Vấn đề hoạch định và thực hiện Chính sách công ở Việt Nam

Trong quá trình thực hiện vai trò, chức năng quản lý, điều hành xã hội, Nhà nước đã xây dựng, hoạch định và ban hành nhiều chính sách công. Các chính sách công này cùng hệ thống chính sách, giải pháp toàn diện, đồng bộ khác đã phát huy giá trị, hiệu quả, góp phần vào những thành tựu tăng trưởng, phát triển kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội của đất nước. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, việc xây dựng và thực hiện Chính sách công vẫn còn những hạn chế, cần tập trung hoàn thiện cơ chế...

Chính sách công và những kết quả đạt được

Chính sách công là chính sách của nhà nước, ra đời, tồn tại và phát triển cùng với sự ra đời, tồn tại, phát triển của nhà nước. Chính sách công có vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, được thể hiện ở chỗ: Là công cụ hữu hiệu chủ yếu để nhà nước thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, duy trì sự tồn tại và phát triển của nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ người dân. Ngoài vai trò cơ bản này, chính sách công còn có một số vai trò cụ thể, bao gồm: Định hướng mục tiêu cho các chủ thể tham gia hoạt động kinh tế - xã hội; tạo động lực cho các đối tượng tham gia hoạt động kinh tế - xã hội theo mục tiêu chung; phát huy mặt tích cực, đồng thời khắc phục những hạn chế của nền kinh tế thị trường; tạo lập các cân đối trong phát triển; kiểm soát và phân bổ các nguồn lực trong xã hội; tạo môi trường thích hợp cho các hoạt động kinh tế - xã hội; thúc đẩy sự phối hợp hoạt động giữa các cấp, các ngành.

Các yếu tố chủ yếu ảnh hưởng đến hiệu quả thực thi chính sách công tất nhiên đều xoay quanh vấn đề chính sách; bao gồm: Tính chất của vấn đề chính sách; tính đúng đắn và cụ thể của chính sách; nguồn lực thực thi chính sách; sự tương tác, trao đổi và phối hợp giữa các cơ quan và cá nhân trong thực thi chính sách; sự tiếp nhận và ủng hộ của đối tượng chính sách; phẩm chất và năng lực của những người thực thi chính sách; tổ chức bộ máy và cơ chế vận hành của cơ quan thực thi chính sách;  môi trường kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội. 

Từ các quan niệm trên, chính sách công có thể được nhìn nhận từ ba góc độ: (1) Là một chính sách của nhà nước, của chính phủ (do nhà nước, do chính phủ đưa ra), là một bộ phận thuộc chính sách kinh tế và chính sách nói chung của nhà nước. (2) Về mặt kinh tế, chính sách công phản ánh và thể hiện hoạt động cũng như quản lý đối với khu vực công, phản ánh việc đảm bảo hàng hóa, dịch vụ công cộng cho nền kinh tế. (3) Là một công cụ quản lý của nhà nước, được nhà nước sử dụng để khuyến khích việc sản xuất, đảm bảo hàng hóa, dịch vụ công cho nền kinh tế, khuyến khích cả với khu vực công và khu vực tư; để quản lý nguồn lực công một cách hiệu quả, hiệu lực, thiết thực đối với cả kinh tế, chính trị, xã hội, môi trường, cả trong ngắn hạn lẫn trong dài hạn…

Trong quá trình thực hiện vai trò, chức năng quản lý, điều hành xã hội, Nhà nước ta đã xây dựng, hoạch định và ban hành nhiều chính sách công. Các chính sách công này cùng hệ thống chính sách, giải pháp toàn diện, đồng bộ khác đã phát huy giá trị, hiệu quả, góp phần vào những thành tựu tăng trưởng, phát triển kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội của đất nước. Hiện chúng ta đã và đang tập trung vào việc hoàn thiện cơ chế, chính sách để nâng cao hiệu quả quản lý và thực hiện chính sách công.

Những năm gần đây, các bộ ngành và chính quyền địa phương trong nước đã kịp thời cụ thể hóa các chủ trương đường lối, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Đảng thành các chính sách cụ thể; ban hành và tổ chức thực hiện thành công nhiều chính sách trúng và đúng. Nhờ đó, kinh tế - xã hội của đất nước ta phát triển ngày một bền vững; nước ta đã ra khỏi tình trạng kém phát triển, bước vào nhóm các nước đang phát triển có thu nhập trung bình thấp và hoàn thành nhiều Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ; đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể; vị thế nước ta trên trường quốc tế ngày được nâng cao.

Một số hạn chế, bất cập trong thực hiện chính sách công

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, trong hoạch định và thực hiện chính sách công vẫn còn một số bất cập, hạn chế dẫn đến hiệu quả chưa cao, nhất là các chính sách đầu tư phát triển kinh tế; như: (1) Yếu tố chủ quan vẫn chi phối đối với hoạt động hoạch định chính sách, chưa đạt được tính tham gia và đóng góp đầy đủ của các bên liên quan, bao gồm các chuyên gia, doanh nghiệp, tổ chức xã hội và người dân. Điều này có thể dẫn đến sự thiếu động lực và hiệu quả của các chính sách công. (2) Năng lực dự báo của nhà hoạch định chính sách còn nhiều hạn chế, do thiếu dữ liệu và thông tin cần thiết. (3) Công tác hoạch định chính sách công còn chưa đạt được định hướng dài hạn, đồng thời còn phụ thuộc nhiều vào những tình huống ngắn hạn, khó khăn và áp lực từ thực tiễn, dẫn đến sự thiếu ổn định và không bền vững của các chính sách. (4) Công tác hoạch định chính sách công ở Việt Nam vẫn chưa đạt được tính nhất quán và đồng bộ trong việc quy hoạch, thiết kế và triển khai chính sách công.

Hạn chế, bất cập nêu trên cũng là điều dễ hiểu. Bởi trên thực tế, Chính sách công vẫn là vấn đề khá mới ở nước ta, vì trước đây vẫn có quan niệm về tài sản công, sử dụng nguồn lực công, nhưng theo quan niệm, theo nhận thức công hữu, sở hữu công cộng, của chung đất nước, của toàn dân. Việc nhận thức về chính sách công theo quan niệm mới, hiện đại là chưa đầy đủ nên trên thực tế việc tổ chức thực thi chính sách và công tác quản lý vẫn còn một số mặt yếu kém, lãng phí. Trong điều kiện như vậy, việc nghiên cứu chính sách công ở Việt Nam cần đặt trong bối cảnh đang trong quá trình chuyển đổi, vừa xóa cái cũ, vừa tiếp thu cái mới, tính đan xen giữa cơ hội và thách thức như một tất yếu, có thành, có bại, do đó phải có niềm tin, có định hướng cơ bản trong quá trình tổ chức nghiên cứu. Đồng thời, cần phải có cách tiếp cận hệ thống một cách cơ bản trong việc tổ chức nghiên cứu, đào tạo, thu hút chuyên gia về chính sách công; hợp tác quốc tế với các trung tâm, các viện nghiên cứu ở các nước về lĩnh vực chính sách công, nhất là với các nước phát triển để lĩnh vực này được đẩy nhanh và nâng cao tính chuyên nghiệp.

Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạch định và thực hiện chính sách công  hiện nay

Hoạch định chính sách khoa học, phù hợp, dựa trên cơ sở lý luận, thực tiễn, phản ánh và đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của xã hội là điều rất quan trọng, là tiền đề để chính sách đó đi vào cuộc sống, phát huy giá trị và mang lại hiệu quả cao. Ngược lại, sẽ gây những tổn hại, thậm chí hậu quả tiêu cực trong quá trình quản lý, điều hành các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội.  Vì vậy, việc tìm ra các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạch định chính sách công là vấn đề cấp thiết hiện nay ở nước ta.

Trước tiên, cơ quan chịu trách nhiệm hoạch định chính sách công cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng về vấn đề định hướng chính sách. Đó là cơ sở quan trọng để đưa ra các giải pháp hiệu quả. Nhà nước cần tăng cường đầu tư ngân sách để thực hiện các nghiên cứu chuyên sâu về vấn đề này.

Mặt khác, không ngại việc tăng cường phản biện xã hội và tham khảo ý kiến từ các chuyên gia, đại diện của các tầng lớp xã hội. Điều đó sẽ giúp cho các quyết định chính sách được đưa ra đầy đủ và phù hợp hơn với thực tiễn. Bên cạnh đó, nên tăng cường sự tham gia của công dân vào quá trình hoạch định chính sách nhằm giúp bảo đảm tính minh bạch và đáp ứng các yêu cầu thực tiễn.

Giải pháp tiếp theo là áp dụng công nghệ thông tin vào hoạch định chính sách nhằm giúp cho việc thu thập, xử lý và phân tích thông tin được nhanh chóng và chính xác hơn. Đây là giải pháp hữu hiệu để giải quyết vấn đề thiếu dữ liệu và thông tin trong quá trình hoạch định chính sách hiện nay.

Thứ năm, cần tạo mối liên hệ thường xuyên, liên tục giữa các cơ quan chính quyền và các doanh nghiệp để tạo điều kiện cho các cơ quan chính quyền hiểu rõ hơn về hoạt động của các doanh nghiệp và đưa ra các chính sách hỗ trợ phù hợp.

Thứ sáu, cần kiểm tra và đánh giá kết quả của các chính sách đã đưa ra để phát hiện và sửa chữa các sai sót, từ đó đưa ra các chính sách mới có tính hiệu quả hơn.

Giải pháp cuối cùng là Nhà nước cần đầu tư vào các chương trình đào tạo và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức và các cơ quan chính quyền phục vụ công tác hoạch định chính sách.

Cùng với những giải pháp nêu trên, để nâng cao hiệu quả thực thi chính sách công, điều phải chú trọng là phải nâng cao chất lượng chính sách; nâng cao hiệu quả thực thi chính sách trên cơ sở đảm bảo nguồn lực đủ mức cho thực thi chính sách; tăng cường sự tương tác và phối hợp trong thực thi chính sách; nâng cao phẩm chất và năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức thực thi chính sách; coi trọng xây dựng tổ chức bộ máy hành chính tinh gọn, có cơ chế vận hành phù hợp.

Cần thêm một lần nữa nhấn mạnh một yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của Chính sách công, đó là Năng lực xây dựng chính sách công, nghĩa là năng lực xây dựng chính sách của đội ngũ cán bộ, công chức. Nói một cách khác, năng lực xây dựng chính sách của đội ngũ cán bộ, công chức tham gia xây dựng chính sách quyết định chất lượng, hiệu quả của chính sách. Do đó, muốn nâng cao chất lượng, hiệu quả của chính sách thì cần phải nâng cao năng lực xây dựng chính sách của đội ngũ cán bộ, công chức tham gia xây dựng chính sách. Năng lực xây dựng chính sách là kiến thức, kỹ năng, thái độ của đội ngũ cán bộ, công chức tham gia xây dựng chính sách; là khả năng tham mưu, tham gia xây dựng chính sách của đội ngũ cán bộ, công chức./.

TS. Hoàng Tiến Trung

...
  • Tags: