). Tuy nhiên, Pháp lệnh hợp đồng kinh tế 1989 đã hết hiệu lực kể từ ngày 01/01/2006. Hiện nay không sử dụng thuật ngữ “Hợp đồng kinh tế” trong các văn bản pháp luật nữa mà Bộ luật Dân sự năm 2015 đưa ra khái niệm chung về hợp đồng “Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự” (Điều 385). Trên cơ sở quy định chung về hợp đồng theo quy định của Bộ luật Dân sự, Quốc hội đã ban hành các văn bản pháp luật chuyên ngành để quy định cụ thể về các lĩnh vực và theo đó tùy vào mỗi lĩnh vực và đối tượng giao dịch để có những tên gọi về hợp đồng khác nhau như: Hợp đồng dịch vụ, hợp đồng mua bán, hợp đồng ủy thác xuất khẩu, hợp đồng xây dựng, hợp đồng gia công, hợp đồng vận chuyển, hợp đồng chuyển nhượng, hợp đồng giao khoán…

Trong phạm vi bài viết này, tác giả sử dụng thuật ngữ chung là “Hợp đồng” để gọi chung cho các hợp đồng được thực hiện giao kết giữa pháp nhân với pháp nhân và giữa pháp nhân với các nhân có đăng ký kinh doanh - là các giao dịch nhằm mục đích sinh lợi. Tuy nhiên, khi soạn thảo hợp đồng các bạn cần sử dụng đúng tên gọi của từng loại hợp đồng phù hợp với từng đối tượng theo quy định của pháp luật.

II. NHỮNG LƯU Ý KHI SOẠN THẢO HỢP ĐỒNG

Ngày nay, các giao dịch mua bán, chuyển nhượng, cung cấp dịch vụ phát sinh giữa các cá nhân, pháp nhân ngày càng phổ biến, việc giao kết hợp đồng là cơ sở để các bên ràng buộc quyền và nghĩa vụ, cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Dưới đây là những điểm cần lưu ý khi soạn thảo hợp đồng mà tôi muốn chia sẻ với các bạn:

  1. Đối tượng của hợp đồng

Đối tượng hợp đồng chính là cơ sở để xác lập nội dung và thực hiện hợp đồng, khi soạn thảo hợp đồng, đầu tiên chúng ta phải xác định được đối tượng của hợp đồng, từ đó mới có thể xác định được:

 - Tên gọi của hợp đồng (hợp đồng mua bán hàng hóa/hợp đồng vận chuyển/hợp đồng gia công/ hợp đồng chuyển nhượng dự án, hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai/ hợp đồng dịch vụ pháp lý/hợp đồng môi giới....);

- Hình thức của hợp đồng (hợp đồng miệng/hợp đồng bằng văn bản: hợp đồng văn bản có công chứng (hợp đồng mua bán nhà ở/hợp đồng mua bán xe ô tô…), hoặc không cần công chứng (hợp đồng mua bán hàng hóa/hợp đồng vận chuyển hàng hóa/hợp đồng thuê nhà…);

 - Xác định được luật điều chỉnh để áp dụng và đưa ra các nội dung của hợp đồng phù hợp.

 Vậy những lưu ý về đối tượng hợp đồng gồm những điểm nào?

(i) Cần xem xét đối tượng đó là tài sản hay dịch vụ? tài sản là động sản hay bất động sản? nếu là bất động sản thì hình thức hợp đồng phải được công chứng, chứng thực; dịch vụ thông thường hay dịch vụ có điều kiện? dịch vụ có điều kiện thì bên cung cấp dịch vụ phải có các giấy phép hành nghề (như chứng chỉ hành nghề luật sư/ chăm sóc sức khỏe/ làm đẹp…).

(ii) Đối tượng có đủ điều kiện để được giao dịch hay chưa? Có đang bị tranh chấp, bị cấm hay hạn chế giao dịch hay không?

(iii) Đối tượng là tài sản hiện hữu hay tài sản hình thành trong tương lai?

(iv) Đối tượng đó có phải thuộc sở hữu/sẽ thuộc sở hữu của người bán hay không? hoặc người cung cấp dịch vụ có đủ năng lực/ chức năng cung cấp dịch vụ hay không?

  1. Hình thức của hợp đồng

Hợp đồng là sự thỏa thuận của các bên trên cơ sở nguyên tắc đạo đức và pháp luật; các bên có quyền quyết định hình thức của hợp đồng, có thể được thỏa thuận bằng miệng hoặc bằng văn bản tùy vào từng loại đối tượng giao dịch mà pháp luật quy định và sự thỏa thuận của các bên. Song tốt nhất các bên nên thỏa thuận bằng văn bản nhằm tránh các trường hợp “lời nói gió bay” để khi có tranh chấp xảy ra thỏa thuận bằng văn bản ít nhất cũng là chứng cứ chứng minh về nội dung thỏa thuận của hai bên để cung cấp cho cơ quan giải quyết tranh chấp hoặc đối với bên thứ ba hoặc ít nhất là cơ sở để các bên biết rằng mình đã thỏa thuận và cam kết như thế nào với đối tác để cùng thực hiện hợp đồng.

Một số luật chuyên ngành quy định bắt buộc khi giao kết hợp đồng phải lập thành văn bản, phải được công chứng hoặc chứng thực. Khi đó các hợp đồng này cần phải tuân theo các điều kiện để đảm bảo hiệu lực của hợp đồng. Như quy định tại Điều 117, 119,122 Bộ Luật Dân sự năm 2015 có quy định hình thức hợp đồng là một trong những điều kiện có hiệu lực của hợp đồng, khi pháp luật quy định mà chúng ta không đáp ứng quy định về các điều kiện đó thì hợp đồng vô hiệu. Các đối tượng khi giao dịch được pháp luật quy định bắt buộc phải lập bằng văn bản và có công chứng chứng thực bởi cơ quan có thẩm quyền như: Mua bán nhà ở/chuyển nhượng quyền sử dụng đất/ mua bán xe ô tô/ mua bán xe gắn máy/ Mua bán tàu thuyền…. Trong trường hợp này nếu hợp đồng không được công chứng thì sẽ bị vô hiệu và không có giá trị pháp lý và hậu quả của hợp đồng vô hiệu hầu như sẽ gây thiệt hại cho các bên.

  1. Luật áp dụng

Việc xác định luật điều chỉnh và áp dụng để soạn thảo hợp đồng rất quan trọng; nó ảnh hưởng lớn tới và quyết định đến cơ sở bảo vệ quyền và lợi ích cho các bên tham gia hợp đồng. Thông thường, trong quá trình soạn thỏa hợp đồng, cần phải lưu ý việc áp dụng luật ở các điểm như sau:

(i) Hiệu lực của Văn bản luật được áp dụng: Rất nhiều doanh nghiệp khi ký hợp đồng, hoặc là do họ không biết rằng có những văn bản pháp luật đã hết hiệu lực; hoặc có thể do họ không để ý tới. Vì vậy, rất nhiều hợp đồng trích các văn bản pháp luật để áp dụng trong hợp đồng đã hết hiệu lực. Ví dụ, một số khách hàng của Công ty Luật chúng tôi năm 2018 gửi hợp đồng về mua bán hàng hóa vẫn căn cứ vào Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế năm 1989; Bộ luật Dân sự năm 2005, Luật Thương mại năm 1997… Đây là lỗi phổ biến thường xảy ra và chúng tôi thường phải chỉnh sửa hợp đồng cho khách hàng. Việc đưa ra các căn cứ pháp lý để thỏa thuận hợp đồng không phải là điều khoản bắt buộc, nhưng là cơ sở để xác định luật áp dụng, nhất là khi một trong các chủ thể tham gia hợp đồng là cá nhân hoặc tổ chức nước ngoài. Trong trường hợp người soạn thảo, hoặc chủ thể giao kết hợp đồng nắm rõ và biết rõ hiệu lực áp dụng của văn bản luật thì có thể đưa vào, còn trường hợp không nhớ rõ, hoặc không biết, bạn cũng không cần thiết phải ghi rõ là Luật năm bao nhiêu, hay Nghị định số bao nhiêu. Các bạn có thể ghi rằng: Căn cứ Luật Bộ Luật dân sự và văn bản hướng dẫn thi hành hiện hành; Luật Thương mại và văn bản hướng dẫn thi hành hiện hành… hoặc thậm chí các bạn không cần đưa ra căn cứ mà trong điều khoản áp dụng, quy định Hợp đồng này điều chỉnh bởi pháp luật hiện hành tùy vào lựa chọn Luật quốc gia hay luật quốc tế (Luật Việt Nam/ Luật một nước cụ thể hay Luật quốc tế tế hiện hành…); nếu có chủ thể tham gia giao dịch là cá nhân/tổ chức nước ngoài, các bên có thể thỏa thuận áp dụng pháp luật nước sở tại nơi ký hợp đồng, hoặc pháp luật của một trong các bên hoặc pháp luật của nước thứ ba hoặc pháp luật quốc tế điều chỉnh chung.

Nhiều trường hợp luật mới sửa đổi, bổ sung so với luật cũ, người soạn hợp đồng không cập nhật mà vẫn căn cứ vào luật cũ để đưa vào nội dung thỏa thuận trong hợp đồng là không phù hợp. Nếu rơi vào trường hợp luật đã sửa đổi thì có những trường hợp dẫn đến điều khoản đó vô hiệu. Và chắc chắn, khi thực hiện hợp đồng, chủ thể đó phải hiểu và vận dụng pháp luật áp dụng để nhằm đảm bảo tuân thủ đúng pháp luật để vừa bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình và đảm bảo thực hiện đúng hợp đồng.

  (ii) Vận dụng các điều khoản cơ bản, điều khoản bắt buộc hay điều khoản tùy nghi của luật. Trong quy định của pháp luật có những điều khoản cơ bản cần hiểu rõ để vận dụng vào quá trình soạn thảo hợp đồng nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của các bên bởi các điều khoản cơ bản theo quy định của luật là những điều khoản không thể thiếu được đối với mỗi loại hợp đồng, nó chính là khung sườn, xác định nội dung chủ yếu của hợp đồng và bắt buộc các bên phải đưa vào hợp đồng, nếu không thỏa thuận được những điều đó thì hợp đồng không thể giao kết được. Như đối với hợp đồng mua bán hàng hóa phải có các điều khoản gồm: Số lượng, chất lượng, chủng loại, quy cách đóng gói, địa điểm giao hàng, giá cả, thời hạn thanh toán, thời hạn giao hàng…. Hay hợp đồng ủy thác thì xác định cụ thể quyền và nghĩa vụ của bên ủy thác/ bên nhận ủy thác. Thực tế cho thấy việc áp dụng điều khoản cơ bản của luật là rất cần thiết, nó thể hiện ý chí của chủ thể hợp đồng áp dụng cho đối tượng hợp đồng đó để xác định hiệu lực

(iii) Các điều khoản bắt buộc (có những điều khoản bắt buộc không phải là điều khoản cơ bản vì có thể các bên không phải đưa vào hợp đồng): là những điều khoản luật quy định buộc các bên phải thỏa thuận và áp dụng chính xác nội dung quy định đó; nếu các bên thỏa khác thì sẽ vô hiệu một phần hoặc vô hiệu toàn bộ điều khoản đó hoặc sẽ không có hiệu lực. Như quy định về phạt vi phạm hợp đồng theo Luật thương mại là 8% trên giá trị vi phạm, hoặc Luật Xây dựng là 12% trên giá trị vi phạm…nếu hai bên thỏa thuận mức phạt cao hơn sẽ không được áp dụng, mà tối đa chỉ được theo quy định của luật;

(iv) Điều khoản tùy nghi là những điều khoản mà các bên tham gia giao kết hợp đồng được thỏa thuận với nhau mà không buộc phải tuân theo quy định của điều luật đó (nhưng vẫn đảm bảo không vi phạm nguyên tắc cơ bản của luật và vi phạm đạo đức), các bên lựa chọn và thỏa thuận với nhau để xác định quyền và nghĩa vụ của các bên; những điều khoản tùy nghi thường đi kèm câu “trừ trường hợp có thỏa thuận khác”. Điều 310, 318 Bộ luật Dân sự năm 2015; Điều 51, 55 Luật Thương mại năm 2005. Khi tiến hành giao kết hợp đồng các bên còn có thể thỏa thuận để cụ thể thêm một số điều khoản khác nhằm làm cho nội dung của hợp đồng được đầy đủ, hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng.

(v) Điều khoản về phạt hợp đồng, điều khoản về bất khả kháng, điều khoản về giải quyết tranh chấp bằng trọng tài và các thỏa thuận khác giữa hai bên vv. Tùy từng mục đích mong muốn đạt được mà chủ thể giao kết hợp đồng sử dụng các điều khoản các loại điều khoản trên sao cho hợp lý.

  1. Điều kiện về hiệu lực của hợp đồng

Hợp đồng có hiệu lực pháp luật mới làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên. Vì vậy việc xem xét các quy định của pháp luật liên quan điều chỉnh đối với hợp đồng đó là vô cùng quan trọng, vậy những lưu ý đối với điều kiện hiệu lực hợp đồng là ở những điểm nào?

 4.1. Điều kiện về đối tượng của hợp đồng: Cần xem xét đối tượng của hợp đồng có được phép giao dịch hay không? có bị cấm hay hạn chế giao dịch hay không? đối tượng này có thuộc quyền sở hữu, định đoạt của chủ thể tham gia hợp đồng hay không?

 4.2. Điều kiện về chủ thể tham gia giao kết hợp đồng: Cần xác định xem pháp nhân có năng lực hay không (có giấy phép hoạt động không? có được cơ quan chủ quản cho phép hay không?) Cá nhân đại diện ký hợp đồng có năng lực hành vi và thẩm quyền hay không? (Chủ tịch/ Giám đốc/ Phó Giám đốc/ Giám đốc chi nhánh??? Xem xét cơ sở họ được ký hợp đồng là căn cứ vào Văn bản nào? Theo Nghị Quyết/ Quyết định/ Giấy ủy quyền? thì cần phải xem xét những văn bản đó); Bên tham gia hợp đồng có bị lừa dối, ép buộc hay không?

4.3. Những nội dung thỏa thuận theo hợp đồng không được trái quy định của pháp luật, không vi phạm điều cấm, không vi phạm đạo đức …

4.4. Xác định thời điểm có hiệu lực hoặc điều kiện có hiệu lực của hợp đồng: có thể có hiệu lực kể từ thời điểm các bên ký kết đầy đủ; hoặc có hiệu lực với điều kiện phát sinh khác. Ví dụ hợp đồng liên danh để tham gia gói thầu thi công xây dựng: thì hợp đồng liên danh này chỉ có hiệu lực khi các bên chỉ triển khai được khi trúng thầu và ký hợp đồng với Chủ đầu tư, còn nếu không trúng thầu thì mục đích và nội dung công việc không thể thực hiện được thì hợp đồng cũng hết hiệu lực.

4.5. Xác định hình thức của hợp đồng: Là hợp đồng bằng văn bản có bắt buộc phải công chứng, chứng thực hay không để đảm bảo hợp đồng không bị vô hiệu.

  1. Xác định quyền và nghĩa vụ của mỗi bên

Trong mỗi hợp đồng luôn có điều khoản về quyền và nghĩa vụ của mỗi bên, tùy vào từng đối tượng hợp đồng cụ thể để có quyền và nghĩa vụ tương ứng. Một số luật quy định cụ thể các quyền và nghĩa vụ cơ bản của các bên, tuy nhiên khi soạn thảo hợp đồng, chúng ta có quyền bổ sung các quyền và nghĩa vụ (nội dung không vi phạm điều cấm, không bị hạn chế, không vi phạm đạo đức). Thông thường hợp đồng sẽ liệt kê các quyền và nghĩa vụ, nhưng phương pháp liệt kê vẫn có thể thiếu sót. Vì vậy thông thường trong những điều khoản này tôi sẽ chốt bằng nội dung như sau: Ngoài các quyền/nghĩa vụ nêu trên Bên A/B/C…phải có quyền/nghĩa vụ theo hợp đồng này và theo quy định của pháp luật liên quan.

  1. Chế tài phạt vi phạm

Chế tài không phải là điều khoản luật bắt buộc phải đưa vào hợp đồng, tuy nhiên điều khoản chế tài là một trong những điều khoản nhằm giúp cho các bên ràng buộc chặt chẽ và đảm bảo việc các bên thực hiện cam kết theo hợp đồng một cách mạnh mẽ. Bởi nếu không đưa ra điều khoản chế tài, các bên có thể dẫn đến cảm thấy việc ràng buộc trách nhiệm bị lỏng lẻo dẫn đến việc vi phạm hợp đồng. Vì vậy nên đưa điều khoản phạt vi phạm vào hợp đồng để ràng buộc. Việc phạt vi phạm hợp đồng không đương nhiên được áp dụng mà chúng ta phải thỏa thuận trong hợp đồng thì mới được áp dụng. Tuy nhiên, khi thỏa thuận điều khoản phạt, chúng ta cần căn cứ quy định của pháp luật để áp dụng đúng, như: mức phạt vi phạm; các hành vi vi phạm sẽ bị phạt; yêu cầu khắc phục hay không?...

  1. Các biện pháp bảo đảm

Việc đảm bảo thực hiện hợp đồng cũng không phải là điều khoản luật bắt buộc các bên thỏa thuận, tuy nhiên đây là điều khoản cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích cho các bên và đảm bảo việc thực hiện hợp đồng. Có rất nhiều biện pháp bảo đảm như: Cầm cố tài sản, thế chấp tài sản, đặt cọc, ký cược, ký quỹ, bảo lưu quyền sở hữu, bảo lãnh, tín chấp, cầm giữ tài sản.

Tùy vào chủ thể và đối tượng giao dịch để chúng ta áp dụng biện pháp bảo đảm phù hợp.

  1. Điều kiện chấm dứt hợp đồng và đơn phương chấm dứt hợp đồng

Bộ Luật Dân sự năm 2015 quy định về các trường hợp chấm dứt tại Điều 422 gồm:

  1. Hợp đồng đã được hoàn thành;
  2. Theo thỏa thuận của các bên;
  3. Cá nhân giao kết hợp đồng chết, pháp nhân giao kết hợp đồng chấm dứt tồn tại mà hợp đồng phải do chính cá nhân, pháp nhân đó thực hiện;
  4. Hợp đồng bị hủy bỏ, bị đơn phương chấm dứt thực hiện;
  5. Hợp đồng không thể thực hiện được do đối tượng của hợp đồng không còn;
  6. Hợp đồng chấm dứt theo quy định tại Điều 420 của Bộ luật này (yêu cầu Tòa án tuyên bố chấm dứt hợp đồng tại một thời điểm xác định nếu các bên không thể thỏa thuận được về việc sửa đổi hợp đồng trong một thời hạn hợp lý trong trường hợp thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản).
  7. Trường hợp khác do luật quy định.

Theo Điều luật này các bên sẽ thỏa thuận điều kiện chấm dứt hoặc đơn phương chấm dứt để phù hợp với đối tượng của hợp đồng và điều kiện của mỗi chủ thể nhằm đảm.

Điều 428 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định chung về việc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng như sau:

Một bên có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại khi bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trong hợp đồng hoặc các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định….

Việc đơn phương chấm dứt hợp đồng là một chế tài, cho phép bên bị vi phạm được tự chấm dứt hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với bên vi phạm khi họ có vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trong hợp đồng; vậy thế nào là vi phạm nghiêm trọng? vi phạm nghiêm trọng là hành vi mà một bên không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ đến mức làm cho mục đích của việc giao kết hợp đồng không đạt được. Cần chú ý việc đơn phương chấm dứt phải được thông báo ngay cho bên vi phạm biết về việc chấm dứt hợp đồng, nếu không thông báo mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.

  1. Ngôn ngữ áp dụng và giải thích thuật ngữ

 Ngôn ngữ trong hợp đồng cần được diễn đạt rõ ràng, súc tích, sử dụng lối văn viết để biểu đạt và không dùng ngôn ngữ địa phương, nếu có thuật ngữ chuyên ngành phải sử dụng chính xác (đặc biệt đối với các hợp đồng thương mại quốc tế như các thuật ngữ viết tắt liên quan đến điều kiện giao hàng trong INCOTERM như: EXW - giao tại xưởng; FCA- giao hàng cho người chuyên chở; CIF; tiền hàng, phí bảo hiểm và cước phí; FOB: giao hàng trên tàu….) hoặc các phương thức thanh toán quốc tế như: Chuyển tiền bằng: Điện chuyển tiền (TT: Telegraphic Transfer Remittance) hoặc bằng Thư chuyển tiền (MTR: Mail Transfer Remittance). Trả tiền lấy chứng từ (C.A.D: Cash Against Document). Nhờ thu (Collection). Tín dụng thư (L/C: Letter of Credit)…

Hợp đồng thường có điều khoản có quy định về ngôn ngữ áp dụng thường áp dụng cho các hợp đồng giữa chủ thể có ngôn ngữ khác nhau; để tránh những trường hợp ngôn ngữ bất đồng hoặc ngôn ngữ đa nghĩa dẫn đến cách hiểu có thể khác nhau giữa các loại ngôn ngữ khi hợp đồng soạn thảo song ngữ/đa ngữ. Vì vậy cần lựa chọn cách hiểu và giải thích ngôn ngữ nhất quán cho một loại ngôn ngữ trong hợp đồng.

Tương tự về giải thích thuật ngữ, cũng cần định nghĩa và giải thích các thuật ngữ chuyên ngành, hay cụm từ viết tắt để diễn giải trong hợp đồng, nhằm tránh việc giải thích sai dẫn đến hiểu sai và áp dụng sai.

  1. Giải quyết tranh chấp

Khi soạn thảo hợp đồng là sự bắt đầu cho một giao dịch làm ăn giữa các bên, chúng ta sẽ không mong muốn kết thúc bằng một tranh chấp. Tuy nhiên khi tư vấn soạn thảo hợp đồng, chúng ta cần phải lường hết mọi phát sinh liên quan, trong đó có vấn đề phát sinh tranh chấp. Việc lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp cũng là một lưu ý hết sức quan trọng trong việc tư vấn và soạn thảo hợp đồng.

Thông thường nếu khách hàng là doanh nghiệp, tôi thường hướng họ tới lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp là Trọng tài với những lý do: (i) Tố tụng trọng tài không xét xử công khai, nên đảm bảo tính bảo mật cho khách hàng và thông tin doanh nghiệp, điều này không ảnh hưởng tới chỉ số tín nhiệm của doanh nghiệp; (ii) Thủ tục trọng tài đơn giản, nhanh chóng, các bên có thể chủ động lựa chọn địa điểm giải quyết tranh chấp, không trải qua nhiều cấp xét xử như Tòa án (Tranh chấp dân sự hay kinh doanh thương mại, Tòa có thể xét xử sơ thẩm – phúc thẩm đến thủ tục giám đốc thẩm , rồi lại đi thêm vài vòng nữa mà chưa có điểm dừng vụ án có thể kéo dài 10 năm 20 năm) ví dụ vụ án liên quan căn nhà 226-448 N.T.M.K từ năm 2011 đến nay chưa kết thúc…(iii) Các bên được quyền lựa chọn trung tâm trọng tài, trọng tài viên và không bị giới hạn hoặc bị phân công hoặc theo thẩm quyền và không biết người đó thế nào? (iv) Trọng tài không nhân danh quyền lực nhà nước để xét xử, bản thân các trọng tài có thể là Luật sư, các chuyên gia trong lĩnh vực tranh chấp, họ am hiểu nội dung chuyên môn nên việc giải quyết sẽ chính xác và công bằng hơn; Tuy nhiên để giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, chúng ta phải có điều khoản thỏa thuận trọng tài, nêu rõ tên Trung tâm trọng tài, lựa chọn địa điểm, ngôn ngữ giải quyết. Bên cạnh đó phí trọng tài thì cao hơn rất nhiều so với án phí của Tòa án và việc nộp phí trọng tài, nguyên đơn phải ứng ra đóng đủ phí, sau đó bên thua mới bị buộc phải trả lại cho bên thắng đã tạm nộp chứ không phải được nhận lại án phí như tòa án; ngoài ra các chi phí ăn ở, lưu trú, đi lại của Trọng tài viên và chi phí phát sinh đương sự cũng phải nộp.

Ngoài ra, trong điều khoản giải quyết tranh chấp, chúng ta nên đưa nội dung: bên thua kiện sẽ chịu toàn bộ phí trọng tài/án phí, chi phí ăn ở, lưu trú, đi lại, phí luật sư, phí chuyên gia và toàn bộ chi phí hợp lý phát sinh trong quá trình giải quyết vụ án cho bên thắng, để khi Trọng tài hoặc Tòa án có cơ sở tuyên buộc bên thua phải bồi thường và chi trả phần chi phí này cho bên thắng.

Điều khoản về giải quyết tranh chấp không phải là điều khoản bắt buộc, khi chúng ta không thỏa thuận trong hợp đồng, thì hai bên sẽ (1) nộp đơn khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền, (2) lập Thỏa thuận trọng tài để giải quyết.

Ngoài các điểm lưu ý cơ bản trên, trong quá trình soạn thảo từng loại hợp đồng cho từng đối tượng và chủ thể tham gia giao dịch, chúng ta cần phải có những sự linh hoạt nhằm phù hợp với điều kiện cụ thể để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho các bên tham gia./.

Luật sư Cao Thị Huyền Thương

Công ty Luật TNHH Tư pháp Sài Gòn

Tài liệu tham khảo

[1]. Bộ Luật Dân sự năm 2005, năm 2015.

[2]. Luật Thương mại 1997/2005.

[3]. Luật Xây dựng 2005.

[4]. Pháp lệnh hợp đồng kinh tế năm 1989.

[5]. Nghị định số 004-TTg ngày 04/01/1960.

[6]. Nghị định số 65-CP ngày 23/11/1960.

[7]. Nghị định số 29-CP ngày 23/01/1962.

[8]. Bản luận cứ năm 2014 LS. Cao Thị Huyền Thương và một số vụ án mà Luật sư tham gia.

...
  • Tags: