Tổ chức hoạt động trải nghiệm trong trường Tiểu học – Những khó khăn và biện pháp khắc phục

Hoạt động trải nghiệm trong trường tiểu học là hoạt động giáo dục bắt buộc, chiếm thời lượng và vị trí quan trọng trong chương trình giáo dục phổ thông hiện nay. Đây là hoạt động kỳ vọng sẽ đáp ứng mục tiêu phát triển phẩm chất và năng lực toàn diện cho học sinh, đưa nhà trường và xã hội xích lại gần nhau.

TÓM TẮT

Bài viết tập trung vào làm rõ vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan đến quá trình tổ chức hoạt động trải nghiệm cho học sinh tiểu học. Hoạt động trải nghiệm trong trường tiểu học là hoạt động giáo dục bắt buộc, chiếm thời lượng và vị trí quan trọng trong chương trình giáo dục phổ thông hiện nay. Đây là hoạt động kỳ vọng sẽ đáp ứng mục tiêu phát triển phẩm chất và năng lực toàn diện cho học sinh, đưa nhà trường và xã hội xích lại gần nhau. Tuy nhiên do đang ở giai đoạn đầu thực hiện nên giáo viên còn nhiều khó khăn khi tổ chức, khiến cho hoạt động trải nghiệm trong trường tiểu học chưa tạo ra sự hấp dẫn và chưa đảm bảo chất lượng. Trên cơ sở phân tích lí luận và thực tiễn hoạt động giáo dục phổ thông, bài viết đề xuất một số biện pháp nhằm khắc phục những khó khăn và nâng cao chất lượng tổ chức hoạt động trải nghiệm trong trường Tiểu học.

Từ khóa: Hoạt động trải nghiệm, Hoạt động giáo dục bắt buộc, Hoạt động ngoại khóa, Sinh hoạt dưới cờ, Sinh hoạt lớp, Hoạt động trải nghiệm thường xuyên, Hoạt động trải nghiệm định kỳ, Câu lạc bộ, Thực trạng giáo dục Tiểu học, Biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học.

1. Vị trí của Hoạt động trải nghiệm trong chương trình giáo dục phổ thông

Bắt đầu từ năm học 2020-2021, hoạt động trải nghiệm trở thành hoạt động giáo dục bắt buộc ở cấp Tiểu học, áp dụng từ lớp 1 đến lớp 5 với thời lượng 105 tiết học/năm, tương đương với 3 tiết/tuần. Môn học này có sách giáo khoa riêng và được tổ chức theo quy định của khung chương trình quốc gia, quy định về việc đánh giá và sử dụng kết quả giáo dục.

Hoạt động trải nghiệm trong trường Tiểu học được tổ chức dưới 4 loại hình cơ bản gồm: sinh hoạt dưới cờ, hoạt động giáo dục theo chủ đề (hoạt động trải nghiệm thường xuyên và hoạt động trải nghiệm định kỳ), sinh hoạt lớp và hoạt động câu lạc bộ. Hoạt động trải nghiệm trong trường tiểu học hướng đến giúp học sinh đạt được mục tiêu chung về năng lực thích ứng với cuộc sống, năng lực định hướng nghề nghiệp, năng lực thiết kế và tổ chức hoạt động. Đồng thời môn học cũng hướng tới hình thành và phát triển các phẩm chất và năng lực khác được quy định trong Chương trình giáo dục tổng thể như: năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực sáng tạo và giải quyết vấn đề, các năng lực đặc thù khác (tin học, khoa học, thẩm mĩ, thể chất… ); phẩm chất yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm. Xuất phát từ mục tiêu này, nội dung hoạt động trải nghiệm ở tiểu học có 60% hoạt động hướng vào bản thân, 20%  hoạt động hướng đến xã hội, 10% hoạt động hướng đến tự nhiên và 10% hoạt động hướng nghiệp. Điểm đặc biệt trong nội dung hoạt động trải nghiệm đó là sự tích hợp các nội dung giáo dục địa phương, giáo dục của Sao Nhi đồng trong 4 nội dung chính trên.

Như vậy, để đảm bảo thực hiện tốt mục tiêu môn học này đòi phải có lực lượng giáo dục chuyên biệt, đủ cả về số lượng và chất lượng. Cho đến nay, cuối năm học 2023-2024, hoạt động trải nghiệm đã được đưa vào giảng dạy trong nhà trường Tiểu học tròn 4 năm, học sinh từ lớp 1 đến lớp 4 được tiếp cận với môn học, giáo viên cũng được tổ chức thực hiện môn học trong nhiều năm nhưng thực tế hoạt động giáo dục này vẫn còn nhiều khó khăn và bất cập đòi hỏi phải có cái nhìn tổng thể và các biện pháp khắc phục hiệu quả. Bài viết dưới đây, tác giả tổng hợp những khó khăn trong thực tế quá trình tổ chức hoạt động trải nghiệm mà giáo viên tiểu học đã gặp phải và đề xuất một số biện pháp nhằm nâng cao nhận thức cho các lực lượng giáo dục về hoạt động trải nghiệm, tháo gỡ những khó khăn trong quá trình tổ chức, góp phần nâng cao chất lượng tổ chức hoạt động động trải nghiệm nói riêng và chất lượng giáo dục trong nhà trường tiểu học nói chung.

2. Thực trạng khó khăn trong tổ chức hoạt động trải nghiệm trong trường Tiểu học

          Hoạt động trải nghiệm là môn học mới, do đó tất cả giáo viên đang trực tiếp giảng dạy học phần này trong trường Tiểu học đều chưa trải qua đào tạo chuyên biệt. Hầu hết giáo viên đảm nhận tổ chức hoạt động trải nghiệm là giáo viên chủ nhiệm  kiêm nghiệm thêm công tác giảng dạy môn học. Trên thực tế, trước khi đưa môn học này vào áp dựng đại trà trên cả nước, giáo viên Tiểu học đã được tập huấn, cung cấp kiến thức và rèn luyện kỹ năng tổ chức. Tuy nhiên, trong bối cảnh không có giáo viên chuyên biệt, giáo viên chủ nhiệm phải cùng lúc tiếp nhận tập huấn và đảm nhận giảng dạy theo chương trình mới nhiều môn, trong đó có những môn chiếm thời lượng lớn trong chương trình như Toán, Tiếng Việt…, do đó giáo viên chưa tập trung tốt vào môn Hoạt động trải nghiệm.

          Tại trường Tiểu học, hoạt động sinh hoạt dưới cờ (gọi tắt là tiết 1 hoạt động trải nghiệm) thường được giao cho Tổng phụ trách Đội tổ chức, trong khi đó bản chất của hoạt động này cần có sự phối hợp giữa giáo viên chủ nhiệm các lớp, Tổng phụ trách Đội và các lực lượng giáo dục khác. Sinh hoạt dưới cờ bắt buộc được tổ chức 1 tiết/ tuần tuy nhiên hình thức của nó cần rất linh hoạt giữa tổ chức toàn trường với tổ chức ở các lớp, khối lớp. Trong khuôn khổ tiết sinh hoạt dưới cờ, ngoài phần nghi lễ (chiếm không quá 1/3 thời lượng tiết học) thì trọng tâm hoạt động nằm ở phần sinh hoạt dưới cờ theo chủ đề. Đây là hoạt động học sinh được tích cực tham gia, có sự kết nối giữa các lớp chung độ tuổi và các khối lớp một cách nhịp nhàng. Tuy nhiên, thực tế hiện nay tại nhiều trường Tiểu học, tiết sinh hoạt dưới cờ vẫn được tổ chức không khác gì so với tiết Chào cờ trong chương trình cũ. Phỏng vấn một số Tổng phụ trách ở các trường Tiểu học, nhiều đồng chí còn không biết về sự khác biệt trong quy trình tổ chức hoạt  sinh hoạt dưới cờ theo chương trình mới với tiết Chào cờ trước đây. Điều này xuất phát từ nguyên nhân Tổng phụ trách chưa được tập huấn nên có nhận thức chưa đầy đủ, chưa chú tâm vào hoạt động bắt buộc. Mặt khác sự tồn tại song song giữa các khối lớp học theo chương trình cũ (lớp 5) và các lớp học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (lớp 1, 2, 3 và 4) trong cùng một chương trình tiết học cũng gây khó khăn cho giáo viên khi tổ chức. Thực tế này làm cho tiết sinh hoạt dưới cờ trở nên mờ nhạt, nhiều lúc là sự mệt mỏi của học sinh khi chỉ ngồi yên nghe thông báo, nhận xét, nhắc nhở thậm chí là trách phạt từ nhà trường.

          So với tiết sinh hoạt dưới cờ, tiết sinh hoạt lớp dễ dàng hơn trong tổ chức với vai trò đích danh của giáo viên chủ nhiệm. Tiết học này có tên gọi khác là hoạt động trải nghiệm tiết 3. Là một tiết học bắt buộc được tổ chức vào ngày học cuối cùng trong tuần, sinh hoạt lớp là thời điểm quan trọng để tiến hành các hoạt động sơ kết hoạt động trong tuần, triển khai công việc tuần tới và tổ chức các hoạt động theo chủ đề (thường là đóng các chủ đề đã triển khai trong tiết trải nghiệm thường xuyên). Trong tiết học này, vai trò của giáo viên chủ nhiệm là người chỉ đạo, cố vấn, giám sát, hướng dẫn và điều chỉnh khi cần thiết, học sinh là trung tâm của tiết học, là người thực hiện tất cả các công việc từ giới thiệu, đến tổ chức thực hiện và đánh giá hoạt động. Ở các lớp học lớn (lớp 2, 3, 4, 5) hoặc lớp 1 sau những buổi sinh hoạt cô tổ chức, học sinh chủ động xây dựng chương trình, tổ chức phần sơ kết tuần cũ và nêu phương hướng cho tuần tới, giáo viên chủ nhiệm tham dự và được mời đóng góp ý kiến, tổng kết hoạt động. Hoạt động tổ chức theo chủ đề mới là hoạt động chính trong tiết sinh hoạt lớp này. Ở đó, học sinh được tham gia các nội dung và hoạt động trải nghiệm, kết nối, tổng kết và mở rộng chủ đề đã học trong tuần. Do đó, bản chất tiết sinh hoạt lớp rất nhẹ nhàng và phấn khởi.

Tuy nhiên, không ít giáo viên chủ nhiệm chưa tổ chức tiết học này hiệu quả. Giáo viên lạm dụng thời lượng và uy quyền biến tiết sinh hoạt lớp thành thời khắc căng thẳng với những màn “đấu tố” “công – tội” của học sinh trong tuần. Rời tiết sinh hoạt lớp, nhiều học sinh nặng nề tâm trạng, thậm chí vài bạn còn sợ hãi khi vừa trải qua một tiết dài ngồi im chịu trách mắng. Nhiều em khi được hỏi có thích giờ sinh hoạt lớp không đều lè lưỡi, lắc đầu ngao ngán.

Sinh hoạt lớp không chỉ là tiết học có sự tham gia của giáo viên chủ nhiệm và các thành viên trong lớp, nó có thể được tổ chức dưới quy mô khối lớp và thành phần tham dự đông đảo khách mời phù hợp với nội dung tiết học. Bởi vậy, nhìn vào thực tế tiết sinh hoạt lớp hiện nay, giáo viên chưa làm đúng tinh thần của hoạt động này do đó dẫn đến việc dù đã thực hiện theo chương trình mới nhưng thực chất tiết sinh hoạt lớp ở một số trường tiểu học hiện nay vẫn chỉ là thời gian “ngoài giờ lên lớp” của giáo viên chủ nhiệm.

          Loại hình hoạt động trải nghiệm thứ 3 đó là hoạt động giáo dục theo chủ đề. Loại hình này bao gồm hoạt động trải nghiệm thường xuyên (còn được gọi là tiết 2 hoạt động trải nghiệm) và hoạt động trải nghiệm định kỳ. Hoạt động trải nghiệm thường xuyên được trình bày cụ thể trong sách giáo khoa với nội dung và gợi ý hoạt động rõ ràng. Giáo viên căn cứ vào sách giáo khoa và các điều kiện tổ chức để thiết kế kế hoạch và thực hiện tiết dạy đạt yêu cầu. Hướng dẫn thiết kế kế hoạch cho giáo viên trong nhà trường hỗ trợ đắc lực cho giáo viên khi tổ chức tiết học này, thậm chí trên nhiều diễn đàn, website, fanpage có nhiều bộ giáo án được giáo viên chia sẻ cho đồng nghiệp, đây là nguồn tư liệu quý cho giáo viên tham khảo trong quá trình tổ chức tiết 2.

Tuy nhiên, qua khảo sát tại một số trường Tiểu học, tác giả nhận thấy rằng có một số bất cập khi tổ chức tiết hoạt động trải nghiệm thường xuyên này. Cụ thể, một số giáo viên sử dụng tiết hoạt động trải nghiệm thường xuyên vào giảng dạy các nội dung môn học khác, tiết 2 hoạt động trải nghiệm được xem như là tiết nâng cao Toán, Tiếng Việt. Khi được hỏi rõ hơn về vấn đề này, giáo viên chia sẻ do nội dung các môn học chính còn quá tải , nội dung tiết 2 hoạt động trải nghiệm khá đơn giản nên họ sử dụng tiết này để phụ đạo, nâng cao kiến thức môn chính, các nội dung của hoạt động trải nghiệm thường xuyên sẽ được chuyển vào tiết sinh hoạt hoặc gom một chủ đề lại dạy trong một tiết để đảm bảo chương trình. Một số giáo viên khác cũng chia sẻ, do còn lúng túng trong thiết kế kế hoạch và ngại khó, ngại vất vả khi tổ chức hoạt động trải nghiệm nên họ cũng “không để ý đến tiết học này”. Đây là thực trạng đáng lo ngại đòi hỏi khâu quản lí chuyên môn của các đơn vị cần được thực hiện nghiêm túc và có trách nhiệm hơn.

          Hoạt động trải nghiệm định kỳ khi tổ chức trong trường tiểu học hiện nay cũng có nhiều vấn đề. Khác với tiết 1, 2, 3 của hoạt động trải nghiệm được quy định trong chương trình, hoạt động trải nghiệm định kỳ đang bị nhầm lẫn trong cách hiểu khi nhiều giáo viên, phụ huynh, nhà quản lí cho rằng đó là hoạt động ngoại khóa. Về vấn đề này chúng ta cần xem xét lại quan niệm về hoạt động động ngoại khóa trong giáo dục, đó là hoạt động nằm ngoài chương trình học, mang tính chất tự nguyện. Trong khi đó, hoạt động trải nghiệm định kỳ là một trong 4 loại hình tổ chức hoạt động trải nghiệm – hoạt động giáo dục bắt buộc. Hoạt động trải nghiệm định kỳ cũng cần logic với các chủ đề trải nghiệm đã tổ chức, nội dung giáo dục địa phương và điều kiện của môi trường giáo dục. Trên thực tế, trường Tiểu học căn cứ vào điều kiện nhà trường, nhu cầu của học sinh để xây dựng chương trình trải nghiệm thường xuyên, thông thường 1- 2 lần/ năm. Hoạt động này được nhà trường tổ chức vào dịp cuối tuần và ghi trong thông báo tới phụ huynh là “hoạt động bắt buộc”. Tuy nhiên, khi tổ chức hoạt động này, thời điểm, thời gian và quy đổi giờ dạy cũng chưa cụ thể. Nhiều giáo viên thắc mắc: ”một năm có 105 tiết hoạt động trải nghiệm bắt buộc trong chương trình, 2 đợt hoạt động trải nghiệm định kỳ, thường là dưới hình thức tham quan dã ngoại. Đề tổ chức chuyến đi đó cũng mất khoảng 5 – 10 giờ làm việc của giáo viên. Song số giờ đó tính vào đâu? tính như thế nào?”. Hiện nay một số trường vẫn chưa rõ ràng trong vấn đề này và thường giáo viên chủ nhiệm vẫn thực hiện hoạt động bắt buộc này trên tinh thần tự nguyện, hoạt động ngoại khóa.

          Câu lạc bộ trong các trường tiểu học đã được tổ chức và phát triển hoạt động trong nhiều năm nay. Các câu lạc bộ tập hợp học sinh có chung hứng thú, sở thích, mối quan tâm, năng khiếu về một lĩnh vực nào đó do nhà trường quản lý. Vì vậy các câu lạc bộ chủ yếu phục vụ thực hiện mục tiêu môn học như: câu lạc bộ tiếng Anh phục vụ cho mục tiêu môn tiếng Anh, Câu lạc bộ Toán phục vụ mục tiêu giáo dục môn Toán… Tuy nhiên, bản chất của câu lạc bộ được tổ chức trong chương trình hoạt động trải nghiệm đó là những câu lạc bộ phục vụ trực tiếp cho giáo dục nhân cách học sinh qua trải nghiệm, sử dụng kiến thức, kỹ năng từ các môn học để phục vụ cho mục tiêu giáo dục mà hoạt động trải nghiệm đặt ra. Bởi vậy, câu lạc bộ trải nghiệm có tên gọi và nội dung hoạt động khá mới mẻ so với các câu lạc bộ truyển thồng như: câu lạc bộ hát Xoan, Câu lạc bộ làm gốm, Câu lạc bộ kĩ năng sống… Hiện nay, tại các trường Tiểu học, hầu hết câu lạc bộ vẫn nhằm phục vụ mục tiêu các môn học là chính, các câu lạc bộ trải nghiệm còn ít và hoạt động lẻ tẻ, chưa tạo được liên kết với các hoạt động trải nghiệm trong trường. Cá biệt có những trường Tiểu học, câu lạc bộ tiếp tục trở thành các “lớp nâng cao”, “lớp phụ đạo” kiến thức cho các môn học chính.

          Từ những phân tích trên, có thể thấy rằng, tổ chức hoạt động trải nghiệm trong trường Tiểu học hiện nay còn nhiều khó khăn, vướng mắc, tinh thần đổi mới trong nội dung chương trình chưa được thực hiện triệt để, chất lượng môn học chưa cao đòi hỏi phải có những biện pháp khắc phục kịp thời.

3. Biện pháp nâng cao chất lượng tổ chức hoạt động trải nghiệm trong trường Tiểu học.

          Trên cơ sở khoa học và nguyên tắc xây dựng chương trình, căn cứ vào những vấn đề lí luận và thực tiễn khó khăn khi tổ chức hoạt động trải nghiệm trong trường Tiểu học, tác giả đề xuất một số biện pháp sau đây hướng vào ba lực lượng giáo dục, trong đó lực lượng chính là giáo viên Tiểu học nhằm khắc phục những khó khăn khi tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động trải nghiệm trong trường Tiểu học.

Biện pháp 1: Nâng cao nhận thức cho giáo viên về tổ chức hoạt động động trải nghiệm.

Đây là biện pháp mang tính nền tảng và quan trọng nhất giúp nâng cao hiệu quả tổ chức hoạt động trải nghiệm. Bởi chỉ khi có kiến thức đầy đủ về lí luận tổ chức hoạt động, giáo viên mới lựa chọn, thiết kế và tổ chức hoạt động này đúng với tinh thần và bản chất của nó. Biện pháp này được thực hiện thông qua tổ chức các lớp tập huấn chuyên môn, tọa đàm, hội thảo khoa học về tổ chức hoạt động trải nghiệm trong trường Tiểu học cho giáo viên. Thành phần giáo viên tham dự phải đích danh những giáo viên trực tiếp tổ chức hoạt động trải nghiệm như: giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, Tổng phụ trách. Khi trách nhiệm tham gia nâng cao trình độ chuyên môn đã quy về cụ thể từng cá nhân, nhất là những cá nhân trực tiếp thực hiện công việc sẽ kích thích họ tích cực tham gia, nắm rõ mục tiêu, đặc điểm, nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức và đánh giá hoạt động trải nghiệm. Các hoạt động này cũng là cơ hội để giáo viên trao đổi kiến thức chuyên môn, chia sẻ kinh nghiệm và đặt nền móng vững chắc cho khâu tổ chức. Như vậy sẽ giải quyết được vấn đề các loại hình tổ chức hoạt động trải nghiệm đang tổ chức kiểu “bình mới rượu cũ” như hiện nay.

Biện pháp 2: Xây dựng kênh thông tin giúp giáo viên dễ dành trao đổi thắc mắc, khó khăn và học hỏi kinh nghiệm về tổ chức hoạt động trải nghiệm lẫn nhau.

Thành lập trang fanpage “Tổ chức hoạt động trong trường Tiểu học”, chia sẻ tài liệu về môn học, video tổ chức các loại hình trải nghiệm, các mẫu kế hoạch, các nội dung trải nghiệm… Fanpage tập hợp đội ngũ chuyên gia đào tạo giáo viên Tiểu học tổ chức hoạt động trải nghiệm, giáo viên tiểu học trực tiếp giảng dạy bộ môn, cán bộ phụ trách Đoàn – Đội, phụ huynh và các lực lượng giáo dục xã hội quan tâm đến hoạt động này. Fanpage có chức năng trả lời trực tuyến những thắc mắc về môn học. Ngoài các bài đăng về kiến thức, sự kiện tổ chức trải nghiệm mỗi ngày, hàng tháng admin của fanpage tổ chức các buổi trực tiếp (talk shows, live treams) nhằm gặp gỡ và chia sẻ, giải đáp các khó khăn trong tổ chức hoạt động trải nghiệm một cách trực diện. Sau một thời gian hoạt động, fanpage đã trở thành nguồn cung cấp thông tin tin cậy và nhanh chóng cho đông đảo giáo viên tiểu học.

Biện pháp 3: Tạo lập và củng cố liên kết giữa 3 lực lượng giáo dục gia đình – nhà trường – xã hội.

Bên cạnh cung cấp và giải đáp các thắc mắc, fanpage cũng trở thành cầu nối giữa các lực lượng giáo dục trong tổ chức hoạt động trải nghiệm. Như đã phân tích ở trên, hoạt động trải nghiệm của học sinh tiểu học là hoạt động được tổ chức bởi đông đảo lực lượng tham gia, đầu tiên là giáo viên giảng dạy bộ môn, sau đó kể đến là giáo viên chủ nhiệm, cán bộ quản lý, Tổng phụ trách Đội, phụ huynh học sinh và các cá nhân, tổ chức xã hội tham gia vào hoạt động giáo dục trong nhà trường. Thành công của hoạt động trải nghiệm phụ thuộc vào sự phối hợp chặt chẽ, ăn ý giữa các lực lượng giáo dục – điều mà thực tế hiện nay tại các trường Tiểu học còn khá yếu. Giáo viên giảng dạy môn Hoạt động trải nghiệm cần chủ động và tận dụng mọi kênh thông tin liên lạc nhằm huy động các lực lượng khác cùng tham gia vào thực hiện và đáp ứng mục tiêu môn học. Các kênh thông tin có thể sử dụng như fange đã thành lập, các nhóm zalo, điện thoại liên lạc trực tiếp…

Biện pháp 4: Tăng cường công tác quản lý và khuyến khích giáo viên sáng tạo trong tổ chức hoạt động trải nghiệm.

Thực tế tổ chức hoạt động trải nghiệm ở trường Tiểu học hiện nay chưa hiệu quả, nhiều nơi giáo viên tổ chức qua loa hoặc thậm chí dùng thời lượng của môn học dành cho các hoạt động giáo dục khác một phần nguyên nhân là do khâu quản lý chuyên môn chưa chặt chẽ. Do đó, cán bộ quản lý giáo dục cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, kiểm tra, đôn đóc giáo viên thực hiện nghiêm túc nội dung chương trình môn học. Mặt khác, các hoạt động trải nghiệm muốn tổ chức một cách hấp dẫn và hiệu quả cần có sự đầu tư không nhỏ về thời gian, tâm sức và cả tài chính. Do đó, Ban giám hiệu nhà trường cần quan tâm động viên giáo viên cả về vật chất và tinh thần, có cơ chế khuyến kích và hỗ trợ giáo viên mạnh dạn lựa chọn và tổ chức các hoạt động trải nghiệm đa dạng. Có như vậy giáo viên mới có động lực để không ngừng tìm tòi, sáng tạo những nội dung và hoạt động mới mẻ.

Hoạt động trải nghiệm trong trường Tiểu học là hoạt động giáo dục bắt buộc, mang màu sắc mới mẻ, thể hiện rõ quan điểm giáo dục hiện đại theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực của người học. Để hoạt động này thật sự trở thành hoạt động giáo dục có ý nghĩa mật thiết, kết nối học sinh – nhà trường – xã hội, các lực lượng giáo dục mà trước hết là giáo viên trực tiếp giảng dạy môn học cần ý thức trong việc thực hiện, từ việc không ngừng nâng cao nhận thức đến mạnh dạn tổ chức các nội dung, từ tuân thủ chương trình sách giáo khoa đến linh hoạt phối hợp các lực lượng giáo dục. Với những biện pháp trên đây, tác giả kỳ vọng những khó khăn trong tổ chức hoạt động trải nghiệm trong trường tiểu học hiện nay sẽ được tháo gỡ, trong tương lai, mỗi giờ học, mỗi hoạt động trải nghiêm sẽ trở thành những cuộc phiêu lưu khám phá và trải nghiệm những điều thú vị, mới mẻ nhưng cũng rất gần gũi trong cuộc sống.

Ths. Nguyễn Thị Điệp

 Giảng viên Bộ môn Tâm lý - Giáo dục

Trường Đại học Hạ Long

Tài liệu tham khảo

1. Đinh Thị Kim Thoa (chủ biên) (2020), Hướng dẫn tổ chức hoạt động trải nghiệm theo chương trình giáo dục phổ thông mới (TIỂU HỌC), Nxb Đại học Sư phạm.

2. Cục nhà giáo và cán bộ quản lí cơ sở giáo dục, Bộ giáo dục và đào tạo (2018), Kĩ năng xây dựng và tổ chức các hoạt động trải nghiệm trong trường tiểu học, Nxb Đại học Sư phạm.

3. Nhóm tác giả bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống (2019), Sách giáo khoa Hoạt động trải nghiệm lớp 1, 2, 3, 4. Nxb Giáo dục Việt Nam.

4. Nhóm tác giả bộ sách Cánh diều (2019), Sách giáo khoa Hoạt động trải nghiệm lớp 1, 2, 3, 4. Nxb Đại học Sư phạm TPHCM.

5. Nhóm tác giả bộ sách Chân trời sáng tạo (2019), Sách giáo khoa Hoạt động trải nghiệm lớp 1, 2, 3, 4. Nxb Giáo dục.

6. Nguyễn Thị Điệp (2024), Biện pháp nâng cao chất lương tổ chức hoạt động trải nghiệm trong trường Tiểu học, đề tài nghiên cứu khoa học.

...
  • Tags: