Thanh Hoá: Tập trung cao độ khắc phục hậu quả sau bão số 3

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, những ngày qua, mưa lớn cục bộ, cùng gió mạnh đã gây thiệt hại tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Hiện chính quyền các địa phương đang khẩn trương chỉ đạo lực lượng tại chỗ thống kê thiệt hại, hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, nhanh chóng ổn định cuộc sống.

Khẩn trương khắc phục hậu quả sau cơn bão số 3.

Tại huyện Thạch Thành, mực nước sông Bưởi đã dâng lên mức báo động 2, gây ngập 95 nhà dân, 291 ha mía và 273 ha lúa. Giao thông trên tuyến tỉnh lộ 523 qua xã Thành Trực bị chia cắt do nước ngập sâu, khiến 10 hộ dân với 50 nhân khẩu sinh sống phía bờ sông Bưởi bị ngập nước. Nước lũ cũng đã gây ngập một số hộ dân ngoài tuyến đê bao trên địa bàn thị trấn Kim Tân. Lực lượng chức năng đã tổ chức di chuyển toàn bộ số hộ dân này đến nơi ở an toàn.

Mực nước sông Bưởi tại TT Kim Tân, huyện Thạch Thành có khả năng lên mức báo động.

Cũng tại huyện Quan Hóa, mưa lớn, dông lốc làm thiệt hại 86 nhà dân và 12 nhà có nguy cơ sạt lở; gãy, đổ hơn 33 ha lúa, trong đó có 1,2 ha thiệt hại hoàn toàn và làm sạt lở hơn 60 điểm trên các tuyến đường tỉnh, đường huyện và Quốc lộ 15 qua địa bàn huyện.

Huyện Quan Hóa chỉ đạo các xã có thiệt hại khẩn trương tập trung lực lượng, phương tiện hỗ trợ các hộ dân.

Để khắc phục hậu quả sau bão số 3, các địa phương đã chỉ đạo các xã có thiệt hại khẩn trương tập trung lực lượng, phương tiện hỗ trợ các hộ dân; huy động máy móc, nhân lực xử lý số lượng đất, đá sạt trượt, đảm bảo giao thông thông suốt, đặt biển cảnh báo tại các nơi nguy cơ sạt lở, tại các ngầm tràn nguy hiểm, nước lớn; đồng thời UBND huyện Thạch Thành và huyện Quan Hóa đã chỉ đạo các ngành, các xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các hộ dân nơi có nguy cơ rất cao tạm di dời đến nơi an toàn khi có mưa gió; thực hiện các biện pháp bảo vệ sản xuất nông nghiệp.

Đặc biệt những ngày qua do ảnh hưởng của cơn bão số 3, đã gây mưa lớn tại các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa, làm cho nhiều điểm trên Quốc lộ 217, 15, 15C và 16 sạt lở, hư hỏng, gây ách tắc giao thông. Với sự nỗ lực của ngành giao thông vận tải, tất cả các điểm ách tắc trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ tại các huyện miền núi đã được giải tỏa, đảm bảo giao thông thông suốt. Đồng thời, tuyên truyền cảnh báo người dân và phương tiện chú ý khi đi qua các đoạn tuyến bị sạt lở, sa bồi mặt đường, đất đá lăn xuống mặt đường.

Quốc lộ 15C, thuộc địa phận xã Pù Nhi, huyện Mường Lát đã bị sụt lún 2/3 mặt đường, tạm thời giao thông đi lại khó khăn.

Hiện nay, còn đoạn tuyến từ Km88+750-Km88+810/QL 15C, thuộc địa phận xã Pù Nhi, huyện Mường Lát không đảm bảo an toàn giao thông cho các phương tiện đi lại. Sở Giao thông Vận tải Thanh Hóa đã chỉ đạo đơn vị quản lý đường bộ tiến hành cắm biển cảnh báo, điều tiết phân luồng các phương tiện lưu thông và triển khai các giải pháp kỹ thuật cấp bách nhằm hạn chế tình trạng sụt lún, quyết tâm khắc phục xong sự cố trước ngày 13/9, tạo điều kiện thông xe toàn tuyến Quốc lộ 15C.

Đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông những ngày mưa, bão.

Theo dự báo, tình trạng mưa lớn kèm theo gió mạnh vẫn diễn ra trong vài ngày tới. Bởi vậy, những thời điểm mưa gió, người dân không nên ra đường. Nếu thật sự cần thiết tham gia giao thông lúc mưa gió người dân cần tuân thủ một số nguyên tắc để đảm bảo an toàn.

Khi tham gia giao thông trên các tuyến đường, người dân nên giữ tốc độ vừa phải, đi đúng phần đường quy định, chú ý quan sát khi tham gia giao thông, tránh tình trạng bị cây hoặc biển báo rơi đổ do mưa to, gió lớn. Nếu không may đi vào vùng nước bị ngập sâu, cố gắng giữ đều ga khi di chuyển, trường hợp không may đi vào vùng nước ngập quá sâu tốt nhất không nên di chuyển, tránh tính trạng để nước ngập vào xe làm chết máy. Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông khi trời mưa to, gió lớn, cần lưu ý chọn các trang phục bảo hộ gọn gàng, tránh ảnh hưởng khi đang điều khiển phương tiện.

Thanh Hóa có 11 huyện miền núi, hệ thống giao thông miền núi đi qua các sườn dốc hoặc qua các đập tràn, sông suối. Khi mưa bão, những tuyến đường này rất dễ bị vùi lấp do sạt lởt đất đá, ngập lụt. Người dân khi tham gia giao thông trên các tuyến đường miền núi trong thời điểm mưa bão cần tìm hiểu thông tin thời tiết, chú ý quan sát tránh tình trạng sạt lở, đá lăn, không vượt qua các đập tràn khi nước đang dâng cao để tránh hậu quả đáng tiếc.

Theo đó, ngày 09/9/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Công điện số 19/CĐ-UBND về việc triển khai ứng phó với mưa, lũ, sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Giám đốc các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, Giám đốc Đài Khí tượng thuỷ văn tỉnh, Giám đốc các Công ty: Khai thác công trình thủy lợi, Điện lực Thanh Hóa và các đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm./.

Hải Nam
  • Tags: